Học tiếng Nhật
Du học - Việc làm

Người Nhật nói xin lỗi như thế nào

©photo-ac.com


Mục lục
1. Lời xin lỗi của người Nhật từ góc độ văn hóa
2. Lời xin lỗi mang tính nghi thức (Formal)
3. Lời xin lỗi không mang tính nghi thức ( Informal)


Chúng ta đều đã biết, dù với bất kỳ nền văn hóa hay bất cứ quốc gia nào, khi làm sai hoặc phạm lỗi, lời xin lỗi luôn là điều cần thiết. Đặc biệt, với một quốc gia coi trọng tính kỷ luật và kỷ cương như Nhật Bản, xin lỗi không chỉ là lời nói mà chúng còn trở thành một văn hóa giao tiếp không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, ngay từ khi còn bé, những đứa trẻ Nhật Bản đã được bố mẹ và thầy cô giáo dục để học cách nói xin lỗi và xin lỗi sao cho đúng. Vậy ý nghĩa thực sự đằng sau nét văn hóa đặc biệt này là gì và có bao nhiêu cách để nói xin lỗi trong văn hóa Nhật? Chúng ta sẽ cùng giải đáp những thắc mắc đó trong bài viết lần này.



1. Lời xin lỗi của người Nhật từ góc độ văn hóa

Trong văn hóa của người Nhật, họ luôn quan niệm rằng: lời xin lỗi không đơn giản chỉ là một lời nói mà chúng còn thể hiện và phản ánh giá trị của một nền văn hóa cũng như phẩm chất của con người. Xin lỗi không chỉ là hành động nhận thức được cái sai mà còn thể hiện đức tính khiêm tốn, thái độ tích cực và cầu tiến, có ý thức trách nhiệm của mỗi người. Vì vậy, nhận thức được khi nào nên xin lỗi và xin lỗi như thế nào là một trong những điều cơ bản và quan trọng nhất trong văn hóa giao tiếp của người dân xứ sở Phù Tang.


©photo-ac.com


Một trong những giá trị quan trọng nhất của lời xin lỗi đó là tránh được những xung đột, giữ hòa khí và sự bình yên cho mọi người. Đây cũng là cách để người dân Nhật Bản thể hiện sự tôn trọng và lịch sự với nhau trong các mối quan hệ xã hội. Ở một vài trường hợp, xin lỗi còn thể hiện sự biết ơn hoặc cảm ơn đối với người khác. Điều này nghe có vẻ lạ lùng, đặc biệt là đối với các du khách đến từ Châu Âu - một nền văn hóa khá “rõ ràng” trong việc cảm ơn hoặc xin lỗi. Nhưng ở “đất nước mặt trời mọc”, khi bạn nhờ ai đó giúp đỡ hoặc nhận được sự giúp đỡ, bạn sẽ cảm thấy vừa biết ơn lại vừa có lỗi. Biết ơn là bởi vì chúng ta đã nhận được sự sẻ chia, lan tỏa lòng tốt của mọi người, còn cảm thấy có lỗi bởi lẽ chúng ta đã làm ảnh hưởng và làm mất thời gian, công sức của người khác. Chính trong tình huống này, lời xin lỗi chứ không phải lời cảm ơn sẽ thể hiện được đúng thái độ và cách hành xử của người dân Nhật Bản.


2. Lời xin lỗi mang tính nghi thức (Formal)

a. Tình huống xin lỗi

Những lời xin lỗi mang tính nghi thức thể hiện cấp độ lịch sự và sự trang trọng nhất trong số các lời nói xin lỗi. Chính vì vậy, chúng thường được sử dụng tại môi trường công sở hoặc các nơi công cộng như văn phòng làm việc, nhà hàng, các cửa hàng,... đặc biệt trong các ngành dịch vụ như: du lịch, ngân hàng, giao thông vận tải. Hoặc được dùng trong các mối quan hệ xã giao như quan hệ giữa nhân viên - quản lý/ sếp, khách hàng - nhân viên,...


b. Cấp độ xin lỗi: chung chung

Có rất nhiều cách nói xin lỗi mang tính nghi thức được sử dụng phổ biến trong văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là ở cấp độ chung chung. Chúng ta hãy cùng khám phá và giải mã ý nghĩa của từng cách nói sao cho đúng và các trường hợp cụ thể để sử dụng chúng.


