Văn hóa

Cáo Inari - Động vật linh thiêng, đáng yêu nhất Nhật Bản

Mục lục
1. Cáo đại diện cho điều gì trong văn hóa Nhật Bản
2. Inari Sushi
3. Mặt nạ cáo - Kitsune
4. Mặt nạ cáo trong anime
5. Những ngôi đền về Inari nhất định phải đến ở Nhật Bản
6. Liệu những chú cáo Inari có ngoài đời thực không?


Nếu bạn đã có cơ hội ghé thăm đất nước Nhật Bản giàu văn hóa, đặc biệt là những nơi linh thiêng như đền, chùa, chắc hẳn bạn đã không ít lần bắt gặp hình ảnh của những chú cáo Inara. Từ những bức tượng có kích thước nhỏ đến lớn, cho tới những hình vẽ đặc trưng đều khắc họa hình ảnh của chú cáo lanh lợi Inari này. Theo thống kê, tại Nhật Bản, chúng được xuất hiện tại hơn 30.000 ngôi đền chùa trên khắp đất nước. Vậy câu chuyện và ý nghĩa đằng sau loài cáo này là gì mà Inari lại được coi là biểu tượng văn hóa tại đất nước Phù Tang? Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết ngày hôm nay.



1. Cáo đại diện cho điều gì trong văn hóa Nhật Bản

Trong tín ngưỡng Thần đạo của người Nhật, có rất nhiều vị thần khác nhau của thế giới tự nhiên. Mỗi vị thần lại mang trong mình một sứ mệnh và trọng trách khác nhau, có thể kể đến như Thần biển, Thần mặt trời, Thần chiến tranh,... Trong đó, Thần Inari được cho là có mối liên hệ với gạo, trà và rượu sake. Vì ba yếu tố này đóng một phần vô cùng quan trọng đối với văn hóa Nhật Bản, nên không có gì ngạc nhiên khi hơn một phần ba số đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản được dành riêng cho Inari.


Theo truyền thuyết, các vị thần thường chọn một số loài vật để làm đại diện hoặc sứ giả cho mình. Trong trường hợp của Inari, con vật này được miêu tả là một con cáo trắng. Vì vậy, nhiều đền thờ Inari sẽ có một số bức tượng cáo nhỏ đóng vai trò như những người bảo vệ đền thờ.



©Flickr


Trong văn học dân gian Nhật Bản, cáo thường được miêu tả là loài vật sở hữu trí thông minh và tuổi thọ cao. Chính điều này đã khiến cáo trở thành hình tượng chủ yếu và là nguồn cảm hứng của phong cách nghệ thuật truyền thống được gọi là "ukiyo-e" - tranh khắc gỗ thời Edo. Đặc biệt, cáo trắng, được cho là sứ giả của Thần Inari, mang nhiệm vụ bảo vệ Thần và chống lại linh hồn ma quỷ. Phần lớn các bức tượng đá khắc họa hình tượng cáo Inari được tìm thấy tại các đền thờ thường được nhìn thấy với yếm đỏ. Trong tín ngưỡng Thần đạo, màu đỏ là màu của các vị thần và được cho là có tác dụng xua đuổi bệnh tật cũng như các nguồn năng lượng xấu.



©Flickr


Bên cạnh hình tượng tốt kể trên, cáo cũng nổi tiếng với hình ảnh của những kẻ lừa lọc, ranh ma. Trong nhiều câu chuyện dân gian Nhật Bản, người ta thấy cáo thường gây ra những trò nghịch ngợm để trừng phạt những kẻ tham lam hoặc khoe khoang. Một chủ đề chung được tìm thấy trong những câu chuyện này là việc cáo biến hình thành một người phụ nữ xinh đẹp, bị lạc và cần được giúp đỡ. Sau khi mời người phụ nữ bí ẩn này qua đêm, chủ nhà thức dậy vào sáng hôm sau và phát hiện người phụ nữ mất tích cùng với thức ăn và vật dụng có giá trị của họ. Những con cáo đặc biệt tinh nghịch cũng được cho là đã cạo trọc đầu cho gia chủ khi họ đang ngủ.


