Mẹo du lịch
Du lịch

Chuyến du lịch Nhật Bản sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu bạn biết sử dụng coin locker


Thử đặt ra một tình huống đơn giản nhé: bạn vừa trả phòng khách sạn trong chuyến du lịch Nhật Bản của mình, nhưng vẫn còn lâu mới tới chuyến bay của bạn, thay vì ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ tại sân bay, bạn quyết định sẽ lên kế hoạch chuyến tham quan ngắn trước giờ cất cánh để mua quà cho bạn bè và người thân. Và chuyến đi lại trở nên vô cùng mệt mỏi khi phải kéo theo hành lý nặng nề cả ngày. Để giải quyết trở ngại này, tại đất nước mặt trời mọc, những chiếc coin locker thiết thực (hay tủ khoá tự động/tủ khoá xu) hiện diện ở khắp mọi nơi và được sử dụng vô cùng phổ biến.

Nếu bạn cần một chiếc tủ đựng đồ lưu trữ hành lý bất cứ lúc nào để giúp đỡ trong việc mua sắm và các giao dịch tương tự mà không phải mang túi nặng suốt cả ngày dài, thì coin locker hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu trên. Coin locker là tủ khoá tự động có thể tìm thấy ở mọi nơi, sử dụng bất kỳ lúc nào và đặc điểm nổi bật của chúng là chi phí vô cùng phải chăng. Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những chiếc tủ khoá xu trong nhà ga và sân bay, thậm chí là các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hay ở gần các địa điểm tham quan du lịch lớn. Điều quan trọng nhất chính là sẽ không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với những chiếc tủ khoá này và đồ đạc của bạn luôn được giữ an toàn.

Mục lục
1. Các loại coin locker ở Nhật và cách thanh toán
2. Kích cỡ của coin locker ra sao?
3. Cách sử dụng coin Locker ở Nhật
4. Giải đáp một số tình huống liên quan đến sử dụng coin locker


1. Các loại coin locker ở Nhật và cách thanh toán


Coin lockersử dụng chìa ©Flickr/haru__q


Coin locker không sử dụng chìa


Coin locker tại các nhà ga được chia làm hai loại phổ biến: một loại sử dụng chìa khoá và loại còn lại thì không. Loại tủ sử dụng chìa khoá sẽ giống như các tủ gửi đồ thông thường ở Việt Nam, nghĩa là sau khi cất đồ vào trong tủ, bạn sẽ phải khoá lại và chìa khoá sẽ do chính bạn giữ. Với loại coin locker không dùng tới chìa, tủ chỉ có thể được mở bằng mật mã hoặc thẻ IC trả trước như Suica và PASMO (hai loại thẻ IC thường được sử dụng nhiều nhất tại Tokyo hoặc phía đông Nhật Bản), những chiếc coin locker được đánh dấu “Suica” cũng chấp nhận thẻ PASMO và ngược lại. Các loại thẻ IC được dùng ở khu vực ngoài Tokyo như Icoca, Toica, Kitaca, Sugoca hay Manaca cũng đều được chấp nhận. Tất cả mọi thao tác sẽ được thực hiện trên màn hình cảm ứng, với loại tủ này nếu bạn chọn thanh toán bằng tiền mặt, bạn sẽ được cung cấp một phiếu xác nhận thanh toán có mật mã để mở tủ, còn nếu chọn thanh toán bằng thẻ IC thì chiếc thẻ này sẽ đóng vai trò như một chiếc “chìa khoá”.

