Giải trí

Những trò chơi trong nhà của Nhật

Mục lục
1. Trò chơi trốn tìm Kakurenbo (かくれんぼ)
2. Darumasan Ga Koronda (だるまさんがころんだ)
3. Gấp giấy Origami
4. Trò nối chữ Shiritori (しりとり)
5. Trò Oẳn tù tì - Janken (じゃんけん)
6. Đan dây Ayatori (あやとり)
7. “Xem bói” qua Origami
8. Kẻ giàu - người nghèo (大富豪・大貧民)



Vì diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu mà học sinh, sinh viên trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đều được nghỉ học để thực hiện giãn cách xã hội. Sau khi dịch bùng phát, đặc biệt khi Chính phủ áp dụng tuyên bố khẩn cấp trên toàn quốc, đồng nghĩa với việc các hoạt động ngoại khóa, khu vui chơi giải trí đều tạm dừng hoạt động, gây sự nhàm chán cực độ đối với trẻ em. Để giúp các bé luôn cảm thấy hào hứng, sáng tạo mà vẫn đảm bảo an toàn, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu 8 trò chơi thú vị, bổ ích trong nhà mà bạn nên thử!



1. Trò chơi trốn tìm Kakurenbo (かくれんぼ)

Trò chơi trốn tìm vốn không xa lạ đối với trẻ em Việt Nam và trong phiên bản của “đất nước mặt trời mọc”, nó có tên gọi là Kakurenbo.



Sau khi oẳn tù tì, người bị thua sẽ được gọi là Oni (con quỷ). Người này sẽ bịt mắt lại, đếm từ 1 đến 10 và hỏi những người còn lại ”もういいかい” (Mou ii kai - Bạn đã sẵn sàng chưa). Nếu đã sẵn sàng, họ sẽ đáp lại ”もういいよ” (Mou ii yo - Tôi đã sẵn sàng) hoặc ”まだだよ” (Mada da yo - Tôi chưa sẵn sàng) nếu họ cần thêm thời gian để tìm nơi ẩn nấp. Đến khi tất cả mọi người đều đồng thanh nói ”もういいよ” (Mou ii yo - Tôi đã sẵn sàng) thì công cuộc tìm kiếm sẽ được bắt đầu. Khi tìm thấy ai đó, người tìm kiếm sẽ kêu lên ”みつけた” (Mitsuketa - Tôi đã thấy bạn). Người đầu tiên bị tìm thấy sẽ làm “con quỷ” tiếp theo đi tìm kiếm những người khác. Đây quả là một trò chơi tập thể rất náo nhiệt và kịch tính, luôn mang lại thật nhiều tiếng cười, vừa có sự hồi hộp khi ẩn nấp, niềm vui vỡ òa khi tìm thấy bạn hay tiếc nuối khi không trốn kĩ để bạn phát hiện ra mình.


2. Darumasan Ga Koronda (だるまさんがころんだ)

Nếu bạn chơi trò này trong nhà, bạn cần một không gian đủ dài để có thể thoải mái chạy nhảy. Một người sẽ được chỉ định là Daruma, có thể bằng cách oẳn tù tì, đứng ở đầu đường chạy và quay lưng lại với những người đứng ở phía cuối đường. Trong khi Daruma hô câu “Darumasan Ga Koronda!” (nhanh hoặc chậm tùy thích), những người này sẽ chạy về phía Daruma và khi hô xong, Daruma đột ngột quay lại, họ phải đứng im phăng phắc như tượng. Nếu Daruma thấy ai di chuyển, họ sẽ bị giữ tay, trở thành “tù nhân”. Những người còn lại cố gắng chạy về phía “tù nhân”, đập tay vào họ để giải cứu và cùng nhau chạy về vạch xuất phát. Daruma hô lần cuối cùng “Darumasan Ga Koronda!, mọi người sẽ dừng lại, người giải cứu sẽ yêu cầu Daruma nhảy số bước lớn hoặc nhỏ theo ý mình. Sau khi nhảy xong, ai bị Daruma chạm vào người sẽ trở thành Daruma tiếp theo.



