Trẻ em Nhật được học những gì ở trường? Khám phá 10 điều đặc trưng về trường học ở Nhật Bản
Nhật Bản được xếp hạng là một trong những nền giáo dục tốt nhất ở châu Á. Vậy có điều gì đặc biệt trong môi trường học tập ở đất nước này? Hãy cùng khám phá 10 đặc trưng về trường học ở Nhật Bản qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Hệ thống giáo dục của Nhật
2. Phương tiện đi tới trường
3. Các quy tắc chung của trường học
4. Đồng phục
5. Ăn trưa tại trường
6. Bài tập về nhà
7. Thi cử và học thêm
8. Hoạt động ngoại khóa
9. Ngày hội thể thao
10. Giáo dục về động đất
1. Hệ thống giáo dục của Nhật
Dù ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục luôn được quan tâm và chú trọng hàng đầu bởi nó chính là yếu tố trụ cột, nền tảng của việc phát triển con người cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Nền giáo dục Nhật Bản được đánh giá là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới với nhiều điểm đặc biệt, mang đậm dấu ấn “đất nước mặt trời mọc”.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản được chia thành 5 cấp:
※ Mầm non (幼稚園): kéo dài từ 1 đến 3 năm, cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Bậc mầm non được gọi là Youchien hoặc Houikuen. Bậc mầm non không phải phần bắt buộc của hệ thống giáo dục Nhật Bản nhưng được đánh giá là rất cần thiết. Học sinh mầm non được làm quen với những thói quen trong cuộc sống và học cách sống tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
※Tiểu học (小学校): kéo dài 6 năm, từ lớp 1 đến lớp 6. Trường tiểu học – Shogakko ở Nhật dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi và nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc. Tiền học phí ở cấp này hoàn toàn được nhà nước hỗ trợ, phụ huynh học sinh chỉ cần chi trả các khoản phí khác như đồ dùng học tập, ăn trưa và sách vở cho con em mình. Giáo dục tiểu học không chỉ đề cao Nhật ngữ và Keigo – kính ngữ trong giao tiếp mà còn chú trọng các môn học khác như số học, khoa học, tiếng anh, âm nhạc, viết chữ thư pháp, làm thơ haiku, giáo dục thể chất, thủ công.
※ Trung học cơ sở (中学校): kéo dài 3 năm, từ lớp 7 đến lớp 9. Trung học cơ sở – Chugakko dành cho những học sinh từ 12 đến 15 tuổi là bậc giáo dục bắt buộc tiếp theo ở Nhật. Việc học tập cũng như giảng dạy ở cấp học này được tăng cường mạnh hơn, tuy nhiên phương pháp chính vẫn là dựa trên việc hình thành những thói quen và đề cao giá trị đạo đức. Học sinh được khuyến khích tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa qua các câu lạc bộ thể thao như judo, bóng chày, bóng rổ, bóng đá, võ,... của trường.
※ Trung học phổ thông (高校): 3 năm, từ lớp 9 đến lớp 12, từ 15 đến 18 tuổi. Tuy trung học phổ thông – Kotogakko không phải một cấp học bắt buộc nhưng có đến 98% học sinh Nhật sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn tiếp tục học lên trung học phổ thông. Học sinh trung học phổ thông có độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi.
※ Đại học (大学), cao đẳng (短大) hoặc trường chuyên tu (専門学校): Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh Nhật Bản có thể lựa chọn vào các trường đại học, cao đẳng, thông thường thời gian học là 4 năm hoặc các trường dạy nghề chuyên nghiệp với thời gian đào tạo ngắn hơn khoảng 2 năm. Bậc giáo dục này có chức năng đào tạo và cung cấp nhân lực có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho lực lượng lao động quốc gia.
Hầu hết các trường ở Nhật Bản đều tổ chức 3 kỳ học 1 năm, bắt đầu năm học mới từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau đó. 1 năm học sẽ có 3 kỳ nghỉ, kỳ nghỉ hè 40 ngày, kỳ nghỉ đông và xuân kéo dài 10 ngày. Trung bình thời gian học 1 ngày là 6 tiếng.
2. Phương tiện đi tới trường
Một trong những điều cốt lõi mà giáo dục Nhật Bản luôn đề cao, chú trọng chính là phát triển đức tính tự lập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Không giống với các đất nước khác trên thế giới nơi các bậc phụ huynh luôn đưa đón con của mình đến trường và về nhà cho đến khi chúng lớn, học sinh Nhật Bản ngay từ cấp mẫu giáo đã được hình thành thói quen tự đi học mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ.
