Chi tiết về hoạt động tìm việc shuukatsu của sinh viên Nhật Bản
Mục lục
1. Phân tích bản thân và tự định hướng
2. Tìm hiểu về công việc và công ty
3. Ứng tuyển
4. Hội thảo công ty
5. Quá trình phỏng vấn
6. Thư mời làm việc naitei
Làm thế nào để tìm kiếm một công việc mới tại Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp đại học là một câu hỏi không dễ trả lời bởi như chúng ta đều biết rằng, cơ chế tuyển dụng của các công ty Nhật rất gắt gao. Vậy bạn có biết sinh viên Nhật phải chuẩn bị như thế nào cho hoạt động tìm việc này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một giai đoạn quan trọng quyết định đến tương lai của người Nhật trong bài viết này nhé!
Hoạt động tìm kiếm việc làm của các sinh viên Nhật được gọi là shuukatsu 就活, cách viết tắt của shuushoku katsudou 就職活動 (hoạt động tìm việc). Ở châu Âu và châu Mỹ, việc tuyển dụng diễn ra quanh năm nhưng các công ty Nhật lại có lịch tuyển dụng rất thống nhất, chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp trong tháng 4. Trên thực tế, hơn 80% sinh viên Nhật được nhận ít nhất một lời mời làm việc vào năm cuối đại học, tức là khoảng 8 tháng trước khi tốt nghiệp. Đối với người nước ngoài, quy trình tuyển dụng tại Nhật rất chặt chẽ, quy củ, do đó bạn cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt trước khi xin việc.
1. Phân tích bản thân và tự định hướng
Thời gian: tháng 6 ~ tháng 3
Việc đầu tiên bạn cần làm là tự phân tích bản thân và tìm hiểu về lĩnh vực mà mình yêu thích. Sinh viên Nhật bắt đầu công cuộc tìm việc từ kỳ nghỉ hè năm thứ 3 tại trường đại học, tức khoảng 1 năm rưỡi trước khi tốt nghiệp. Họ cũng dành một khoảng thời gian tương đối dài để tìm hiểu xem sở thích của họ là gì, mục tiêu nghề nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu và lĩnh vực nào có thể phù hợp với họ. Khi nhận thức rõ được các kỹ năng và giá trị của bản thân, việc này không chỉ giúp bạn có cơ hội cao hơn những người cùng ứng tuyển mà còn là một bước đệm quan trọng để bạn có một công việc yêu thích sau này.
Sau đó, bạn có thể đăng ký chương trình thực tập vào mùa hè hoặc mùa đông. Đây là một cơ hội quý giá để các tân cử nhân tương lai tích lũy kinh nghiệm và bắt đầu làm quen với môi trường làm việc mới.
2. Tìm hiểu về công việc và công ty
Thời gian: tháng 9 ~ tháng 6
Sau khi đã hiểu được sâu sắc sở trường, sở đoản của bản thân, sinh viên cần có được hiểu biết khái quát về lĩnh vực mình quan tâm. Bước tiếp theo là thu hẹp các lựa chọn công việc và các nhà tuyển dụng tiềm năng cũng như các công ty đối thủ của họ. Càng hiểu rõ về công ty, bạn càng dễ dàng giải thích lý do vì sao bạn muốn làm việc ở đó và càng có niềm tin để nỗ lực cống hiến hết mình. Đối với một số ngành như Công nghệ thông tin, sinh viên cần chuẩn bị các kỹ năng và kiến thức đặc thù để buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ.
3. Ứng tuyển
Thời gian: tháng 3 ~ tháng 6
Sinh viên Nhật thường tìm việc qua 3 kênh sau: trang web việc làm, trang web của công ty và hội chợ giới thiệu việc làm. Mùa săn việc bắt đầu từ ngày 1 tháng 3 khi mà tất cả các công việc sẽ đồng loạt được đưa lên mạng. Tuy nhiên, gần đây, càng có nhiều công ty bắt đầu tuyển dụng từ trước tháng 3 nên bạn hãy lưu ý đến những lời mời làm việc sớm và các buổi hội thảo của công ty. Trong giai đoạn này, bạn cũng sẽ được yêu cầu làm một bản điều tra sơ yếu lý lịch với rất nhiều câu hỏi tập trung tìm hiểu về kỹ năng và kinh nghiệm của bạn mà không đánh giá nhiều về kiến thức chuyên môn. Khi phỏng vấn, các công ty sẽ hỏi lý do tại sao bạn nộp đơn vào công ty của họ, vì vậy hãy bạn chuẩn bị thật kỹ nhé!
