Điểm đến
Du lịch

Đừng bỏ qua những sự kiện - lễ hội hàng năm khi đến thăm Sendai

Mục lục
1. Tháng 1 - Lễ hội Donto ở đền thờ Osaki Hachimangu
2. Tháng 5 rực rỡ với lễ hội Aoba
3. "Lễ hội sao" Tanabata vào tháng 8
4. Tháng 9 với lễ hội nhạc Jazz đường phố Jozenji
5. Lễ hội Yosakoi Michinoku vào tháng 10
6. Tháng 12 với lễ hội ánh sáng Sendai Pageant of Starlight



Sendai là thủ phủ của tỉnh Miyagi, cũng là thành phố lớn nhất của vùng đông bắc Nhật Bản, nổi tiếng với không chỉ vẻ hiện đại mà còn là sự hòa quyện tuyệt vời của những nét đẹp cổ điển, truyền thống vẫn được lưu giữ ở nơi đây. Nhắc tới Sendai, chúng ta không chỉ nhắc tới những địa danh du lịch độc đáo, một thành phố chan hòa cùng thiên nhiên mà còn phải nói tới những lễ hội nổi tiếng. Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu hàng loạt các sự kiện nổi bật hằng năm ấy và khám phá xem ý nghĩa đằng sau chúng là gì nhé!



1. Tháng 1 - Lễ hội Donto ở đền thờ Osaki Hachimangu

Mở đầu cho một năm là lễ hội Donto được diễn ra tại đền thờ Osaki Hachimangu - là đền thờ có kiến trúc duy nhất thời Azuchi Momoyama còn sót lại và được công nhận là tòa nhà quốc bảo của đất nước. Đền Osaki Hachimangu thờ thiên hoàng Ojin, thiên hoàng Chuai, hoàng hậu Jingu, và được cho là ngôi đền linh thiêng có thể giúp loại trừ những điều xui xẻo, mang đến may mắn, hạnh phúc, thắng lợi.



Trong những lễ hội tổ chức tại Osaki Hachimangu, nổi tiếng nhất vẫn là Matsutaki-matsuri diễn ra vào 14 ~ 15 tháng 1 hàng năm. Lễ hội này còn được gọi là lễ hội Donto, với các nghi lễ như tiến hành trang trí cho năm mới và đốt Osatsu của năm cũ đi với ý nghĩa xua tan những điều xui xẻo của năm trước và cầu chúc cho một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc đến với gia đình.


Với bề dày 300 năm lịch sử, đây là một lễ hội đón năm mới nổi tiếng nhất và có quy mô lớn nhất tại Sendai. Nổi bật nhất phải nói tới nghi lễ "Hadaka-mairi" nhằm tôn sùng thần lửa. Một ngọn lửa lớn sẽ được đốt ngay tại sân đền, mọi người sẽ cùng đi vòng quanh ngọn lửa thiêng trong khi các nhà sư tiến hành làm lễ cúng. Hàng năm từ các địa phương trong thành phố Sendai, hàng nghìn người quấn băng trắng quanh đầu và bụng, miệng ngậm một miếng giấy trắng, tay phải cầm chuông, tay trái cầm đèn lồng đến tham dự lễ hội. Và đây được xem là một nét văn hóa đặc trưng vào mùa đông của vùng Sendai.


2. Tháng 5 rực rỡ với lễ hội Aoba

Một trong ba lễ hội lớn nhất tại Sendai, quy tụ những màn diễu hành quy mô và đầy màu sắc nhất -  lễ hội Aoba hay còn được người dân nơi đây gọi với cái tên thân thương là lễ hội mùa hè. Aoba diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật thứ ba của tháng năm, quy tụ khoảng 5.000 người biểu diễn và tham gia vào đoàn diễu hành.


Aoba có nguồn gốc từ thời Edo, diễn ra lần đầu tiên vào năm 1655. Mỗi năm có đến 70 nhóm diễu hành từ tòa lâu đài cho tới đường phố chính tại Sendai. Do điều kiện giao thông nên lễ hội tạm dừng trong năm 1970 và đến năm 1985, để kỷ niệm năm 350 năm ngày mất của Date Masamune - hay còn gọi là Độc Nhãn Long, một trong những lãnh chúa vĩ đại nhất thế kỷ thứ 16, lễ hội đã được khôi phục lại.


Vào thứ bảy, đêm trước của lễ hội được gọi là "Yoi Matsuri", bắt đầu từ 10:00 - 20:15, nhiều nhóm thi đấu và biểu diễn múa gọi là "Sendai Suzume Odori" biểu diễn tại các địa điểm như Shimin Hiroba, công viên Moto Kajicho và các khu vực trung tâm khác trong thành phố Sendai. Tên của điệu múa là điệu chim sẻ nhảy, xuất phát từ hoạt động của những chú chim sẻ nhặt thức ăn.


