Văn hóa

Tìm hiểu các quy tắc ứng xử của người Nhật giúp chuyến đi của bạn dễ dàng hơn

Mục lục
1. Hãy cúi đầu thì chào hỏi, cảm ơn hoặc nói lời xin lỗi
2. Khi đến thăm một ngôi nhà ở Nhật đừng quên tháo giày
3. Đừng ngạc nhiên với taxi của Nhật Bản
4. Trả tiền đúng cách
5. Tắm onsen đúng cách



Nhật Bản luôn nổi tiếng là một quốc gia có tính kỷ luật và sự đoàn kết cao. Một trong những nguyên nhân làm nên sự thành công này chính là mỗi người dân Nhật đều tự ý thức và tuân thủ những quy tắc và quy định chung. Trong số đó, quan trọng nhất không thể không nhắc tới những quy tắc ứng xử ở nơi công cộng. Vậy bài viết lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những quy tắc ấy là gì, điều gì cần làm và điều gì nên tránh để giúp mọi người đỡ bỡ ngỡ trong chuyến hành trình của mình nhé.



1. Hãy cúi đầu thì chào hỏi, cảm ơn hoặc nói lời xin lỗi

Cúi đầu là một trong những nguyên tắc nổi tiếng và phổ biến nhất của người dân Nhật Bản. Thông thường, người Nhật sẽ cúi đầu trong ba trường hợp sau: khi chào hỏi, khi cảm ơn và khi nói lời xin lỗi.


Chúng ta đã khá quen thuộc với hình ảnh cúi đầu khi chào hỏi của người Nhật vì họ coi đây là sự tôn trọng dành cho đối phương. Có ba kiểu cúi đầu khi chào hỏi được áp dụng phổ biến đó là kiểu eshaku, keirei và saikeirei. Hay chúng ta có thể hiểu dễ dàng hơn đó là những kiểu cúi 15 độ, 30 độ và 45 độ trở lên. Eshaku thường được dùng để chào hỏi xã giao thông thường đối với bạn bè hoặc người có cùng cấp bậc. Keirei là kiểu cúi đầu khoảng 30 độ, sử dụng khi chào hỏi cấp trên, khách hàng hoặc những người lớn tuổi. Trang trọng nhất là kiểu saikeirei - cúi đầu khoảng 45 ~ 60 độ thể thể hiện sự tôn kính, trang trọng nhất dành cho ông bà, quốc kỳ, các bậc thần linh,...



©pakutaso.com


Cúi đầu cũng được thể hiện trong những lời cảm ơn. Ở mức độ xã giao thông thường, chúng ta sẽ cúi nhẹ đầu khoảng 10 ~ 20 độ để thể hiện thành ý cảm ơn của bạn với đối phương. Hay bắt gặp nhất có lẽ là các ngành nghề phục vụ như khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,... Thêm một lưu ý nhỏ là du khách sẽ không phải cúi đầu đáp trả, vì điều này không đúng trong văn hóa ứng xử của người Nhật Bản. Thay vào đó, bạn chỉ cần cười nhẹ là có thể thể hiện được sự cảm kích của mình rồi.



©pakutaso.com


Cuối cùng là cúi đầu trong lời xin lỗi để thể hiện sự hối lỗi với đối phương về lỗi lầm của mình làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Tùy theo mức độ mắc lỗi mà chúng ta sẽ có kiểu cúi khác nhau theo từ nhẹ tới trung bình và mức độ mạnh. Nếu ở mức độ nhẹ, bạn có thể cúi 10 ~ 20 độ, trung bình thì cúi ở góc 25 ~ 30 độ còn nặng thì sẽ ở mức 45 ~ 90 độ.


2. Khi đến thăm một ngôi nhà ở Nhật đừng quên tháo giày

Quy tắc tiếp theo cũng quan trọng không kém đó là chúng ta phải tháo bỏ giày dép ở bên ngoài trước khi bước vào nhà của người Nhật hay những khách sạn, nhà hàng có phong cách cổ điển như phòng ryokan.


