Di chuyển bằng tàu ở Nhật: Mua vé, cách đi lại và phép ứng xử trên tàu
Bạn sắp sửa đi du lịch hoặc sang Nhật học tập và làm việc nhưng vẫn đang bối rối về cách di chuyển bằng tàu ở Nhật? Mời bạn tham khảo tất tần tật các thông tin hữu ích về cách đi tàu ở dưới đây nhé!
Mục lục
1. Các loại tàu và ghế tàu ở Nhật
2. Các phương thức tra cứu tuyến đường ở Nhật
3. Cách mua vé tàu tại máy tự động và tại quầy
4. Các loại thẻ IC Card và cách sử dụng
5. Cách mua và sử dụng Japan Rail Pass
6. Di chuyển trong nhà ga, lên và xuống tàu
7. Các thuật ngữ thông dụng ở nhà ga và trên tàu
8. Phép ứng xử trên tàu
9. Shopping trong nhà ga và cơm hộp
10. Sử dụng tủ khóa locker ở nhà ga
1. Các loại tàu và ghế tàu ở Nhật
Các loại tàu
※ Tàu thường: Các chuyến tàu thông thường có thể đi từ điểm A đến điểm B hoặc chạy ở đường vòng hai chiều (như tuyến Yamanote ở Tokyo hoặc tuyến Osaka), dừng tại tất cả các ga. Bạn chỉ cần phải mua một vé thông thường và không yêu cầu thêm khoản phí phụ nào. Nhưng không nên đi tàu này trong chuyến đi dài vì đây là một trong những tàu chạy chậm nhất và ít nhất ở Nhật.
※ Tàu Kaisoku: Hành khách sẽ không bị tính thêm bất kỳ khoản phí ngoài nào khi đi tàu, các chuyến tàu này sẽ bỏ qua vài điểm dừng so với tàu thường, nên thời gian di chuyển đến địa điểm khác sẽ ngắn hơn. Ngoài ra còn có cả Tsuukin Kaisoku vận hành vào giờ cao điểm và Holiday Kaisoku vận hành vào thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ.
※ Tàu Kyukou: Tàu có số ga dừng ít hơn Kaisoku nhưng nhiều hơn tàu Tokkyu. Trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ cần mua vé thông thường để lên tàu Kyukou nhưng đôi khi phát sinh thêm phí.
※ Tàu Tokkyu: Vì số lượng điểm dừng hạn chế nên tàu chỉ đi đến các ga lớn tại Nhật. Tương tự như Shinkansen, tàu Tokkyu cũng yêu cầu trả thêm phí, phụ phí có thể thay đổi từ 400~4000 yên.
※ Tàu Shinkansen: Còn được gọi là tàu cao tốc, là phương tiện giao thông nhanh nhất tại Nhật với rất ít trạm dừng. Shinkansen chạy trên các tuyến đường riêng biệt, đường ray được xây dựng khác hẳn các loại tàu còn lại. Ngoài giá vé, hành khách còn phải thanh toán một khoản phí giới hạn thường từ 800~8000 yên, tùy thuộc vào điểm đến cuối cùng của bạn.
※ Tàu đặc biệt: Ở Nhật, loại tàu này chủ yếu được thiết kế cho khách du lịch, gọi chung là những chuyến tàu vui vẻ. Phổ biến nhất là các chuyến tàu hơi nước chạy trên nhiều tuyến đường đẹp hơn. Tàu hoạt động chủ yếu vào cuối tuần và ngày lễ. Đôi khi, cũng có tàu chỉ hoạt động trong những tháng mùa hè. Trên tàu cũng có linh vật được thiết kế độc đáo để thu hút khách đến các địa điểm danh lam thắng cảnh.
Các loại ghế tàu
Thông thường có 2 loại ghế là ghế đặt trước (reserved seat) và ghế không đặt trước (non reserved seat). Hạng ghế không đặt trước có trên tàu thường, Kyukou và Tokkyu. Hạng ghế đặt trước có ở một số loại tàu đường dài như Shinkansen và đôi khi là tàu Tokkyu. Nếu lên tàu chỉ có loại ghế không đặt trước, vào giờ cao điểm bạn có thể sẽ phải đứng. Đối với loại ghế đặt trước, bạn có thể phải tốn thêm ít tiền nhưng lại đảm bảo không mất chỗ và được chọn vị trí chỗ ngồi mà bạn thích. Nếu bạn muốn đặt chỗ trên tàu thường, Kaisoku và Kyukou thì bạn sẽ phải bỏ thêm 300~700 yên.