Vào sáng chủ nhật, cũng chính là ngày lễ hội chính thức bắt đầu, gọi là "Hon Matsuri" với một cuộc diễu hành quy mô lớn của những chiếc kiệu mikoshi, di chuyển từ đền Aoba-jinja diễu hành xuống đường Ichibancho, Higashi-Nibancho và Jozenji. Khoảng 3.000 vũ công tham gia lễ diễu hành và sau đó các chiến binh samurai sẽ tuyên bố sự hiện diện của họ bằng cách bắn súng đá lửa. Những samurai dũng mãnh chính là những chiến binh bảo vệ cho gia tộc, lãnh thổ sẽ diễu hành trong những bộ áo giáp sắt hoặc cưỡi trên lưng ngựa.


3. "Lễ hội sao" Tanabata vào tháng 8

Nghe thì có vẻ lạ, nhưng thực chất đây lại là lễ hội khá quen thuộc với người dân Châu Á, bởi lẽ nguồn gốc của lễ hội Tanabata Nhật Bản lại bắt nguồn từ lễ Thất Tịch truyền thống của Trung Quốc vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ câu chuyện tình của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ. Do bị sự trừng phạt của các vị thần mà hai người phải chịu cảnh chia cắt, mỗi người ở hai bên đầu sông và mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày bảy tháng bảy.            


Từ thời Heian (784-1185), các nữ quý tộc trong cung đình đã kết hợp Kikkoden với truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ để tổ chức một ngày hội cúng sao với mong ước trở thành những người phụ nữ khéo léo cả nữ công gia chánh lẫn trong lĩnh vực nghệ thuật và thư pháp. Từ đó, tuy tên gọi của lễ hội được viết theo chữ Hán là "Thất tịch" nhưng với ý nghĩa đề cao tính bản địa, lễ hội được gọi là "Tanabata" đồng âm với từ "Khung cửi" của các cô gái dệt lụa trong truyền thuyết Nhật Bản. Vì vậy, Tanabata được tổ chức hàng năm từ ngày 6/8 tới 8/8.



©photo-ac.com


Theo truyền thống, mọi người thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên các cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Một trong những biểu tượng đáng nhớ của Tanabata ở Sendai là những cột giấy Fukinagashi (吹き流し) với năm màu sắc sặc sỡ được ví như những sợi chỉ may vá của nàng Chức Nữ. Với độ cao trung bình từ 5 - 6m, Fukinagashi là một trong bảy vật trang trí được xem như một tín vật mang lời cầu nguyện của mọi người đến với tổ tiên và thần linh. Vào ngày lễ hội, du khách đến với Sendai không chỉ thích thú với những cột Fukinagashi vui mắt mà còn cảm thấy rộn ràng bởi những tiếng xào xạc của những cột giấy này đung đưa theo làn gió mùa hè. Màu sắc chủ đạo để trang trí vào ngày lễ Tanabata theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng, vàng, trắng, đen.



©photo-ac.com


Hàng năm, có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với Sendai trong dịp Tanabata. Với những ảnh hưởng của Phật giáo, người Nhật quan niệm Tanabata không chỉ như là một dịp vui chơi trong những ngày hè mà còn xem đó là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã qua đời vì thiên tai cũng như hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Tanabata cũng là bước chuẩn bị cho một lễ hội Phật giáo quan trọng khác cũng được tổ chức trong tháng 8 là lễ Obon.


Tại công viên Kotodai và quảng trường trung tâm, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa lễ hội rực rỡ sắc màu của Sendai, đường phố rộn ràng, tấp nập, không khí vui vẻ, náo nhiệt kéo dài cả ngày lẫn đêm. Vào ngày 5/8, tức là trước ngày lễ hội diễn ra, một màn pháo hoa thắp sáng cả bầu trời về đêm với 16.000 quả pháo như đang báo hiệu một mùa lễ hội Tanabata sẽ bắt đầu.


4. Tháng 9 với lễ hội nhạc Jazz đường phố Jozenji

Nếu du khách là người yêu thích âm nhạc và không thể kiềm lòng để lắc lư hay nhún nhảy theo những điệu nhạc, để âm nhạc chạm tới tâm hồn mình thì lễ hội nhạc Jazz tháng 9 này chính là nơi dành cho bạn. Đây là một lễ hội âm nhạc có quy mô lớn được tổ chức tại Sendai và diễn ra trong dịp cuối tuần của tuần lễ thứ hai của tháng 9. Chỉ trong vòng hai ngày thôi mà nơi đây đã thu hút hơn 700 nghìn lượt du khách tới tham quan và thưởng thức.


Không chỉ chào đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan mà lễ hội còn là nơi quy tụ của hơn 700 nhóm nhạc và ca sĩ nổi tiếng, biểu diễn liên tiếp tại hơn 100 sân khấu lớn nhỏ trong thành phố Sendai. Nhưng có lẽ đặc biệt và nổi bật hơn cả vẫn là bữa tiệc âm nhạc Jazz trên đường phố Jozenji. Không chỉ được thưởng thức những màn biểu nhạc Jazz tiết tấu mà du khách còn có cơ hội thưởng thức những màn trình diễn nhạc rock,ska và Latin sôi động.