Đối với những học sinh lựa chọn học tập tại các trường công lập tại Nhật Bản, quãng đường từ nhà các em đến trường học khá đơn giản và thuận tiện vì trường học thường ở ngay trong khu vực quận các em sinh sống. Hầu hết các học sinh tiểu học và trung học đều tự đi bộ đến trường với thời gian từ 5 đến 15 phút. Còn với một số vùng xa trung tâm và mật độ dân số thưa thớt, thời gian đi từ nhà đến trường có thể lên đến 1 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn, tuy nhiên các em học sinh vẫn tự đi bộ hoặc bắt xe bus và tàu điện ngầm đi học chứ không cần bố mẹ đưa đón. Có thể những người nước ngoài sẽ thấy khá lạ lùng và nguy hiểm khi thấy cảnh những học sinh nhỏ tuổi một mình đến trường nhưng đây là điều hết sức phổ biến ở Nhật.
Có thể nói điều này xuất phát từ việc các vị phụ huynh ở “đất nước mặt trời mọc” luôn tư duy theo cách: “Kawaii ko ni wa tabi wo saseyo”, tạm dịch: “Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình”. Điều này có nghĩa dù họ rất yêu thương con của mình nhưng thay vì bao bọc chúng, họ sẽ để chúng đối diện và tự vượt qua những thử thách của mình ngay từ khi còn nhỏ. Vì dù yêu thương con đến nhường nào bố mẹ cũng không thể đi cùng con suốt cả cuộc đời nên việc dạy con cách sống tự lập có ý nghĩa tuyệt vời hơn cả. Nhờ tư duy và cách giáo dục đó, trẻ em Nhật hình thành tính tự lập từ rất sớm, khi gặp trở ngại trên quãng đường đi học chúng sẽ không sợ hãi mà tự mình khắc phục những khó khăn ấy.
Bên cạnh gia đình, xã hội Nhật Bản cũng là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh luôn cảm thấy an toàn khi tự mình đến trường. Theo nhà nghiên cứu Dwayne Dixon: “Tại Nhật Bản, ngay từ nhỏ trẻ em đã được dạy rằng bất cứ ai trong cộng đồng đều được kêu gọi để sẵn lòng giúp đỡ người khác. Trẻ em tại Nhật cảm thấy an tâm khi biết rằng mình có thể nhận được sự giúp đỡ từ bất kỳ người lớn nào trong trường hợp khẩn cấp". Học sinh tiểu học luôn được mặc đồng phục và đội một chiếc mũ màu vàng tươi để mọi người có thể dễ dàng nhận ra và giúp đỡ các em. Không chỉ vậy, hệ thống giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng ở Nhật được thiết kế thân thiện với trẻ em. Các trường học cũng luôn tổ chức cho các học sinh trong cùng một khu lập thành nhóm cùng đi đến trường. Ở những khu vực giao thông khá phức tạp, hội phụ huynh còn được thành lập để thay phiên quan sát và đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ khi sang đường. Có thể nói, chính nhờ sự hỗ trợ từ văn hóa cộng đồng mạnh mẽ, trẻ em Nhật Bản dù tự mình đến trường nhưng không bao giờ “đơn độc” trên chặng đường ấy.
3. Các quy tắc chung của trường học
Nhiều nhà giáo dục khi đến thăm trường học ở Nhật Bản đã đưa ra nhận xét chung về học sinh Nhật qua những từ như: ngoan ngoãn, vâng lời, lịch thiệp và tôn kính giáo viên. Có vẻ những phẩm chất như vậy khá phổ biến ở học sinh các quốc gia châu Á. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các quy tắc ở trường học Nhật Bản để xem điều gì đã tạo nên tính cách và lối ứng xử như vậy của học sinh Nhật nhé!
※ Trẻ em Nhật phải học thói quen chuẩn bị từ khi còn nhỏ. Ở mầm non, trẻ được dạy để gấp áo khoác một cách ngay ngắn, luôn mang theo giấy ăn và khăn tay trong túi. Ở trường tiểu học, chúng luôn phải để 3 cây bút chì trên bàn, mang theo hồ dán, thước kẻ và tẩy trong hộp bút. Học sinh tiểu học phải tháo giày bỏ lên giá và thay giày đi trong nhà khi tới trường. Chúng cũng sẽ đeo cùng một loại ba lô theo quy định của nhà trường. Kiểu ba lô mà học sinh yêu thích là loại làm từ chất da dày dặn và chắc chắn. Phụ huynh thường mua cho trẻ ba lô mới khi chúng vào lớp 1 và sẽ giữ gìn để dùng trong suốt 6 năm tiểu học.
