Tokyo
Du lịch

Chơi gì khi du lịch Tokyo? Cùng tham gia các sự kiện và lễ hội đặc sắc ở Tokyo theo 12 tháng trong năm nào!

Tokyo là trung tâm văn hóa - du lịch của Nhật nên ở đây luôn có nhiều hoạt động hấp dẫn cho khách du lịch tham gia và trải nghiệm. Japagazine xin giới thiệu với các bạn những sự kiện và lễ hội đặc sắc nhất của Tokyo theo 12 tháng trong năm:


Trải nghiệm các lễ hội đặc sắc ở Tokyo diễn ra theo 12 tháng trong năm


Mục lục
Tháng 1: Đi lễ đầu năm Hatsumode ở đền Meiji, ngắm ánh bình minh đầu tiên trong năm Hatsuhinode ở núi Takao và tham gia lễ Thành nhân ở Shibuya
Tháng 2: Ném đậu vào ngày lễ Setsubun ở Asakusa, mua chocolate lễ Valentine, ngắm hoa mơ ở Koishikawa Korakuen và tham gia Tokyo Marathon
Tháng 3: Xem triển lãm búp bê truyền thống trong lễ hội Hina Matsuri ở khách sạn Gajoen và tham gia lễ hội đi bộ trên lửa Hiwatari-sai ở núi Takao
Tháng 4: Tham gia lễ hội hoa anh đào ở Chiyoda, công viên Ueno và công viên Koganei
Tháng 5: Xem rước kiệu mikoshi trong hội Sanja Matsuri
Tháng 6: Thưởng thức lễ hội hoa cẩm tú cầu Bunkyo, lễ hội hoa diên vỹ ở Katsushika và xem đom đóm trong lễ hội Fussa Hotaru
Tháng 7: Mặc yukata đi chơi lễ hội pháo hoa ở sông Sumida, trải nghiệm điệu múa Bon Odori và đi triển lãm cá vàng ở thủy cung Sumida
Tháng 8: Treo điều ước lên cây trúc trong Asagaya Tanabata Matsuri, thả đèn lồng trong lễ hội đêm Asakusa và tham gia Awa Odori ở Koenji
Tháng 9: Tham gia lễ rước trong Shinagawa Shukuba Matsuri và xem Yosakoi ở Fukuro Matsuri
Tháng 10: Học nghi lễ trà đạo trong Tokyo Grand Tea Ceremony và thưởng thức hàng chục loại mì khác nhau tại Tokyo Ramen Show
Tháng 11: Ghé thăm lễ hội ánh sáng ở vườn Rikugien, triển lãm hoa cúc và lễ hội Tori no Ichi
Tháng 12: Tham gia chợ giày Hanakawado, chợ trời Setagaya Boroichi và trải nghiệm Giáng sinh ở công viên Showa Kinen

Tháng 1: Đi lễ đầu năm Hatsumode ở đền Meiji, ngắm ánh bình minh đầu tiên trong năm Hatsuhinode ở núi Takao và tham gia lễ Thành nhân ở Shibuya
Người Nhật Bản ăn Tết theo lịch Dương nên ngay từ đầu tháng 1, ở Tokyo đã có nhiều hoạt động mừng năm mới sôi nổi. Trong đó, Hatsumode và Hatsuhinode là hai tập tục mà hầu như không ai là không tham gia vào đầu năm mới.

Hatsumode 初詣 là việc đi tới đền, chùa vào 3 ngày đầu tiên của năm mới và cầu nguyện. Truyền thống này khá giống với hoạt động lễ chùa đầu năm của người Việt Nam chúng ta. Người dân Tokyo thường đi lễ tại các đền thờ như đền Meiji, chùa Sensoji, đền Yasukuni, đền Tokyo Daijingu. Vì lượng người đi lễ đầu năm là rất đông và đền chùa chỉ bắt đầu mở cửa vào đúng giao thừa nên bạn sẽ phải xếp hàng khá lâu trước cổng. Cách khấn ở đền và chùa sẽ có một chút khác biệt. Ở đền, đầu tiên bạn phải rung chuông (nếu có) rồi thả xu vào hòm công đức; sau đó cúi chào 2 lần, vỗ tay 2 lần, cầu nguyện và cúi chào để kết thúc. Ở chùa, bạn phải cúi chào rồi mới được rung chuông; sau đó là bỏ tiền vào hòm công đức và cầu nguyện với hai tay chắp trước ngực. Mọi người thường thả đồng 5 yên vì trong tiếng Nhật 五円 5 yên (goen) đồng âm với 御縁 duyên, để cầu duyên lành và may mắn. Sau khi kết thúc việc cầu nguyện, bạn có thể đi rút quẻ đầu năm Omikuji おみくじ và thưởng thức các món ăn truyền thống vào dịp Tết của Nhật Bản như ramen, udon, omochi và rượu ngọt amazake.

