Điểm đến
Du lịch

Một chuyến phượt ngắn ngày trên đảo thỏ ở Hiroshima vào dịp cuối tuần

Mục lục
1. Từ "đảo khí độc" đến "đảo thỏ"
2. Cùng lên đường đến hòn đảo của những chú thỏ
3. Dạo chơi trên đảo
4. Nghỉ ngơi, thưởng thức đồ ăn và mua quà lưu niệm ở đây
5. Ngược dòng thời gian: Tham quan thị trấn Takehara


Nếu là người yêu thích và dành tình cảm cho đất nước mặt trời mọc, chắc hẳn bạn đã nghe qua cụm từ đảo mèo hoặc đảo thỏ. Liệu bạn có đang thắc mắc rằng có lẽ nào hòn đảo đó lại là nơi nuôi dưỡng một số lượng lớn các loài động vật đặc trưng đúng như tên gọi của nó hay không? Để tìm ra đáp án cho câu hỏi này, tại sao chúng ta không tự mình khám phá bằng cách ghé thăm ngay Hiroshima - nơi mệnh danh là đảo thỏ ngay trong dịp cuối tuần này. Và liệu rằng ngoài việc vui chơi, nhìn ngắm những chú thỏ thì còn có điều gì thu hút ở nơi đây không?



1. Từ "đảo khí độc" đến "đảo thỏ"

Đảo thỏ, hay còn gọi là đảo Okunoshima, nằm ở tỉnh Hiroshima của Nhật Bản. Có thể bạn vẫn chưa biết hòn đảo bình yên và nguyên xơ này đã trải qua một quá khứ đau thương và được biết đến cái tên “đảo khí độc”. Trong thế kỷ thứ 19, đảo Okunoshima là một căn cứ quân sự quan trọng, với nhiệm vụ bảo vệ khu vực xung quanh biển nội địa Seto. Năm 1929, quân đội Nhật Bản đã cho xây dựng một cơ sở bí mật để nghiên cứu và sản xuất vũ khí hóa học ngay trên đảo để phục vụ cho thế chiến thứ hai. Việc sản xuất vũ khí hóa học cứ diễn ra cho tới năm 1945 thì mới kết thúc. Song, hệ quả mà nó để lại vô cùng nghiêm trọng, các khí độc không mùi, không màu, không vị nhưng khi tiếp xúc lại gây cay mắt, đau đầu, buồn nôn, và  hầu hết những người nghiên cứu trong chiến dịch lần đó đều bị nhiễm độc và thậm chí dẫn đến tàn tật. Sau đó, hòn đảo được sử dụng làm kho đạn cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên trước khi được bình hóa và trở về đúng với một hòn đảo sinh sống bình thường cho người dân và động vật nơi đây.




Sau khi hòa bình được lập lại, số lượng các cơ sở giải trí của Nhật Bản tăng lên nhanh chóng do định hướng phát triển nguồn du lịch mũi nhọn của đất nước. Vì vậy, một nơi vẫn giữ được những vẻ đẹp hoang sơ như đảo Okunoshima dần trở thành một xu hướng mới. Lý giải cho số lượng loài thỏ bùng nổ nhanh đến vậy có lẽ là do những chú thỏ đầu tiên được nuôi trong một trường tiểu học trên đảo đã được thả ra và dần dần chúng thích nghi với tự nhiên, sinh sôi và trở nên hoang dã hơn.


2. Cùng lên đường đến hòn đảo của những chú thỏ

Khi du khách di chuyển tới thị trấn ven biển Tadanoumi và Omishima, bạn phải di chuyển bằng phà trong vòng 20 phút thì mới tới được đảo thỏ - đây cũng là cách di chuyển phổ biến và nhanh nhất để đến với hòn đảo. Sẽ có những chuyến xe bus miễn phí làm nhiệm vụ đưa đón du khách từ bến phà đến trung tâm đảo, trong lúc này, bạn có thể dành một chút thời gian để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bên ngoài các ô cửa sổ, tận hưởng không khí trong lành và mát mẻ - những làn gió có thoang thoảng mùi hương của biển cả, của cỏ cây hoa lá, của núi rừng.




