Kinh nghiệm chinh phục núi Phú Sĩ
Mục lục
1. Chuẩn bị
2. Các trạm
3. Hướng dẫn leo núi
4. Cách đi đến địa điểm Núi Phú Sĩ
Nhắc tới Nhật Bản, ta không thể không nói tới một biểu tượng kỳ vĩ của đất nước “mặt trời mọc” đó là núi Phú Sĩ hay còn gọi là núi Fuji. Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi ở phía Tây Nam Tokyo. Với độ cao lên tới 3776 m, đây được coi là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, và là một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 22 tháng 6 năm 2013. Chính vì vậy, đối với người dân Nhật Bản, núi Phú Sĩ là ngọn núi thiêng liêng, biểu hiện cho niềm tự hào dân tộc và sự may mắn. Việc chinh phục “ngọn núi kỳ vĩ” này là điều mà bất cứ người dân Nhật nào cũng muốn được làm trong đời. Nếu bạn là người yêu thích sự khám phá, thích thử thách bản thân hay đơn giản muốn trải nghiệm và lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ thì tại sao lại không thử “chinh phục” ngọn núi nổi tiếng Châu Á này? Nhưng trước khi thực hiện chuyến hành trình leo núi này, bạn phải bỏ túi những kinh nghiệm và thông tin sau vì đây sẽ là cuộc hành trình không hề đơn giản hay dễ dàng đâu.
a. Thời gian thích hợp để leo núi
Đầu tháng 7 tới giữa tháng 9 là mùa leo núi chính thức khi những con đường mòn và các quán trọ bên núi được mở. Trong thời gian này, ngọn núi thường không có tuyết, thời tiết tương đối ôn hòa, việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng rất dễ dàng và dịch vụ các quán trọ ven núi hoạt động đa dạng để phục vụ nhu cầu của du khách. Vì vậy đây là thời gian leo núi lý tưởng, an toàn và dễ dàng nhất, đặc biệt là với những người không có nhiều kinh nghiệm leo núi và đi bộ đường dài.Trong thời gian mở cửa sẽ có hai lộ trình leo núi chính thức gồm:
- Lộ trình Yoshida: mở cửa từ 1/7 - 10/9
- Lộ trình Subashiri, Gotemba và Fujinomiya : mở cửa từ 10/ 7 - 10/9
Giai đoạn vào tháng 8: Leo núi Phú Sĩ phổ biến không chỉ với người Nhật mà cả những du khách nước ngoài. Mùa cao điểm leo núi là trong kỳ nghỉ học kéo dài từ khoảng 20 /7 tới hết tháng 8. Đỉnh điểm đông đúc phải kể tới “Tuần lễ Obon” diễn ra vào giữa tháng 8, khi những người leo núi phải đứng xếp hàng tại một số đoạn đường.
Với những du khách thích sự cởi mở và muốn tận hưởng cảm giác nhộn nhịp, leo núi trong khoảng thời gian này sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ về tình bạn, sự chia sẻ những kinh nghiệm, làm quen với nhiều người đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới. Vì vậy, cuộc hành trình chinh phục núi Phú Sĩ sẽ không còn mệt mỏi, sự kiệt sức hay khó khăn nào mà thay vào đó là sự sẻ chia, giúp đỡ, là tiếng cười trong suốt cuộc hành trình.
Còn với những du khách muốn tránh sự ồn ào, đông đúc và chờ đợi thì hãy bắt đầu cuộc hành trình vào một ngày trong tuần đầu tháng 7 - thời điểm trước khi bắt đầu kỳ nghỉ của trường. Nhưng nhược điểm của việc leo núi vào đầu tháng 7 là thời tiết có xu hướng không ổn định so với giai đoạn tháng 8.
