Văn hóa

Văn hóa tặng quà ở Nhật Bản

Mục lục
1. Tặng quà trong công ty
2. Tặng quà cho cá nhân
3. Tặng quà vào những ngày lễ trong năm
4. Cách gói quà
5. Quà đáp lễ
6. Một số lưu ý cho bạn



Trong các bài viết lần trước, chúng ta đã cùng giải mã rất nhiều những nét đẹp trong văn hóa của người dân Nhật Bản như nghệ thuật trà đạo, văn hóa xin lỗi, văn hóa ứng xử tại nơi công cộng, văn hóa giao tiếp,... Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm một nét văn hóa khá gần gũi với mọi người đó là văn hóa tặng quà. Chắc chắn mọi người đều đã từng được tặng những món quà vô cùng ý nghĩa vào các dịp đặc biệt và đã từng dành tặng cho những người thân yêu những món quà ấy. Vậy mọi người có biết ý nghĩa của văn hóa Nhật Bản là gì, có những lưu ý và đặc điểm gì nổi bật?



1. Tặng quà trong công ty

Việc tặng quà trong các doanh nghiệp là một điều rất phổ biến trong xã hội Nhật Bản, thậm chí đã trở thành một một nét văn hóa giao tiếp không thể thiếu. Thông thường, các công ty thường dành tặng những món quà để gửi tới những khách hàng thân thiết hoặc các đối tác tiềm năng để tạo dựng mối quan hệ, vì vậy, văn hóa tặng quà trong doanh nghiệp mang tính chất rất trịnh trọng. Ngày nay, văn hóa này lại càng phát triển mạnh mẽ và được chú trọng đầu tư nhiều hơn, đó cũng là lý do mà các món quà thường khá đắt đỏ nhưng không kém phần độc đáo và ý nghĩa.



©photo-ac.com


Một số lưu ý và đặc điểm của văn hóa tặng quà trong công ty:

- Khi tặng quà, bạn nên mang dự phòng nhiều món quà để có thể đáp lễ trong những trường hợp cần thiết.

- Những món quà sẽ làm tăng thêm sự ấn tượng đầu tiên trong buổi gặp mặt khách hàng hoặc đối tác. Lưu ý món quà đó phải được gói cẩn thận và đẹp mắt, thể hiện sự tôn trọng chứ không nhất thiết là những món quà đắt tiền.

- Các món quà “dân giã” mang đậm tính quê hương như các nông sản, đặc sản của mỗi vùng sẽ sẽ gây được thiện cảm của đối phương.

- Không được chọn những sản phẩm hoặc vật phẩm do công ty sản xuất hoặc có gắn logo công ty vì đây là món quà được đánh giá là không có thành ý và kém tinh tế.

- Nếu đó là món quà dành tặng cho tập thể hoặc tổ chức, chúng ta có thể trao cho người đại diện nhóm trong khi có đầy đủ sự tham gia của các thành viên nhóm. Ngược lại, nếu là quà dành cho cá nhân thì bạn nên trao một cách riêng tư hơn.

- Nếu bạn muốn tặng nhiều món quà, thì bạn phải lập một bảng danh mục quà tặng có giá trị tương xứng với các chức vụ trong công ty. Bút rất thích hợp để làm quà tặng cho các đối tác người Nhật, vì nó là một biểu tượng cho kiến thức.

- Khi tặng quà, bạn phải trao bằng hai tay để thể hiện sự trân trọng đến với đối phương.

- Trên cương vị là người nhận quà, đầu tiên bạn nên từ chối khéo và lịch sự một hai lần trước khi nhận món quà.


2. Tặng quà cho cá nhân

Đây có lẽ là trường hợp mà mọi người ai cũng đã từng trải nghiệm qua - đó là tặng quà cho cá nhân. Tuy nhiên, tùy từng vào đối tượng người nhận cụ thể thì chúng ta sẽ có những quy tắc riêng.


Đối với lễ cưới, phong tục tặng quà truyền thống của Nhật Bản sẽ là tặng tiền cho cặp đôi. Tiền mừng nên được để trong những chiếc phong bì cưới với mẫu mã và kích thước đa dạng. Đặc biệt là số lượng tiền nên là những con số lẻ, vì những số chẵn sẽ gợi liên tưởng tới việc chia đôi một cách dễ dàng. Sau tuần trăng mật trở về, các cặp đôi mới cưới sẽ đáp lễ bằng những món quà lưu niệm để tặng cho những vị khách đến dự đám cưới.



