Công nghệ và đời sống

7 thực phẩm của Nhật giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn

Mục lục
1. Matcha(抹茶)
2. Miso(味噌)
3. Quả Yuzu(柚子)
4. Rong biển(海草)
5. Natto(納豆)
6. Quả mận ngâm(梅干し)
7. Gạo ngũ cốc(雑穀米)



Sức khỏe là điều quan trọng nhất đối với mỗi người. Vậy một câu hỏi được đặt ra đó là các yếu tố nào có thể giúp tăng cường sức khỏe của chúng ta? Ngoài các yếu tố như rèn luyện thể thao hàng ngày, sinh hoạt điều độ, thực phẩm chính là một trong những nguyên tố quan trọng nhất. Đặc biệt, Nhật Bản vốn nổi tiếng với rất nhiều các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin cao, giàu khoáng chất, có lợi cho sức khỏe. Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 7 loại thực phẩm rất quen thuộc tại Nhật Bản nhưng lại có công dụng “thần kỳ”, giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn nhé!



1. Matcha(抹茶)

Nhắc đến những điều đặc trưng của Nhật Bản, ta sẽ nghĩ ngay tới câu trả lời là matcha, vì đây là loại thực phẩm vô cùng quen thuộc không chỉ đối với người dân nơi đây mà còn là người dân trên khắp Châu Á. Matcha đã được tiêu thụ tại “đất nước mặt trời mọc” từ rất lâu, trước khi chúng được ưa chuộng như một hương vị latte như ngày nay. Thực chất, matcha được một vị sư Phật giáo phát minh ra vào năm 1191 tại Trung Quốc, trước khi chúng được du nhập vào Nhật Bản.



©pixabay.com


Nhiều người có thể dễ nhầm lẫn giữa matcha với bột trà xanh, nhưng thực tế, chúng rất khác nhau từ khâu chế biến cho tới công dụng đấy nhé!. Về điểm giống nhau thì matcha và trà xanh đều được chế biến từ lá trà xanh. Tuy nhiên, điểm khác biệt là việc lựa chọn những lá trà dùng cho matcha thì tỉ mỉ và đòi hỏi chất lượng cao hơn so với bột trà xanh. Trong khi matcha được nghiền nhuyễn ra từ Tenda - lá trà sau khi được bỏ cuống và gân lá thì trà xanh lại chỉ đơn thuần được nghiền nhuyễn từ những lá trà. Chính vì vậy mà matcha có độ mềm và mịn hơn rất nhiều so với bột trà xanh và dưỡng chất mà chúng mang lại cũng cao hơn gấp nhiều lần.


Matcha theo truyền thống được sử dụng tại các nghi lễ trà đạo. Nhưng ngày nay, chúng được ưa chuộng và sử dụng rất nhiều như làm đồ uống, bánh ngọt, các món tráng miệng,...



©pixabay.com


Lợi ích cho sức khỏe:

- Matcha đã được nghiên cứu có chứa chất oxy hóa cao gấp 137 lần so với các loại trà xanh thông thường, vì vậy, chúng có công dụng làm tổn thương các tế bào và ngăn ngừa các căn bệnh mãn tính thường gặp

- Matcha có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể và thúc đẩy sự trao đổi chất

- Nghiên cứu cho thấy trong matcha có chứa lượng caffeine cao gấp 3 lần so với cà phê vì vậy chúng có công dụng tăng cường chức năng não bộ mà không gây hại cho cơ thể như cà phê

- Tăng cường hệ miễn dịch: các chất chống oxy hóa cao trong matcha như EGCG hay L-theanine có công dụng thúc đẩy và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể


2. Miso(味噌)    

Miso là một loại gia vị, thực phẩm truyền thống của Nhật Bản, khá giống với các món tương dân dã tại Việt Nam vậy. Miso được làm chủ yếu từ đậu nành, gạo và lúa mạch cho lên men trộn cùng với muối và Koji - mốc cấy trên gạo, lúa mạch hoặc đậu nành, nó hoạt động như một chất mồi cho quá trình lên men. Có thể nói, miso đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển rất dài, gắn liền với các thời kỳ và triều đại tại Nhật Bản. Từ thời Heian đánh dấu sự hình thành của Miso cho tới thời Muromachi khi miso được truyền bá rộng rãi, thời Edo đánh dấu bước ngoặt trong ngành công nghiệp sản xuất miso tại Nhật Bản.