Ngoài ra, trên các chuyến tàu đường dài, hãng JR còn chia hạng ghế theo toa: ghế thường (Ordinary) và ghế xanh hạng nhất (Green). Toa dành cho hạng Green sẽ ít khách hơn và được phục vụ tận tình chu đáo. Tuy nhiên, giá vé thường đắt hơn vé ghế thông thường từ 30% đến 50% nên đa số hành khách hay đi hạng vé thường.
2. Các phương thức tra cứu tuyến đường ở Nhật
Nhật Bản có mạng lưới tàu điện rộng khắp và hiệu quả, tuy nhiên sự phức tạp của nó có thể gây khó khăn cho việc tìm ra lộ trình đi. Nếu không nắm rõ các phương thức tra cứu tuyến đường tại Nhật, bạn có lẽ sẽ mất rất nhiều tiền, thời gian và công sức để có thể tới nơi mình muốn đến.
※ Tra cứu tại nhà ga: Mỗi nhà ga đều treo sơ đồ ga tàu và để giá vé hiện dưới tên mỗi ga. Đây là phương pháp ít người sử dụng nhất bởi rất bất tiện. Khi mua vé ở máy bán vé tự động, bạn có thể nhìn luôn bản đồ đường tàu trên chiếc bảng treo ở phía trên máy để xem tên ga và giá tiền.
※ Tra cứu bằng cẩm nang: Các cuốn lịch trình và tuyến đường in bằng tiếng Nhật được bán tại các hiệu sách và quầy bán hàng trên khắp Nhật Bản. Bên cạnh đó, những cuốn cẩm nang này được xuất bản hàng tháng và có đầy đủ thông tin thực tế bao gồm giá vé, giảm giá và các quy định. Có thể sẽ hơi khó sử dụng nếu bạn không có kỹ năng đọc tiếng Nhật vì bản tiếng Anh vẫn chưa được bán rộng rãi.
※ Tra cứu bằng ứng dụng trên điện thoại: Trên Play Store và App Store có khá nhiều ứng dụng tra tuyến đường và tàu điện miễn phí, có thể kể đến ứng dụng Y!乗り換え案内 của Yahoo Japan được rất nhiều người lựa chọn sử dụng. Khi bật ứng dụng, màn hình sẽ hiển thị điểm xuất phát, ga trung gian do bạn chỉ định và điểm đến. Trong trường hợp không đọc được chữ Hán, để chắc chắn mình lên đúng tàu, bạn nên xem giờ xuất phát của chuyến tàu trên ứng dụng và giờ xuất phát trên bảng thông báo tại ga tàu có trùng khớp với nhau hay không. Ngoài ra, nếu đi gần trong thành phố thì bạn cũng có thể tra cứu bằng Google Map.
※ Tra cứu trên web: Hiện nay, Nhật Bản có rất nhiều website giúp người sử dụng tra cứu nhanh chóng và chính xác các thông tin về tuyến đường và giờ tàu chạy như các trang ở dưới đây.
Navitime: http://www.navitime.co.jp/transfer/
Ekitan: http://ekitan.com/
Goo: http://transit.goo.ne.jp/
Jorudan: http://www.jorudan.co.jp/
Hyperdia: http://www.hyperdia.com/en/
Trang web được nhiều khách du lịch nước ngoài dùng để tra cứu là Hyperdia. Chức năng tìm kiếm cơ bản của Hyperdia cho phép bạn nhanh chóng tìm kiếm các tuyến giữa hai trạm. Nhờ có giao diện tiếng Anh và các tùy chọn linh hoạt, Hyperdia là trang web tìm kiếm tuyến đường tốt nhất dành cho khách du lịch.
3. Cách mua vé tàu tại máy tự động và tại quầy
Ở Nhật Bản, tàu điện là phương tiện công cộng được sử dụng rộng rãi nhờ sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, với quy mô mạng lưới tàu điện rộng khắp như vậy thì việc mua vé tàu và chọn đúng tuyến cũng là một thử thách không nhỏ đối với khách du lịch hoặc du học sinh còn bỡ ngỡ. Khi mua vé, bạn cần chú ý những thông tin như:
- Số lượng người (trẻ con/người lớn)
- Ngày đi
- Trạm khởi hành
- Trạm đến
- Loại tàu
- Loại ghế
Có hai cách để bạn mua vé: một là mua trực tiếp tại quầy bán vé ở ga tàu đó, hai là mua tại máy bán tự động.