©photo-ac.com


Đối với những em bé mới chào đời, cha mẹ sẽ dành tặng những món quà kỷ niệm cho những người thân hoặc họ hàng, bạn bè để chào mừng một ngày rất ý nghĩa và đặc biệt này


Vào tuần thứ hai ngày thứ hai tháng giêng là ngày lễ đặc biệt dành cho các bạn trẻ bước vào tuổi 20. Đây có thể coi là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành và sắp bước vào một cuộc hành trình mang tên tự lập. Vì vậy, những món quà như vòng tay dạng hạt hay juzu - vòng niệm trong Phật Giáo sẽ là những món quà để cầu sự bình an và may mắn dành cho các bạn trẻ.


Trong ngày Lễ tình nhân, người phụ nữ Nhật Bản sẽ dành tặng chocolate dành tặng người đàn ông mà cô ấy có tình cảm. Còn những người đồng nghiệp nam hoặc bạn bè sẽ được dành tặng giri chocolate.


Vào ngày Valentine trắng (14/3), những chàng trai sẽ tặng quà đáp lễ dành cho bạn gái của mình bằng những thanh chocolate có giá trị hơn như là cách thể hiện tình cảm của mình đến với đối phương.



©photo-ac.com


Đối với người bệnh, hoa là món quà truyền thống ở Nhật Bản và là món quà phổ biến nhất để mang theo khi đến bệnh viện. Lưu ý khi chọn quà là một số loại hoa và cây không thích hợp để tặng, chẳng hạn như: cây trồng trong chậu, hoa có màu sắc sặc sỡ hoặc có mùi thơm nồng và bó hoa lớn. Những loại hoa như hoa cúc hoặc số lượng 4, 9 hoặc 13 được coi là không may mắn.


3. Tặng quà vào những ngày lễ trong năm

Ngoài những dịp lễ kỷ niệm của mỗi người như sinh nhật, lễ tốt nghiệp, ngày nhập học, đám cưới,... thì ở Nhật Bản còn có hai ngày lễ quan trọng là Ochugen - rơi vào giữa năm và Oseibo rơi vào cuối năm hay còn được gọi với cái tên thân thuộc hơn là “ngày lễ tặng quà”.


Tết Trung Nguyên - Ochugen thực chất là phong tục bắt nguồn từ các nghi lễ Đạo giáo ở Trung Quốc và sau này được du nhập vào các quốc gia khác tại Châu Á. Tết Trung Nguyên tại Trung Quốc diễn ra vào ngày 15/7 hàng năm, cũng trùng với dịp Lễ Vu Lan - ngày để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn tới ông bà tổ tiên và những người đã khuất. Chính vì vậy nên ngày này được gọi là Lễ Trung Nguyên hoặc Tết Trung Nguyên.



©photo-ac.com


Tại Nhật Bản, Tết Trung Nguyên còn có một cách hiểu khác đó là “Lời chào của mùa hè”. Bởi lẽ, đây là ngày để chúng ta gửi gắm những món quà đầy ý nghĩa dành tặng cho những người quan trọng như cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè thân thiết, thậm chí là những đồng nghiệp, cấp trên - những người đã giúp đỡ bạn, chia sẻ và dành tình cảm cho bạn.


Oseibo - theo nghĩa đen có nghĩa là cuối năm, ngày nay, nó được dùng để chỉ phong tục tặng quà cuối năm của người Nhật với hàm nghĩa để tri ân những người đã giúp đỡ mình và hy vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển, bền chặt trong năm tới. Văn hóa tặng quà cuối năm thường là khoảng 1/12 đến 20/12 hàng năm.



©instagram


Một điểm chung là các món quà trong hai dịp lễ này thường là các loại thực phẩm, đồ uống, bia, trà, nước trái cây,... Thông thường, mỗi món quà sẽ có giá trị từ 3.000 ~ 5.000 yên (từ 25 ~ 45 USD). Giá cả và món quà như thế nào sẽ phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ của người nhận và người tặng quà.