2. Inari Sushi

Hình tượng của những chú cáo Inari không chỉ đi sâu vào đời sống tâm linh mà chúng đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Nhật. Bằng chứng là Inari chính  là những hình ảnh và chủ đề, nguồn cảm hứng trong thơ, văn, nghệ thuật, điêu khắc mà nay, chúng còn xuất hiện trong văn hóa ẩm thực mang tên Inari sushi.


Trong khi nigiri sushi - cá cắt lát mỏng phủ trên lớp cơm sushi, là món ăn quá đỗi quen thuộc đối với hầu hết mọi người, thì Inari sushi (được gọi là inarizushi trong tiếng Nhật) ít được biết đến hơn nhiều đối với các du khách nước ngoài.


Theo dân gian, thức ăn ưa thích của cáo là aburaage - là những lớp đậu phụ ngọt được chiên giòn. Món ăn này được tìm thấy tại các nhà hàng sushi và mì, với aburaage chiên giòn, xếp thành hình túi và chứa đầy cơm nếp sushi. Tùy thuộc vào từng khu vực tại Nhật Bản, du khách có thể thưởng thức Inari sushi với hương vị khác nhau hoặc với hình dạng khác nhau.


Ở phía đông, Inari sushi thường được tạo thành hình chữ nhật với vỏ ngoài được chiên giòn tan, nhưng bên trong lại là nhân cơm trắng mềm. Ở phía Tây Nhật Bản, chúng lại có hương vị đậm đà hơn và cơm thường được trộn với rau cùng một số thành phần và nguyên liệu khác. Ngoài ra, hình dạng thường có hình tam giác, được cho là đại diện cho hình dạng của tai cáo.


3. Mặt nạ cáo - Kitsune

Khi tham gia một lễ hội ở Nhật Bản, du khách sẽ thường xuyên bắt gặp một vài gian hàng bày bán nhiều loại mặt nạ đủ màu sắc, trong đó bạn có thể thấy một chiếc mặt nạ Kitsune màu trắng - hay còn gọi là mặt nạ cáo. Những chiếc mặt nạ Kitsune này ban đầu chỉ được sử dụng trong các điệu múa theo nghi lễ Thần đạo và các tác phẩm sân khấu của Nhật Bản, nhưng hiện nay được tìm thấy phổ biến hơn như một món đồ trang trí và quà lưu niệm có ý nghĩa của sự thịnh vượng.



©photo-ac.com


Tuy nhiên, mặt nạ Kitsune vẫn thường xuyên được sử dụng trong một số nghi lễ, trong đó nổi tiếng nhất diễn ra hàng năm là vào đêm giao thừa. Theo truyền thuyết kể lại, cáo từng mang hình dáng con người và đến thăm đền Oji Inari ở Tokyo. Để kỷ niệm sự kiện này, hàng trăm người tham gia đã đeo mặt nạ Kitsune hoặc vẽ và trang điểm theo hình dạng của loài cáo trong lễ diễu hành Oji Kitsune-no-Gyoretsu hàng năm.



©photo-ac.com


4. Mặt nạ cáo trong anime

Anime chính là biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi loài cáo Inari đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình và manga khác nhau, bao gồm cả các tác phẩm nổi tiếng như Pokemon và Naruto.



                                              Anime Inari, Konkon, Koi Iroha

Đáng chú ý, manga và anime về Inari, Konkon, Koi Iroha kể về một cô gái trẻ tên là Inari Fushimi - người đã cứu một con cáo khỏi chết đuối trên sông. Nữ thần của ngôi đền gần đó rất cảm kích đến hành động dũng cảm của cô bé và ban thưởng cho Inari Fushimi quyền năng biến hình, giống như những con cáo trong văn hóa dân gian Nhật Bản được cho là có thể làm được. Bộ truyện nhẹ nhàng lấy bối cảnh ở Kyoto và có các địa điểm ngoài đời thực như Fushimi Inari Taisha nổi tiếng, khiến câu chuyện trở nên gần gũi và chân thực với khán giả hơn bao giờ hết.


5. Những ngôi đền về Inari nhất định phải đến ở Nhật Bản

Trong số 30.000 ngôi đền có hình tượng cáo Inari, vậy đâu là những nơi ấn tượng và đặc biệt nhất đối với du khách để ghé thăm? Hãy cùng khám phá ngay bây giờ:


Fushimi Inari Taisha:

Được coi là một trong số những đền thờ Inari nổi tiếng của Nhật Bản, Fushimi Inari Taisha ở Kyoto chính là địa điểm tham quan đầu tiên của du khách. Nơi đây vốn rất nổi tiếng với con đường hầm dường như dài vô tận gồm 10.000 cổng torii màu cam rực rỡ, thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch ghé thăm mỗi ngày.