Còn Hatsuhinode là gì? Hatsuhinode 初日の出 có nghĩa là ánh bình minh đầu tiên. Người Nhật Bản có truyền thống ngắm mặt trời mọc vào ngày đầu năm ở biển hoặc trên đỉnh núi. Địa điểm ngắm Hatsuhinode thu hút đông người nhất là núi Takao. Vào dịp năm mới, người ta tổ chức lễ đón ánh sáng Geikousai tại chùa Takaosan Yakuouin Yuukiji trên núi Takao. Còn nếu muốn ngắm mặt trời mọc lên phía sau lâu đài như trong chuyện cổ tích thì mời bạn đến với công viên Kasai Rinkai. Bạn nên đi tới đây từ đêm giao thừa để tham gia đếm ngược cùng mọi người trong không khí sôi nổi, hào hứng. Với những bạn thích biển, địa điểm lý tưởng để ngắm Hatsuhinode ở Tokyo sẽ là công viên Shibaura Minami Futo. Bạn có thể ngắm mặt trời mọc từ cầu Cầu Vồng và biển Odaiba.


Ngắm Hatsuhinode ở Tokyo (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Đầu tháng 1 cũng là thời điểm diễn ra lễ Thành Nhân Seijin no Hi 成人の日 ở Nhật Bản. Đây là ngày để chúc mừng những chàng trai cô gái vừa tròn 20 tuổi - tuổi trưởng thành theo quy định của Nhật. Khi qua 20 tuổi, thanh niên sẽ được phép làm những việc như uống rượu, hút thuốc lá, đứng tên trên hợp đồng, kết hôn không cần sự cho phép của cha mẹ,... Nhưng quan trọng hơn cả, lễ Thành Nhân là dịp để cả nước Nhật chào đón thế hệ công dân trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Các địa điểm thường dùng để tổ chức lễ Thành Nhân ở Tokyo là Shibuya, Disney Land và đền Meiji Jingu. Bạn sẽ được thấy các cô gái Nhật mặc kimono và trang điểm rất đẹp mắt ở trong buổi lễ này đấy!

Tháng 2: Ném đậu vào ngày lễ Setsubun ở Asakusa, mua chocolate lễ Valentine, ngắm hoa mơ ở Koishikawa Korakuen và tham gia Tokyo Marathon
Dù ngày nay, người Nhật không còn ăn Tết theo lịch âm nhưng họ vẫn giữ truyền thống Setsubun no Hi 節分の日. Đây là ngày đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân theo lịch âm, thường diễn ra vào đầu tháng 2 dương lịch. Người ta thường ném đậu, ăn đậu vào ngày này để xua đuổi ma quỷ và cầu may mắn. Nhưng bạn có biết tại sao lại là đậu mà không phải một loại quả khác không? Trong văn hóa Nhật, đậu tượng trưng cho sức sống và khả năng trừ tà, xua đuổi điều xấu. Vào ngày Setsubun, các thành viên trong gia đình sẽ ném đậu nành rang ra trước cửa nhà hoặc ném vào quỷ do một người trong nhà hóa trang thành. Đền Sensoji ở Asakusa là một trong những nơi tổ chức lễ Setsubun lớn nhất tại Tokyo, thu hút hàng trăm nghìn người tới tham gia. Bên cạnh ném đậu, một truyền thống khá thú vị khác của ngày Setsubun là ăn cuộn sushi Eho maki (bạn có thể mua ở Seven - Eleven). Bạn phải quay đầu về một hướng đã định trước và giữ im lặng tuyệt đối (?!) trong khi ăn để cầu may mắn cho cả năm.

Giữa tháng 2 có một ngày lễ quan trọng khác là ngày lễ Tình nhân - Valentine’s Day 14/2. Dù đây không phải ngày lễ truyền thống của Nhật nhưng nhờ chiến dịch quảng cáo của các công ty sản xuất đồ ngọt mà ngày lễ này trở nên sôi động hơn. Các cô gái có thể tặng chocolate cho rất nhiều người, không chỉ người yêu mà cả gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nếu bạn ghé thăm các trung tâm thương mại ở Tokyo vào dịp này, bạn sẽ tha hồ mua chocolate đủ màu đủ vị. Đến giữa tháng 3, không khí ở các trung tâm thương mại lại náo nhiệt thêm một lần nữa nhờ ngày lễ đáp trả của nam giới vào ngày 14/3.


Điểm nhấn của tháng 2 là ngày Valentine (nguồn ảnh: pixabay)


Từ giữa đến cuối tháng 2 là thời điểm lý tưởng để ngắm hoa mơ ở Tokyo. Các địa điểm tổ chức lễ hội hoa mơ nổi tiếng là công viên Koishikawa Korakuen và công viên Hanegi. Nếu thích những nơi yên lặng hơn, bạn cũng có thể tới các đền thờ như Yushima Tenjin, Kameido Tenjin và Ushi Tenjin Kitano. Xa hơn một chút, bạn có thể đi tới lễ hội hoa mơ Odawara ở tỉnh Kanagawa để ngắm 35,000 cây mơ dưới núi Phú Sỹ.

