Con số may mắn và con số kiêng kị đối với người Nhật
Ở Nhật Bản, một con số có thể được xem là mang lại những điều may mắn, hoặc có thể là hiện thân cho cái chết, những đau đớn và sự khốn khổ. Việc nhận biết con số trong văn hoá Nhật là vô cùng quan trọng, bởi nếu không, có thể sẽ vô tình khiến người khác hiểu lầm rằng mình mong muốn họ phải trải qua một cái chết chậm chạp và đầy đau đớn khi bạn tặng quà lưu niệm từ một chuyến du lịch vì liên quan tới những con số không may chẳng hạn.
Cùng khám phá
1. Những con số may mắn
2. Những con số đem lại vận rủi
1. Những con số may mắn
Số bảy may mắn
Số 7 vốn không hề được coi là một con số may mắn trong quan niệm của một vài nước Châu Á, như ở Trung Quốc, số 7 tượng trưng cho sự tức giận, bỏ rơi và những cái chết đau khổ. Nhưng ở Nhật Bản, đây lại được xem như một con số cực kỳ may mắn, niềm tin của họ vào sự may mắn của con số này thực chất đến từ nền văn hoá và tôn giáo của chính đất nước họ chứ không phải do du nhập từ nước khác vào. Đây là một con số quan trọng trong Phật giáo, một người phải tái sinh đủ 7 lần mới có thể vào cõi Niết Bàn, hay Phật tử Nhật Bản sẽ kỷ niệm 7 ngày tuổi kể từ ngày em bé được sinh ra. Và người ta cũng thương tiếc vào ngày thứ bảy và tuần lễ thứ bảy khi một người qua đời.
Trong văn hoá dân gian của Nhật, có tất cả 7 vị thần may mắn (Shichifukuin - Thất Phúc Thần), bao gồm Hotei (vị thần hiện thân cho tài sản, vận mệnh yên ổn, thịnh vượng), Juroujin (vị thần của sức khoẻ), Fukurokuju (vị thần của hạnh phúc, phú quý và trường thọ), Bishamon (thần chiến tranh), Benzaiten (nữ thần tri thức, sắc đẹp và nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc), Daikokuten (thần của một mùa màng bội thu, thường thờ cùng thần Ebisu, được khắc thành tượng điêu khắc hoặc làm thành mặt nạ treo tường tại các cửa hàng kinh doanh), cuối cùng là Ebisu (thần phù hộ dân chài và các thương gia). Bên cạnh đó, họ còn coi trọng 7 loại thảo dược dùng để xua đuổi tà ma, loại trừ bệnh tật và ngày lễ Thất tịch 7/7 cũng là một ngày lễ vô cùng quan trọng vào mùa hè tại Nhật.
Số tám thịnh vượng
©Pete Linforth from Pixabay
Tuy ít được biết đến nhưng 8 cũng là một con số may mắn. Điều thú vị là số 8 được coi như một con số may mắn ở Nhật không hề đến từ cách phát âm tương đồng với điều gì may mắn như những số khác. Mà đó là nhờ vào hình dạng của con số này, được gọi là Suehirogari, mở rộng ở phía bên dưới gợi nhắc đến sự giàu sang, thịnh vượng, phát đạt và tăng trưởng. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng của số 8 đối với kiến trúc ở Nhật, khi mà vào thế kỷ thứ 8, kiến trúc bằng gỗ được thêm những nét trang trí đầy tinh tế đòi hỏi kỹ thuật cao, đã phát triển toàn diện và trở thành phong cách kiến trúc độc nhất đặc trưng cho xứ sở hoa anh đào. Con số này còn ảnh hưởng đến cách tặng quà của người Nhật, thông thường, người ta sẽ tặng tám món quà cho một ai đấy vào mốc quan trọng trong cuộc đời của họ, chẳng hạn như tốt nghiệp trung học hoặc khi đến tuổi trưởng thành. Cũng có thể thay các món quà bằng tiền mặt, số tiền tốt nhất nên là bội số của tám, ví dụ như tám trăm, tám nghìn hoặc tám vạn Yên.
Bên cạnh đó người Nhật cũng cho các con số như 168 và 358 là những con số cực kỳ may mắn. Số 168 khi tách ra sẽ gồm số 1, số 6 và số 8, trong phong thuỷ, những con số này đều thuộc vận Kim, tức là tiền bạc (nhất bạch, lục bạch và bát bạch). Đối với người Nhật thì ba con số 1, 6, 8 khi hợp lại sẽ mang ý nghĩa ám chỉ sự sung túc, thịnh vượng và bước khởi đầu tốt lành, nhất là khi có số 8 biểu thị cho quyền lực tối cao. Số 358 là con số của tiền bạc và hy vọng, thường được in ra làm biển số xe, con số này cũng ngụ ý rằng trong tương lai, nguồn thu nhập của bạn sẽ trở nên dồi dào và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của bản thân.
2. Những con số đem lại vận rủi
Bốn là một con số chẳng hề đem lại cảm giác may mắn ở xứ sở hoa anh đào vì cách đọc “shi” nghe giống như cái chết. Đây cũng chính là lý do tại sao trong tiếng Nhật, có những hai cách đọc con số này là “shi” và “yon”. Mỗi khi có thể, người Nhật Bản thường cố tránh cách đọc gây liên tưởng đến sự tang thương chết chóc. Đặc biệt, điều này cũng tương tự với con số 9, ngoài “kyu” ra, số 9 còn một cách đọc nữa là “ku” (nghe giống như sự đau khổ, nỗi đau đớn khủng khiếp vì bị tra tấn).
Một số toà nhà ở Nhật, ví dụ như bệnh viện, sẽ hoàn toàn không có tầng thứ tư hoặc tầng thứ chín, còn về số phòng, có thể sẽ không có căn phòng thai sản số 43, vì con số này khiến người nghe ngay lập tức liên tưởng đến thai chết lưu. Về biển xe, có một vài con số nhất định bạn phải tránh, chẳng hạn như 42 (đi tới cái chết), 42-19 (nghe giống như “shini-iku”, đi để chết), 42-56 (shini-goro, khoảng thời gian chết) và 24 (hai người chết). Một vài thành viên đáng sợ của tổ chức yakuza sẽ dùng biển số xe để thể hiện sự khinh miệt của họ đối với cái chết bằng cách chọn con số 4444. Bạn chắc chắn sẽ không muốn tạt đầu một chiếc xe mang biển số chết chóc này đâu.
Người Nhật nói chung có xu hướng khá mê tín và đây cũng chính là lý do tại sao họ rất quan tâm đến điềm may rủi của một con số sẽ mang lại cho mình. Vì vậy mà khi muốn tặng quà cho họ, đừng bao giờ tặng bốn hoặc chín món quà, bạn nên lựa chọn con số ba hoặc năm thì sẽ tốt hơn nhé.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