8 Món ăn của Nhật "thân thiện" với trẻ em
Mục lục
1. Mì Udon
2. Tamago Sushi
3. Cơm cari
4. Oyakodon
5. Đậu nành Nhật
6. Đậu Natto
7. Canh Miso
8. Bánh đậu đỏ
Nổi tiếng với cách trình bày món ăn đầy sự cầu kỳ, tinh tế cũng như hương vị phong phú và đầy đủ dinh dưỡng, để tìm một câu trả lời lý giải tại sao nền ẩm thực Nhật Bản có thể mê hoặc bạn chưa bao giờ là một nhiệm vụ bất khả thi cả. Nhưng với những thực khách nhí thì lại khó tính hơn, khẩu vị của trẻ nhỏ khá kén chọn và chẳng mấy khi cảm thấy ấn tượng với thực phẩm. Đấy chỉ là những gì xảy ra trước khi bạn cho các bé thử 8 món ăn cực kỳ thân thiện với trẻ em này thôi nhé.
1. Mì Udon
Trước tiên không thể không kể đến món mì Udon trứ danh với sợi mì dai mịn được làm từ bột lúa mì. Đặc điểm vô cùng dễ nhận biết của món ăn này đó chính là độ dày của sợi mì, tùy theo các địa phương khác nhau thì biến tấu độ dày sợi Udon cũng khác nhau, nhưng thông thường, đường kính của sợi mì sẽ rơi vào khoảng 1cm. Sự đa dạng của mì Udon đều do các đầu bếp quyết định, sợi mì dày hay mỏng, ăn cùng với những món ăn kèm nào cho đến cách chế biến nước dùng đều thể hiện rõ văn hóa ẩm thực khác biệt theo từng vùng miền tại Nhật Bản.
Udon thường có hai loại chính là mì nóng và mì lạnh, nhưng để tốt nhất cho trẻ nhỏ, bạn nên cho bé ăn mì nóng. Nước dùng của Udon luôn nóng hổi, vì vậy mà nhiều bà mẹ tại Nhật luôn yêu cầu thêm một bát nhỏ riêng để gắp mì cho trẻ và dùng dụng cụ cắt mì cầm tay tiện lợi để các bé có thể thưởng thức món ăn một cách dễ dàng hơn (bạn hoàn toàn có thể tìm thấy dụng cụ cắt mì cầm tay này tại các cửa hàng đồng giá 100 Yên ở Nhật). Tuy sợi mì được làm từ bột lúa mì, nước, muối và không phải là một nguồn cung cấp nhiều vitamin đáng kể, nhưng kết cấu sợi mì mịn màng dai dẻo này lại giúp các bé nhanh cảm thấy no và luôn thích thú với bữa ăn của mình.
2. Tamago Sushi
Chứa nhiều chất béo, vitamin và các loại khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, cùng với hương vị vô cùng dễ ăn, hiếm có món ăn nào thân thiện với các bé như trứng. Tamago Sushi là món ăn có thành phần gồm trứng tráng cắt lát phủ lên phần cơm được nắm tỉ mỉ, sau cùng là bọc xung quanh phần trứng và cơm một dải rong biển nhỏ. Trứng trong Tamago Sushi được chế biến bằng cách tráng nhiều lần tạo nên một cuộc trứng gồm nhiều lớp mỏng, nhưng trước đó đầu bếp sẽ trộn thêm giấm gạo, đường, đôi khi là cả nước tương và rượu sake vào trong trứng. Hương vị ngọt ngào hòa quyện cùng với kết cấu nhiều lớp ấn tượng của trứng này vô cùng phổ biến với trẻ em và những thực khách không thể ăn cá sống.