Những bạn yêu thích thể thao đừng bỏ qua Tokyo Marathon tổ chức vào tháng 2 ở Tokyo. Đây là một trong những cuộc đua Marathon lớn nhất ở châu Á. Sự kiện này có sự tham gia của rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi và quốc gia. Người dự thi sẽ chạy qua các tòa nhà và khu vực nổi tiếng của Tokyo như Iidabashi, Nihonbashi, Ginza,...

Tháng 3: Xem triển lãm búp bê truyền thống trong lễ hội Hina Matsuri ở khách sạn Gajoen và tham gia lễ hội đi bộ trên lửa Hiwatari-sai ở núi Takao
Sự kiện nổi bật ở Tokyo vào đầu tháng 3 là ngày lễ bé gái Hina Matsuri diễn ra vào 3/3 hàng năm. Hina Matsuri bắt nguồn từ thời Heian, khi ấy người ta tin rằng búp bê có sức mạnh kiểm soát linh hồn quỷ dữ. Người dân Nhật Bản thả búp bê xuống sông và cho nó trôi ra biển. Búp bê sẽ mang theo các linh hồn xấu đi thật xa khỏi con người. Đến thời Edo, người Nhật bắt đầu trưng bày búp bê trong nhà. Thường thì họ sẽ bài trí từ khoảng giữa tháng 2 và dọn ngay sau khi lễ hội kết thúc. Theo mê tín của người Nhật, nhà nào dọn búp bê quá trễ thì con gái họ sẽ kết hôn muộn!!

Ngày nay, Hina Matsuri là một ngày đặc biệt để các gia đình chúc mừng con gái trong nhà, cầu mong cho thành công và hạnh phúc của chúng. Khi một bé gái ra đời, ông bà hoặc cha mẹ sẽ tặng cho cháu một bộ búp bê vào lễ bé gái đầu tiên. Một set búp bê đầy đủ khá đắt, có thể lên tới hàng chục triệu đồng!! Bên cạnh đồ trang trí, các gia đình cũng sẽ làm các món ăn truyền thống như bánh nếp 3 tầng hishi mochi và rượu trắng shirozake.


Hãy tham gia Hina Matsuri vào tháng 3 ở Tokyo nhé! (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Tại Tokyo, có một số nơi tổ chức Hina Matsuri khá lớn như khách sạn Gajoen hoặc công viên Sumida. Lễ hội ở khách sạn Gajoen tên là Hyakudan Hina Matsuri - lễ hội búp bê 100 tầng. Triển lãm gồm vài trăm con búp bê tinh xảo đến từ khắp các vùng miền trên nước Nhật. Nếu muốn tham gia sự kiện ngoài trời, bạn cũng có thể tới công viên Sumida. Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm phong tục truyền thống thả búp bê giấy xuống sông Sumida để cầu nguyện cho trẻ em và khuyến khích chúng hình thành tương lai từ sự tử tế và hiền lành.  

Một sự kiện đặc sắc khác cũng diễn ra vào tháng 3 là lễ hội đi bộ trên lửa Hiwatari-sai ở núi Takao. Các nhà sư yamabushi sẽ đi chân trần trên than hồng và tụng kinh để cầu bình an. Những người tham gia lễ hội cũng có thể đi trên than sau khi lửa tàn. Lúc đó, nhiệt độ của than đã giảm xuống nên bạn không phải lo bị bỏng chân.

Tháng 4: Tham gia lễ hội hoa anh đào ở Chiyoda, công viên Ueno và công viên Koganei
Tháng 4 là mùa hoa anh đào ở Tokyo nên có rất nhiều sự kiện và lễ hội trong thời gian này. Đầu tiên có thể kể đến Sakura Matsuri ở Chiyoda. Tại đây, bạn có thể đi dạo trên con đường Chidorigafuchi Ryokudo dài 700m với hơn 200 cây anh đào nở rộ. Nếu muốn thưởng ngoạn cảnh vật từ một góc độ khác, bạn cũng có thể đi thuyền trên hào Chiyodagafuchi. Tuyệt nhất là vào buổi tối, người ta sẽ thắp sáng đèn LED trên cây anh đào. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng lễ hội ánh sáng lung linh rực rỡ ở hai bên bờ trong khi đang ngồi thuyền trên mặt nước.

Lễ hội tiếp theo mà bạn không nên bỏ qua khi tới Tokyo vào tháng 4 là Ueno Sakura Matsuri ở công viên Ueno. Có khoảng 700 cây anh đào thuộc nhiều chủng loại được trồng trong công viên và hơn một nửa trong số đó là Somei yoshino. Khi hoa trên các cây Somei yoshino bung nở, người ta sẽ tổ chức Ueno Sakura Matsuri. Người Nhật có truyền thống tụ tập ăn uống dưới gốc cây anh đào vào mùa xuân. Ở Ueno Sakura Matsuri, bạn có thể làm như vậy vào cả ban ngày và buổi tối. Đặc biệt nhất là vào chiều tối, từ 17 giờ đến 20 giờ, hàng nghìn chiếc đèn lồng được thắp sáng dọc theo hàng hoa anh đào. Đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến du lịch Tokyo của bạn.