※ Trường học Nhật cũng có những quy tắc nghiêm ngặt về độ dài móng tay và kiểu tóc. Nam sinh thường để một kiểu tóc đơn giản mà không tạo kiểu hay cắt lớp. Học sinh cũng không được trang điểm và nhuộm tóc. Học sinh không nên làm cho mình nổi bật hoặc thể hiện cá tính quá mạnh.
※ Trường học không thuê lao công nên học sinh phải tự dọn dẹp. Học sinh sẽ chịu trách nhiệm lau dọn lớp học, phòng vệ sinh và hành lang. Các công việc chủ yếu là quét sàn, lau sàn và xóa bảng. Hiệu trưởng và thầy cô giáo cũng sẽ tự dọn dẹp khu vực của mình.
※ “Tiên học lễ, hậu học văn”: Học sinh phải tôn trọng thầy cô giáo và những người lớn tuổi hơn. Chúng sẽ cúi đầu chào giáo viên khi tiết học bắt đầu và kết thúc mỗi ngày. Học sinh cũng sẽ được học cách dùng kính ngữ khi nói chuyện với bậc bề trên.
※ Không được đi trễ giờ. Tác phong đúng giờ dù ở bất cứ đâu và trong hoàn cảnh nào đã đi sâu vào ý thức của người Nhật. Điều này không chỉ áp dụng ở chốn công sở, buổi họp hay hội nghị của người trưởng thành mà đã được dạy cho trẻ em ngay từ trong trường học.
※ Không có giáo viên dạy thay. Nếu giáo viên có việc bận hoặc vì lý do sức khỏe mà không thể tới dạy thì học sinh sẽ tự ôn hoặc làm bài tập trong tiết học đó.
4. Đồng phục
Nhật Bản bắt đầu quy định về đồng phục Seifuku (制服) ở trường học từ cuối thế kỷ 19. Ngày nay, đồng phục đã phổ biến ở cả trường công và trường tư, thậm chí một số trường cao đẳng nữ sinh vẫn quy định về đồng phục. Đồng phục học sinh của Nhật đã trở thành một biểu tượng văn hóa của đất nước mặt trời mọc và được yêu thích trên toàn thế giới nhờ những hình ảnh đẹp đẽ và tươi sáng trong phim học đường hay manga - anime.
Ở phần lớn các trường tiểu học, học sinh không bị bắt buộc mặc đồng phục. Ở những nơi bị bắt buộc, nam sinh thường mặc áo sơ mi trắng, quần short và đội mũ lưỡi trai. Nữ sinh thường mặc váy xếp ly xám và áo choàng trắng hoặc trang phục thủy thủ. Quy định về đồng phục thay đổi theo mùa để phù hợp với môi trường và sự kiện. Học sinh tiểu học cũng thường đội mũ lưỡi trai có màu sáng để phòng tránh tai nạn giao thông (khi qua đường). Việc mặc đồng phục ở bên ngoài trường học là chuyện khá phổ biến ở Nhật.
Đồng phục của học sinh cấp 2 và cấp 3 thường là trang phục quân đội cho nam sinh và trang phục thủy thủ cho nữ sinh. Những bộ đồng phục này được thiết kế theo quân phục thời Minh Trị, dựa trên đồng phục hải quân theo phong cách châu Âu. Trong khi phong cách này vẫn đang được sử dụng, nhiều trường học đã chuyển sang phong cách đồng phục trường học kiểu phương Tây: áo sơ mi trắng, cà vạt, áo khoác hoặc áo len với áo khoác và quần (thường không có cùng màu với áo khoác hoặc áo len) cho nam và áo trắng, cà vạt, áo khoác, và váy kẻ sọc cho nữ.
Ở Nhật, giày, vớ và các phụ kiện khác cũng được coi như một phần của bộ đồng phục. Bít tất thường là xanh navy hoặc trắng. Giày thường là giày lười màu nâu hoặc đen. Mặc dù không phải là một phần của bộ đồng phục được quy định, các hình thức quần legwear thay thế (như vớ rộng, vớ dài đến đầu gối hoặc tương tự) thường được kết hợp với trang phục thủy thủ.