Để làm nên một miếng Tamago Sushi ngon, đầu bếp cần phải chú trọng từng bước nhỏ, từ khâu tạo hình cơm cho đến khâu chuẩn bị phần trứng cuộn. Bàn tay của đầu bếp phải có một độ ẩm nhất định, nếu quá khô thì cơm sẽ dính khắp nơi, ngược lại, nếu tay quá ướt thì các hạt cơm lại không giữ được hình khối với nhau mà sẽ rơi ra. Nếu muốn tự tay làm món Tamago Sushi cho bé nhà mình, bạn có thể đặt mua khuôn sushi trên các cửa hàng trực tuyến hoặc mua trực tiếp ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào ở Nhật Bản. Với phần cơm sushi còn sót lại sau khi làm Tamago Sushi, bạn có thể tận dụng và sáng tạo để làm nên món Nigiri Sushi nhé, vì phần cơm này nếu bảo quản trong tủ lạnh quá lâu sẽ không ngon đâu.
3. Cơm cari
Cơm cà ri của Nhật sẽ có vị ngọt hơn, ít cay và cũng có độ đặc sánh hơn khi so sánh với món cà ri Ấn Độ nguyên bản. Hương vị cà ri Nhật luôn mang lại cho thực khách cảm giác nhẹ nhàng hơn, luôn được phục vụ cùng cơm và thường sẽ có ba mức độ cay khác nhau tùy theo khẩu vị của mỗi người. Món ăn này chỉ hoàn chỉnh khi cà ri ăn và cơm được “trình bày” trong cùng một chiếc đĩa chứ không để riêng cà ri như một món phụ ăn kèm với cơm đâu nhé. Ở vùng Kansai của Nhật thường dùng các nguyên liệu như thịt (bạn có thể chọn giữa gà, bò hay thịt lợn tùy theo sở thích), khoai tây, cà rốt và viên gia vị cà ri rồi hầm thật lâu trong nước sốt để mang lại cho món ăn một vị ngọt hoàn hảo rất khó diễn tả thành lời.
Với việc sử dụng viên cà ri, thì không chỉ phổ biến ở miền Tây Nhật Bản mà hầu hết các gia đình người Nhật đều lựa chọn sử dụng viên gia vị được bán sẵn trong siêu thị hoặc các cửa hàng combini. Ngoài ưu điểm là tiện lợi, dễ nấu, viên cà ri bán sẵn này rất đa dạng về mùi vị, độ ngọt, độ cay phù hợp với khẩu vị ưa thích của từng thành viên trong gia đình. Cùng với hương vị đậm đà của các gia vị được đun nóng ở trong nhiệt độ và thời gian thích hợp, tất cả sẽ hòa quyện với nhau tạo thành một món ăn đặc sánh tinh tế. Đặc điểm nổi bật của cơm cà ri Nhật chính là bên cạnh nước sốt được hầm chung với các loại rau củ và thịt, cà ri Nhật Bản còn có rất nhiều đồ ăn kèm đặt lên trên đĩa cà ri như gà tẩm bột rán, mực hay tôm rán,...
4. Oyakodon
Oyakodon trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản là một món ăn luôn gợi nhắc người ta về ý nghĩa của tình cảm gia đình ấm áp. Ý nghĩa tên gọi của món ăn này có nghĩa là cơm trộn cha mẹ và con cái, vì hai nguyên liệu chính cần có ở đây bao gồm trứng và thịt gà. Một cái tên khá ngộ nghĩnh nhưng đây lại là nguồn cung cấp protein tuyệt hảo cho các bé nhà bạn.
Cũng như nhiều món Nhật khác, Oyakodon có khá nhiều biến thể với thịt bò, lợn hay trứng cá, nhưng thông thường các thành phần chính cần có là cơm, thịt gà, trứng, hành tây và một vài nguyên liệu khác hầm trong nước súp làm từ nước tương và nước dùng dashi. Hầu hết các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều bán nước dùng dashi đã được nấu sẵn, nhưng trong trường hợp bạn quên mất nguyên liệu này trong khi đi chợ thì vẫn có thể thay bằng nước lọc thông thường nhé. Cách chế biến của Oyakodon cũng vô cùng đơn giản và nhanh chóng, nên đây sẽ là món ăn gia định mà bạn có thể thưởng thức cùng bé bất kỳ lúc nào.