Ngắm hoa anh đào vào tháng 4 ở Tokyo (nguồn ảnh: pixabay.com)


Bên cạnh hai địa điểm kể trên, công viên Koganei cũng là một trong những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất ở Tokyo. Công viên có hơn 1700 cây anh đào thuộc nhiều chủng loại như Yamazakura, Satozakura và Somei Yoshino. Đến với lễ hội, bạn không chỉ được thưởng thức khung cảnh mùa xuân tươi đẹp mà còn có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa như cắm hóa Ikebana, trà đạo và thử các món ăn đường phố Nhật Bản.  

Tháng 4 cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội văn hóa truyền thống khác như lễ hội Ryogoku Nigiwai hoặc lễ hội Nihonbashi Sakura. Lễ hội Ryogoku Nigiwai bao gồm nhiều địa điểm như Kokugikan - sân vận động sumo quốc gia, bảo tàng Edo Tokyo và bảo tàng Sumida Hokusai. Bạn sẽ được thưởng thức món chanko nabe - thức ăn của các võ sĩ sumo, xem các sự kiện trên sân khấu và lễ hội cộng đồng người Nhật. Nếu muốn xem lễ hội ánh sáng ở Nihonbashi, bạn có thể tới lễ hội Nihonbashi Sakura với những màn trình diễn mãn nhãn.

Tháng 5: Xem rước kiệu mikoshi trong hội Sanja Matsuri
Sanja Matsuri 三社祭 có nghĩa là “lễ hội ba đền thờ”. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở Tokyo. Người ta tổ chức sự kiện này vào ngày cuối tuần thứ ba trong tháng 5 tại chùa Sensoji. Lễ hội nhằm tôn vinh 3 người đã sáng lập nên địa điểm xây dựng chùa Sensoji. Ngôi chùa có ý nghĩa rất lớn với người dân Tokyo và đã trở thành biểu tượng của hòa bình và tái sinh.


Ngôi chùa Sensoji có ý nghĩa quan trọng với người dân Tokyo (nguồn ảnh: pixabay.com)


Lễ hội gồm khoảng 100 mikoshi - đền thờ di động được dùng trong đạo Shinto. Người ta sẽ rước các đền thờ này đi dọc phố để mang lại vận may cho người dân và công việc buôn bán. Các mikoshi nhỏ sẽ được diễu hành trong suốt lễ hội nhưng 3 mikoshi lớn chỉ xuất hiện vào ngày Chủ Nhật. Chúng ta hãy cũng tìm hiểu cụ thể từng ngày của lễ hội sẽ diễn ra như thế nào nhé!

Lễ hội bắt đầu từ chiều thứ Sáu với lễ rước Daigyouretsu. Các nhà sư, công nhân viên, geisha, nhạc sĩ, vũ công mặc trang phục thời Edo và đi theo đoàn rước. Họ đi dọc dường Yanagi đến chùa Sensoji và đền Asakusa. Sau lễ rước là buổi lễ đạo Shinto và điệu nhảy cầu nguyện cho mùa màng bội thu và sự thịnh vượng. Vào buổi chiều, những chiếc mikoshi đầu tiên được mang ra rước trên đường trong nền nhạc trống và sáo truyền thống của Nhật.

Thứ Bảy tiếp tục là lễ rước lớn với gần 100 mikoshi (trong đó có cả mikoshi của trẻ em và phụ nữ) từ các khu vực lân cận. Chúng được mang ra từ buổi trưa để đưa tới đền Asakusa. Sau khi đã được ban phước lành, những đền thờ di động này sẽ được diễu hành ở các vùng xung quanh để tán lộc và may mắn.

Ngày cuối cùng của lễ hội là Chủ Nhật. Buổi lễ sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng khi hàng trăm người tham dự tụ tập ở đền Asakusa, chia ra thành các nhóm và rước một trong ba mikoshi lớn của đền. Các nhóm sẽ cạnh tranh với nhau để rước mikoshi. Để đảm bảo an toàn, du khách sẽ không được ở ngoài cổng chùa Sensoji khi diễn ra phần thi này.

Tháng 6: Thưởng thức lễ hội hoa cẩm tú cầu Bunkyo, lễ hội hoa diên vỹ ở Katsushika và xem đom đóm trong lễ hội Fussa Hotaru
Tháng 6 là thời điểm mùa mưa 梅雨 - Tsuyu bắt đầu ở Tokyo và cũng là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, trong đó có lễ hội hoa cẩm tú cầu Bunkyo Ajisai Matsuri. Địa điểm tổ chức lễ hội là thành phố Bunkyo - nơi vẫn còn phảng phất bầu không khí Edo cổ đại. Vào khoảng giữa tháng 6, hàng ngàn bông hoa cẩm tú cầu đua nhau nở rộ ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại đền Hakusan Jinja làm cho thành phố Bunkyo dường như được điểm tô rực rỡ hơn dù đang trong mùa mưa ảm đạm. Nếu đến với lễ hội, xin đừng bỏ qua những món đồ lưu niệm nhỏ xinh được bày bán dọc hai bên đường. Biết đâu bạn lại tìm thấy thứ gì đó đặc biệt để làm quà cho người bạn yêu thích hoa cỏ của mình đó!