Cử chỉ khi xin lỗi: Những cử chỉ và điệu bộ đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong việc biểu đạt lời xin lỗi, thể hiện sự thành thật, trân trọng và thái độ lịch sự của người nói. Theo văn hóa Nhật Bản, những cử chỉ phổ biến nhất khi biểu đạt lời xin lỗi mang tính nghi thức bao gồm tư thế đứng và cách đặt bàn tay sao cho đúng. Thông thường, chúng ta sẽ đứng thẳng nhưng đầu lại hơi nghiêng xuống như khi cúi đầu để thể hiện sự thấu hiểu và nhận lỗi. Hai tay có thể để thẳng theo thân mình hoặc đặt úp ở phần bụng dưới.


©pakutaso.com


Lời nói khi xin lỗi: Tùy theo từng hoàn cảnh và mức độ khác nhau mà chúng ta sử dụng những từ và cụm từ biểu đạt lời xin lỗi cũng khác nhau. Ở cấp độ chung chung thông thường, sẽ có 3 cách phổ biến nhất để nói lời xin lỗi, bao gồm:

       - Sumimasen ( すみません): Đây là cách nói xin lỗi phổ biến và thông dụng nhất được sử dụng ở Nhật Bản. Bạn sẽ thường xuyên nghe thấy cụm từ này ở rất nhiều nơi công cộng như trạm xe bus, tàu điện ngầm, trong nhà hàng, … Sumimasen có nghĩa tương đương với cụm từ “I’m sorry” hoặc “Excuse me” trong tiếng anh. Vì vậy, chúng thường được sử dụng khi mọi người mắc những lỗi nhỏ, không quá nghiêm trọng với ý nghĩa như một lời xin lỗi nhẹ hoặc cũng có thể là một lời cảm ơn. Đôi khi, Sumimasen được sử dụng để thu hút sự chú ý của người khác trên đường hay muốn nhờ sự giúp đỡ của người đó.
        - Sumimasen deshita ( す み ま ん でした): Một phiên bản khác được sử dụng trang trọng và lịch sự hơn Sumimasen là cụm từ Sumimasen deshita. Đây cũng chính là thì quá khứ của Sumimasen mang ý nghĩa xin lỗi vì những gì đã làm trong quá khứ. Nhưng sự khác biệt giữa hai cụm từ này là cách biểu đạt và ý nghĩa của lời xin lỗi. Nếu như Sumimasen là lời xin lỗi nhẹ thì ngược lại, Sumimasen deshita dùng để biểu đạt cho những sai lầm lớn hơn hoặc nghiêm trọng hơn. Cụm từ này có thể được hiểu theo nghĩa “ I am very sorry” trong tiếng Anh.
       - Shitsurei shimashita (失礼しました ): Một lời xin lỗi khác có ý nghĩa tương đương với Sumimasen deshita, đó là cụm Shitsurei shimashita. Theo triết tự từ, “Shitsurei” có nghĩa là thất lễ, còn “shimashita” có nghĩa là “đã làm”, nhằm nhấn mạnh vào thì quá khứ. Vì vậy, sử dụng chúng trong những trường hợp mà bạn cho rằng hành động của mình làm ảnh hưởng hoặc gây thất lễ, bất lịch sự với người khác. Ví dụ như khi vào nhà của ai đó, người Nhật sẽ nói “ Shitsurei shimashita” có nghĩa như “Tôi xin phép đã thất lễ”, hoặc đổi sang kính ngữ Shitsurei itashimashita nếu bạn muốn bày tỏ sự trang trọng và lịch sự hơn tới người nói. Có thể thấy, cụm từ này không chỉ bao hàm ý nghĩa xin lỗi mà còn là sự bày tỏ thành ý của người nói đối với người nghe.


c. Cấp độ xin lỗi:
Sâu sắc

Cử chỉ khi xin lỗi: Vì đây là lời xin lỗi dành cho mức độ nghiêm trọng nên các cử chỉ và hành động cũng phải thể hiện rõ thái độ trang trọng, hối lỗi và chân thành của người nói. Chúng ta sẽ không đứng thẳng như ở cấp độ chung chung, mà lần này sẽ nghiêng người khoảng 60 độ về phía trước với phần đầu và cổ hướng xuống dưới, còn hai tay để dọc theo thân mình. Đối với các sai lầm và các tình huống nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ cúi hẳn 90 độ về phía trước để chứng tỏ sự thành thật và chân thành nhận lỗi của người nói.