Giai đoạn hết mùa leo núi: Một số túp lều và các quán ven núi mở cửa một vài ngày trước khi bắt đầu mùa leo núi chính thức cho đến khoảng giữa tháng 9. Từ tháng 10 đến khoảng giữa tháng 6, việc leo núi trở nên rất nguy hiểm do điều kiện thời tiết và gió khắc nghiệt, nhiệt độ có thể giảm xuống 0 độ C, nguy cơ tuyết lở xảy ra rất cao. Hơn nữa, các dịch vụ trên núi, phương tiện giao thông công cộng cũng ngừng hoạt động. Do đó, những khó khăn và sự cố không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của du khách, đặc biệt là những người chưa có kinh nghiệm leo núi. Nên tốt nhất là chúng ta chỉ thực hiện chuyến hành trình trong thời gian mở cửa để đảm bảo an toàn.
b. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết
Để chinh phục ngọn núi cao 3776m không phải là một điều đơn giản, du khách phải mất tới vài ngày leo núi và đi bộ trên các con đường mòn, sự mệt mỏi, mất sức và những sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc chuẩn bị các vật dụng mang theo là vô cùng cần thiết để đảm bảo cho một cuộc hành trình an toàn. Nhưng ngược lại, việc mang quá nhiều đồ không cần thiết sẽ là một trở ngại lớn. Vậy cần phải mang những gì cho cuộc hành trình leo núi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
- Giày phù hợp
Địa hình đá, dốc ở một số đoạn và những cơn gió mạnh, quãng đường đi bộ dài là lý do để chúng ta lựa chọn những đôi giày thể thao hoặc giày leo núi thích hợp. Những đôi giày nên có độ thỏa mái để bạn dễ dàng di chuyển nhưng cũng phải vừa vặn để bảo vệ được mắt cá chân của bạn. Một đôi giày chống thấm nước sẽ là một sự lựa chọn tốt. Vì phải di chuyển và đi bộ quãng đường rất xa và gồ ghề, việc chọn được đôi giày leo núi thích hợp sẽ là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ.
- Quần áo
Nhiệt độ trên đỉnh núi khá lạnh nên chúng ta phải mang đầy đủ áo khoác và quần áo ấm. Trang phục thể thao chống nước, chống gió sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo vì vừa mang lại cảm giác thoải mái khi di chuyển cũng giữ ấm được cơ thể. Hoặc du khách có thể chọn những bộ đồ chuyên dụng cho việc leo núi với chất liệu co giãn thoải mái nhưng vẫn đảm bảo độ dày và ấm. Đừng quên mang theo áo mưa nhé vì điều kiện thời tiết có thể thay đổi rất nhanh trên núi. Găng tay cũng nên được mang theo để chống lại cái lạnh và bảo vệ đôi tay trên những đoạn đường đất, đá dốc.
- Đèn pin
Đây là một vật dụng không thể thiếu trong bất kỳ cuộc hành trình nào. Nếu bạn muốn đi bộ vào ban đêm để bắt kịp được khoảnh khắc bình minh vào sáng sớm hôm sau, đèn pin sẽ đóng vai trò dẫn đường, chiếu sáng trong suốt cuộc hành trình của chúng ta để tránh trường hợp lạc đường và sự cố không đáng có. Tiện nhất, chúng ta nên chuẩn bị loại đèn pin đeo trên đầu vì cầm trên tay sẽ rất vướng víu.
- Thực phẩm
Điều quan trọng là phải mang đủ nước và thực phẩm, đặc biệt là trên những con đường mòn nơi có ít lều. Những lều trên núi sẽ cung cấp nhiều thực phẩm và đồ uống khác nhau, tuy nhiên, giá cả của những thực phẩm cũng tăng theo độ cao mà lều được đặt. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn, chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ các thực phẩm gọn nhẹ như lương khô, bánh, kẹo có độ ngọt để tiếp năng lượng nhanh nhất. Nước khoáng, nước tăng lực sẽ là chìa khóa giúp chúng ta bổ sung và giảm sự mất nước cho cơ thể. Ngoài ra, hãy chuẩn bị giấy gói hoặc bao đựng rác vì sẽ không có thùng rác công cộng trên núi.
- Tiền
Một thứ không thể quên mang theo trong cuộc hành trình chính là tiền mặt. Du khách có thể sẽ phải chi tiêu các khoản phát sinh khi leo núi như nước (100-500 yên/chai) hoặc các bình oxy và phí sử dụng nhà vệ sinh trên đường đi (100-300 yên/lần). Chưa kể là những trường hợp khẩn cấp mà bạn cần tìm nơi trú ẩn ở một trong những túp lều trên núi. Vì vậy, để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi, du khách nên chuẩn bị khoảng vài nghìn yên và một ít tiền xu bên người.