Để thanh toán chi phí sử dụng cho coin locker, như đã đề cập tới ở trên, bạn có thể sử dụng tiền mặt hoặc thẻ IC. Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt, đối với loại tủ dùng chìa, bạn chỉ có thể thanh toán bằng tiền xu mệnh giá 100 Yên, khe nhét xu sẽ nằm ngay gần ổ khoá; đối với tủ không cần chìa, bạn cũng có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt nếu quên mang theo thẻ IC, cả tiền xu và tiền giấy đều sử dụng được, lưu ý tiền giấy phải mang mệnh giá 1000 Yên nhé, và bạn sẽ được trả lại tiền thừa nếu trả dư. Trường hợp thanh toán bằng thẻ IC, chi phí sẽ tự động được tính vào tài khoản thẻ, cần chú ý là bạn chỉ có thể sử dụng cách thanh toán này  

2. Kích cỡ của coin locker ra sao?



Kích cỡ của coin locker chia ra làm 4 kích cỡ khác nhau để phù hợp với nhu cầu lưu trữ của người sử dụng, nhưng chúng đều có chung độ sâu là 57cm (khoảng 22,4 in).
- Tủ khoá cỡ nhỏ là phổ biến nhất: chiều cao 25,7cm (hoặc 31,7cm) và rộng 35,5cm.
- Tủ khoá cỡ trung bình: chiều cao 55cm và rộng 35,5cm.
- Tủ khoá cỡ lớn: chiều cao 88cm và rộng 34~43cm.
- Tủ khoá cỡ siêu lớn (Extra Large), đồng thời cũng là loại hiếm nhất: chiều cao 115,3cm (đôi khi lên tới 177cm) và rộng 34~43cm.
(Những số liệu trên đều mang tính chất tương đối và được cập nhật đến ngày 24/12/2019)

Kích cỡ nhỏ sẽ phù hợp với túi và balo đựng đồ nhỏ nhẹ, trong khi cỡ trung bình thường được dùng cho hành lý, tủ khoá cỡ lớn và siêu lớn để cất vali là thuận tiện nhất, hoặc một ngăn tủ có thể đựng vừa tới hai túi hành lý.

Chi phí cho một coin locker dao động từ 300 Yên cho kích cỡ nhỏ và 700 Yên cho cỡ lớn, và chi phí sẽ được tính theo ngày (thông thường sẽ tính đến 0h của ngày mới). Vì vậy nếu bạn để hành lý trong tủ khoá qua đêm và vào ngày hôm sau mới tới lấy lại, bạn sẽ phải trả một khoản phí tương đương cho 2 ngày. Thời gian tối đa bạn có thể lưu trữ hành lý trong tủ khoá là 3 ngày, sau 3 ngày mà vẫn chưa quay lại lấy đồ, nhân viên sẽ mở tủ và chuyển hành lý của bạn vào trong văn phòng, thời gian tối đa 1 tháng. Khi đến nhận đồ, bạn cũng sẽ phải thanh toán những khoản chi phí phát sinh.

3. Cách sử dụng coin Locker ở Nhật

Cách sử dụng coin locker khá đơn giản, giá tủ khoá sẽ được dán ở ngay trên tủ. Đối với những coin locker dùng chìa khoá, bạn chỉ cần đặt đồ vào, nhét xu (với mệnh giá 100 Yên), đóng tủ và rút chìa, tủ khoá dùng chìa này là một lựa chọn hoàn hảo cho khách du lịch không có thẻ IC như Suica hay PASMO. Việc nhận lại đồ cũng vô cùng dễ dàng, chỉ cần kiểm tra số tủ và dùng chìa để mở. Trường hợp nếu bạn vượt quá thời gian lưu trữ của tủ đồ, chỉ cần nhét thêm đồng 100 Yên để trả thêm phí, sau đó việc mở tủ và lấy đồ vẫn thực hiện như bình thường.