3. Gấp giấy Origami

Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua trò chơi gấp giấy kinh điển này bởi sự giải trí và tưởng tượng vô tận mà nó mang lại. Origami kết hợp những cách gấp giấy khác nhau để biến miếng giấy hình vuông, hình tròn, hình tam giác (2 chiều) thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gấp. Có nhiều mẫu gấp khác nhau, từ đơn giản như hình chiếc thuyền, hình máy bay đến những mẫu phức tạp như hình con vật, tháp Eiffel.



Một trong số các mẫu được nhiều người lựa chọn là hình con hạc, bởi trong quan niệm của người Nhật, con hạc mang lại nhiều điềm tốt lành và là biểu tượng cho hòa bình thế giới. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện về bé gái người Nhật Sasaki Sakado (1943 - 1955), một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã qua đời sau 2 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư khi mới chỉ hoàn thành được 644 con hạc.



Ngày nay, vẫn có một số lượng lớn người yêu thích origami nhưng để theo đuổi và sáng tạo ra những mẫu mới thì không phải ai cũng làm được. Vì vậy, dịp COVID-19 này chính là lúc để các bé rèn luyện tính tỉ mỉ, phát huy trí tưởng tượng và khả năng tư duy qua trò chơi dân gian mang đậm tính nghệ thuật này.


4. Trò nối chữ Shiritori (しりとり)

Trò chơi nối chữ Shiritori là một trò chơi từ vựng phổ biến ở Nhật Bản, rèn luyện sự ghi nhớ và linh hoạt cho trí não. Đây là một sự lựa chọn lý tưởng để giải trí trong những ngày ở nhà hoặc những chuyến đi chơi cùng gia đình.


Một nhóm gồm hai người chơi trở lên sẽ lần lượt đưa ra các từ phù hợp, ví dụ, nếu từ đầu tiên là りんご (ringo - quả táo), bạn sẽ đưa ra từ tiếp theo bắt đầu bằng chữ ご, chẳng hạn ごみ (gomi - rác thải) và người tiếp theo sẽ phải nghĩ ra một từ bắt đầu bằng chữ み. Bạn có thể sử dụng các hình thức khác của chữ đó, ví dụ nếu từ kết thúc bằng chữ ご, bạn có thể nối từ bắt đầu bằng chữ ご hoặc こ. Vậy làm thế nào để kết thúc trò chơi tưởng như kéo dài vô tận này để tìm ra người chiến thắng? Bạn có biết, không có một từ nào trong tiếng Nhật bắt đầu bằng chữ ん. Giả sử ai đó đưa ra từ ライオン (raion - sư tử), họ sẽ thua cuộc và trò chơi kết thúc. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có vốn từ vựng phong phú và sự nhanh nhạy nên rất tốt cho sự phát triển tư duy cho các bé.


5. Trò Oẳn tù tì - Janken (じゃんけん)

Trò oẳn tù tì từ lâu đã trở nên quá phổ biến với trẻ em trên thế giới, là một phương pháp hoàn hảo để phân định thứ tự. Ở Nhật Bản, tên của trò chơi này được gọi là じゃんけんぽん. Bắt đầu cuộc chơi, tất cả mọi người đồng thanh hô “さいしょはぐー (saisho wa guu) và đồng thời nắm tay lại. Dứt lời, ngay lập tức tất cả sẽ hô ““Janken pon”, vừa khi hô xong cũng là lúc mọi người đưa ra một trong ba ký hiệu tay hình viên đá (nắm cả bàn tay), hình kéo (đưa ngón trỏ và ngón giữa ra trước, nắm các ngón còn lại) hoặc hình giấy (xòe cả bàn tay). Quy tắc phân định thắng thua là đá thắng kéo, kéo thắng giấy và giấy thắng đá. Nếu kết quả chưa ngã ngũ, tất cả sẽ hô “あいこでしょ” (aiko desho) và lại tiếp tục oẳn tù tì.



©photo-ac.com


Có một biến thể khác của trò oẳn tù tì giữa hai người cũng rất thú vị, đòi hỏi sự linh hoạt, nhanh nhạy cực độ. Một người hô  “あっちむいてホイ” - (acchi muite hoi) và khi dứt lời sẽ chỉ ngón tay theo các hướng trái, phải, trên, dưới vào mặt người còn lại. Nhiệm vụ của người này là quay đầu sang một hướng khác với hướng chỉ của ngón tay, nếu không sẽ bị thua.