Trong lúc bữa tiệc âm nhạc đang diễn ra thì chúng ta cũng không thể bỏ lỡ những khu chợ sầm uất, những khu chợ đêm, các quầy ẩm thực đường phố với hương thơm mà khó có thể cưỡng lại được. Đâu đó trong khu chợ lại có những người nghệ sĩ tự do, vừa đàn vừa hát và biểu diễn ngay tại đường phố.


5. Lễ hội Yosakoi Michinoku vào tháng 10

Một lễ hội được coi là lễ hội đặc trưng của mùa thu nơi đây - Lễ hội Yosakoi Michinoku. Được diễn ra hàng năm vào các ngày thứ bảy và chủ nhật trong nửa đầu tháng 10 tại Sendai, chủ yếu tại công viên Kotodai và đại lộ Jozenji Dori.


Yosakoi là một điệu múa truyền thống hiện đại của Nhật Bản ra đời vào năm 1954. Mỗi mùa lễ hội quy tụ số lượng vũ công, nghệ sĩ, biên đạo múa đa dạng và phong phú từ độ tuổi, kinh nghiệm sân khấu, từ những vũ công tự do cho tới những người chuyên nghiệp. Du khách sẽ không thể bỏ lỡ những phần trình diễn mãn nhãn và độc đáo, sự công phu trong từng chi tiết.



Mỗi tiết mục lại để lại cho chúng ta một cảm giác khác nhau, khi thì hào hùng, khi thì thướt tha, nhẹ nhàng, khi thì sâu lắng. Từng vũ công, từng nghệ sĩ đã cố gắng truyền tải những thông điệp ý nghĩa nhất, thể hiện những nét đẹp văn hóa, của dân tộc qua ngôn ngữ hình thể và các động tác múa uyển chuyển, điêu luyện thông qua những bộ trang phục truyền thống và chất liệu dân gian đương đại.


6. Tháng 12 với lễ hội ánh sáng Sendai Pageant of Starlight

Để kết thúc một năm và cũng là đánh dấu cho một mùa đông băng giá, chúng ta sẽ có cơ hội thưởng thức không gian của lễ hội ánh sáng ngọt ngào và đầy sắc màu - Sendai Pageant of Starlight.


Con đường ánh sáng kỳ diệu này thực chất đã bắt nguồn từ những năm 1985 và ngày nay thì chúng nổi tiếng khắp cả nước khi được ví như một lễ hội ánh sáng của mùa đông ngoạn mục nhất đất nước mặt trời mọc.



©Flickr


Chúng ta sẽ cùng dạo bước trên con đường tràn ngập ánh sáng với hơn 600.000 ngọn đèn được treo khắp hàng cây zelkova trên đại lộ Jozenji Dori. Không những vậy, vì là đang trong mùa đông giá lạnh nên những bông tuyết trắng tinh khôi càng tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh, huyền ảo và kỳ bí của nơi đây, khiến chúng ta liên tưởng tới một khung cảnh rực rỡ trong những quả cầu tuyết vậy.


Chúng ta sẽ ghé qua công viên Kotodai để chiêm ngưỡng những tác phẩm ánh sáng với đủ các hình dáng khác nhau như cây thông noel khổng lồ, chuyến tàu xe lửa rực rỡ, … Đặc biệt nhất có lẽ là vào những đêm Noel, cả thành phố như tràn ngập niềm hạnh phúc, rạng rỡ, sự sôi động và náo nhiệt nhất.



©Flickr


Màn trình diễn ánh sáng được mong chờ nhất của mọi du khách đó chính là “Khoảnh khắc ánh sáng”, vào ba lần mỗi buổi tối, cả thành phố sẽ chìm trong bóng đêm trong khoảng thời gian 1 phút, khi 600.000 ánh đèn được tắt trong giây lát. Để rồi khi lần lượt các ánh đèn nhấp nháy được hiện lên, cả thành phố như được thắp sáng thêm một lần nữa, chìm vào không gian huyền ảo như trong những câu chuyện cổ tích vậy.



Vậy là chúng ta đã khám phá xong các hoạt động, các không gian văn hóa và lễ hội độc đáo của thành phố Sendai trong suốt bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Bạn đã chọn được cho mình lễ hội yêu thích nào chưa? Điều gì làm bạn ấn tượng nhất với những không gian văn hóa như vậy? Hãy tự mình trải nghiệm và dành khoảng thời gian tuyệt đẹp này bên cạnh người thân, bạn bè của chúng ta để cùng sẻ chia những khoảnh khắc tuyệt vời nhất nhé!


Bài viết liên quan