©Flickr


Nếu bạn men theo con đường mòn quanh co, bạn sẽ thấy mình ở đỉnh núi Inari trong khoảng một giờ rưỡi. Việc được chụp ảnh với khung hình bắt trọn cánh cổng torii chắc chắn sẽ là một điều khá khó khăn vì lượng khách du lịch mỗi ngày là quá đông. Tuy nhiên, ngôi đền lại mở cửa 24/24, vì vậy, chúng ta có thể ghé thăm đền vào lúc sáng sớm, khoảng thời gian có ít khách du lịch hơn.


Thông tin thêm:

Địa chỉ: 68 Fukakusa Yabunouchi, Fushimi-ku, Kyoto

Vé vào cửa: Miễn phí

Giờ mở cửa: 24/24

Điện thoại: 075 641 7331

Trang web: http://inari.jp/


Kasama Inari

Đền Kasama Inari ở Ibaraki có niên đại hơn 13 thế kỷ và là một trong ba ngôi đền Inari lớn nhất ở Nhật Bản. Mặc dù nó không có nhiều cổng torii như Fushimi Inari Taisha, nhưng kiến ​​trúc ấn tượng của nơi đây vẫn thu hút hơn 3,5 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm. Đặc biệt, vào những ngày như dịp lễ tết, ngôi đền đón tiếp hơn 800.000 người chỉ trong vòng ba ngày. Một trong những điểm bắt mắt nhất của ngôi đền là cặp cây tử đằng 400 năm tuổi, tạo ra những tán hoa tím mỏng manh tuyệt đẹp vào mỗi tháng 5. Khu vực Kasama cũng nổi tiếng khắp Nhật Bản với các sản phẩm  gốm sứ, vì vậy hãy nhớ để mắt đến món quà lưu niệm hình cáo Inari được làm thủ công để mang về nhà nhé!


Thông tin thêm:

Địa chỉ: 1 Kasama, quận Ibaraki

Vé vào cửa: Miễn phí

Giờ mở cửa: 6:00 - 17:00

Điện thoại: 03 366 7498

Trang web: http://www.kasama.or.jp/index.html


Toyokawa Inari
Khi bước vào khuôn viên của ngôi đền Toyokawa, bạn sẽ thấy mình đi ngang qua cánh cổng torii truyền thống với ánh mắt luôn dõi theo của hai vị thần bảo vệ Phật giáo Nio. Một điều khá hiếm gặp đó là đền Toyokawa Inari vừa là đền thờ Thần đạo vừa là đền thờ Phật giáo. Không gian linh thiêng này còn là nơi bảo tồn những căn nhà cổ có niên đại gần 600 năm. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất nơi đây chính là hàng nghìn bức tượng cáo Inari trải khắp khu đất rộng 13 km2. Đây là một trong những nơi có tổng số bức tượng cáo Inari lớn nhất so với bất kỳ ngôi đền nào.



©photo-ac.com


Thông tin thêm:

Địa chỉ: 1 Toyokawa, tỉnh  Aichi

Vé vào cửa: Miễn phí

Giờ mở cửa: 5:00 - 17:30

Điện thoại: 0533 85 2030

Trang web: https://www.toyokawainari.jp/


Motonosumi
Đây là ngôi đền nằm ở thành phố Nagato thuộc tỉnh Yamaguchi. Được xây dựng vào năm 1955, ngôi đền là nơi thờ các vị thần bảo hộ đường biển, với hy vọng đánh bắt được mùa, kinh doanh phát đạt của các ngư dân. Điểm độc đáo nhất của ngôi đền chính là cổng Torii. Hơn 100 cánh cổng Torii nằm nối tiếp nhau kéo dài trên 100m từ cổng vào đến tận đền thờ. Màu đỏ son lộng lẫy của cổng Torii tương phản với màu xanh dương của bầu trời và màu diệp lục của cỏ cây, tạo nên bức tranh đẹp vô cùng sống động.




