Hiện đại
Văn hóa

Tại sao lại có Tuần lễ Vàng và người Nhật thường làm gì vào dịp này?

Mục lục
1. Người Nhật được nghỉ bao nhiêu ngày trong Tuần lễ Vàng?
2. Tại sao kỳ nghỉ này được gọi là Tuần lễ Vàng?
3. Người Nhật thường làm gì trong Tuần lễ Vàng?


Thư giãn trong Tuần lễ Vàng (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: 大川竜弥)


1. Người Nhật được nghỉ bao nhiêu ngày trong Tuần lễ Vàng?
Tuần lễ Vàng (tiếng Anh: Golden Week, tiếng Nhật: ゴルデンウィーク) là một trong những kỳ nghỉ lễ dài nhất ở Nhật, bên cạnh lễ đón năm mới và lễ Obon. Nhiều người coi đây là dịp để nghỉ xả hơi sau những ngày làm việc vất vả và là thời gian lý tưởng để thực hiện những chuyến đi xa. Tuần lễ Vàng bắt đầu vào thập niên 1950, bao gồm những ngày lễ sau:
■ 29/4 Ngày Showa (昭和の日ひ)
■ 3/5 Ngày Kỷ niệm Hiến pháp (憲法記念日)
■ 4/5 Ngày cây xanh (みどりの日)
■ 5/5 Ngày thiếu nhi (子供の日)

Ngày Showa
Ngày Showa 29/4 là ngày kỷ niệm sinh nhật của Hoàng đế Hirohito thời Showa (Chiêu Hòa). Sau khi vị hoàng đế này qua đời, ngày 29/4 đã được đổi thành Ngày cây xanh. Tới năm 2007, ngày này đã được quay trở lại thành Ngày Showa. Đây là thời gian để nhớ lại quá khứ gian khổ và nghĩ về tương lai của Nhật Bản.

Ngày Kỷ niệm Hiến pháp
Ngày Kỷ niệm Hiến pháp Nhật 3/5 có hiệu lực vào năm 1947 và đã trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia kể từ đó.

Ngày cây xanh
Giống như đã kể ở phần trước, ngày sinh nhật của Hoàng đế Hirohito thời Showa là ngày 29/4. Khi vua Akihito lên ngôi năm 1989, ngày kỷ niệm sinh nhật Hoàng đế đã được chuyển sang 23/12 (sinh nhật của vua Akihito) và ngày 29/4 được coi là một ngày bình thường. Tuy nhiên, với người dân Nhật Bản, việc hủy một ngày lễ trong Tuần lễ Vàng sẽ gây ảnh hưởng tới rất nhiều hoạt động trong dịp này. Vậy nên, thay vì bỏ mất ngày này, người Nhật chuyển 29/4 thành Ngày cây xanh vì vua Hirohito được biết đến là người rất yêu thích thiên nhiên. Cho đến năm 2007, khi Ngày Showa được thiết lập lại vào ngày 29/4 thì Ngày cây xanh đã được chuyển sang ngày 4/5.

Ngày thiếu nhi
Ngày thiếu nhi 5/5 có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Ban đầu, đó là một sự kiện để chúc mừng các cậu bé được gọi là Tango no Sekku 端午の節句. Tương tự, các cô bé cũng có một ngày lễ chúc mừng vào ngày 3/3 có tên là Hina Matsuri ひな祭. Khi Chính phủ Nhật Bản biến ngày lễ của bé trai thành ngày lễ chính thức vào năm 1948, họ đổi tên ngày lễ thành Ngày thiếu nhi 子供の日 để chúc mừng cả nam và nữ. Vào Ngày thiếu nhi, bạn sẽ thấy những lá cờ hình cá chép Koi Nobori treo phấp phới trên khắp đường phố Nhật Bản.

2. Tại sao kỳ nghỉ này được gọi là Tuần lễ Vàng?
Tuần lễ Vàng là một thuật ngữ xuất phát từ ngành điện ảnh vào năm 1951. Giám đốc điều hành của Daiei Films đã đặt ra thuật ngữ này sau khi ông nhận thấy rằng bộ phim 自由学校 (Trường học tự do) đã bán được nhiều vé hơn vào những ngày nghỉ đầu tháng 5 này so với dịp năm mới và lễ Obon, hoặc vào bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.

Mặc dù được gọi là Tuần lễ Vàng nhưng trong dịp này, ít khi người Nhật được nghỉ trọn vẹn một tuần. Năm 2019, người ta được nghỉ 10 ngày liên tục - kỳ nghỉ dài kỷ lục trong lịch sử.  

Các nhà máy lớn thường phải đóng cửa trong suốt Tuần lễ Vàng, vì việc ngừng và khởi động lại máy móc liên tục gây nhiều tốn kém và giảm hiệu suất. Vì vậy mà một số công ty liên quan tới những công ty này cũng quyết định ngừng hoạt động trong dịp lễ. Trong những trường hợp này, tất cả nhân viên sẽ nghỉ cả những ngày giữa các ngày lễ.

3. Người Nhật thường làm gì trong Tuần lễ Vàng?
Như các bạn đã biết, cuộc sống ở Nhật Bản luôn bận rộn, bộn bề với công việc và người Nhật nổi tiếng là những người chăm chỉ, cần mẫn đến mức quên thời gian. Vì vậy, ở đất nước này, Tuần lễ Vàng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm và rất quý giá với họ. Tháng 5 cũng là thời điểm có thời tiết khá đẹp nên rất thích hợp để mọi người đi tham quan các danh lam thắng cảnh, tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp sau những ngày làm việc mệt nhọc. Rất nhiều người nhân dịp này đến những vùng đất xa mà ngày thường không thể đi nên gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông và tàu quá đông - những hiện tượng mà chúng ta thường thấy trong dịp lễ. Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch, hãy đặt trước phương tiện đi lại và chỗ ở bởi giá cả có thể tăng gấp 4 lần do chi phí trái mùa.  

Hãy tưởng tượng: bạn bắt đầu một công việc mới sau khi tốt nghiệp đại học, sau một tháng nỗ lực làm việc ở công ty thì bạn được nghỉ một tuần liền. Bạn có nghĩ điều này thật tuyệt vời không? Đối với những người gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường làm việc mới, việc nghỉ ngơi này dường như cũng không mang lại cho họ nhiều niềm vui. Hàng năm, tại Nhật, một số lượng khá lớn sinh viên mới tốt nghiệp không đủ dũng cảm tiếp tục công việc tại công ty mới và họ buộc phải rời đi sau Tuần lễ Vàng. Người Nhật gọi đây là “ 五月病”, dịch ra tiếng Việt “ Bệnh tháng 5”. Ngoài ra, từ này cũng dùng để chỉ những người mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại thói quen bình thường sau kỳ nghỉ lễ dài.  

Bạn nghĩ sao về những kỳ nghỉ như thế này ở Nhật Bản? Bạn có bí quyết nào để có một ngày làm việc, đi học tràn đầy năng lượng sau kỳ nghỉ lễ không? Mỗi chúng ta hãy cùng suy nghĩ một chút về vấn đề này nhé!

Nguồn: https://kimi.wiki/life/golden-week


Bài viết liên quan