- Gậy leo núi
Mặc dù không quan trọng, nhưng bạn có thể trang bị thêm gậy leo núi chuyên dụng hoặc gậy gỗ có bán sẵn tại trạm thứ 5 ( giá khoảng 1500-2000 yên). Ngoài ra, cây gậy leo núi có thể sẽ là vật kỷ niệm và minh chứng cho quá trình chinh phục ngọn núi nổi tiếng Nhật Bản này.
Các vật dụng khác: Ngoài những đồ vật cần thiết mang theo đã kể trên, chúng ta hoàn toàn có thể mang theo các vật dụng khác như: kính mắt, kem chống nắng, bản đồ leo núi, giấy vệ sinh, thuốc, khăn bông, mũ…
c. Có cần chuẩn bị về thể lực?
Chắc chắn là rất cần thiết để chuẩn bị thể lực cho việc leo núi. Hành trình leo núi rất dài và gian nan, có thể kéo dài tới cả ngày, hơn nữa, càng lên cao, không khí càng loãng gây cảm giác khó thở và đau đầu, vì vậy sự mất sức, mệt mỏi là khó tránh khỏi. Để hoàn thành được cuộc hành trình đòi hỏi không chỉ thể lực, trí lực, sự kiên nhẫn và bền bỉ của mỗi người. Thế nên việc rèn luyện sức khỏe trước hành trình leo núi là “rất rất” quan trọng và cần thiết. Bạn nên tập luyện thể thao với các bài tập giúp nâng cao sức bền như chạy bộ, hít đất, leo cầu thang, đi bộ, … một cách đều đặn từ 1-3 tháng trước khi bắt đầu leo núi, chúng ta nên tập luyện với nhóm bạn cùng đi để nâng cao ý chí và quyết tâm. Lưu ý, với những người bị bệnh tim mạch, huyết áp và sợ độ cao nên tham khảo thêm ý kiến bác sỹ trước khi tham gia cuộc hành trình. Vì núi có độ cao 3776m nên không khí trên đỉnh núi rất loãng, nếu khi leo lên cao mà có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, khó thở thì chúng ta nên dừng lại để đảm bảo an toàn. Không quan trọng là ta có leo lên đỉnh núi hay không, quan trọng là ta đã thử thách và khám phá bản thân được bao nhiêu để rồi cố gắng và nỗ lực trong lần sau nhé.
d. Đặt tour hay nên đi tự túc?
Sẽ có hai trường hợp cho câu hỏi nên đặt tour và thuê người hướng dẫn hay đi tự túc.
Nếu bạn là người đã có trải nghiệm leo núi hay có nhiều kinh nghiệm du lịch tới “xứ sở hoa anh đào” hoặc cùng đi với nhóm bạn đầy kinh nghiệm thì đi tự túc sẽ là một lựa chọn phù hợp. Ưu điểm của việc đi tự túc là được tự do thoải mái khám phá và leo núi mà không phải tuân theo bất cứ lịch trình nào cả. Việc ăn uống như thế nào, nghỉ ngơi lúc nào, chụp ảnh để check in khi nào hoàn toàn thoải mái và do bạn quyết định. Nhưng đổi lại bạn phải có sự tính toán cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng, lên kế hoạch đầy đủ để không xảy ra bất cứ bất trắc nào trong cuộc hành trình.
Còn nếu đây là lần trải nghiệm leo núi đầu tiên hay bạn chưa hề có kinh nghiệm tới “đất nước mặt trời mọc” thì việc đặt tour và thuê người hướng dẫn là cần thiết để bảo đảm an toàn. Ưu điểm của việc đi theo tour là lịch trình rõ ràng và chi tiết cho cả đoàn, phí dịch vụ, vé, địa điểm ăn uống và nghỉ ngơi, phí bảo hiểm đều được công ty du lịch bảo đảm và phụ trách. Ngoài ra, trong quá trình leo sẽ có hướng dẫn viên giúp đỡ, hướng dẫn và theo sát để bảo đảm an toàn cho cả đoàn. Chưa kể những sự việc phát sinh hay sự cố không mong muốn đều có hướng dẫn viên giải quyết và lo liệu. Bên cạnh đó, ngoài hành trình leo núi, cả đoàn sẽ được hướng dẫn và tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng khác cùng nhiều hoạt động thú vị như hái cherry hay tắm suối nước nóng.