Thông tin thêm:

Địa chỉ: 498 Yuyatsuo, Nagato, Yamagachi

Vé vào cửa: Miễn phí

Giờ mở cửa: 5:30 - 17:30

Điện thoại: 083 924 0462

Trang web: http://www.visit-jy.com/en/spots/17060


Yutoku Inari
Nằm ở thành phố Kashima, tỉnh Saga, đền Yutoku Inari nổi tiếng vì tính thẩm mỹ tuyệt đẹp. Mặc dù có tuổi đời còn khá mới so với các đền thờ trên - được xây dựng vào năm 1687, nhưng nơi đây lại nhanh chóng nổi tiếng là một trong ba đền thờ Inari hàng đầu tại Nhật Bản. Sau khi đi qua cây cầu đẹp như tranh vẽ, du khách sẽ đi dọc theo con đường mòn bên sườn đồi, qua những cánh cổng torii trước khi đến với chính điện cao 18m - nơi nhìn ra khuôn viên đền thờ. Trong khu vườn rộng của đền là loài hoa mẫu đơn khoe sắc theo mùa. Yutoku Inari còn có bảo tàng lưu giữ những bộ áo giáp lịch sử từng được mặc bởi các lãnh chúa phong kiến.


Thông tin thêm:

Địa chỉ: 1855 Furueda, Kashima, Saga

Giờ mở cửa: Đền mở cửa cả ngày nhưng khu vườn và bảo tàng mở cửa lúc 9:00 - 16:30

Phí vào cửa: Vào đền: miễn phí; Khu vườn hoa: 200 yên; Bảo tàng: 300 yên

Trang web: https://www.yutokusan.jp/


Keihin Fushimi Inari
Được xây dựng ngay sau khi thế chiến II kết thúc ở Kawasaki, đền Keihin Fushimi Inari là ngôi đền có tuổi đời trẻ nhất so với các ngôi đền kể trên, nhưng cũng là ngôi đền gần trung tâm thành phố Tokyo nhất. Song, Keihin Fushimi cực kỳ độc đáo với hơn 108  bức tượng cáo Inari với nhiều màu sắc khác nhau, đại diện cho 108 cám dỗ trần thế của giáo lý Phật giáo. Một điểm khác biệt nữa so với các ngôi đền khác là mỗi bức tượng cáo nơi đây lại có vẻ mặt và thần thái khác nhau. Ngoài ra trong khuôn viên đền, còn có một mô hình nhỏ của núi Phú Sĩ. Thay vì vật liệu truyền thống, bức tượng được làm từ chính đá nham thạch lấy từ núi Phú Sĩ.


Thông tin thêm:

Địa chỉ: 2980 Shinmaruko,  Kawasaki, Kanakawa

Phí vào cửa: Miễn phí

Giờ mở cửa: 6:00 - 17:00


6. Liệu những chú cáo Inari có ngoài đời thực không?

Trong truyền thuyết, những con cáo Inari mặc yếm đỏ, canh giữ đền thờ chỉ tồn tại dưới dạng tượng trưng bằng đá, nhưng chúng hoàn toàn dựa trên những con cáo có thật của Nhật Bản. Mặc dù số lượng loài cáo Nhật bị đe dọa nghiêm trọng giống như nhiều loài động vật hoang dã khác, song chính phủ vẫn đang nỗ lực để bảo vệ chúng.


Ở vùng núi của tỉnh Miyagi, ngôi làng cáo là một công viên tự do với hơn 100 cá thể “cáo nhà”. Sở dĩ gọi chúng như vậy vì loài cáo này đã được thuần hóa và trở nên gần gũi hơn với con người. Đương nhiên, chúng không hề sợ hay e dè khi gặp và tiếp xúc trực tiếp với con người đâu. Ghé thăm ngôi công viên cũng chính là cách để chúng ta có thêm nhiều trải nghiệm hơn nữa trong chuyến đi lần này, như hành trình quay ngược thời gian để trở về với quá khứ - nơi con người và thiên nhiên gần gũi và chan hòa hơn bao giờ hết.


Thông tin thêm:

Địa chỉ: 113 Kawarago, Fukuokayatsumiya, Shiroishi, Miyagi

Giờ mở cửa: 9:00 - 16:30

Chi phí: 1.000 yên ( từ 13 tuổi trở lên); Miễn phí (dưới 12 tuổi)


Bài viết liên quan