※ Cách 1: Mua trực tiếp tại quầy bán vé “Midori no mado” (みどりの窓口) thường rất đông nên bạn phải xếp hàng, không được chen ngang và cần kiên nhẫn để chờ đợi đến lượt mình. Sau đó nhân viên bán vé sẽ đưa cho bạn một bản đăng ký để bạn viết vào đó thông tin của bạn, khi điền xong nhân viên sẽ bán vé cho bạn. Ở trên tàu có khu vực ghế ngồi dành cho người không hút thuốc (non-smoking) hoặc hút thuốc (smoking) nên khi mua vé bạn cần chú ý.
※ Cách 2: Nếu bạn mua tại máy bán vé tự động, bạn chỉ cần nhập thông tin và đưa tiền vào là sẽ có vé. Khi bạn bỏ qua số lượng vé bạn muốn mua thì máy sẽ mặc định là một vì vậy nếu bạn đi một mình thì có thể bỏ qua bước này. Máy bán vé chấp nhận cả tiền xu lẫn tiền giấy nên đưa tiền vào máy và bấm vào số tiền của vị trí bạn đến trên bản đồ ở màn hình, lập tức vé tương ứng với số tiền đó sẽ được đưa ra cho bạn. Điều đáng để nói ở đây là dù bạn có đưa tiền trị giá cao thế nào thì những chiếc máy này cũng sẽ tự động trả lại tiền cho bạn không thiếu một yên nào cả!
4. Các loại thẻ IC Card và cách sử dụng
Thẻ IC là loại thẻ nạp tiền để thanh toán trên các phương tiện giao thông công cộng, máy bán hàng tự động, combini, nhà hàng và các cửa hàng khác. Đây là loại thẻ vô cùng tiện lợi. Người dùng không cần mang theo nhiều tiền mặt mà chỉ cần cầm một tấm thẻ nhỏ quét trên thiết bị thanh toán điện tử. Chính nhờ sự thuận tiện này, thẻ IC đã trở nên phổ biến trên khắp nước Nhật.
Ở mỗi vùng miền của Nhật Bản, người ta phát hành một loại thẻ IC khác nhau. Dưới đây là 10 loại thẻ IC phổ biến nhất:
- Suica là loại thẻ trả trước được JR East phát hành để dùng cho tàu JR ở vùng Kanto, tỉnh Niigata và Sendai.
- Pasmo là loại thẻ trả trước dùng cho tàu railway, tàu điện ngầm và xe bus ở Tokyo.
- Icoca do JR West phát hành dùng cho tàu JR ở Kansai, Chugoku và Hokuriku.
- Pitapa là loại thẻ dùng cho tàu railway, tàu điện ngầm và xe bus ở Kansai. Không giống các loại thẻ còn lại, Pitapa là thẻ trả sau nên không tiện cho khách du lịch nước ngoài.
- Toica là thẻ trả trước được JR Central phát hành dùng cho tàu JR ở khu vực Nagoya và Shizuoka.
- Manaca là thẻ trả trước dùng cho tàu railway, tàu điện ngầm và xe bus ở Nagoya.
- Kitaca là thẻ trả trước được JR Hokkaido phát hành để dùng trên tàu JR, tàu điện ngầm, bus và tram ở khu vực Sapporo.
- Sugoca là thẻ trả trước được JR Kyushu phát hành để dùng trên tàu JR ở vùng Fukuoka, Kumamoto, Kagoshima, Oita và Nagasaki.
- Nimoca là thẻ trả trước của Nishitetsu để dùng cho tàu Nishitetsu và bus ở Fukuoka, một số phương tiện giao thông ở Kyushu và Hakodate.
- Hayakaken là thẻ trả trước của thành phố Fukuoka để dùng cho tàu điện ngầm Fukuoka.
Cách mua, nạp tiền và sử dụng thẻ IC
Bạn có thể mua thẻ IC ở các quầy vé và máy bán vé tại ga tàu. Chi phí ban đầu là khoản đặt cọc 500 yên (sau này khi không dùng thẻ nữa thì bạn có thể trả thẻ để nhận lại 500 yên) và một ít tiền để nạp vào thẻ (thông thường là 1500 yên). Bạn có thể nạp tiền vào thẻ IC ngay tại quầy vé hoặc trên máy bán vé đặt tại các nhà ga. Mức tiền nạp tối đa là 20,000 yên.