Từ lâu người Nhật đã có thói quen sống ngăn nắp và gọn gàng, vì vậy đi giày vào nhà là tự mang mầm bệnh cho mình cũng như cho chủ nhà, đồng thời đây cũng là ý thức tôn trọng sự riêng tư của chủ ngôi nhà đang sống ở đây. Sàn nhà là nơi chủ yếu diễn ra sinh hoạt của người Nhật vì thế họ luôn giữ cho mình một sàn nhà sạch sẽ.



©pakutaso.com


Genkan là để chỉ ranh giới giữa bên trong và bên ngoài ngôi nhà - khu vực giữa cổng chính và phòng khách. Đó là nơi để mọi người tháo giày dép và đặt ở đó trước khi vào trong nhà. Một lưu ý quan trọng là bạn không được dẫm lên genkan mà hãy ngồi xuống để tháo giày rồi đặt ngay ngắn ở vị trí định sẵn trong nhà trước khi bước vào.


Đồng thời, hãy đảm bảo rằng đôi tất bạn đang đi trước khi vào nhà người Nhật phải thật sạch sẽ, nhớ là đừng quên kiểm tra xem đôi tất đó có bị rách và thủng chỗ nào không nhé, vì nếu bạn tới thăm nhà người Nhật với đôi tất như vậy là thể hiện việc không tôn trọng chủ nhà. Ngoài ra, vào những ngày trời mưa, áo mưa và ô nên được để ở ngoài hoặc bọc vào những túi nilon trước khi mang vào nhà để tránh việc nước mưa làm bẩn sàn.


Một điều phổ biến nữa tại Nhật là dép dùng trong nhà vệ sinh. Đừng nhầm lẫn mà sử dụng chung dép đi trong nhà với dép đi toilet nhé. Vì dép trong nhà vệ sinh sẽ là đôi dép riêng và mũi dép được đặt hướng vào toilet.


3. Đừng ngạc nhiên với taxi của Nhật Bản

Một quốc gia đi đầu trong công nghệ như Nhật Bản luôn luôn áp dụng kỹ thuật vào đời sống nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như thúc đẩy nền kinh tế. Taxi vốn là một dịch vụ rất thân thuộc với khách du lịch, song với những du khách lần đầu tiên ghé thăm “đất nước mặt trời mọc” sẽ không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ và ngạc nhiên.


Đầu tiên, cánh cửa xe taxi sẽ không cần bạn phải trực tiếp mở mà thay vào đó, chúng được cài đặt để mở cửa tự động. Vì vậy, sau khi xe được tấp vào lề đường, bạn hãy chờ một chút thời gian để cánh cửa từ từ mở ra nhé. Còn nếu không, chính tài xế sẽ trực tiếp xuống xe và mở cửa cho khách.



©Flickr


Điều ngạc nhiên thứ hai là nội thất bên trong xe rất tiện nghi, thoải mái và quan trọng hơn hết là rất sạch sẽ. Mỗi bác tài đều có ý thức giữ gìn chiếc xe và vệ sinh chúng thật sạch sẽ sau mỗi ngày làm việc. Thậm chí, họ còn chuyên nghiệp đến nỗi luôn mặc đồng phục lịch sự, đeo găng tay trắng và có thái độ rất nhiệt tình, cởi mở, tận tình giúp đỡ đối với du khách.


4. Trả tiền đúng cách

Nhật Bản vốn là quốc gia vẫn rất ưa chuộng sử dụng tiền mặt trong giao dịch một phần vì tỷ lệ dân số già và một phần là do thói quen tiêu dùng. Vì vậy, du khách hoàn toàn có thể giao dịch và trả tiền mặt trực tiếp. Ví dụ như với taxi, tại các thành phố nhỏ và khu vực ngoại ô, tiền mặt vẫn được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, nhiều hãng taxi đang khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt và người dùng có thể nhận được nhiều ưu đãi hơn.