5. Ăn trưa tại trường
Ở Nhật, bữa trưa dành cho trẻ em được gọi bằng cái tên "shokuiku" (食育), có nghĩa là "thực phẩm và giáo dục dinh dưỡng". Không chỉ ở nhà mà ngay cả ở trường học, trẻ con Nhật cũng đều được giáo dục rằng phải biết giúp đỡ cha mẹ chuẩn bị đồ ăn, cũng như làm thế nào để ăn uống một cách lịch sự và dọn dẹp sau khi ăn xong. Đây là một phần của văn hoá ẩm thực Nhật Bản.
Từ thứ Hai đến thứ Sáu, học sinh theo học các trường tiểu học và trung học cơ sở có các bữa ăn trưa được chuẩn bị cho các em với đầy đủ các loại, bao gồm các loại thịt, cá, rau, rong biển, sữa được phục vụ với mỗi bữa ăn. Các món ăn trưa trong trường học rất đa dạng và tránh lặp đi lặp lại. Tuy nhiên mỗi ngày, trẻ sẽ chỉ có duy nhất một thực đơn nhất định và không được quyền lựa chọn. Người Nhật rất tiết kiệm nên họ chú trọng dạy cho trẻ em ý thức coi trọng đồ ăn và tránh chuyện kén chọn ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên với những trẻ bị dị ứng, trường luôn có món ăn thay thế riêng cho các bé. Thông thường, sẽ có món tráng miệng như thạch, sữa chua, kem hoặc trái cây. Chế độ dinh dưỡng này đảm bảo một cơ thể cân đối, xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và chịu trách nhiệm với sức khỏe của bản thân.
Bữa ăn trưa của học sinh Nhật không phải là ngồi chờ cơm rồi ăn. Đó cũng là giờ học tính tự lập và tính đoàn kết của trẻ. Mỗi buổi trưa, những học sinh trực nhật hôm đó sẽ chịu trách nhiệm chia cơm cho các bạn. Bọn trẻ cũng không ai ăn trước cho đến khi các bạn mình phát cơm xong và khâu chuẩn bị hoàn tất. Mỗi trẻ đặt một khay trước mặt và đợi bạn bè ngồi xuống hết thì mới bắt đầu. Thời gian ăn trưa được sắp xếp khá khoa học. Chúng sẽ không có nhiều thời gian nói chuyện trong bữa ăn mà chỉ vừa đủ để ngồi xuống và ăn. Bọn trẻ luôn cố gắng ăn hết suất của mình vì việc bỏ thừa là điều không tốt ở Nhật. Khi ăn xong, mỗi học sinh lại tự dọn dẹp đồ dùng của mình, trả bát đĩa trả cho phòng bếp, gập bàn ghế và lau dọn sàn.
Bữa trưa tại trường học của Nhật
Thêm một ấn tượng nữa với trẻ con Nhật, đó là thói quen nói cảm ơn trước và ngay cả sau khi ăn xong. Đó vừa là phép lịch sự trên bàn ăn vừa thể hiện lòng biết ơn. Sau khi rửa tay, các bé sẽ ngồi vào bàn ăn, nói "Itadakimasu" (có nghĩa là: “Tôi xin phép được ăn”), rồi mới bắt đầu tập trung vào đồ ăn của mình. Khi tất cả các bé hoàn thành, các em hét to một cách nhiệt tình "Gochisousama deshita!" – một câu nói truyền thống của Nhật sau khi ăn cơm, "Cảm ơn vì bữa ăn ngon miệng này" rồi cũng mới kết thúc bữa ăn. Và cuối cùng, lũ trẻ sẽ có chút thời gian để ngủ trưa sau bữa trưa của mình.
6. Bài tập về nhà
Ở bậc tiểu học, giáo viên thường giao bài tập về nhà hàng ngày để phát triển thói quen học tập cho trẻ. Học sinh mang sách bài tập về để làm mỗi ngày. Bài tập về nhà chủ yếu để ôn lại bài cũ và chuẩn bị bài mới. Nội dung đa dạng tùy theo môn học và chủ đề, trong đó bao gồm cả những dự án dài và các loại bài tập khác. Bài tập được chú trọng nhất là tính toán và học Hán tự Kanji. Thông thường, học sinh tiểu học cần ghi nhớ 1,006 chữ Hán, tương đương với khoảng một nửa số lượng chữ cần dùng hàng ngày. Trẻ không những phải nhớ thứ tự nét của từng chữ mà còn cần biết các cách đọc khác nhau của chữ đó. Với mỗi chữ Hán mới, học sinh phải luyện viết hàng chục lần để có thể thuộc lòng. Ngoài ra, nhằm khuyến khích trẻ tương tác xã hội cũng như học các kỹ năng thực tế chăm sóc bản thân, gần đây học sinh Nhật Bản cũng được giao những dạng bài tập như “Chơi cùng bạn” hoặc “Giặt giày đi ở trường”.