Núi Phú Sĩ được chia thành mười trạm với trạm đầu tiên dưới chân núi và trạm thứ mười là đỉnh núi. Từ trạm đầu tiên tới trạm thứ năm là những con đường được trải nhựa nên du khách di chuyển khá dễ dàng qua những trạm này. Đặc biệt là có tới bốn trạm thứ năm ở các phía khác nhau của ngọn núi gồm: Fuji Subaru, Shizuoka, Gotemba, Fujinomiya. Vì nằm ở vị trí khác nhau nên độ cao, thời gian leo của bốn trạm cũng không giống nhau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bốn trạm và chọn cho mình một lộ trình phù hợp nhất.
a. Trạm Fuji Subaru:
Trạm Fuji Subaru: nằm gần đường mòn Yoshida nên trạm còn có tên gọi khác là trạm Yoshida. Đây là trạm phổ biến và dễ đi nhất trong bốn trạm vì hệ thống đường và phương tiện giao thông công cộng rất dễ tiếp cận. Trạm có thể tiếp cận được dường như quanh năm vì điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi và còn có rất nhiều cảnh đẹp không chỉ trong thời gian leo núi.
Trạm có cung cấp bãi đỗ xe, nhà hàng và các cửa hàng phục vụ cho chuyến hành trình leo núi của du khách như gậy leo núi, đồ ăn nhẹ, nước và bình oxy… Ở độ cao 2300 m so với mực nước biển, trạm Fuji Subaru cung cấp một cái nhìn bao quát về khu vực “Ngũ hồ” ở bên dưới, khiến nó trở thành một địa điểm nổi tiếng ngay cả đối với những người không có ý định leo núi. Một địa điểm quan sát với tầm nhìn bao trọn thành phố Fujiyoshida và hồ Yamanaka chính là tại Đền Komitake nằm ngay phía sau các cửa hàng.
Thông tin thêm:
Độ cao: 2300m
Thời gian leo núi: 5-7 giờ
Thời gian xuống núi: 3-5 giờ
Cách di chuyển: Đây là trạm thứ năm duy nhất có dịch vụ xe bus di chuyển hàng ngày trong suốt cả năm nên việc di chuyển rất dễ dàng và tiện lợi với du khách.
- Xe buýt từ ga Kawaguchiko: Chuyến xe một chiều mất khoảng 50 phút với chi phí 1540 yên, và 2300 yên cho vé khứ hồi. Có 1-2 chuyến xe bus mỗi giờ trong mùa leo núi ( Tháng 7-8) và chỉ có 1 chuyến mỗi giờ khi hết mùa leo núi. Việc đặt vé trước là không thể.
- Xe bus từ ga Shinjuku: Trực tiếp bắt xe bus cao tốc giữa trạm Busta Shinjuku ở Tokyo và trạm Subaru Fuji Line từ mùa xuân đến mùa thu. Có hai chuyến khứ hồi mỗi ngày khi hết mùa leo núi và có xe bus hàng giờ trong mùa leo núi ( tháng 7-9). Đi một chiều mất khoảng 150 phút với chi phí 2700 yên và cần đặt chỗ trước.
- Xe bus du lịch: Chuyến tham quan bằng xe bus du lịch trong một ngày từ Tokyo đến các địa điểm như Hakone và Núi Fuji qua trạm Fuji Subaru . Nó có giá khoảng 12.000 yên mỗi người.
Bằng taxi hoặc xe cho thuê: Một lựa chọn khác đơn giản và tiện lợi hơn tới trạm Fuji Subaru là bằng taxi. Một chiếc taxi di chuyển trong khoảng 50 phút và có giá 12.000 yên/chiều từ ga Kawaguchiko (bao gồm cả phí cho đường thu phí). Ngoài ra, dịch vụ xe cho thuê có sẵn từ các cửa hàng xung quanh ga Kawaguchiko, nhưng lưu ý rằng đường thu phí Subaru Line (2060 yên) đến trạm Fuji Subaru đã đóng cửa cho các phương tiện cá nhân trong hầu hết mùa leo núi (10 /7 - 10/ 9). Xe điện và taxi không bị ảnh hưởng bởi tuyến đường này.
b. Trạm Shizuoka: Nằm ở phía đông của ngọn núi và là nơi dễ dàng di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng từ Tokyo nhưng sau trạm Fuji Subaru. Xe bus phục vụ nhà ga hàng ngày trong mùa leo núi từ giữa tháng 7- giữa tháng 9, và chạy vào cuối tuần và các ngày lễ quốc gia từ tháng 5- tháng 10.