5. Đậu nành Nhật
Không có gì thân thiện đối với trẻ nhỏ bằng rau xanh, đậu nành Nhật hay còn gọi là đậu Edamame, rất được ưa chuộng vào mùa hè. Thông thường người Nhật sẽ rắc một chút muối vào đậu, sau đó xóc đều lên rồi tách rời hạt ra và ăn như một bữa ăn nhẹ. Edamame là đậu nguyên trái, hạt to, có màu xanh nhạt, một phần là khi thu hoạch loại đậu này, phải hái từ khi chúng vẫn còn xanh non và hái vào lúc trời sáng sớm. Các công đoạn thu hoạch đậu luôn phải làm bằng tay để tránh không gây tổn hại gì tới lớp vỏ và hạt đậu bên trong. Khi đi chợ bạn hoàn toàn có thể lựa chọn đậu Edamame nguyên vỏ hoặc loại đã được bóc tách một cách kỹ càng.
Ngoài trở thành một món ăn nhẹ hay món khai vị, đậu Edamame có thể góp mặt trong các món salad, món canh súp hoặc món hầm. Vì vẫn còn non nên thời gian cần để nấu chín Edamame cũng khá ngắn, chỉ cần 3-5 phút luộc sôi, hấp chín hay chiên giòn. Loại đậu này chứa hàm lượng protein cao, giúp hạ cholesterol, giàu vitamin và khoáng chất, không làm tăng đường huyết nên việc sử dụng Edamame trong bữa ăn hàng ngày sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình bạn.
6. Đậu Natto
Đậu nành lên men, Natto, là một món ăn có độ nhớt khá nhiều, được làm từ đậu nành lên men tự nhiên trong một môi trường phù hợp. Khi bạn dùng đũa khuấy hoặc gắp đậu Natto lên, sẽ luôn có sợi chỉ nhớt kết dính các hạt đậu với nhau. Tuy không phải ai cũng có thể thích đậu nành lên men ngay lần thử đầu tiên, nhưng đây lại là món ăn rất tốt cho sức khỏe. Đậu Natto chứa nhiều protein, vitamin và các loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhất là đối với trẻ nhỏ. Các mẹ Nhật thường cho Natto vào thực đơn ăn dặm của bé do đậu nành lên men khá lành tính, có thể xay nhuyễn đậu hoặc dùng thìa dầm nát đậu để trẻ ăn dễ dàng hơn.
Nếu tự lên men đậu nành tại nhà, bạn cần phải chú ý ngay từ khâu đầu tiên chọn hạt, đậu nành phải đều màu, hạt chắc và không có dấu hiệu bị nấm mốc. Những hạt đậu đạt tiêu chuẩn này sau đó phải được rửa sạch, ngâm trong nước đủ một ngày rồi mang đi hấp trong nồi áp suất. Công đoạn tiếp theo là trộn với nấm nattokin chiết xuất từ rơm rạ, lên men ở nhiệt độ 40 độ C trong suốt gần 18 tiếng và cuối cùng là bảo quản đậu Natto trong môi trường từ -10 độ C cho đến -18 độ C. Đậu Natto có thể được ăn trực tiếp với cơm, làm thành nhân sushi cuộn, bánh mì hay xuất hiện trong nước dùng của mì soba. Vì tính chất bận rộn của công việc mà không còn mấy gia đình tự làm đậu Natto lên men tại nhà nữa, thay vào đó họ sẽ mua Natto tại các chợ, siêu thị và đôi khi là các cửa hàng tiện lợi, như vậy vừa có thể tiết kiệm được phần lớn thời gian mà lại được thưởng thức đậu nành lên men chế biến theo nhiều cách khác nhau.