Vào mùa hè, trẻ em cũng được giao bài tập về nhà như đọc sách và viết cảm nhận, trồng hoa hướng dương và viết lại những gì quan sát được hàng ngày, tự làm đồ thủ công hoặc vẽ, nghiên cứu về đề tài bất kỳ theo sở thích. Trong số các bài tập này, nghiên cứu tự do - Jiyu Kenkyu có lẽ là bài tập khiến cả học sinh lẫn phụ huynh nản lòng nhất. Giáo viên sẽ không đưa ra bất kỳ hướng dẫn hay gợi ý nào. Học sinh được quyền tự chọn đề tài và cách nghiên cứu theo ý thích. Trước đây, bài tập mùa hè của học sinh Nhật Bản khá nặng nhưng hiện nay, nhà trường không muốn lũ trẻ phải ngồi lì ở trong nhà để hoàn thành bài tập nên đã giảm bớt đi.
Học sinh cuối cấp 2 và học sinh cấp 3 có ít bài tập hơn vì chúng phải đi học thêm khá nhiều để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp. Nhật Bản là một trong số các quốc gia mà học sinh phải dành thời gian để làm bài tập về nhà ít hơn mức trung bình trên thế giới nhưng học sinh Nhật vẫn nhận được rất nhiều giải thưởng và thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế.
7. Thi cử và học thêm
Mặc dù ở cấp mầm non và tiểu học, giáo dục Nhật Bản luôn đề cao phát triển nhân cách học sinh hơn là đặt nặng kiến thức nhưng càng lên các bậc học cao hơn, việc thi cử và kết quả, thành tích lại được xem là yếu tố quan trọng nhất quyết định tương lai học tập và nghề nghiệp của học sinh Nhật.
Các kỳ thi, đặc biệt là những kỳ thi chuyển cấp, có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống giáo dục ở Nhật Bản. Để có thể vào được những trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học mà mình mong muốn, học sinh Nhật Bản phải trải qua các kỳ thi đầu vào rất khắc nghiệt. Trong số đó, kỳ thi đại học được xem là kỳ thi quan trọng bậc nhất. Với áp lực cạnh tranh rất cao và những tiêu chuẩn, chỉ tiêu sát sao, đối với học sinh Nhật Bản, kỳ thi này không khác gì địa ngục (shiken jigoku - 試験地獄). Để vượt qua kỳ thi khốc liệt này, các bạn học sinh Nhật sẽ phải dốc hết sức lực và dành toàn bộ thời gian của mình vào học tập. Theo nhiều số liệu thống kê, chỉ 56% học sinh vượt qua kì thi này ngay từ lần thi đầu tiên, số còn lại sẽ phải tiếp tục tự mình ôn luyện và đợi đến kì thi tiếp theo vào năm sau. Áp lực từ các cuộc thi nói chung và kỳ thi đại học nói riêng có thể xem là một phần động lực thúc đẩy học sinh Nhật Bản không ngừng cố gắng học tập, trau dồi kiến thức từ đó giúp hệ thống giáo dục Nhật đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến tình trạng căng thẳng tinh thần và stress vì việc học hành thi cử ở học sinh Nhật ngày càng gia tăng.