Vậy dùng thẻ IC ở nhà ga như thế nào? Khi đi tới cổng soát vé tự động, bạn hãy chạm thẻ lên máy đọc khoảng vài giây cho tới khi thanh chắn phía trước mở để bạn đi qua. Số tiền vé tương ứng sẽ được trừ khi bạn quẹt thẻ ở cổng soát vé tự động đặt tại điểm đến. Lưu ý là bạn không thể dùng thẻ IC cho nhiều người đi cùng hành trình cùng một lúc.
Thực ra, khi dùng thẻ IC để thanh toán vé tàu xe, bạn cũng không được khấu trừ, hoặc nếu có, chỉ là vài yên so với vé thông thường. Tuy nhiên, nếu phải di chuyển bằng tàu trong một thời gian dài, thẻ IC sẽ tiết kiệm cho bạn một khoản nho nhỏ.
5. Cách mua và sử dụng Japan Rail Pass
Japan Rail Pass (thường gọi tắt là JR Pass) là vé tiết kiệm để di chuyển đường dài bằng tàu. JR Pass chỉ dành cho khách du lịch nước ngoài và cho phép sử dụng tàu JR với số lần không giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định (gói 7 ngày, 14 ngày và 21 ngày). JR Pass được chia thành hai loại: ghế thường (ordinary) và ghế xanh (green). Ghế xanh có chỗ ngồi rộng và nhiều dịch vụ nên đắt hơn ghế thường (đắt hơn khoảng 25%).
JR Pass có thể dùng trên nhiều phương tiện giao thông ở Nhật, trong đó có:
- Tàu JR: tàu thường, kaisoku, kyukou, tokkyu và shinkansen
- Tokyo Monorail đi từ/tới sân bay Haneda
- Phà JR tới Miyajima
- Một số tàu không phải JR đi tới các tuyến JR riêng lẻ
- Bus JR địa phương
JR Pass không thể sử dụng hoặc cần phụ phí trên các tàu sau:
- Tàu Nozomi trên Tokaido/Sanyo Shinkansen
- Tàu Mizuho trên Sanyo/Kyushu Shinkansen
- Tàu JR không đi theo tuyến JR
- Các khoang đặc biệt (giường ngủ trên tàu đêm)
- Tàu yêu cầu vé Liner Ticket
- Xe bus cao tốc
Cách mua và lấy JR Pass: Bạn chỉ có thể mua JR Pass nếu tới Nhật với tư cách là khách du lịch ngắn hạn. Người có quốc tịch Nhật cũng có thể mua với điều kiện là đã thường trú ở nước ngoài ít nhất là 10 năm. Bạn có thể mua online hoặc thông qua một đại lý du lịch (link: Danh sách các đại lý được ủy quyền để bán JR Pass ở Việt Nam). Bạn sẽ nhận một voucher và khi tới Nhật, bạn sẽ đổi voucher lấy JR Pass ở một số trạm JR lớn (trong đó có trạm JR ở sân bay Narita và sân bay Kansai) (Danh sách các địa điểm đổi lấy JR Pass).
Cách sử dụng JR Pass: Thay vì tấm vé thông thường, JR Pass sẽ là vé đi tàu của bạn. Bạn không thể dùng JR Pass để đi qua cổng soát vé tự động mà phải đi qua cổng có người soát vé. Bạn sẽ phải trình JR Pass và đôi khi là hộ chiếu cho người soát vé. Lưu ý là chỉ có người được ghi tên trên JR Pass mới có quyền sử dụng tấm vé này nên bạn không thể chuyển nhượng hoặc đưa cho người khác dùng chung.
6. Di chuyển trong nhà ga, lên và xuống tàu
Đi qua cổng soát vé: Sau khi mua được vé hoặc đã chuẩn bị sẵn IC Card, bạn hãy đi tới cửa soát vé. Tùy theo từng cửa soát vé tại ga mà có thể sử dụng vé hay IC Card hoặc cả hai. Nếu dùng IC Card, hãy chạm thẻ vào phần vị trí đọc thẻ khoảng 1 giây, sau đó thanh chắn ở cổng soát vé sẽ mở ra để bạn đi qua. Nếu dùng vé, bạn phải nhét vé vào trong khe, máy sẽ nhận vé, kiểm tra thông tin và trả lại vé ở đầu kia sau khi bạn bước qua cửa. Trong trường hợp vé đã qua sử dụng, vé giả hoặc thẻ IC không đủ tiền thì thanh chắn vẫn đóng và tiếng còi sẽ kêu lên. Nhưng thi thoảng máy bị lỗi hoặc phát hiện nhầm lẫn trong việc mua vé, khi không đi qua được thì bạn nên liên hệ với nhân viên nhà ga và thực hiện theo hướng dẫn của họ. Đừng làm mất vé vì bạn vẫn cần đến nó lúc xuống tàu.