Trạm Subashiri kém phát triển hơn so với trạm Fuji Subaru vì trạm chỉ có một bãi đậu xe, nhà vệ sinh và hai cửa hàng và nhà hàng nhỏ. Đến trạm bằng một con đường quanh co xuyên qua khu rừng của núi Phú Sĩ - nơi các phương tiện cá nhân trong mùa leo núi (10/7 đến 10/9) không thể tiếp cận được. Ngoài ra cũng có các chuyến xe bus di chuyển từ bãi đậu xe dưới chân núi tới trạm Shizuoka. Con đường cũng không hoạt động trong suốt mùa đông (cuối tháng 11- tháng 4).
Đoạn đầu tiên của đường mòn Subashiri nằm dưới các hàng cây và dẫn xuyên qua rừng. Đường mòn không đông đúc như các tuyến đường khác cho tới đoạn nối liền với đường mòn Yoshida quanh trạm số 8. Bên cạnh đường mòn lên đỉnh núi Phú Sĩ , trạm Subashiri cung cấp một đường mòn đi bộ khác ngắn hơn tới đỉnh Kofuji ("Tiểu Fuji"). Kofuji là đỉnh núi cao thứ hai với độ cao 1979m và nằm bên sườn núi Phú Sĩ. Du khách có thể đi bộ khoảng 20 phút từ trạm, dọc theo một con đường mòn tự nhiên xuyên qua khu rừng để tới đỉnh Kofuji.
Thông tin thêm:
Độ cao: 2000m
Thời gian leo núi: 5-8 giờ
Thời gian xuống núi: 3-5 giờ
Cách di chuyển tới trạm:
Bằng xe buýt từ ga Gotemba: Xe bus hoạt động giữa ga Gotemba và trạm Subashiri hàng ngày trong mùa leo núi, cuối tuần và các ngày lễ khi hết mùa leo núi ( giữa tháng 5- tháng 10). Đi xe một chiều mất khoảng 60 phút và tốn 1540 yên, 2060 yên cho vé khứ hồi.
Cách đi từ Tokyo đến Gotemba: Đi tuyến JR Tokaido từ Tokyo đến Kozu (75 phút) và đổi sang tuyến JR Gotemba đến Gotemba (50 phút, 1-2 chuyến tàu/ giờ). Toàn bộ hành trình có giá 1940 yên
Ngoài ra, đi tuyến Odakyu Odawara từ Shinjuku đến ga Shin-Matsuda (80 phút, 780 yên bằng tàu tốc hành), đi bộ đến ga JR Matsuda và đi tuyến JR Gotemba đến Gotemba (30 phút, 500 yên, 1- 2 chuyến tàu /giờ). Cũng có một vài chuyến tàu tốc hành tới núi Phú Sĩ, hoạt động trực tiếp giữa ga Shinjuku và ga Gotemba. Chuyến đi một chiều mất khoảng 100 phút và chi phí khoảng 2800 yên.
Cách đi từ Osaka, Kyoto và Nagoya đến Gotemba: Đi tàu Hikari dọc theo tuyến JR Tokaido Shinkansen đến ga Mishima và quay lại tại điểm dừng đến ga Numazu dọc theo tuyến chính của JR Tokaido. Từ đó chuyển tới tuyến JR Gotemba đến Ga Gotemba. Lưu ý rằng chỉ một trong bốn chuyến tàu Hikari dừng tại ga Mishima.