Hàng ngàn bông cẩm tú cầu nở rộ khắp mọi nơi (nguồn ảnh: pixabay.com)


Bên cạnh lễ hội Bunkyo Ajisai Matsuri, những người yêu tự nhiên có thể tiếp tục thưởng thức vẻ đẹp hoa cỏ Nhật Bản tại lễ hội hoa diên vỹ Katsushika Shobu Matsuri diễn ra vào nửa đầu tháng 6 tại thành phố Katsushika. Lễ hội được tổ chức tại 2 địa điểm: Horikiri Shobuen và công viên Mizumoto. Tại đây, bạn sẽ được nhìn ngắm hàng nghìn bông hoa diên vỹ thuộc khoảng 200 loại với đủ màu sắc: tím, hồng, trắng và tím nhạt. Có lẽ bạn khó mà tìm thấy nơi nào trồng nhiều hoa diễn vỹ như vậy ở Nhật. Không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mong manh của hoa diên vỹ, bạn còn có thể tham gia nhiều hoạt động văn hóa diễn ra vào cuối tuần tại lễ hội. Ở Horikiri Shobuen, người ta sẽ tổ chức trà đạo ngoài trời Nodate, biểu diễn đánh trống và diễu hành với điệu múa truyền thống Awa Odori. Tại công viên Mizumoto, hoạt động thưởng trà sẽ diễn ra liên tục bên cạnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật của người dân địa phương.

Một đặc trưng khác vào mùa hè của Nhật là đom đóm Hotaru. Đom đóm xuất hiện nhiều trong các bài hát, phim ảnh và tác phẩm nghệ thuật của Nhật. Người dân đất nước mặt trời mọc còn tổ chức một lễ hội dành riêng cho đom đóm vào giữa tháng 6 có tên là Fussa Hotaru Matsuri tại công viên Fussa Hotaru. Từ cuối mùa xuân, người dân đã nuôi khoảng 500 con đom đóm và chăm sóc chúng thật cẩn thận. Tại lễ hội, những chú đom đóm này được thả ra để tự do nhảy múa. Chúng mang theo ánh sáng lấp lánh và tạo nên khung cảnh kỳ ảo cho công viên. Thời gian thích hợp nhất để tới lễ hội là khoảng 8 giờ tối.  

Tháng 7: Mặc yukata đi chơi lễ hội pháo hoa ở sông Sumida, trải nghiệm điệu múa Bon Odori và đi triển lãm cá vàng ở thủy cung Sumida
Tokyo sẽ ngập tràn trong ánh sáng rực rỡ của pháo hoa và tiếng cười nói náo nhiệt của người tham dự các lễ hội mùa hè. Hãy sắm cho mình một bộ yukata thật đẹp và trải nghiệm không khí sôi động tại các sự kiện ở Tokyo vào tháng 7 nào!

Đầu tiên có thể kể đến lễ hội pháo hoa sông Sumida - lễ hội pháo hoa lớn nhất ở Tokyo. Lễ hội này bắt nguồn từ lễ hội sông Ryogoku được tổ chức ở thời đại Edo để an ủi linh hồn của những người đã mất vì đói kém, dịch bệnh và xua đuổi sự ốm yếu. Ngày nay, lễ hội pháo hoa sông Sumida được tổ chức vào khoảng cuối tháng 7 hàng năm và trở thành một biểu tượng của mùa hè Tokyo. Khoảng 20,000 bông pháo được phóng lên bầu trời đêm để phục vụ gần hàng trăm nghìn khách tham quan xếp hàng ở hai bên bờ sông Sumida. Thời gian diễn ra là từ 7:00 đến 8:30 tối. Đã có năm, số lượng khách tham gia lễ hội lên tới gần 1 triệu người nên hãy đảm bảo là bạn không để mất dấu hội bạn của mình khi chen chúc vào đám đông nhé! Với những người muốn ngắm pháo hoa tại những lễ hội ít người hơn, bạn có lựa chọn thay thế là lễ hội Tachikawa ở công viên Showa Kinen hoặc lễ hội pháo hoa Adachi.


Ngắm pháo hoa mùa hè ở Tokyo


Một truyền thống quan trọng khác của Tokyo là dịp lễ Bon Odori - lễ hội tưởng nhớ người đã khuất diễn ra và cuối tháng 7. Trong lễ hội, bạn sẽ được thưởng thức điệu múa truyền thống biểu diễn bởi hàng ngàn người xuyên suốt đêm. Đây là hình thức chào đón linh hồn người đã khuất về thăm gia đình trong 3 ngày Obon. Điệu múa này có tiết tấu chậm và khá dễ bắt chước nên bạn có thể tham gia cùng đoàn múa. Điều này có lẽ sẽ trở thành một kỷ niệm nhớ đời đối với bạn đấy! Những địa điểm thường dùng để tổ chức lễ Obon ở Tokyo là công viên Hibiya, chùa Tsukiji Hongwanji và Roppongi Hills.