Vì diện tích của “đảo thỏ” khá nhỏ, trung bình chỉ mất từ 2 ~ 3 tiếng là chúng ta có thể khám phá toàn bộ mọi nơi trên đảo, nên phương tiện di chuyển thuận tiện nhất ngoài xe bus, xe điện ra thì còn có xe đạp. Nếu bạn có mang theo một ít hành lý và đồ dùng cá nhân thì cũng không thành vấn đề, hãy tìm ngay tới khu tủ đựng đồ công cộng, chỉ mất vài xu là chúng ta có thể yên tâm cất đồ đạc cá nhân trong những chiếc tủ khóa an toàn. Hãy đăng ký để tìm cho mình những chiếc xe đạp xinh xắn mà tiện dụng, để bạn có thể thong dong vừa đạp xe, vừa khám phá một vòng xung quanh hòn đảo một cách chủ động nhất. Hoặc, có một lựa chọn thú vị hơn là nếu bạn tự tin về độ dẻo dai và sức bền, tại sao bạn lại không đi bộ để khám phá đảo.




3. Dạo chơi trên đảo

Chắc hẳn hoạt động mà mọi người mong chờ nhất đó chính là được trực tiếp tiếp xúc với những chú thỏ xinh đẹp nơi đây, được cho chúng ăn, ngắm nhìn chúng chạy nhảy, đùa nghịch, thậm chí là ôm chúng vào lòng. Du khách hoàn toàn tự do và thoải mái cho những chú thỏ ăn vì số lượng thỏ ở đây khá lớn. Vậy chúng ta có thể tìm thấy đàn thỏ dễ dàng ở đâu nhất? Trên các bãi cỏ, tại nhà máy điện và kho chứa khí độc trên đảo bị bỏ hoang là nơi chúng sinh sống tập trung đông nhất. Một cảm giác khá bất ngờ khiến bạn cảm giác như mình lạc vào bối cảnh trong một bộ phim vậy. Chúng hoang sơ, mộc mạc, thậm chí có chút kỳ bí, gợi cho ta liên tưởng tới một Nhật Bản của thế kỷ trước.


Nếu bạn chưa thể chuẩn bị đồ ăn cho thỏ thì đừng lo lắng nhé, các cửa hàng trên đảo đều có bày bán các gói đồ ăn yêu thích dành cho loài động vật này, vì thế, chúng ta có thể dễ dàng tìm mua. Tuy nhiên, du khách nên lưu ý, tránh không cho thỏ ăn các đồ ngọt, bánh mì, tỏi tây, bơ,...


Một mẹo để du khách vừa có thể cho thỏ ăn, lại vừa “tranh thủ” chụp được những tấm hình đắt giá - bạn nên thái cà rốt thành các khúc hoặc que dài, sau đó chỉ việc chờ đợi để các chú thỏ đến “thưởng thức”. Trong lúc đó, bạn hãy nhanh tay chụp những khoảnh khắc gần gũi và chân thật nhất này nhé.




Trên đảo có đầy đủ các tiện ích giải trí như các bãi biển trong xanh, sân tennis, khu cắm trại, sân thể thao ngoài trời,... để mọi người có thể hòa mình cùng thiên nhiên lại vừa tham gia các hoạt động ngoài trời lý thú.




