Văn hóa

5 đôi dép truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản

Mục lục
1. Geta(下駄)
2. Zori(草履)
3. Okobo(おこぼ)
4. Tabi/Jikatabi(足袋/地下足袋)
5. Waraji(草鞋)



Chắc hẳn nếu hỏi có bao nhiêu loại Kimono thì chúng ta đều có thể hình dung và đoán được một cách dễ dàng. Nhưng bạn có biết ở Nhật Bản có bao nhiêu đôi dép truyền thống được người dân sử dụng không? Vậy trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm danh top 5 danh sách những đôi dép cổ truyền của người dân xứ sở hoa anh đào trong suốt chiều dài lịch sử nhé.


1. Geta(下駄)

Một loại guốc phổ biến nhất ở Nhật Bản cho tới tận ngày nay, chúng thường được kết hợp với những bộ Kimono hay Yukata thanh lịch của mùa hè - Guốc gỗ Geta. Geta là một loại dép được kết hợp giữa guốc và dép xỏ ngón. Nguyên liệu truyền thống làm nên đôi dép này chính là gỗ và vải dù, vì vậy, chúng nổi tiếng bởi độ bền rất cao. Ban đầu, Geta được thiết kế với mục đích rất thiết thực, đôi guốc được làm cao hơn các loại dép thông thường bằng việc gắn thêm những chiếc răng dưới đế dép, vì vậy, người đi có thể tránh được bụi bẩn, nước mưa và thậm chí là cả tuyết nữa. Từ đó, bắt đầu từ thế kỷ thứ 20, đôi guốc mộc Geta đã trở thành một vật dụng thiết yếu, không thể thiếu của mỗi người dân Nhật Bản. Trải qua nhiều giai đoạn của thời gian, guốc Geta từ đó cũng có nhiều kiểu dáng và phong cách hơn.


Một đặc điểm đặc trưng nhất của Geta chính là những tiếng lách cách trong khi di chuyển. Nguyên nhân nằm ở hai chiếc răng được gắn liền với phần đế dép. Cho tới ngày nay, có tổng cộng hơn 5 loại Genta được sử dụng phổ biến với đa dạng hình dạng, kích thước, thiết kế và màu sắc từ cổ điển tới hiện đại và sang trọng.




Bạn đang cho rằng với chiều cao của đôi guốc Geta, chắc chắn trong quá trình di chuyển sẽ rất đau chân, thậm chí còn khó đi hơn cả giày cao gót. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi vì bạn chưa biết cách đi cho đúng kỹ thuật mà thôi. Đặc trưng của đôi guốc mộc này chính là những tiếng lách cách khi du chuyển trong mỗi bước chân. Do đó, bạn phải nâng dép lên bằng cách sử dụng các ngón chân và đầu bàn chân. Ngoài ra, không giống như việc sử dụng khi đi giày cao gót, mà khi di chuyển bằng Geta, du khách phải  bước từ mũi chân đến gót chân.


Để hiểu rõ hơn về Geta bạn đọc có thể tham khảo một bài viết khác của Japagazine ở đây.


2. Zori(草履)



Cũng giống như Geta, Zori là một trong số những loại dép cơ bản và được sử dụng phổ biến tại Nhật. Hình dáng của Zori rất giống với thiết kế của những  chiếc dép xỏ ngón từ phương Tây. Thời nay, Zori được làm rằng nhiều loại chất liệu khác nhau nhằm phục vụ cho mục đích sử dụng khác nhau của người dùng. Chúng có thể được làm từ gỗ, nhựa, da, gỗ sơn mài, vải nilon,... Những loại truyền thống nhất đều được làm bằng cói hoặc rơm, chất liệu giống với những chiếc chiếu tatami. Ngày trước, những đôi dép Zori làm bằng rơm còn thường được gọi là “dép rơm” chuyên dùng để đi làm việc.




Ngày nay, với sự phát triển của thời đại, Zori đã được thiết kế trang nhã và sang trọng hơn rất nhiều. Thiết kế thon gọn, màu sắc bắt mắt, chất liệu làm bằng vải nhung nhẹ nhàng và êm ái, rất phù hợp để sử dụng trong những dịp lễ tết quan trọng như đám hỏi hoặc các dịp lễ hội truyền thống.


3. Okobo(おこぼ)

Cũng là một loại guốc những chúng cao và có thiết kế liền một khối to hơn Geta rất nhiều - Okobo. Đây là loại guốc được các nàng Geisha hoặc Mako sử dụng với những bộ Kimono để tăng thêm chiều cao và vẻ đẹp cho người phụ nữ, đồng thời cũng giúp cho bộ trang phục không bị dính bụi bẩn trong quá trình di chuyển hoặc khi gặp thời tiết xấu.




Okobo được làm bằng thân cây liễu, có chiều cao khoảng 14cm, được thiết kế đế rỗng, vì vậy tạo nên các âm thanh rất đặc biệt khi bước đi. Để luyện tập được cách thăng bằng trong mỗi bước đi trên Okobo, các nàng Geisha và Maiko đã phải thực hành rất nhiều mới có thể bước đi thuần thục đến vậy.


4. Tabi/Jikatabi(足袋/地下足袋)

Tabi và Jikatabi có cùng một kiểu dáng đặc trưng giống nhau đó là phân chia tách biệt ngón cái và các ngón chân khác. Tabi thì chúng ta sẽ quen hơn và biết đến nhiều hơn bởi chúng còn được gọi là vớ Tabi, vốn để kết hợp với đôi guốc Geta, Zori và cả Okobo. Tabi thường có màu trắng đặc trưng.




Jikatabi là một loại ủng, phần thiết kế cũng khá tương đồng với Tabi. Điểm khác biệt là Jikatabi thường được làm bằng cao su có độ bền cao, chủ đạo là màu tối như đen hoặc xanh thẫm. Jikatabi lần đầu tiên xuất hiện là vào thế kỷ 20, dùng chủ  yếu bởi những người nông dân làm vườn vì chúng đảm bảo yếu tố bền và sạch.




5. Waraji(草鞋)

Waraji hay còn gọi là dép rơm, đây là loại dép có thiết kế đơn giản và đơn sơ nhất trong số 5 đôi dép truyền thống mà chúng ta kể trên. Đúng như tên gọi của chúng, Waraji được làm bằng cách đan các sợi dây rơm bản to lại với nhau theo hình dạng dép xăng đan thông thường.


Trong thời đại phong kiến, Waraji dành cho các samurai thuộc tầng lớp thấp hơn được gọi là Ashigaru. Trong thời hiện đại, nó thường được sử dụng bởi các nhà sư. Ngoài cấu tạo gồm phần đế, Waraji còn có phần quai đeo cuốn quanh cổ chân để cố định dép trong việc di chuyển.


Bài viết liên quan