Trong những ngày mùa hè oi bức, còn gì tuyệt hơn là được đắm chìm trong màu xanh tươi mát của đại dương tại thủy cung ở Tokyo. Vào tháng 7, thủy cung Sumida sẽ bắt đầu tổ chức một sự kiện đặc biệt của mùa hè có tên là Tokyo Kingyo Wonderland trưng bày khoảng 1000 đèn lồng cá vàng. Trong không gian triển lãm, bạn sẽ cảm nhận được phần nào không khí lễ hội mùa hè thời Edo và tìm hiểu về mối quan hệ mật thiết giữa cá vàng với con người. Ngoài ra, bạn còn được thưởng thức món bia hảo hạng trong hội trường bia. Triển lãm được mở từ 9:00 ~ 21:00 từ thứ Hai đến Chủ Nhật.

Tháng 8: Treo điều ước lên cây trúc trong Asagaya Tanabata Matsuri, thả đèn lồng trong lễ hội đêm Asakusa và tham gia Awa Odori ở Koenji
Những bạn sống hoặc đi du lịch ở Tokyo vào đầu tháng 8 sẽ có cơ hội được tham dự lễ hội Thất tịch Asagaya Tanabata Matsuri. Tanabata có nghĩa là “hai số bảy” vì diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 7 theo lịch âm. Tanabata được tổ chức rộng rãi trên toàn nước Nhật và lễ hội ở Asagaya là một trong những lễ hội lớn nhất. Lễ hội được tổ chức ngay trước trạm JR Asagaya tại trung tâm thương mại ở quận Suginami. Người ta trang trí khu phố với những dải giấy và nhân vật hoạt hình sặc sỡ. Hãy viết ước nguyện của mình lên giấy và treo trên cành trúc để điều ước trở thành hiện thực. Sau đó, hãy hòa nhịp cùng người dân Tokyo trong điệu nhảy truyền thống, lễ rước, trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực đường phố.

Tới giữa tháng 8, người dân Tokyo lại háo hức để được tham gia lễ hội thả đèn lồng ở Asakusa. Bạn sẽ được trải nghiệm một nét đẹp trong truyền thống của người Nhật - Toro Nagashi. Toro Nagashi là việc thắp nến trong đèn lồng và thả xuống sông để dẫn linh hồn của những người đã khuất về thế giới bên kia trong lễ hội Obon. Địa điểm cụ thể là ở bờ Tây sông Sumida, giữa cầu Azuma và cầu Kototoi. Vài nghìn chiếc đèn lồng cùng lời nhắn nhủ dành cho người thân đã khuất được thả trên dòng sông Sumida tạo nên khung cảnh đẹp mắt và thiêng liêng với những người tham dự. Bạn cũng có thể mua một chiếc đèn lồng để trải nghiệm nét đẹp văn hóa này với giá khoảng 1500 yên.


Lễ hội thả đèn lồng Asakusa

Cuối tháng 8 hàng năm, Tokyo lại càng nô nức hơn với bầu không khí sôi nổi tại lễ hội Koenji Awa Odori. Koenji Awa Odori sẽ diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của khoảng 10,000 vũ công nhảy điệu Awa Odori. Điệu múa bắt nguồn từ tỉnh Tokushima ở vùng Shikoku. Người ta tương truyền rằng để ăn mừng việc lâu đài Tokushima được hoàn thành, lãnh chúa đã ban rượu cho người dân, họ say sưa đến mức tràn ra ngoài đường để nhảy múa và hình thành điệu Awa Odori! Số lượng khách tham dự lễ hội rất lớn, có năm đã lên tới hơn 1 triệu người nên nếu muốn tìm được vị trí tốt nhất, hãy đi ra khỏi nhà thật sớm nhé. Chương trình sẽ bắt đầu từ lúc 5:00 chiều và kết thúc lúc 8:00 tối tại khu vực xung quanh trạm JR Koenji.  

Tháng 9: Tham gia lễ rước trong Shinagawa Shukuba Matsuri và xem Yosakoi ở Fukuro Matsuri
Tháng 9, mùa thu tràn về Tokyo với những cơn gió lạnh và nhiệt độ ban đêm thấp hẳn so với tháng 8 nhưng không khí lễ hội nơi đây không vì thế mà kém phần náo nhiệt đi chút nào. Khoảng giữa tháng, tại đền Nenzu Jinja sẽ diễn ra lễ hội thường niên - một trong ba lễ hội nổi tiếng nhất thời Edo. Giống như nhiều lễ hội khác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đoàn rước dài mang theo đền thờ di động mikoshi diễu hành qua các khu phố xung quanh Nenzu Jinja, thưởng thức các điệu múa truyền thống và trải nghiệm ẩm thực đường phố Tokyo. Đây là cơ hội lý tưởng để ngắm nhìn kiến trúc cổ, khám phá văn hóa và hòa nhịp vào bầu không khí hoài cổ cùng người dân Nhật Bản.