Bằng xe bus từ ga Shin-Matsuda:Có tới 3-5 xe buýt mỗi ngày chạy từ ga Shin-Matsuda (80 phút, 780 yên từ Shinjuku bằng đường sắt Odakyu) đến trạm Subashiri nhưng chỉ trong mùa leo núi. Chuyến đi một chiều mất khoảng 90 phút và tốn 2060 yên, 3100 yên cho vé khứ hồi.
c. Trạm Gotemba: là trạm kém hiện đại nhất so với các trạm còn lại, trạm chỉ có một vài cửa hàng nhỏ, trạm xe buýt, nhà vệ sinh và bãi đỗ xe. Trạm Gotemba cũng là nơi thấp nhất trong số các trạm và đường mòn Gotemba là con đường dài nhất. Nhưng ngược lại, địa hình nơi đây trở thành một lợi thế trong quá trình xuống núi. Một đoạn đường mòn có tên là “Osunabashiri” là một con đường rộng, thẳng được bao phủ bởi đá sỏi mềm - nơi bạn có thể chạy xuống một phần ba ngọn núi một cách dễ dàng. Điều này giúp du khách rút ngắn thời gian di chuyển xuống rất nhiều so với những con đường khác.
Thông tin thêm:
Độ cao: 1400m
Thời gian leo núi: 7-10 giờ
Thời gian xuống núi: 3-6 giờ
Cách di chuyển tới trạm:
Xe bus hoạt động giữa ga Gotemba và trạm Gotemba hàng ngày trong mùa leo núi, vào cuối tuần và ngày lễ ( giữa tháng 5- tháng 10). Chuyến một chiều mất khoảng 40 phút và tốn 1110 yên, vé khứ hồi có giá 1540 yên)
d. Trạm Fujinomiya: Đây là trạm dễ dàng di chuyển nhất với các phương tiện giao thông công cộng từ phía tây Nhật Bản. Bên cạnh rất nhiều bãi đậu xe, trạm Fujinomiya có các cửa hàng, nhà hàng và nhà vệ sinh.
Con đường lộng gió tới trạm được gọi là “Fujisan Skyline”, nơi đây đã từng là đường thu phí nhưng giờ đây lại được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, con đường này không thể tiếp cận được với các phương tiện cá nhân trong toàn bộ mùa leo núi chính thức ( 10/ 7 -10 / 9) thay vào đó là dịch vụ xe bus đưa đón tới một bãi đậu xe được chỉ định ở dưới núi và ga tàu. Con đường cũng đóng cửa trong mùa đông từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 4. Đường mòn Fujinomiya là tuyến đường ngắn nhất và duy nhất không được chia thành các đường xuống núi và lên núi, điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn vào những ngày đỉnh điểm trong mùa leo núi.
Bên cạnh đường mòn lên đỉnh núi Phú Sĩ, trạm Fujinomiya cung cấp một con đường mòn đi bộ ngắn hơn đến đỉnh núi Hoeizan - là đỉnh núi với một miệng núi lửa trên sườn đông nam của núi Phú Sĩ. Từ đỉnh cao 2693m, Hoeizan bao trọn cái nhìn toàn cảnh tới tận Thái Bình Dương và xa như Tokyo vào một ngày đẹp trời không bị cản trở bởi thời tiết.
Thông tin thêm:
Độ cao: 2400m
Thời gian leo núi: 4-7 giờ
Thời gian xuống núi: 2-4 giờ
Cách di chuyển:
Xe bus đến trạm Fujinomiya khởi hành từ ga Shin-Fuji hàng ngày trong mùa leo núi và vào cuối tuần (tháng 4 -tháng 10) và từ ga Mishima ( tháng 7- tháng 8). Các ga Shin-Fuji và Mishima nằm dọc theo tuyến đường JR Tokaido Shinkansen , kết nối Tokyo với Osaka
Bằng xe bus từ ga Shin-Fuji: Xe bus hoạt động giữa ga Shin-Fuji và trạm Fujinomiya, dừng ở ga Fuji và Fujinomiya trên đường đi. Từ ga Shin-Fuji, chuyến đi một chiều đến trạm mất 2.5 giờ và tốn 2380 yên, trong khi vé khứ hồi có giá 3100 yên.
Bằng xe bus từ ga Mishima: Trong hầu hết mùa leo núi, luôn có xe bus trực tiếp giữa ga Mishima tới trạm Fujinomiya. Chuyến đi một chiều mất khoảng 2 giờ và tốn 2460 yên, trong khi vé khứ hồi có giá 3100 yên. Khi hết mùa leo núi, sẽ không có xe bus hoạt động.
Việc leo núi có khó khăn gì không?