Tìm đúng tuyến tàu cần lên: Sau khi qua cửa soát vé, bạn cần đọc biển báo và bảng thông báo treo trên tường nhà ga để tìm đúng tuyến cần lên rồi xếp hàng trước đường ray tàu. Bạn phải ghi nhớ tuyến đi của mình để tìm biển chỉ dẫn về tuyến đó rồi đứng chờ đúng nơi đợi tàu. Hầu hết các chỉ dẫn quan trọng được viết bằng nhiều thứ tiếng để dễ dàng hơn cho hành khách trong việc nhận diện. Bạn có thể bị hoang mang khi thấy trên bảng điện tử hiển thị vài chuyến tàu chạy cùng một tuyến đường vào thời gian gần giống nhau. Vào lúc đó, bạn cần xác định loại tàu mà mình cần lên là loại dừng ở tất cả các trạm hay chỉ dừng ở một vài trạm nhất định. Nếu lên nhầm tàu, bạn sẽ không được dừng lại tại ga cần xuống. Đôi khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra và tàu phải ngừng chạy tạm thời, bạn nên để ý thông báo để tránh lo lắng việc mình có bỏ lỡ tàu hay không.
Lên tàu: Các điểm lên xuống đều được đánh dấu rõ ràng, hành khách sẽ đứng đợi xếp thành hàng sau dấu hiệu đó. Những người lái tàu đều được huấn luyện chuyên nghiệp để khi dừng lái, tàu sẽ đứng ở đúng vạch chờ với số toa tàu tương ứng ghi trên biển báo. Khi tàu đến, khách trên tàu sẽ xuống trước còn những người xếp hàng chờ lên sẽ đứng chờ hai bên. Sau khi mọi người xuống hết thì họ mới lần lượt lên tàu. Tàu điện vào giờ cao điểm rất đông, và “oshiya” (押し屋) dùng để chỉ những nhân viên nhà ga làm nhiệm vụ dồn hành khách lên tàu, họ còn có tên gọi khác là “người đóng hộp cá ngừ”. Đây là công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện vì vừa phải đảm bảo tàu chạy đúng giờ vừa phải giúp khách lên tàu thật an toàn.
Xuống tàu: Sau khi xuống tàu, bạn sẽ đi theo các biển chỉ dẫn để tìm tàu nối chuyến hoặc lối ra nhà ga. Hãy đọc biển hướng dẫn thật cẩn thận hoặc hỏi nhân viên nhà ga vì ở đây có rất nhiều lối ra và mỗi lối ra sẽ hướng đến một nơi khác nhau. Tên nhà ga ở trạm đến được ghi cả bằng tiếng Nhật và tiếng Anh nên khá thân thiện với khách nước ngoài. Khi qua cửa soát vé, bạn cũng làm tương tự như lúc ở ga đi bằng cách quét IC Card hoặc đút vé vào cửa soát, nhưng máy sẽ giữ luôn vé của bạn. Nếu chưa trả đúng số tiền vé (thay đổi điểm đến chẳng hạn), thì tại đây bạn cũng có thể giao dịch số tiền chênh lệch tại các máy điều chỉnh giá vé (のりこし清算機).
7. Các thuật ngữ thông dụng ở nhà ga và trên tàu
Khi sử dụng tàu ở Nhật, bạn sẽ bắt gặp các thuật ngữ lặp đi lặp lại. Bạn nên học trước những từ quan trọng để chuyến đi diễn ra thuận lợi và dễ dàng. Dưới đây là danh sách những từ vựng (trong tiếng Nhật và tiếng Anh) bạn cần nắm vững.
自由席 (Jiyuu Seki) Non-reserved Seating: Ghế tự do
Tất cả tàu shinkansen đều có 3 toa ngồi tự do, tức là bạn chỉ cần lên tàu mà không phải đặt trước. Toa ngồi tự do có thể nằm ở 3 toa đầu tiên hoặc 3 toa cuối cùng. Bạn nên kiểm tra bảng chỉ dẫn ở ga tàu để biết vị trí của toa tự do.
指定席 (Shitei Seki) Reserved Seating: Ghế chỉ định
Những toa tàu này chỉ dành riêng cho khách đặt trước vé. Nếu bạn chưa đặt vé thì khi lên tàu hãy nhìn thật kỹ để tránh vào nhầm toa ghế chỉ định nhé!