©photo-ac.com


Tương tự, tại các nhà hàng, siêu thị và trung tâm mua sắm, du khách hoàn toàn có thể lựa chọn bằng hai hình thức phổ biến là tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Trong khi thanh toán, du khách phải lưu ý một quy tắc quan trọng, đó là trong văn hóa của người Nhật, bạn sẽ không trao tay trực tiếp số tiền cho nhân viên bán hàng, thay vào đó, chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn số tiền tương ứng và đặt trong các khay đựng tiền bên quầy thu ngân. Điều này có hai lý do chính, một là nhân viên thu ngân có thể dễ dàng kiểm tra lại số tiền mà bạn thanh toán, đặc biệt là với những đồng tiền xu để tránh việc làm rơi. Thêm một lý do nữa là những nhân viên thanh toán ở Nhật Bản rất ngại chạm tay trực tiếp với khách hàng, vì vậy, việc đặt tiền trong khay sẽ phần nào tạo cảm giác thoải mái hơn cho họ.



©photo-ac.com


Vậy nếu không có khay đựng tiền thì sao? Tại các nhà hàng, khách sạn, nếu bạn muốn đưa tiền tip cho nhân viên thì phải làm thế nào? Tiền tip bao nhiêu thì đủ?


Tiền tip hầu như không phổ biến ở Nhật Bản như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Điều này có nghĩa là bạn thực sự không cần và không nên đưa tiền tip cho nhân viên khách sạn, quán bar hay nhân viên trong nhà hàng, lái xe vì theo quan niệm của người Nhật, điều này mang ý nghĩa xúc phạm đến họ.


Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể linh động trong một vài trường hợp. Ví dụ như đối với hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên tư nhân, khi họ rất nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong đoàn và có trách nhiệm trong chuyến hành trình, du khách cũng có thể cảm ơn họ bằng cách đặt tiền vào trong các phong bì kín và lịch sự đưa nó cho đối phương bằng hai tay để thể hiện sự trân trọng của mình.


5. Tắm onsen đúng cách

Chúng ta đã có rất nhiều các bài viết chuyên sâu phân tích về văn hóa Onsen của Nhật Bản. Tuy nhiên, hãy cùng điểm danh lại những quy tắc quan trọng nhất:


Đầu tiên hãy tắm rửa sạch sẽ trước khi vào Onsen hoặc Sento. Tại bất kỳ khu Onsen hoặc Sento nào cũng trang bị riêng những phòng tắm, giúp du khách làm sạch mình trước khi ngâm cơ thể trong làn nước nóng để tận hưởng sự thoải mái.



Một số lưu ý khi tắm Onsen


Không mặc đồ bơi: Vì theo truyền thống và phong tục của người Nhật Bản, bạn phải hoàn toàn để “trần” mà không được mặc đồ tắm hay khăn tắm vào trong bồn để ngâm mình. Phong tục này bắt nguồn từ thời Edo, khi các suối nước nóng được coi là vùng đình chiến, tức là những quan chức và samurai luôn “khỏa thân” trong khi tắm Onsen để chứng minh cho đối thủ rằng họ không hề mang theo vũ khí hay có âm mưu chiến tranh gì cả. Điều này tồn tại tới tận ngày nay và việc “tắm tiên” trong Onsen thậm chí được coi là điều hiển nhiên đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên, sẽ có khu vực Onsen riêng dành cho nam và nữ, hơn nữa, trong khu vực tắm, ai cũng đều “khỏa thân” nên bạn cũng đừng lo lắng hay xấu hổ nhé!


Khăn tắm loại lớn và nhỏ: Phần lớn mọi người đều mang theo hai loại khăn tắm gồm một loại lớn và một loại nhỏ. Những chiếc khăn cỡ lớn dùng để lau khô người sau khi tắm và nên được để lại trong phòng thay đồ cùng với quần áo sạch của bạn. Còn những chiếc khăn nhỏ sẽ được mang theo vào khu vực phòng tắm với rất nhiều công dụng hữu ích như quấn tóc, cọ lưng, giữ ấm đầu trong những mùa đông giá lạnh,...


Để hiểu rõ hơn về quy trình tắm onsen, hãy đọc bài viết  Những điều đặc biệt lưu ý khi đi tắm suối nước nóng (Onsen) ở Nhật của Japagazine nhé!


Bài viết liên quan