Việc leo lên đỉnh núi thực chất không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng leo núi. Chỉ có tại một số điểm, địa hình khá dốc và nhiều đá, điều này sẽ gây ra một vài khó khăn trong việc di chuyển của du khách. Ngoài ra, có một vấn đề khác như gió giật mạnh hay đá rơi, sự chênh lệch nhiệt độ, sấm chớp và những vấn đề thời tiết… mà du khách phải đối mặt và vượt qua. Tuy nhiên, thách thức chính của việc leo núi chính là sức bền, đòi hỏi du khách phải có thể lực và trí lực thật tốt, vượt qua quãng đường dài khi không khí trở nên mỏng và loãng hơn rất nhiều khi lên cao.
Thời gian leo núi.
Hầu hết mọi người đều cố gắng chọn thời gian leo núi thích hợp để có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh bình minh rực rỡ trên đỉnh núi vì đây chính là thời điểm đẹp nhất để tận hưởng trọn vẹn những tia nắng sớm ban mai một cách rõ ràng và bình yên nhất. Để thực hiện được điều này, việc chọn lịch trình leo núi gồm xuất phát lúc mấy giờ, di chuyển bằng trạm nào hay nghỉ ngơi lúc nào đều được phải tính toán cẩn thận để không bỏ lỡ khung cảnh bình minh trên xứ sở “mặt trời mọc”. Du khách có thể tham khảo lịch trình dưới đây để chọn cho mình lộ trình phù hợp nhất:
Lịch trình đầu tiên: Du khách nên xuất phát vào buổi chiều lúc 15:00. Từ điểm xuất phát tới trạm thứ 7 hoặc thứ 8 sẽ mất khoảng 3-4 giờ. Khi đến trạm, du khách nên dành vài giờ để ngủ và nghỉ ngơi ở đó trước khi tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh núi vào sáng sớm ngày thứ hai. Trong lúc nghỉ ngơi, du khách có thể du ngoạn và thưởng thức cảnh hoàng hôn xuống. Và cũng đừng quên thưởng thức bữa tối đáng nhớ với bạn bè và người thân tại đây. Sáng sớm ngày thứ hai, nếu bạn tự tin vào thể lực của mình thì chuyến hành trình “chinh phục bình minh” có thể xuất phát lúc 12 giờ đêm. Lưu ý rằng mặt trời mọc vào khoảng 3:30-4:00 sáng vào mùa hè.
Lịch trình thứ 2: Với những bạn trẻ tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, các bạn có thể xuất phát vào buổi sáng hoặc chiều để tới trạm thứ 5. Khi đến trạm, các bạn dành thời gian nghỉ ngơi lấy sức và ăn uống. Sau đó vào buổi tối muộn, di chuyển từ trạm số 5 và đi bộ xuyên màn đêm để đến đỉnh núi và thưởng thức cảnh mặt trời mọc. Tuy nhiên, lịch trình leo núi này khá mệt mỏi và tốn sức, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo với lịch trình này vì nó có thể mang lại nguy hiểm, chấn thương và những rủi ro không mong muốn. Bạn nên xem xét và cân nhắc cẩn thận với lịch trình số 2 này.
Lịch trình số 3: Với du khách không có nhiều thời gian cho việc leo núi thì lịch trình leo núi trong vòng một ngày là hoàn toàn có thể. Nhưng cũng giống lịch trình thứ 2, việc leo núi liên tục trong thời gian dài mà không có sự nghỉ ngơi và phục hồi sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của du khách. Hơn nữa, tầm nhìn vào ban ngày có xu hướng giảm vì ngọn núi thường xuyên bị mây che phủ.
Lưu ý: Khi lên tới đỉnh núi Phú Sĩ, du khách cũng đừng quên thưởng thức miệng núi lửa Fuji, việc đi bộ quanh miệng núi lửa mất khoảng một giờ. Điểm cao nhất của ngọn núi cũng như với mọi nơi trên đất nước Nhật Bản nằm ngay cạnh trạm thời tiết ở phía đối diện nơi con đường mòn Yoshida dẫn tới đỉnh.
Các quán trọ trên núi: Trên đường mòn Yoshida có tới hơn một chục quán trọ trên núi giữa các trạm thứ 7 và thứ 8. Mục đích chủ yếu của quán trọ là nơi nghỉ ngơi và dừng chân của du khách sau những chặng đường leo núi vất vả. Nếu ở lại qua đêm thường có giá khoảng 5000 yên/ người mà không có bữa ăn và khoảng 7000 yên/người với hai bữa ăn được cung cấp. Ngoài ra, vào những tầm cao điểm, quán trọ sẽ rất đông khách nên bạn phải đặt trước để giữ chỗ nghỉ ngơi.