4. Hội thảo công ty
Thời gian: tháng 3 ~ tháng 6
Trung bình, một sinh viên Nhật thường đi nghe hội thảo của 30 ~ 40 công ty. Các công ty thường đến các trường đại học tổ chức hội thảo, được gọi là setsumeikai 説明会. Tại đây, sinh viên có cơ hội được hỏi trực tiếp các nhà tuyển dụng về các sản phẩm của công ty, nội dung việc làm, chế độ ưu đãi, đời sống nhân viên,...Đây cũng là một cơ hội tốt để bạn tạo được ấn tượng ban đầu với các nhà tuyển dụng và cũng giúp các nhà tuyển dụng tìm được các ứng viên tiềm năng. Khác với các nước phương Tây, sinh viên Nhật Bản sẽ liên lạc sớm với các công ty trong quá trình nộp đơn. Không chỉ đánh giá dựa trên CV, các công ty sẽ tổ chức các buổi hội thảo và phỏng vấn tương tác trực tiếp với ứng viên càng nhiều càng tốt.
5. Quá trình phỏng vấn
Thời gian: tháng 6 ~ tháng 9
Sau cuộc hội thảo của công ty là lúc để bạn bắt đầu một loạt các cuộc phỏng vấn và kiểm tra, chủ yếu diễn ra từ tháng 6 ~ tháng 9. Mặc dù 70% các công ty sẽ tuân theo lịch trình này nhưng các cuộc phỏng vấn có thể được tiến hành trước tháng 6. Trong các cuộc phỏng vấn nhóm, các nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên qua khả năng lãnh đạo; còn khi phỏng vấn cá nhân, họ tập trung quan sát đặc điểm tính cách, kỹ năng cá nhân, thời gian học tập tại trường, đặc biệt là làm thế nào để vượt qua thất bại. Dựa vào đó, họ sẽ biết được bạn có khả năng chịu được áp lực cao và có thể giải quyết được các vấn đề phát sinh trong công việc hay không. Ngoài ra các công ty cũng chấp nhận tuyển nhân viên vào cuối năm cho đến khi họ tìm được ứng viên phù hợp. Bài kiểm tra thì tùy vào mỗi công ty mà nội dung sẽ khác nhau, trong đó bài kiểm tra tiêu chuẩn nổi tiếng nhất là SPI.
6. Thư mời làm việc naitei
Đến tháng 10 sẽ có kết quả phỏng vấn và khoảng 90% sinh viên mới tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm. Những sinh viên này sẽ nhận được một giấy thông báo trúng tuyển gọi là naitei tsuuchisho 内定通知書 và một giấy chấp thuận công việc mới là naitei shoudakusho 内定承諾書. Nếu bạn đồng ý thì sẽ ký vào giấy chấp thuận công việc và gửi lại cho công ty. Bạn được phép hủy bỏ cam kết sau khi ký giấy chấp thuận nhưng điều này có thể làm hỏng mối quan hệ giữa bạn và công ty đó nên hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ký nhé! Khác với tuyển dụng ở Việt Nam (ứng viên thường đi làm ngay sau khi nhận thông báo tuyển dụng), khoảng thời gian kể từ lúc nhận naitei tới lúc đi làm chính thức là khá dài, có thể lên tới 1 năm. Nhiều công ty cũng tổ chức một buổi lễ gọi là naiteishiki 内定式 để chào đón những nhân viên mới và giới thiệu họ với các nhân viên khác.
Trên đây là các bước mà người Nhật tìm một công việc toàn thời gian đầu tiên của mình. Một lý do khiến quy trình tuyển dụng này trở nên thống nhất và phổ biến là vì nhiều công ty sẽ đào tạo chuyên môn cho những “tân binh” và họ cũng lo lắng nếu những nhân viên thiếu kinh nghiệm bỏ việc giữa chừng. Trước kia, người Nhật Bản ít có thói quen chuyển việc. Những người chuyển công ty thường bị đánh giá thấp về đạo đức và rất khó để tìm một công việc mới, vì vậy, có những người cả đời chỉ gắn bó với một công ty. Tuy nhiên, hiện nay, giới trẻ Nhật Bản có xu hướng mong muốn một công việc mang lại cuộc sống đầy đủ thay vì cống hiến hết mình cho công việc. Sự khác biệt về văn hóa thế hệ giữa bố mẹ và con cái cũng ảnh hưởng đến mô hình shuukatsu, trong khi bố mẹ muốn con mình làm việc tại các công ty lớn thì cũng có những người muốn thử thách trong các lĩnh vực khởi nghiệp. Cùng với các vấn đề khác như an sinh xã hội, sự chênh lệch giữa tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử, thì giải quyết việc làm vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối đối với chính phủ và xã hội Nhật Bản hiện nay.
Nguồn: https://kimi.wiki/jobsearch/shuukatsu
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