Sau đó, hãy ghé qua lễ hội Shinagawa Shukuba Matsuri, sự kiện được tổ chức hàng năm để tôn vinh di sản văn hóa Shinagawa. Trước đây, Shinagawa từng là trạm dừng chân đầu tiên trong 53 trạm Tokaido Highway vào thời Edo. Buổi lễ thường diễn ra vào thứ Bảy và Chủ Nhật cuối cùng của tháng 9 hàng năm trên tuyến phố dài 2km đi qua Kita Shinagawa, Aomono Yokocho và Minami Shinagawa. Trong lễ hội, người ta sẽ biểu diễn đánh trống taiko, tổ chức lễ rước Oiran Dochu, đi bộ trên lửa và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như kể chuyện Tsuji Rakugo, học sử dụng các món đồ chơi truyền thống.

Cuối cùng, Japagazine muốn giới thiệu với các bạn về lễ hội Fukuro Matsuri được tổ chức trước trạm JR Ikebukuro để thúc đẩy việc buôn bán của khu phố. Lễ hội gồm 2 phần: Mikoshi no Saiten diễn ra vào cuối tháng 9 và Tokyo Yosakoi vào đầu tháng 10. Phần quan trọng nhất của Mikoshi no Saiten là lễ rước đền thờ di động mikoshi tổ chức vào tối Chủ Nhật cuối tháng 9. Ngoài ra, sẽ có một lễ rước khoảng 30 mikoshi diễn ra vào buổi trưa, thực chất là lễ hội của đền Ikebukuro Ontake. Tới đầu tháng 10, hơn 100 đội Yosakoi từ khắp cả nước sẽ quy tụ về đây để biểu diễn Yosakoi và các điệu nhảy khác như Yassa, Kappore, Okinawa Eisa và Sado Okesa.

Tháng 10: Học nghi lễ trà đạo trong Tokyo Grand Tea Ceremony và thưởng thức hàng chục loại mì khác nhau tại Tokyo Ramen Show
Đây là một trong những thời điểm thu hút đông khách du lịch nhất đến với Tokyo, không chỉ vì thời tiết thuận lợi mà còn là thời gian diễn ra của các sự kiện văn hóa - ẩm thực và lễ hội truyền thống độc đáo.  

Khoảng giữa tháng 10, sự kiện Tokyo Grand Tea Ceremony - Lễ hội trà đạo Tokyo diễn ra ở Bảo tàng Kiến trúc mở Edo-Tokyo và vườn Hamarikyu. Tới đây, bạn sẽ được học về các nghi lễ truyền thống, lịch sử và văn hóa trà đạo của người Nhật, đặc biệt là vào thời Edo. Việc thưởng trà được tổ chức ở cả trong nhà và bên ngoài. Bạn không cần phải lo về rào cản ngôn ngữ vì có cả những buổi lễ hướng dẫn bằng tiếng Anh. Phí vào cửa chỉ khoảng 300 yên. Bạn hãy đến sớm để mua vé và giữ chỗ nhé! Thông tin chi tiết xem tại http://www.tokyo-grand-tea-ceremony.jp/en/


Học nghi lễ trà đạo (nguồn: pakutaso.com)


Nếu là người hâm mộ món mì ramen nổi tiếng của Nhật Bản, bạn nhất định phải ghé qua Tokyo Ramen Show tại công viên Komazawa Olympic từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Đúng như tên gọi, Tokyo Ramen Show là nơi trình diễn của hàng chục quán ramen nổi tiếng đến từ khắp nơi trên toàn nước Nhật. Thậm chí, đã có lần những quán mì ở Mỹ và Hawaii cũng tới tham gia sự kiện này. Người ta ước tính Tokyo Ramen Show sẽ thu hút khoảng hơn 3 triệu người tham gia trong suốt thời gian tổ chức. Bạn có thể ra vào hội trường tùy ý nhưng sẽ phải xếp hàng để mua vé đổi lấy ramen. Bạn chỉ phải trả chưa tới 1000 yên để thưởng thức một suất mì nóng hổi bất kỳ. Trước khi chọn món, hãy lấy một quyển Cẩm nang ramen miễn phí để xem qua các loại ramen được bán trong sự kiện. Nếu đi cùng gia đình hoặc bạn bè tới Tokyo Ramen Show, mọi người có thể phân công nhau xếp hàng ở các quầy ramen khác nhau và chia sẻ suất ăn, vừa tiết kiệm thời gian lại rất vui nữa! Mời bạn xem lịch cụ thể trên trang web chính thức http://www.ramenshow.com/

Ngoài trà đạo và ramen, tháng 10 cũng là thời điểm diễn ra lễ hội sách cũ Kanda, triển lãm tranh ảnh và sự kiện văn hóa nghệ thuật khác. Đây là cơ hội cuối cùng trong năm để bạn được thưởng thức pháo hoa tại Tokyo.