Một số quán trọ khác trên núi không có dịch vụ nghỉ ngơi qua đêm cho du khách mà chỉ là nơi dừng chân nghỉ ngơi với chi phí là 1000-2000 yên/ giờ.Quán trọ cũng cung cấp nhà vệ sinh có phí (thường là 100-200 yên) và bán thức ăn, nước và các dụng cụ cần thiết phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Quy định khi leo núi:
- Không xả rác trên núi
- Không tự ý vặt hoa, lá, các loại thực vật trên núi
- Không săn bắt động vật trên núi
- Luôn tôn trọng và nhường đường, ưu tiên những người đi lên núi
- Không phá hoại cơ sở vật chất trên núi như quán trọ, nhà vệ sinh, các dụng cụ công cộng…
- Không viết vẽ bậy, phá hoại cảnh quan trên núi
- Không tự ý mang đồ như đá cẩm thạch, đá, cây cối… về nhà
- Không đốt lửa trại trên núi
- Tuân thủ đúng lịch trình của đoàn, không tự ý tách đoàn và đi riêng lẻ
4. Cách di chuyển đến địa điểm Núi Phú Sĩ
Di chuyển tới núi Phú Sĩ có hai cách chủ yếu:
- Di chuyển bằng xe bus cao tốc trực tiếp tới điểm leo
- Đi tàu đến ga gần nhất, từ ga sẽ đi xe bus tới các điểm leo núi.
Từ Tokyo tới núi Phú Sĩ:
Từ Tokyo có thể di chuyển bằng xe bus tới ngọn núi từ quận Shizuoka hoặc tỉnh Yamanashi, tùy thuộc vào sự lựa chọn của du khách. Thời gian ngồi xe khoảng 2 tiếng rưỡi tuỳ tình hình giao thông, phí vận chuyển khoảng 2,700 yên
Tại quận Shizuoka, khởi hành tại trạm Fuji - trạm trung chuyển giữa JR Tokaido Main Line và JR Minobu Line.
Tại tỉnh Yamanashi, xuống xe tại Trạm Otsuki - trạm trung chuyển giữa JR Chuo Main Line và Fujikyuko Line.
Sử dụng tàu Shinkansen là cách nhanh nhất để di chuyển từ Tokyo tới khu vực núi Phú Sĩ. Hành trình kéo dài khoảng 105 phút trên tàu Kodama Shinkansen và 89 phút trên tàu Hikari Shinkansen rời ga Tokyo. Tuy nhiên, tàu Shinkansen tiện lợi nhất với chuyến đi đến trạm Fuji ở Shizuoka.
Ngoài ra, sân bay gần nhất đến núi Phú Sĩ là sân bay Shizuoka . Mặc dù là sân bay "khu vực", nhưng nó vẫn cách núi khoảng 80km, do đó, việc bay từ Tokyo đến Núi Phú Sĩ không phải là một lựa chọn hợp lý.
Từ Osaka tới núi Phú Sĩ:
Từ sân bay Haneda, sân bay Kansai đều có xe bus cao tốc đến ga Kawaguchiko. Nếu bạn muốn đi thẳng từ sân bay đến Fujisan cũng có thể sử dụng tuyến xe bus này, từ ga Kawaguchiko, hãy bắt những chuyến xe bus tiếp theo để lên tới tầng trạm thứ năm của núi Phú Sĩ.
Du khách có thể tham khảo thêm các chuyến và trạm xe bus tại đây: http://bus-en.fujikyu.co.jp/
Tổng kết: Vậy là chúng ta đã có trong tay những thông tin cơ bản và kinh nghiệm cho chuyến hành trình kỳ thú chinh phục núi Phú Sĩ. Được đứng trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản, tận hưởng không khí và thành quả sau chặng đường leo núi vất vả, được bao trọn tầm nhìn của thành phố, quang cảnh phía dưới sẽ để lại trong lòng mỗi người từng cảm xúc riêng. Để trải nghiệm những xúc cảm đó, bạn hãy thử và trải nghiệm hành trình leo núi đáng nhớ này nhé.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