優先座席 (Yuusen Zaseki) Priority Seating: Ghế ưu tiên
Đây là ghế ưu tiên cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật và người đi cùng trẻ nhỏ. Nếu không thuộc vào nhóm đối tượng trên, bạn nên tránh ngồi vào dãy ghế ưu tiên.
喫煙 (Kitsu-en) Smoking Section: Khu vực được phép hút thuốc
禁煙 (Kin-en) Non-smoking Section: Khu vực cấm hút thuốc
各駅停車 (Kaku-eki Teisha): Tàu dừng ở mỗi ga đi qua
特急連絡 (Tokkyu Renraku): Nối với tàu Tokkyu
片道 (Kata michi) One way: Một chiều
往復 (Oufuku) Round Trip: Khứ hồi
窓口 (Madoguchi) Ticket Window: Quầy vé
切符 (Kippu) Ticket: Vé
改札口 (Kaisatsuguchi) Ticket Gate: Cổng soát vé
時刻表 (Jikokuhyou) Train Schedule: Thời gian tàu chạy
入り口 (Iriguchi) Entrance: Lối vào
出口 (Deguchi) Exit: Lối thoát
北口 (Kitaguchi) North Exit: Lối ra phía Bắc
東口 (Higashiguchi) East Exit: Lối ra phía Đông
南口 (Minamiguchi) South Exit: Lối ra phía Nam
西口 (Nishiguchi) West Exit: Lối ra phía Tây
8. Phép ứng xử trên tàu
Di chuyển bằng tàu điện ngầm được xem là cách di chuyển bằng phương tiện công cộng phổ biến nhất ở Nhật Bản vậy nên phép ứng xử trên tàu luôn được mọi người quan tâm và chú ý. Trước tiên, văn hóa ứng xử trên tàu được biểu hiện qua những nguyên tắc ứng xử rất lịch sự và thái độ đúng đắn, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên trên tàu với hành khách. Họ luôn mặc đồng phục chỉnh tề, mang găng tay trắng, lịch sự cúi chào hành khách và tận tình giúp đỡ họ nếu cần. Đặc biệt hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật còn có chương trình chăm sóc dành cho hành khách là người tàn tật, họ sẽ được nhân viên của ga đến đón và giúp lên tàu một cách an toàn dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, một số tàu điện ngầm ở Nhật rất quan tâm đến hành khách khi bố trí các khoang dành riêng cho phụ nữ. Vào những giờ cao điểm, số lượng hành khách di chuyển bằng tàu rất lớn, họ thường xuyên phải chen chúc, thậm chí “nhồi nhét” vào mọi khoảng trống trên khoang tàu. Việc sắp xếp này giúp những người phụ nữ cảm thấy an toàn và tế nhị hơn khi không phải chen chúc giữa phần lớn toàn nam giới.
Ngược lại, hành khách đi tàu ở Nhật Bản cũng có những phép ứng xử nơi công cộng rất văn minh, luôn đề cao ý thức của mỗi cá nhân với cộng đồng.
Thứ nhất, họ luôn giữ yên lặng gần như tuyệt đối, tránh tạo ra tiếng ồn để không làm phiền những người xung quanh. Nói chuyện điện thoại quá to và để âm thanh điện thoại ảnh hưởng đến người khác là điều đặc biệt cấm kỵ khi trên tàu. Để không gây khó chịu cho người bên cạnh, người Nhật sẽ nhắn tin thay cho gọi điện hoặc đeo tai nghe khi nghe nhạc và chơi game.
Thứ hai, văn hóa nhường chỗ trên tàu ở Nhật cũng rất đặc biệt. Trên tất cả những khoang tàu ở Nhật đều có hàng ghế ưu tiên dành cho người già, phụ nữ mang thai hoặc người khuyết tật. Nếu tàu không quá đông, bạn có thể ngồi đây và nhường lại chỗ cho những người được ưu tiên khi thấy họ. Thậm chí khi bạn ngồi ở những ghế thường thì việc đứng lên nhường ghế lại cho những người cần ngồi hơn mình cũng được xem là cách ứng xử rất tốt. Nếu lo ngại việc nhường ghế của mình có thể sẽ làm người già chạnh lòng hoặc ngại ngùng hãy đứng lên nói “Douzo” rồi di chuyển ra xa vài bước để họ không cảm giác phải từ chối. Bên cạnh đó, hành khách đi tàu luôn lưu ý xem mình có chiếm quá nhiều không gian không. Họ thường đặt túi, đồ của mình lên người để không ảnh hưởng đến chỗ ngồi của mọi người xung quanh.