7. Canh Miso
Đây là món ăn đơn giản mà bạn hoàn toàn có thể chế biến cho các bé trong thời gian ngắn và là một món ăn xuất hiện vô cùng rộng rãi tại các nhà hàng của Nhật. Canh Miso là món ăn truyền thống trong văn hóa ẩm thực của xứ sở hoa anh đào. Nguyên liệu chính của món canh này vô cùng đơn giản, chỉ gồm nước dùng dashi, tương miso, đậu phụ và rong biển. Tùy theo từng vùng miền mà có sự thay đổi khác nhau về nguyên liệu hay hương vị món ăn, nhưng đậu phụ và rong biển luôn có mặt trong danh sách thành phần làm nên canh Miso.
Để làm nổi bật lên hương vị canh, các nguyên liệu sẽ có sự tương phản màu sắc, kết cấu thành phần, nên đôi khi bạn sẽ bắt gặp khoai tây, nấm, củ cải trắng, cá, tôm hay hành tây trong canh Miso. Việc lựa chọn tương Miso và rong biển đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là có thể ảnh hưởng tới mùi vị của món ăn, vì vậy mà bạn cần lưu ý về chất lượng và độ uy tín của rong biển. Còn với tương Miso, tùy vào loại tương bạn lựa chọn mà món canh lại có màu sắc khác nhau (tương Miso đỏ, trắng hoặc pha trộn giữa cả hai), hương vị khác nhau, văn hóa ẩm thực vùng miền khác nhau. Nước dùng của canh Miso tất nhiên sẽ là dashi được đun từ nước dùng rong biển, tảo bẹ khô và cá khô, đôi khi sẽ có sự góp mặt của một vài loại rau củ khác. Một vài lưu ý nhỏ cho bạn khi nấu canh Miso tại nhà: chỉ nên chọn đậu phụ nguyên bản, mềm mịn và có độ đàn hồi lớn làm nguyên liệu cho món canh, tuyệt đối không dùng đậu đã chiên dù là sơ qua hay chiên kĩ. Ngoài ra, khi đã cho tương Miso vào nồi, bạn nên tắt bếp vì tiếp tục đun sẽ làm mất đi vị thơm vốn có của Miso và sẽ làm bốc hơi một phần dinh dưỡng của canh đấy!
8. Bánh đậu đỏ
Tâm lý chung của các bà mẹ có con nhỏ là luôn muốn tránh đồ ngọt cho bé nhiều nhất có thể vì dù sao đường cũng không hề có những tác dụng tốt đối với sức khỏe con người nói chung. Nhưng bánh đậu đỏ anpan lại là một ngoại lệ bởi bánh không hề có vị ngọt gắt như các món tráng miệng khác. Anpan là loại bánh ngọt giao thoa giữa văn hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản và văn hóa ẩm thực phương Tây đổi mới.
Món ăn ngọt này được sáng tạo ra từ năm 1874, chính là thời điểm cả Nhật Bản trong giai đoạn hiện đại hóa. Các văn hóa phương Tây cũng vì vậy mà du nhập mạnh mẽ vào xứ Phù Tang, nhưng phải trải qua một thời gian món ẩm thực phương Tây mới được người dân Nhật Bản chấp thuận, trong đó tất nhiên là có cả bánh mì. Kimura Yasubei đã mở một hiệu bánh vào năm 1869 tại Tokyo, sau nhiều lần thử nghiệm, ông cùng con trai đã làm nên Anpan, một món bánh pha trộn giữa hai nền văn hóa khác nhau và phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Sau khi được dâng lên Hoàng gia vào năm 1875, món bánh này đã được phổ biến rộng rãi trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Với lớp vỏ ngoài là bánh mì mềm, phần nhân bên trong là đậu đỏ ngọt ngào được nghiền nhuyễn và sên qua một lớp đường. Anpan có thể có nhiều loại nhân khác nhau như đậu xanh hay đậu trắng, nhưng nhân bánh đậu đỏ vẫn luôn được ưa chuộng nhất bởi trẻ nhỏ.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