Ở Mức độ cao nhất đồng nghĩa với những sai lầm mang tính nghiêm trọng nhất như gây tai nạn giao thông, làm thương người khác,... thì tư thế  Dogeza sẽ được thể hiện bởi người nói. Dogeza là tư thế quỳ hẳn hai chân xuống đất, hai tay chống trên sàn còn đầu sẽ cúi gập sao cho trán chạm sàn nhà. Tuy nhiên, chỉ trong tình huống xấu nhất thì người nói mới thực hiện tư thế này và đây cũng là mức độ cao nhất được thể hiện qua hành động, cử chỉ.


©photo-ac.com


Lời nói khi xin lỗi: Người Nhật Bản có ba cách nói thông dụng để biểu đạt lời xin lỗi mang tính nghi thức ở cấp độ nghiêm trọng này đó là:      



   - Moushiwake arimasen deshita ( 申し訳ありませんでした): Đây là cụm từ xin lỗi rất trang trọng và lịch sự, được sử dụng chủ yếu cho những sai lầm lớn hoặc nghiêm trọng trong công việc. Xét theo nghĩa đen thì Mōshiwake arimasen deshita mang ý nghĩa “ Thật không có gì biện minh cho những sai lầm tôi đã làm”. Hoặc cụm từ này có thể hiểu theo nghĩa đơn giản như “ I am sincerely apologize - Tôi thành thật xin lỗi”.      


   - Moushiwake gozaimasen deshita (申し訳ございませんでした): Cũng có ý nghĩa và cách dùng giống như Mōshiwake arimasen deshita, tuy nhiên chỉ khác là cụm từ này thể hiện sự chân thành và lịch sự hơn. Khi người xin lỗi nói cụm từ này, chứng tỏ họ đã thành thật nhận ra sai lầm của mình và đặt người nghe ở vị trí cao nhất trong kính ngữ của người Nhật Bản.        


   - Owabi moushiagemasu (お詫び申し上げます): Thêm một cách nói lịch sự nữa trong lời xin lỗi của người dân “xứ sở hoa anh đào” đó là Owabi moushiagemasu. Cụm từ này thường được sử dụng ngay sau hai cụm Mōshiwake arimasen deshita và Mōshiwake gozaimasen deshita để nhấn mạnh thêm cho lời xin lỗi của người nói.



Để tăng thêm sự trang trọng và thái độ thành khẩn trong lời xin lỗi, người dân Nhật Bản sẽ sử dụng các tính từ miêu tả mức độ trước các lời nói xin lỗi như: Taihen hoặc Makotoni. Ví dụ ta có thể sử dụng các cụm từ Taihen moushiwake gozaimasen deshita để tăng thêm sức biểu cảm cho lời nói thay vì chỉ sử dụng các cụm từ “chay” thông thường.


©photo-ac.com



3. Lời xin lỗi không mang tính nghi thức ( Informal)

a. Tình huống xin lỗi

Khác biệt với những lời xin lỗi mang tính nghi thức, cách xin lỗi không mang tính nghi thức được sử dụng chủ yếu trong các mối quan hệ thân quen, bạn bè hoặc gia đình, với những người mà bạn biết và hiểu rõ. Do đó, những lời xin lỗi này không quá trang trọng và lịch sự như những cách xin lỗi mà chúng ta đã tìm hiểu phía trên. Vì vậy, đừng bao giờ sử dụng nhầm lẫn hai trường hợp này với nhau nếu không bạn sẽ bị coi là người bất lịch sự hoặc  thiếu tôn trọng người khác.


b. Cấp độ xin lỗi: nhẹ

Cử chỉ khi xin lỗi:  Vì chỉ ở mức độ nhẹ nên trong những trường hợp này, chúng ta chỉ cần sử dụng lời nói là đủ, không nhất thiết phải biểu đạt qua cử chỉ và hành động. Hoặc đơn giản, bạn chỉ cần chắp hai tay trước mặt và thể hiện thái độ hối lỗi với người nghe là được rồi!