Thứ ba, người Nhật rất có ý thức giữ gìn vệ sinh không gian chung. Họ không bao giờ ăn uống cũng như xả rác bừa bãi khi đi trên tàu. Thay vì để lại trên tàu, họ sẽ mang tất cả những thứ liên quan đến mình xuống tàu và chỉ vứt nó khi nhìn thấy thùng rác. Đó là lý do tàu điện ngầm ở Nhật luôn sạch sẽ dù hàng ngày phải phục vụ lượng khách rất lớn.
Thứ tư, dù số lượng hành khách ở mỗi khoang tàu rất đông nhưng việc lên tàu và xuống tàu ở Nhật luôn được diễn ra rất trật tự, không chen lấn, xô đẩy. Người Nhật sẽ di chuyển nhanh, tránh chắn đường người phía sau và sẵn sàng đi gọn vào để nhường đường cho những người gấp gáp hơn mình.
9. Shopping trong nhà ga và cơm hộp ekiben
Nhiều nhà ga có các khu vực mua sắm quy mô nhỏ, nơi hành khách có thể mua sắm trong thời gian chờ đợi các chuyến tàu, gọi là Ekinaka (駅ナカ). Những khu phức hợp này đã dần trở nên lớn mạnh bằng cách tận dụng vị trí đắc địa để cung cấp các mặt hàng và dịch vụ. Sự phát triển của ekinaka đang nhanh chóng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Nghĩa đen của ekinaka là “phía bên trong nhà ga”, những trung tâm mua sắm quy mô nhỏ này nổi lên bằng cách khai thác nhu cầu của những hành khách sử dụng tàu điện. Đầu những năm 2000, họ đã bắt đầu tăng thêm các cửa hàng khác ngoài ăn uống như hiệu sách, quán cà phê, tiệm bánh, cửa hàng hoa,... Tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà có cả dịch vụ làm móng, chăm sóc da, cắt tóc hay massage, có nơi còn cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ. Đặc biệt, bạn có thể thực hiện các khoản thanh toán bằng IC Card. Thay vì phải chờ đợi chuyến tàu tiếp theo trong sự nhàm chán tột độ, hành khách chắc chắn sẽ chọn lựa việc dạo chơi, chiêm ngưỡng khung cảnh kiến trúc sang trọng, ăn uống và mua sắm trong mùi hương dễ chịu tỏa ra từ các cửa hàng.
Cho dù bận rộn cỡ nào, hay khoảng thời gian chờ tàu của bạn có ngắn ngủi tới đâu, hãy một lần mở nắp và thưởng thức ekiben (駅弁), cơm hộp tại nhà ga - văn hóa ẩm thực tinh hoa truyền thống hàng trăm năm được gói gọn trong những chiếc hộp. Ekiben đẹp từ cách trình bày món ăn đầy tính nghệ thuật ở bên trong cho tới vỏ hộp tinh tế bên ngoài trông như những hộp quà lưu niệm trau chuốt.
Top 10 ekiben trên khắp nước Nhật
Có thể bạn nghĩ dành 30 phút chỉ để chọn cơm hộp thì quả là lãng phí thời gian, nhưng phải đến khi tận mắt thấy chính mình lạc lối giữa hơn 170 loại ekiben, mới có thể thấy ngần ấy thời gian vẫn là chưa đủ. Không chỉ phân vân chọn lựa về các món ăn bên trong, ngay cả để chọn được chiếc hộp xinh nhất cũng khiến chúng ta phải đau đầu. Nào là cơm hộp Hello Kitty với trứng cuộn và gà sốt, cơm hộp thịt bò nướng, thịt ba chỉ óng mượt, bạch tuộc, nào là cua hoàng đế, tempura, trứng cá hồi, sushi cá bơn áp chảo hay sushi cuộn trong lá hồng. Mỗi hộp ekiben luôn được đóng kèm một đôi đũa tre và khăn giấy. Giá ekiben thông thường dao động từ 850~1,300 yên, loại thượng hạng có thể từ 5,000~21,000 yên! Hầu như nhà ga nào trên khắp nước Nhật cũng bán Ekiben với các món ăn đặc trưng của địa phương đó. Nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian và công sức đi đến một nhà ga nào đó chỉ để thưởng thức hương vị cơm hộp ưa thích. Nhờ sự tiện lợi, an toàn và sự ngon miệng, ekiben đã trở thành một phần không thể thiếu của những người thường xuyên phải di chuyển bằng tàu.