4. Cách gói quà

Trong văn hóa Nhật Bản, người Nhật đặc biệt chú ý đến hình thức thể hiện của món quà, nghĩa là món quà đó được gói như thế nào, trang trí ra sao. Thậm chí hình thức món quà còn được sánh ngang bằng với giá trị của món quà. Bởi qua cách gói, trang trí món quà không chỉ thể hiện sự khéo léo, thành ý và sự tôn trọng mà nó còn phản ánh tình cảm, cử chỉ, tính cách của người tặng.


Chính vì thế mà món quà của người Nhật được trang trí rất công phu và có những giá trị biểu trưng rất cao. Cách gói quà của họ cũng rất cầu kỳ, bên trong ba lớp, bên ngoài ba lớp và cuối cùng thắt một sợi dây lụa, rồi cuộn lại bằng dây giấy.


Có ba kỹ thuật gói quà truyền thống được người dân Nhật Bản yêu thích sử dụng bao gồm:

Xếp nếp: giấy gói sẽ được gập tỉ mỉ thành từng nếp nối tiếp nhau, thể hiện cho niềm vui và niềm hạnh phúc

Yin - Yang: Lấy cảm hứng từ vòng tròn âm dương, cách gói quà này thường sử dụng hai chất liệu giấy gói hoặc màu sắc khác nhau vừa mang sự tương phản, vừa mang sự hòa quyện.

Không đối xứng: Đây được coi là kỹ thuật đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, giúp kích thích thị giác hơn theo quan niệm của người Nhật


5. Quà đáp lễ

Quà đáp lễ đã trở thành một phong tục rất phổ biến tại Nhật, thậm chí còn có cả ngày đáp lễ được diễn ra vào ngày thứ năm trước dịp Giáng Sinh.


Một số lưu ý khi tặng quà đáp lễ:

- Quà nên được bọc và gói cẩn thận trước khi trao tặng

- Tránh tặng trùng lại những món quà mà bạn đã nhận được bởi người tặng

- Không nên tặng những trang sức đắt tiền

- Không bao giờ tặng quà đáp lễ là những thứ sau: Nến, xà phòng, bánh trái cây, đồ cá nhân hóa, đồ có biểu tượng công ty, quà tặng miễn phí / khuyến mãi, phiếu quà tặng / thẻ quà tặng đã qua sử dụng một phần, đồ thủ công, đồ gia truyền.




6. Một số lưu ý cho bạn

Những lưu ý chung khi nhận quà:

- Khi trao hoặc nhận quà đều phải dùng bằng hai tay. Nếu đó là món quà được bọc và gói cẩn thận thì không nên bóc ngay trước mặt người nhận. Ngược lại, nếu món quà không được gói và bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chúng, hãy bày tỏ sự cảm kích và thích thú về món quà được tặng.

- Quà tặng theo cặp hoặc đôi được coi là sự may mắn. Đặc biệt, số 8 và 3 bởi 8 là tượng trưng cho sự thịnh vượng, còn 3 là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở.

- Thời điểm tốt nhất để tặng quà là kết thúc cuộc gặp mặt.

- Bạn không nên sử dụng những loại giấy gói có màu quá sáng. Đặc biệt là màu trắng vì nó tượng trưng cho màu chết chóc.


Những món quà nên tránh:

- Hoa loa kèn, hoa sen, hoa trà, hoa cúc hay những loài hoa có màu trắng là những loại hoa không nên tặng bởi chúng thường được sử dụng trong tang lễ.

- Không nên tặng quà có số lượng 4 hoặc 9 vì theo quan niệm của người Nhật, 4 có nghĩa là tử còn 9 có nghĩa là sự đau khổ.

- Những tấm thiệp màu đỏ nên tránh vì chúng thường được dành cho dịp Giáng sinh

- Không nên tặng dao kéo hay những vật sắc nhọn

- Tránh những món quà có hình con cáo vì cáo là tượng trưng cho sự tham lam và xảo quyệt

- Không được tùy tiện tặng trà cho người khác vì đây là lễ vật mà người Nhật thường hay sử dụng để đáp lễ sau khi cúng bái

- Không nên tặng đồ vật làm bằng thủy tinh, sành sứ vì chúng mang ý nghĩa dễ vỡ, không bền lâu.


Bài viết liên quan