Còn những coin locker hiện đại hơn, cách thức hoạt động sẽ hơi khác một chút, mọi giao dịch sẽ được thực hiện thông qua màn hình cảm ứng nằm gần các coin locker, bạn cũng có thể kiểm tra tình trạng số lượng tủ còn trống thông qua internet và các ứng dụng khác. Khách hàng có thể tự do lựa chọn phương thức thanh toán bằng thẻ IC như Suica, PASMO hoặc tiền mặt, và bên cạnh tiếng Nhật, giao diện còn hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Trung giản thể hay tiếng Hàn,...
●  Lựa chọn ngôn ngữ
●  Chọn “Gửi đồ”, chọn số tủ khoá mà bạn muốn sử dụng, ngoài ra trên màn hình cũng hiển thị số lượng tủ còn trống, đóng cửa tủ và giữ cho đến khi đèn bắt đầu nhấp nháy, chờ đèn thông báo chuyển từ màu xanh sang đỏ.
●  Chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt (cả tiền xu và tiền giấy đều được chấp nhận) hoặc thẻ IC.  
 - Nếu bạn trả tiền mặt, bạn sẽ nhận được một biên lai với mã PIN để mở khoá tủ in sẵn trên đó, để phòng trường hợp bị thất lạc, hãy chụp lại đoạn mã PIN này nhé.  
 - Còn nếu bạn lựa chọn phương thức thanh toán bằng thẻ, chỉ cần chạm thẻ vào đầu đọc và nhận biên lai được in, chiếc thẻ IC sẽ đóng vai trò là một chiếc chìa khoá để mở coin locker của bạn.

Cần lưu ý là dù bạn lựa chọn thanh toán bằng thẻ hay tiền mặt đi chăng nữa, thì vị trí của tủ khoá xu cũng như thông tin liên lạc của công ty chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của hành lý sẽ đều được in trên biên lai, vì vậy hãy giữ thật cẩn thận. Để lấy lại hành lý, hãy nhấn nút trên màn hình cảm ứng, tuỳ thuộc vào phương thức thanh toán đã lựa chọn từ trước mà bạn sẽ nhập mã PIN được cung cấp trên biên lai hoặc đặt thẻ IC vào đầu đọc thẻ. Coin locker sẽ tự động mở ra và bạn có thể nhận lại hành lý. Nếu bạn vượt quá thời gian lưu trữ đồ, đối với mã PIN: hãy trả thêm phí hiển thị trên màn hình sau khi nhập mã, đối với thẻ IC thì khoản phí bổ sung sẽ được trừ tự động vào thẻ của bạn ngay khi bạn chạm vào đầu đọc thẻ.

4. Giải đáp một số tình huống liên quan đến sử dụng coin locker

Tình huống 1: Bạn không có tiền lẻ hoặc tiền có mệnh giá quy định của coin locker?
Bạn có thể tìm thấy những chiếc máy đổi tiền gần các tủ khoá xu nhất định, tuy nhiên những chiếc máy này chỉ nhận tiền giấy có mệnh giá 1000 Yên và đồng xu 500 Yên để đổi những đồng 100 Yên cho bạn mà thôi. Trong trường hợp không có những chiếc máy đổi tiền ở gần coin locker của bạn, hãy mua đồ uống tại các máy bán hàng tự động gần đó, vì cửa hàng tiện lợi sẽ không cung cấp dịch vụ đổi tiền cho bạn.

Tình huống 2: Bạn băn khoăn những đồ vật nào không được phép gửi trong coin locker?
● Tiền mặt và các giấy tờ, tài liệu quan trọng. Cần lưu ý là tại Nhật Bản, du khách nước ngoài khi đi mua sắm sẽ được giảm giá, vì vậy mà đừng quên mang theo cuốn hộ chiếu bên người nhé.
● Tài sản có giá trị (trang sức, đá quý, đồ cổ, máy ảnh, điện thoại,...).
● Chất nổ, hoá chất độc hại, các vật dụng nguy hiểm.
● Những đồ vật có thể làm bẩn hoặc làm hỏng coin locker, đồ dễ vỡ hoặc có mùi khó chịu.
● Những vật dụng bị cấm theo pháp luật (các loại vũ khí,...).
● Hàng hoá đánh cắp.
● Các loại thực phẩm tươi, thực phẩm thô sơ chưa qua chế biến hay thực phẩm đông lạnh (thực phẩm được chế biến và đóng gói làm quà lưu niệm vẫn được chấp nhận lưu trữ trong tủ khoá xu).