6. Đan dây Ayatori (あやとり)

Đan dây Ayatori được coi là một trong những trò chơi giải trí lâu đời nhất, sử dụng một vòng dây để tạo thành các hình thù khác nhau. Không mất quá nhiều thời gian để bạn học cách tạo ra những hình dạng cơ bản. Trò chơi này luyện cho trẻ tính kiên nhẫn và khoa học bởi mỗi bước đều đòi hỏi sự chính xác. Các bé sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú và thấy tự hào về thành quả của mình.



Để tham gia trò chơi này, bạn cần ít nhất một vòng dây có bán kính 7cm ~ 8cm để tạo ra các mẫu phổ biến như tháp Eiffel, ngôi sao, v.v.  Một biến thể khác của trò đan dây sẽ khó hơn, đó là cuộc đối đầu giữa hai người, người thứ hai sẽ tạo một hình mới từ hình người thứ nhất đã tạo.


7. “Xem bói” qua Origami

Để trở thành một “nhà tiên tri” dự đoán “số phận” của “khách hàng”, bạn cần chuẩn bị một mảnh giấy hình vuông, gấp và điền các thông tin như video hướng dẫn dưới đây.



Đặc biệt, bên trong vị trí các con số bạn sẽ ghi các vận may mang tính hài hước như “Bạn sẽ giàu”, “Bạn sẽ có người yêu mới”. “Thầy bói” sẽ yêu cầu khách hàng chọn một màu, dùng ngón cái và ngón trỏ mở origami theo các cách khác nhau, vừa mở vừa đánh vần hai lần màu được chọn. Khi đến ký tự được đánh vần cuối cùng cũng là lúc bí mật về “vận mệnh” của “khách hàng” được hé lộ. Quả là một trò chơi mang lại thật nhiều bất ngờ và thú vị.


8. Kẻ giàu - người nghèo (大富豪・大貧民)

Đây là một trong những trò chơi bài phổ biến nhất ở Nhật Bản với bộ bài tiêu chuẩn 52 lá. Trong trò chơi này, bạn sẽ tìm cách gia tăng thứ hạng của mình từ Daihinmin (người rất nghèo) thành Daifugo (người rất giàu) bằng cách đánh các lá bài hết càng nhanh càng tốt. 2 là lá bài cao nhất và “quyền lực” các lá bài giảm dần theo thứ tự 2-A-K-Q-J-10-9-8-7-6-5-4-3.


Để bắt đầu cuộc chơi, bạn sẽ chia đều 52 lá bài cho tất cả mọi người và có thể phân định người đi trước bằng trò oẳn tù tì. Đi theo chiều kim đồng hồ, người tiếp theo sẽ phải đưa lá bài cao hơn người trước với cùng số lá. Nếu bạn không có hoặc không muốn đưa ra lá bài cao hơn, bạn có thể chọn bỏ qua và lượt chơi thuộc về người tiếp theo. Người cuối cùng đặt lá bài cao nhất xuống sẽ có quyền đưa lá bài bất kỳ nào họ muốn để tiếp tục vòng chơi. Người đưa hết tất cả các lá bài xuống đầu tiên sẽ thắng, gọi là Daifugo, người về nhì là Fugo, người cuối cùng thua cuộc là Daihinmin.



Sau khi chia bài để bắt đầu cuộc chơi tiếp theo, sẽ có các “ưu đãi” dành cho người chiến thắng mà người thua phải thực hiện. Ví dụ, Daihinmin sẽ “cống nạp” hai lá cao nhất cho Daifugo và Daifugo đồng thời đưa lại hai lá mình không thích cho Daihinmin. Bởi không có nhiều lợi thế như vậy nên lần này, Daihinmin sẽ được ưu tiên đi trước. Về mặt chiến lược, thông thường bạn sẽ đưa các lá bài thấp nhất ra trước, nhưng cũng có thể giữ lại lá 2 đến cuối cùng bởi nó có sức mạnh “sát thương” cao nhất. Trò chơi này đòi hỏi bạn phải tính toán kỹ lưỡng các bước đi, vừa có sự phòng thủ, vừa có chút mạo hiểm, hệt như một “tướng quân” đang điều khiển “quân lính”. Vì thế, trò chơi cũng rèn cho các bé khả năng lãnh đạo và năng lực đưa ra các quyết định quan trọng.



Bài viết liên quan