Miso đỏ (trái) và miso trắng (phải) ©photo-ac.com


Miso vàng ©photo-ac.com


Quá trình sản xuất miso cũng tương tự như sản xuất bia. Sự phong phú từ màu sắc có thể từ màu ngà đến màu nâu hạt dẻ , hương vị có thể thay đổi từ nhẹ nhàng đến đậm đà. Nhưng có một nguyên tắc chung là màu miso càng sậm thì sự phong phú và độc đáo trong nguyên liệu càng được thể hiện rõ.  Có nhiều cách để phân biệt các loại miso: theo màu sắc, nguyên liệu, và hương vị. Nhưng phổ biến và chủ yếu nhất vẫn là chia theo màu sắc khác nhau:


- Miso trắng (白味噌) Thành phần chính gồm có gạo là chủ yếu và một ít đậu nành. Thời gian lên men của miso trắng là ngắn nhất, chính điều đó  làm cho vị  miso nhẹ và hơi ngọt.

- Miso vàng (淡色味噌): Với thành phần chính chủ yếu là lúa mạch và đậu nành lên men kết hợp với một lượng nhỏ gạo. Nếu so với miso trắng thì miso vàng có vị đậm hơn và có mùi lên men hơn nhưng ở mức độ vừa phải.

- Miso đỏ (赤味噌) là loại miso được lên men lâu nhất, có màu đỏ đến màu nâu đậm. Chính vì thời gian lên men lâu nhất nên hương vị cũng đậm đà nhất so với các loại khác Thành phần chủ yếu để làm ra miso đỏ là đậu nành và lúa mạch lên men.  



Canh miso ©Flickr


Lợi ích cho sức khỏe:

- Có lợi cho đường ruột: Trong miso có chứa những  loại men vi sinh tự nhiên, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Thường xuyên sử dụng súp miso sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn xấu từ đường ruột, làm cho đường tiêu hóa trở nên khỏe mạnh.

- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Nhờ có các vi sinh tự nhiên có trong miso nên hệ thống miễn dịch cũng được cải thiện đáng kể. Điều này là do có rất nhiều tế bào và mô miễn dịch được tìm thấy trong và xung quanh ruột. Các vi khuẩn có lợi giúp nâng cao các tế bào miễn dịch để nhận ra chất nào an toàn và không an toàn. Miso cũng là một nguồn chứa kẽm và đồng tốt, đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch.

- Cung cấp năng lượng: Miso cung cấp vitamin B, mangan, đồng và phốt pho hỗ trợ cung cấp năng lượng. Tất cả các chất dinh dưỡng này đóng một vai trò trong việc chuyển đổi thực phẩm chúng ta ăn thành năng lượng.

- Sức khỏe tim mạch: Vitamin K2 trong miso không chỉ tốt cho xương mà còn là  một chất dinh dưỡng hữu ích cho tim và mạch máu của chúng ta. Mặc dù nó giúp canxi được lưu trữ trong xương, nhưng cũng  giúp ngăn ngừa canxi được lưu trữ trong các động mạch nơi nó có thể gây xơ vữa và cứng động mạch.



3. Quả Yuzu(柚子)

Yuzu là loại trái cây thuộc họ cam quýt, được trồng chủ yếu tại các nước Đông Á. Loại quả này có lớp vỏ sần sùi giống quả bưởi nhưng lại có màu sắc vàng ươm của cam và hương vị chua đặc trưng giống chanh. Khoảng 1.200 năm trước, chúng được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được mang tới Hàn Quốc và Nhật Bản để rồi trở thành loại trái cây không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây



©Flickr


Yuzu là một nguyên liệu cực kỳ quan trọng không chỉ trong các công thức nấu ăn mà còn là cách chế biến, kết hợp cùng với các nguyên liệu chính khác. Chúng có thể được sử dụng như các loại nước ép, gọi là Yuzusu hoặc Yunosu, với hương vị tươi mát, thanh lọc và nhẹ nhàng như nước chanh vậy, hoặc có thể dùng để ướp như các loại gia vị cho thức ăn. Yuzu được sử dụng “hoàn hảo” trong các món tráng miệng trong bánh kẹo, bánh ngọt và bánh quy. Không chỉ được làm nước ép, yuzu còn là nguyên liệu không thể thiếu trong việc tạo sự cân bằng về hương vị của các loại rượu nổi tiếng, trong đó có shochu – rượu trắng “quốc dân” được lên men từ lúa mạch, khoai và gạo tại Nhật Bản. Có thể nói rằng, các loại đồ uống được chiết xuất từ yuzu phù hợp cho mọi người dùng, từ trẻ em tới người lớn và người cao tuổi. Vỏ của chúng cũng có thể được tận dụng để làm các loại mứt. Thậm chí, ở một vài nhà tắm Onsen, yuzu còn được thả vào các bồn tắm nhằm mang lại cảm giác thư giãn qua những mùi hương của chúng.





Lợi ích cho sức khỏe:

- Hàm lượng vitamin C có trong yuzu cao gấp 3 lần so với chanh, điều này rất có lợi cho hệ thống miễn dịch của cơ thể

- Chứa hàm lượng oxy hóa cao, các hợp chất có trong vỏ yuzu có tác dụng làm giảm viêm và tăng lưu lượng tuần hoàn máu

- Hương thơm tự nhiên của yuzu giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, vì vậy, chúng hay được sử dụng trong các tinh dầu thơm hoặc mỹ phẩm chăm sóc da.


4. Rong biển(海草)

Tại Nhật Bản, thuật ngữ Kaiso được sử dụng để chỉ các loại rong biển nói chung, nhưng bạn có biết không, có rất nhiều loại rong biển với hình dáng, công dụng và cách chế khác nhau tại đây. Ví dụ như Konbu là những miếng rong biển khô, không dùng trực tiếp được mà chỉ dùng để chế biến dashi - loại nước dùng cơ bản trong hầu hết các công thức nấu ăn của Nhật Bản. Wakame lại là một loại rong biển mỏng hơn, thường ở dạng sấy khô. Chúng có thể dùng làm salad, ăn kèm với sashimi, trộn giấm hay nấu súp. Trong khi đó thì Hijiki lại ở dạng rong biển khô, có màu đen giống như các lá trà khô. Hương vị của Hijiki khá đậm nên thường được sử dụng trong các món hầm, xào hoặc súp. Còn Nori là những lá rong biển khô chuyên dùng để gói kimbap và sushi, được ưa chuộng bởi người dân trên toàn thế giới.



©photo-ac.com


Lợi ích cho sức khỏe: Rong biển là một cách tuyệt vời để cung cấp vitamin, khoáng chất mà không cần nạp quá nhiều calo cho cơ thể. Chúng chứa các loại vitamin như A, B, C và E đồng thời chứa sắt, protein và chất xơ. Rong biển cũng rất giàu iốt, giúp tăng cường khả năng hoạt động của tuyến giáp và giúp ngăn ngừa tình trạng cường giáp.



5. Natto(納豆)

Một trong những bí quyết sống thọ của người Nhật Bản phải kể đến chính là Natto. Cũng giống như miso, Natto được làm từ đậu tương hoặc đậu nành lên men, nhưng hương vị lại rất khác nhau. Chúng có hương vị nồng đặc trưng của đậu lên men nguyên chất, lại dính dính và mùi cũng “không mấy dễ chịu”. Đối với những người mới lần đầu tiên tiếp xúc thì chắc hẳn sẽ không quen với loại thực phẩm này, nhưng đối với những người đã sử dụng lâu năm, natto chính là món nguyên liệu “gây nghiện” đối với họ. Natto được cho rằng đã xuất hiện từ thời Edo (1603 - 1868) với phương pháp chế biến rất độc đáo. Sau khi đậu được ngâm trong  nước được một ngày, chúng sẽ được luộc chín và ủ trong các bó rơm với nhiệt độ lên tới 40 độ.



©photo-ac.com


Trung bình một năm, theo ước tính, người dân Nhật Bản có thể tiêu thụ tới 7.5 tỷ các sản phẩm Natto. Du khách có thể dễ dàng tìm mua natto tại bất cứ đâu như siêu thị lớn, các cửa hàng tiện ích hay các cửa hàng tạp hóa. Chúng có thể được ăn kèm với cơm trắng hoặc sử dụng để nấu súp, nấu nước dùng cho các loại mì, làm nhân sushi, thậm chí được trộn cùng với bột bánh xèo okonomiyaki.