Tháng 11: Ghé thăm lễ hội ánh sáng ở vườn Rikugien, triển lãm hoa cúc và lễ hội Tori no Ichi
Vào tháng 11, lá trên cây đổi sắc thành màu đỏ vàng, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp cho Tokyo. Trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu những địa điểm lý tưởng nhất để ngắm lá đỏ trong thành phố.

Trước tiên, hãy đến với Rikugien 六義園 - “khu vườn 6 bài thơ” - nơi tái hiện 88 cảnh trong các bài thơ nổi tiếng của Nhật Bản. Khu vườn rất rộng và bạn sẽ phải mất khoảng một tiếng để có thể đi dạo qua hết các địa điểm trong vườn. Những con đường mòn xung quanh vườn dẫn qua khu rừng, bãi cỏ và đi đến một số phòng trà. Nơi lý tưởng để vừa thường trà vừa ngắm cảnh thu là Trà quán Fukiage Chaya nằm ở bờ tây bắc của hồ nước. Ngoài ra, một địa điểm ngắm cảnh khác cũng được đánh giá cao là khu vực quanh suối chạy qua Trà quán Tsutsuji no Chaya, xung quanh cầu Togetsukyo. Vào buổi tối, người ta sẽ thắp sáng trên các cây bạch quả và dưới mặt đất để tổ chức lễ hội ánh sáng illumination. Hãy ghé qua Rikugien từ khoảng 7:30 đến 8:00 tối để thưởng thức cảnh đẹp lung linh này nhé!


Ngắm momiji ở Tokyo vào tháng 11


Nếu muốn thưởng thức không khí trang nghiêm của hoàng gia, bạn có thể đi tới triển lãm hoa cúc ở Vườn Quốc gia Shinjuku Gyoen. Người ta sắp xếp và bài trí hoa dưới các mái hiên để cho du khách vừa thong dong đi bộ vừa có thể ngắm nhìn hoa cỏ muôn sắc vạn trạng. Hoa cúc du nhập vào Nhật từ đầu thế kỷ 9 và phát triển thành nhiều chủng loại. Ở Nhật, loài hoa này tượng trưng cho sự trường thọ và hồi xuân, hơn thế nữa hoa cúc có mối quan hệ mật thiết với Hoàng gia Nhật.

Ngoài ra, lễ hội Tori no Ichi cũng là một nét đáng chú ý trong tháng 11. Tori no Ichi bắt nguồn từ đền Otori ở Asakusa. Đến với lễ hội, bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí ấm áp với đồ trang trí lấp lánh và những hoạt động văn hóa thú vị khác.

Tháng 12: Tham gia chợ giày Hanakawado, chợ trời Setagaya Boroichi và trải nghiệm Giáng sinh ở công viên Showa Kinen
Các tín đồ của giày có thể tới chợ giày Hanakawado vào khoảng giữa tháng 12 để tha hồ mua sắm. Có khoảng từ 30 đến 40 nhà bán lẻ dựng các quầy hàng trong và xung quanh Công viên Hanakawado. Ngoài giày dép, bạn cũng có thể tìm thấy túi xách, đồ da, khăn choàng, mũ, thắt lưng, ví và những phụ kiện khác ở mức giá “hời”. Điều cần lưu ý là lúc nào cũng đông kín người ở sự kiện nên hãy thật cẩn thận khi chen vào chợ nhé!

Cũng vào khoảng giữa tháng, một phiên chợ khác cũng thu hút đông đảo khách ghế thăm là chợ trời Setagaya Boroichi. “Boro” có nghĩa là quần áo cũ - hàng hóa được bán chủ yếu trong lễ hội. Khoảng 700 cửa hàng sẽ tới tham dự phiên chợ, bán đủ các thứ đồ dùng hàng ngày, quần áo và phụ kiện. Setagaya Boroichi diễn ra quanh phố Boroichi.

Điểm nhấn chính của tháng 12 ở Tokyo là không khí giáng sinh ngập tràn khắp các con đường và ngõ ngách trong thành phố. Nhiều công viên, khu vườn và các địa điểm công cộng được thắp sáng bằng đèn LED. Những nơi được trang hoàng rực rỡ nhất là Tokyo Skytree và khu Roppongi. Hãy ghé thăm bất kỳ lễ hội ánh sáng nào đó trong thành phố và bạn sẽ được thưởng thức các chương trình biểu diễn nhạc, ánh sáng và khói bên cạnh đèn LED rực rỡ.

Tháng này bạn sẽ tham gia sự kiện hoặc lễ hội gì ở Tokyo nhỉ? Hãy lên kế hoạch thật chi tiết để chuyến đi diễn ra suôn sẻ nhé! Mời bạn tham khảo thêm bí quyết du lịch Tokyo tại bài viết:
Bí kíp du lịch Tokyo tiết kiệm và dễ dàng. Top những địa điểm mua sắm, vui chơi và tham quan nổi tiếng nhất



Tag: Japan Tokyo Festival Event

Bài viết liên quan