Cùng với việc các kỳ thi ngày càng trở nên khó khăn và áp lực thi cử ngày càng nặng nề, việc học thêm, hay còn gọi là Juku đã trở nên rất phát triển và phổ biến ở Nhật Bản. Để chuẩn bị tốt nhất cho những kì thi đầu vào, phần lớn học sinh Nhật Bản đều tham gia các lớp học thêm ở các trung tâm bên ngoài sau 8 giờ học chính ở trường. Rất nhiều phụ huynh Nhật có xu hướng gửi con em mình vào những trường học thêm này ngay từ khi các em đang học tiểu học để có thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi cấp hai. Ngoài những trung tâm học thêm mang tính học thuật (academic juku) tập trung vào 5 môn học chính: Toán, Nhật ngữ, Khoa học, Tiếng Anh và Xã hội, ở Nhật còn có mô hình trung tâm học thêm các môn học khác (non-academic juku) như mĩ thuật, âm nhạc nghệ thuật, bơi lội, tính nhẩm soroban. Việc học thêm ở Nhật Bản vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi khi có nhiều ý kiến cho rằng nó khiến trẻ em Nhật dường như không còn chút thời gian rảnh nào cho các hoạt động khác và khiến các em phải chịu áp lực ganh đua ngay từ khi còn nhỏ.
8. Hoạt động ngoại khóa
Hầu hết các học sinh trung học đều tham gia vào một vài câu lạc bộ tự chọn theo sở thích. Chẳng hạn như đội thể thao, câu lạc bộ nghệ thuật, văn hóa hoặc khoa học,... và phần lớn được tổ chức bởi chính học sinh. Câu lạc bộ thể thao có các môn thể thao như bóng chày, bóng bàn, bóng rổ, bóng đá, bơi lội, judo, tennis, bóng bàn, cầu lông và bóng chuyền. Câu lạc bộ về nghệ thuật, văn hóa bao gồm nghệ thuật thị giác, cắm hoa, trà đạo, kịch nghệ và ca nhạc.
Trường học tại Nhật Bản đều có rất nhiều các hoạt động trong năm như: ngày hội thể thao, buổi hoạt động ngoại khóa, du lịch, lễ hội, nghệ thuật, văn hóa. Khi đó, các học sinh sẽ cùng nhau chuẩn bị các tiết mục văn nghệ hoặc các gian hàng cho lễ hội. Học sinh ở các lớp lớn trong các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thường có chuyến đi kéo dài vài ngày đến các thành phố văn hóa quan trọng.
Các câu lạc bộ được sinh ra để chia sẻ về một mối quan tâm, sở thích chung, đặt ra mục tiêu rồi cùng nhau hành động để đạt được nó. Ví dụ như các thành viên trong câu lạc bộ bóng rổ sẽ hướng đến việc giành chiến thắng trong một giải đấu nào đó. Nhưng không phải câu lạc bộ nào cũng đặt ra mục tiêu, một số sẽ chú tâm làm điều mình thích và đồng thời giao lưu, giúp đỡ các câu lạc bộ khác, chẳng hạn như câu lạc bộ đọc sách.
Một số học sinh cho rằng đây là một cách hoàn hảo để vui chơi với bạn bè. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm cũng cố gắng để đạt được mục tiêu của nhóm và điều đó còn quan trọng hơn cả tham vọng cá nhân. Ngoài ra, những câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa như vậy cũng được coi như một cách để thoát khỏi các chương trình giảng dạy và phương pháp học tập nhàm chán.
Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng là một hình thức trải nghiệm và sẽ trở thành những kỷ niệm tuyệt vời khó quên cho tất cả mọi người về tuổi trẻ và sự nhiệt huyết khi còn trên ghế nhà trường.
9. Ngày hội thể thao
Vào mỗi mùa xuân hay mùa thu hàng năm, các trường từ mẫu giáo đến trung học ở Nhật Bản đều tổ chức các sự kiện ngoài trời cho học sinh tham gia và được biết đến với tên gọi: Ngày hội thể thao (運動会 : undōkai). Mục đích chính là nhằm dạy cho trẻ tầm quan trọng của làm việc nhóm, sự chăm chỉ và tinh thần cạnh tranh vì tập thể. Đây cũng là cơ hội tốt để cả gia đình cùng nhau tận hưởng thời gian vui vẻ. Họ cũng dậy từ sớm để chuẩn bị hộp cơm trưa đầy dinh dưỡng và động viên, cổ vũ tinh thần con đến trường thi đấu.
Mọi người khi tham gia ngày hội này, thường chuẩn bị cho mình mũ và kem chống nắng để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời; khăn và thường là khăn Tenugui được sử dụng cho việc lau mồ hôi, lau tay, bảo vệ vùng cổ; hộp cơm bento; chiếu, thảm hoặc tấm vải sạch sẽ để thưởng thức bức ăn; đồ uống thể thao như Pocari Sweat, Aquarius, Amino Value hoặc thậm chí là trà lúa mạch - thứ trà được mệnh danh là để cho các nhà vô địch; và đương nhiên ngày hội thể thao thì không thể thiếu được đồ thể thao!