4. Nghỉ ngơi, thưởng thức đồ ăn và mua quà lưu niệm ở đây

Kyukamura là nhà trọ duy nhất trên đảo dành cho du khách dừng chân nghỉ ngơi hoặc thuê phòng qua đêm. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là nhà trọ mà không có đầy đủ tiện ích như các khách sạn khác nhé. Nhà trọ Kyukamura được xây dựng tại vị trí đắc địa, nơi mà du khách có thể phóng tầm mắt để đắm mình trong không gian thiên nhiên tuyệt đẹp, tạo điều kiện giúp du khách cảm nhận và tham gia trọn vẹn các hoạt động ngoài trời thay vì không gian khép kín như những nơi khác. Một cảm giác bình yên, sự chậm rãi mà bạn sẽ không thể tìm được ở cuộc sống đô thị hay lối sống nhanh hiện nay. Hãy thức dậy sớm hơn một chút để chào đón ánh bình minh đầu tiên trong ngày, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn, thấy yêu thương bản thân và gia đình nhiều hơn.


Usanchu Cafe là quán cà phê mà du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, tiếp sức với những món ăn nhẹ, nhâm nhi cốc cà phê hay các thức uống ngọt ngào khác. Có hai hương vị bánh mì nổi tiếng của quán bao gồm bánh mì chanh dây và phủ xi rô phong.


5. Ngược dòng thời gian: Tham quan thị trấn Takehara

Rời Okunoshima, đi phà trở lại cảng Takehara rồi đi bộ một đoạn ngắn 20 phút là chúng ta đến Khu Bảo tồn Thị trấn Takehara. Takehara được mệnh danh là “Tiểu Kyoto của Hiroshima” do khu lịch sử được bảo tồn tuyệt đẹp này là các dãy ngôi nhà truyền thống đích thực và nhà kho buôn bán có từ thời Edo.


Khi nắng chiều dần tàn, được đi tản bộ dọc theo thị trấn quả là một lựa chọn tuyệt vời. Ánh sáng dịu của hoàng hôn đang nhẹ nhàng chiếu xuống những ngôi nhà gỗ với mặt tiền bằng lưới và mái ngói bằng đất sét nung theo phong cách kawarabuki - khiến chúng ta liên tưởng đang dạo bước trên con phố trong thời đại của geisha và samurai.




Nếu du khách có dự định nghỉ qua đêm ở đây thì không có lựa chọn nào tốt hơn khách sạn Nipponia - nằm ở trung tâm thị trấn. Khách sạn mang phong cách theo lối kiến trúc cổ điển, với mục đích tạo cho du khách một không gian truyền thống nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi hiện đại, giúp mọi người trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống ngoại ô. Các cấu trúc của tòa nhà ban đầu được xây dựng vào năm 1902 và từng là một ngân hàng trong thời Minh Trị, song vẫn được giữ nguyên lối kiến trúc và cột, móng, cấu trúc, chỉ cải tạo và xây dựng thêm. Tất cả các phòng thậm chí còn đi kèm với một bồn tắm hinoki (cây bách) sang trọng.


-Trang web: https://www.sasayamastay.jp/en/


Xưởng thủ công tre Machinami Take Kubo nằm trong nhà kho của một thương gia đã được tu sửa lại ngay gần Honmachi-dori -  con phố chính của thị trấn. Tại đây, bạn có thể thử làm một số đồ thủ công truyền thống bằng tre và có cơ hội trò chuyện, làm quen với các chuyên gia, nghệ nhân thủ công đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề.


Nằm khuất dọc theo một trong những con hẻm nhỏ trong khu bảo tồn là Nhà máy rượu Sake Fujii Shuzo. Đây là nhà máy sản xuất nihonshu (rượu gạo Nhật Bản) chất lượng hàng đầu từ năm 1863, và đã giành được nhiều giải thưởng trong lịch sử 150 năm qua. Fujii Shuzo sử dụng các nguyên liệu địa phương tự nhiên như gạo trồng theo phương pháp hữu cơ và nước suối của thị trấn để làm rượu sake. Ngoài ra, chủ nhà máy còn có thể trực tiếp giới thiệu và thuyết trình bằng tiếng Anh để giải thích cẩn thận về phương pháp sản xuất bia kimoto-zukuri truyền thống mà họ sử dụng để sản xuất các sản phẩm đoạt giải thưởng chất lượng cao.


Trang web: http://www.fujiishuzou.com/


Bài viết liên quan