Tình huống 3: Mất chìa khoá/mã PIN mở tủ khoá xu?
Ngay lập tức liên hệ với công ty quản lý và yêu cầu nhân viên tới địa điểm của coin locker mà bạn đang sử dụng. Bạn sẽ cần điền vào các giấy tờ có liên quan đến việc làm mất chìa khoá hoặc mã PIN mở tủ khoá xu, và sau đó bạn có thể lấy lại hành lý của mình. Tất nhiên bạn sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin về nhận dạng, danh tính và thông tin chi tiết về hành lý trong coin locker để xác minh bạn thật sự là chủ nhân của những vật dụng đang được lưu trữ.
Thời gian làm việc của mỗi công ty quản lý là khác nhau, nhưng thông thường sẽ từ 8:00~9:00 đến 20:00~22:00.

Tình huống 4: Bạn quên mất vị trí của coin locker?
Trong tình huống này, hãy kiểm tra tờ biên lai mà bạn nhận được khi thanh toán cho tủ khoá xu trước đó. Đối với tủ khoá xu sử dụng chìa, thì số tủ khoá, tên nhà ga và thông tin chi tiết về địa điểm của coin locker đều được ghi rõ trong móc chìa khoá. Còn với coin locker có màn hình cảm ứng, thì tất cả các mục thông tin trên đều được in trên biên lai. Nếu bạn vẫn không thể tìm được, hãy đưa chìa khoá hoặc biên lai cho nhân viên nhà ga để được hướng dẫn đến vị trí tủ đồ của mình.

Tình huống 5: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn để hành lý trong coin locker nhiều hơn một ngày?
Chắc chắn việc đầu tiên bạn cần làm là thanh toán thêm một khoản phí.
Nếu bạn sử dụng coin locker dùng chìa khoá để mở, số tiền cần trả thêm sẽ hiển thị ngay sau khi bạn cắm chìa, và bạn chỉ cần thanh toán bằng tiền xu 100 Yên. Với loại tủ khoá còn lại, hãy nhập mã PIN trên biên lai hoặc chạm thẻ IC vào đầu đọc thẻ để xem số tiền phải trả vì quá hạn thời gian lưu trữ. Tuỳ vào phương thức thanh toán trước đó mà bạn sẽ trả bằng tiền mặt hay phí sẽ được tự đồng trừ vào thẻ IC.
Một lưu ý nữa về thời hạn “1 ngày”: 1 ngày không nhất thiết là 24 tiếng, mà có thể tuỳ vào các công ty quản lý khác nhau, nhưng thường là vào thời điểm 0h và chuyển sang ngày mới. Ví dụ nếu bạn ký gửi hành lý của mình vào 9 giờ tối và quay lại lấy vào 8 giờ sáng ngay ngày hôm sau, bạn vẫn có thể phải trả một khoản phí sử dụng coin locker trong hai ngày đấy nhé!

Ở Tokyo, các nhà ga có nhiều coin locker nhất là Shinjuku (với gần 3600 chiếc tủ khoá xu tự động), Tokyo, Ueno , Ikebukuro và Shibuya. Vào giờ cao điểm hoặc trong thời gian diễn ra Tuần lễ vàng, những chiếc coin locker còn trống có thể trở nên khan hiếm, đặc biệt là ở ga Tokyo và vào lúc bạn đang cần một chiếc tủ khóa cỡ lớn để gửi vali. Nếu tất cả tủ khoá đều đã được sử dụng, bạn cũng đừng tuyệt vọng mà hãy kiên nhẫn: thông thường chỉ mất khoảng mười phút hoặc lâu hơn vậy một chút để có người tới lấy đồ trong coin locker. Vì vậy, nếu bạn có kế hoạch cho một chuyến đi trong ngày ở đâu đó, hãy xem xét việc ký gửi những vật dụng và hành lý không cần thiết trong những chiếc coin locker nhé.


Bài viết liên quan