10. Sử dụng tủ khóa locker ở nhà ga
Ở các ga tàu lớn cũng có những tủ để hành lý và thu phí dựa theo kích thước. Tuy nhiên không giống như sân bay có thể cho bạn gửi hành lý trong nhiều ngày, ở đây chỉ cho bạn để một thời gian theo quy định.
Ở nhà ga, có 4 loại tủ khóa: tủ khóa dùng chìa khóa (tủ khóa “đồng xu”), tủ khóa dùng mật mã, tủ khóa dùng số điện thoại và tủ khóa dùng thẻ IC. Trong đó, 4 kích cỡ cơ bản là: ngăn nhỏ có thể đựng vừa túi tote hoặc balo nhỏ, ngăn vừa phù hợp cho túi hành lý, ngăn lớn chứa được một vali hành lý và ngăn rất lớn chứa đến 2 vali hành lý. Chi phí giao động từ ¥200~¥600/ngày. Trong bài viết này, Japagazine xin giới thiệu chủ yếu về tủ khóa đồng xu, loại tủ khóa thông dụng nhất ở nhà ga Nhật.
Cách sử dụng tủ khóa đồng xu:
- Trước hết bạn phải tìm ngăn tủ nào có cắm chìa khóa vì những ngăn không cắm khóa là đã có người sử dụng.
- Cất đồ vào ngăn tủ và đưa tiền xu vào khe (Hãy chuẩn bị sẵn tiền lẻ vì thường chỉ chấp nhận loại ¥100~¥200).
- Khóa tủ lại và giữ chìa khóa cẩn thận.
Đối với loại tủ khóa đồng xu sử dụng màn hình cảm ứng:
- Ấn nút “Deposit” trên màn hình và chọn kích cỡ ngăn đựng hành lý. Sau đó số tủ trống sẽ hiển thị trên màn hình cho bạn lựa chọn.
- Đóng cửa tủ và giữ cho đến khi đèn bắt đầu nhấp nháy.
- Chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ IC. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, bạn sẽ nhận được biên lai có mã PIN được in trên đó. Nếu sử dụng thẻ IC, chỉ cần đưa đầu đọc của thẻ vào máy rồi nhận biên lai. Vị trí tủ khóa và thông tin liên lạc của công ty chịu trách nhiệm sẽ được in trên biên lai nên bạn cần giữ chúng cẩn thận.
- Ấn nút “Retrieval” trên màn hình cảm ứng khi bạn muốn lấy đồ rồi chọn phương thức thanh toán giống với khi bạn cất hành lý của mình. Nếu chọn thanh toán bằng tiền mặt hãy nhập mã PIN trên biên lai lên màn hình. Nếu đã sử dụng thẻ IC thì hãy đưa đầu đọc của thẻ vào máy.
- Tủ sẽ tự động mở để bạn lấy hành lý của mình.
Tủ khóa đồng xu cho phép bạn lưu giữ hành lý trong khoảng thời gian tối đa là ba ngày, có một số nơi lên đến bốn ngày. Sau thời gian này, bạn sẽ phải trả thêm phí mới có thể mở tủ ra được hoặc đồ đạc của bạn sẽ được lấy ra bởi các nhân viên của công ty quản lý và bạn có thời gian một tháng để đến lấy lại từ kho lưu trữ của công ty đó.
Bạn không được cất trữ tiền mặt, tư trang và giấy tờ quan trọng trong tủ. Các vật có giá trị như kim loại quý, đồ cổ, tài liệu quan trọng, thẻ, máy ảnh, máy tính xách tay,...hay thực phẩm tươi sống hoặc động vật vì nó thuộc danh mục có mùi hôi và không thích hợp để lưu trữ. Hàng hóa bị đánh cắp, vũ khí hoặc các đồ vật nguy hiểm như chất nổ, hóa chất độc hại cũng bị cấm. Mỗi lần mở và khóa tủ lại tính một lần phí nên hãy đảm bảo rằng bạn đã cất hết những đồ vào tủ rồi mới khóa tủ nhé!
Đến đây, có lẽ bạn đã hiểu biết kha khá về cách đi bằng tàu tại Nhật rồi. Hy vọng bài viết của Japagazine sẽ hữu ích cho bạn trong hành trình sắp tới tại Nhật Bản nhé!
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