Có hai hạng mục thi cơ bản là cá nhân và nhóm. Trong hạng mục cá nhân, các em học sinh thường sẽ thi chạy. Trong phần thi nhóm, học sinh được chia thành đội để tham gia các trò chơi như chạy đua tiếp sức, kéo co, ném bóng,... Các học sinh thường cạnh tranh với bạn đồng niên, nhưng cũng có các cuộc thi tiếp sức giữa các đội tạo thành từ học sinh của nhiều lứa khác nhau . Ngay cả ông bà, bố mẹ cũng có phần thi chung với con cháu và những phần thi riêng để hòa mình vào ngày hội. Tất cả đều hướng tới mục đích chung là nuôi dưỡng tinh thần đồng đội, đoàn kết của các học sinh và cũng giúp cho nhà trường, phụ huynh và học sinh có dịp để giao lưu để hiểu nhau hơn.
Ngày hội thể thao
Nhiều trường học cũng có cả những hoạt động và sự kiện không mang tính chất cạnh tranh như múa dân gian truyền thống của Nhật Bản. Các cuộc thi cổ cũ còn thường xuyên được tổ chức, và mỗi lớp sẽ tạo ra đội cổ vũ của riêng mình nhằm tạo thêm nhiều năng lượng cho những ngày thi đấu thú vị này.
Ngoài ngày hội thể thao, các thầy cô cũng còn cho học sinh được trải nghiệm cảm giác cần cù lao động ngay từ khi còn nhỏ (ví dụ như hoạt động trồng lúa nước) để khi lớn lên, chúng sẽ dũng cảm hơn để đối diện với khó khăn. Từ đó sẽ hình thành nên tinh thần hợp tác, biết suy nghĩ và hy sinh một phần sức lực của mình cho tập thể, xa hơn là biết đóng góp và chịu trách nhiệm với xã hội.
10. Giáo dục về động đất
Do vị trí địa lý mà Nhật Bản là một trong những quốc gia gánh chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, đặc biệt là tác động của động đất. Chính vì thế, trẻ em Nhật đã được giáo dục về động đất ngay từ bậc tiểu học. Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong lớp học, học sinh sẽ phải chui xuống dưới bàn, cúi đầu và bám vào chân bàn cho đến khi chấm dứt cơn động đất. Sau đó, giáo viên dẫn học sinh ra khỏi tòa nhà và điểm danh để chắc chắn rằng tất cả học sinh đều an toàn. Nếu động đất xảy ra khi học sinh đang ở sân trường, chúng sẽ tập trung lại và thoát ra khỏi khu vực tòa nhà trường học.
Diễn tập khi có động đất: Thỉnh thoảng, dưới sự hỗ trợ của đội phòng cháy chữa cháy địa phương, học sinh sẽ lần lượt được thực hành trong thiết bị giả động đất. Đây là một căn phòng được tạo ra để người tham gia có cảm giác giống như trong một trận động đất thực sự. Ở trường học có ba tầng, các học sinh lớp lớn sẽ được thực hành sử dụng cầu trượt khẩn cấp để trượt từ tầng cao xuống mặt đất. Học sinh cũng được diễn tập trong tình huống phát sinh hỏa hoạn và phải tìm đường an toàn để chạy ra khỏi trường. Vị trí hỏa hoạn giả tưởng cũng sẽ được thay đổi trong mỗi lần diễn tập để trẻ có thể học cách xử lý trong mọi tình huống. Giáo viên và học sinh lớp lớn cũng được xem video học cách dùng bình chữa cháy.
Trong trường hợp một vụ động đất lớn xảy ra khi học sinh còn đang ở trường, lũ trẻ sẽ ở lại trường dưới sự trông nom của các giáo viên cho đến khi người nhà tới đón. Nếu chúng tự đi về nhà, hoặc không may ở nhà cũng đang xảy ra sự cố thì sẽ rất nguy hiểm. Việc chờ đợi ở trường cũng đã trở thành một phần của buổi diễn tập khi có động đất.
Ngay sau những trận động đất lớn vào năm 1995 và 2011, nhiều trường học ở Nhật đã trở thành nơi trú ẩn khẩn cấp cho những người mất nhà cửa. Một vài trường học còn cho rất nhiều người trú ngụ tới vài tháng trong khi họ đang đợi được chuyển tới những căn nhà tạm trú.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