Lợi ích cho sức khỏe:

- Natto chứa nhiều các acid amin, enzyme Nattokinase, vitamin K2, hàm lượng Protein cao giúp tăng tuổi thọ

- Natto cũng chứa một loại enzyme giúp phá vỡ các protein liên quan đến quá trình đông máu, để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.

- Tốt cho sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương


6. Quả mận ngâm(梅干し)

Quả mận ngâm, hay còn được gọi là Umeboshi, có màu đỏ và vị chua đặc trưng. Người Nhật bắt đầu làm Umeboshi từ thời Heian (749 - 1185) khi một vị hoàng đế thời kỳ này dùng chúng như một loại thức uống để giải độc. Trong thời kỳ Sengoku (1467 - 1603), các samurai sử dụng những quả mận ngâm trên chiến trường để làm thuốc giải độc và thức ăn. Phải tới thời kỳ Edo (1603 - 1868), Umeboshi mới bắt đầu trở nên phổ biến hơn và được ưa chuộng bởi mọi người, từ đó, chúng trở thành một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân nơi đây.


Umeboshi thường được muối vào tầm tháng 6 ~ 7 do đây là thời gian thu hoạch mận. Sở dĩ, chúng có màu đỏ vì người ta ngâm mận cùng với lá tía tô, sau đó đem muối và ủ trong 1 ~ 3 năm rồi sấy khô trước khi sử dụng. Chính vì vậy mà thời gian muối càng lâu, hương vị mận ngâm càng chua và mặn, chất dinh dưỡng cũng càng cao hơn.  



Không chỉ là thức uống giải nhiệt vào mùa hè nóng nực, Umeboshi còn được dùng kèm với cơm trắng, làm nhân sushi. Thậm chí, chúng còn được dùng để trang trí trong những hộp cơm bento hay làm nước dùng cho mì udon.



Lợi ích cho sức khỏe:

- Umeboshi từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc có tính kháng khuẩn cao, có thể chữa các bệnh như kiết lỵ hoặc thương hàn

- Các nghiên cứu khoa học cho thấy những quả mận ngâm có thể giúp bảo vệ gan, ngăn ngừa các rối loạn về gan

- Vì có chứa rất nhiều chất oxy hóa và chất xơ, vì vậy, Umeboshi có thể là biện pháp phòng ngừa ung thư tự nhiên, giúp ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư

- Umeboshi còn có tác dụng trong đường tiêu hóa, chống lại vi khuẩn Helicobacter pylori - vốn là thủ phạm gây ra bệnh viêm loét ruột mãn tính


7. Gạo ngũ cốc(雑穀米)

Nếu như ở Việt Nam có gạo lứt rất có lợi cho sức khỏe và là thực phẩm ăn kiêng hữu hiệu của các “chị em” thì ở Nhật Bản lại nổi tiếng với loại gạo ngũ cốc - zakkoku-mai. Đây là hỗn hợp gạo trắng hoặc nâu, kết hợp với các loại hạt khác nhau như hạt kê, lúa mạnh, diêm mạch, yến mạch,... Bạn có thể dễ dàng tìm mua tại siêu thị những túi gạo ngũ cốc đã trộn sẵn hoặc chúng ta hoàn toàn có thể tự trộn các nguyên liệu sao cho phù hợp với sở thích của mỗi người. Về hương vị thì zakkoku-mai không khác với các loại cơm trắng mà chúng ta hay ăn là mấy nhưng chất lượng và độ dinh dưỡng trong gạo ngũ cốc chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.



©photo-ac.com


Lợi ích cho sức khỏe:


- Các loại hạt trong gạo ngũ cốc cung cấp dồi dào lượng chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giúp kiểm soát cholesterol và cải thiện hệ tiêu hóa


- Cũng giống như gạo lứt,  zakkoku-mai giúp chúng ta có cảm giác no lâu hơn, vì thế, chúng có thể giúp bạn kiểm soát khẩu phần ăn và điều tiết cân nặng


- Bổ sung thêm các chất khoáng thiết yếu cho cơ thể như sắt, kẽm, magie


Bài viết liên quan