©photo-ac.com


Lời nói khi xin lỗi:

        - Gomen (ごめん):  Đây là cách đơn giản và ngắn gọn nhất để thể hiện lời xin lỗi đối với những người thân quen nếu lỗi lầm của bạn không quá lớn hoặc không làm ảnh hưởng nhiều tới đối phương. Nếu như trước kia, Gomen mang ý nghĩa là mong nhận được sự tha thứ của người nghe thì ngày nay, chúng đơn giản hơn nhiều với nghĩa “Sorry - xin lỗi” thông thường.  Gomen ne cũng giống như vậy chỉ khác là có phụ âm “ne” ở cuối khi người nói muốn đối phương khẳng định, đồng tình với lời xin lỗi của mình hoặc người nói tha thiết muốn đối phương tha lỗi cho những sai lầm nhỏ nhặt đó.
        - Shitsurei (失礼): Một lời xin lỗi nhẹ nhàng mà không mang tính trang trọng, được dùng với cả hàm nghĩa xin lỗi và xin phép đối với người nghe. Shitsurei là “phiên bản” ngắn gọn và thông dụng của cụm từ Shitsurei shimashita, thuộc thì quá khứ và sắc thái mang tính trang trọng hơn so với Shitsurei.


c. Cấp độ xin lỗi:
chung chung

Cử chỉ khi xin lỗi: Cũng giống như cách thể hiện ở mức độ nhẹ, ở cấp độ này, người nói không nhất thiết phải sử dụng cử chỉ và hành động để thể hiện lời xin lỗi. Tốt nhất là chúng ta sẽ sử dụng biểu cảm của khuôn mặt sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đừng quên hạ tông giọng xuống một chút để lời xin lỗi nhé!


Lời nói khi xin lỗi:

       - Gomennasai (ごめんなさい): Nếu so với Gomen thì đây là lời xin lỗi mang tính trang trọng và lịch sự hơn bởi có từ “nasai” đứng ở cuối. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể sử dụng cụm từ này để bày tỏ lời xin lỗi chân thành cho những sai sót và lỗi lầm mà mình gây ra. Không nhất thiết phải sử dụng trong mối quan hệ với người thân quen mà cụm từ này còn được sử dụng khá chung chung đối với người lạ.

       Ví dụ như bạn đang ở trong nhà hàng và muốn yêu cầu gì đó với người phục vụ, bạn có thể nói: 

       - ごめんなさい、やっぱり注文はカルボナーラに変更したいです。

       - “Gomennasai. Yappari chūmon wa carubonāra ni henkō shitai desu

       - Xin lỗi, tôi muốn thay đổi món đã gọi bằng món Carbonara”


d. Cấp độ xin lỗi:
Sâu sắc

Đối với những lời xin lỗi không mang tính nghi thức ở mức độ nghiêm trọng hơn cho những lỗi lầm lớn hơn, người Nhật sẽ sử dụng luôn cụm từ Gomennasai để thể hiện lời xin lỗi của mình. Chỉ khác là họ sẽ thêm những tính từ chỉ mức độ như “Hontou ni” đứng trước, nhằm nhấn mạnh vào sự thành khẩn và hối lỗi, sự chân thành trong cách bày tỏ.


Ví dụ, bạn làm mất cuốn sách đã mượn từ một người bạn, bạn có thể nói:
       - 本当にごめんなさい。君に借りた本を失くした。
       - “ Hontou ni gomennasai. Kimi ni karita hon o nakushita
       - Tối rất xin lỗi. Tôi đã làm mất cuốn sách của bạn rồi”.



Một vài cử chỉ và hành động như đặt úp hai bàn tay ở phần bụng dưới hoặc chắp hai tay để trước mặt trong khi bày tỏ lời xin lỗi sẽ làm tăng thêm phần hiệu quả trong cách thể hiện của bạn đấy.


Tổng kết: Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá hết sự đa dạng trong cách bày tỏ lời xin lỗi của người dân xứ sở Phù Tang. Hy vọng thông qua bài viết, mọi người đã hiểu hơn về ý nghĩa của văn hóa xin lỗi cũng như hiểu thêm về cách sử dụng lời xin lỗi theo từng mức độ, từng mối quan hệ sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Điều này chắc chắn sẽ giúp ích phần nào cho du khách trong những chuyến du lịch trải nghiệm đầy ý nghĩa tới đất nước “mặt trời mọc”.


Bài viết liên quan