Hiện đại
Văn hóa

Mèo trong cuộc sống của người Nhật Bản

Người Nhật đã chung sống với mèo từ rất lâu nên mèo đã trở thành một loài vật thân quen với họ. Nhiều địa điểm thú vị như quán cà phê, bảo tàng, v.v. được xây dựng là để dành cho người yêu mèo. Hãy cùng thử khám phá về mức độ “phủ sóng” của mèo trong cuộc sống của người Nhật nhé!


Mèo là loài vật quen thuộc trong cuộc sống của người Nhật (nguồn ảnh: pakutaso.com)


1. Sự hòa hợp của con người và mèo ở Nhật Bản
Người Nhật đã có mối quan hệ gắn bó và hòa hợp với loài mèo trong thời gian rất dài. Hơn 1000 năm trước, người Nhật bắt đầu nuôi mèo như thú cưng ở trong nhà. Kể từ đó, loài mèo đã trở thành một loài vật vô cùng thân thiết với con người và xuất hiện phổ biến trong cuộc sống của người Nhật. Những đền thờ thần mèo nằm trên khắp nước Nhật và mèo cũng đã đóng một phần trong tín ngưỡng dân gian qua các thời đại.

Mức độ quan tâm của người dân Nhật Bản đối với mèo được thể hiện rõ ràng từ khối lượng tác phẩm nghệ thuật miêu tả mèo. Trong thời Edo (1603-1868), bậc thầy tranh khắc gỗ truyền thống ukiyo-e Hiroshige Utagawa và Kuniyoshi Utagawa đã vẽ các bức tranh về mèo. Trong thời Meiji (1868-1912), tiểu thuyết gia vĩ đại Soseki Natsume đã viết cuốn tiểu thuyết “Tôi là con mèo”, một trong những kiệt tác của văn học Nhật. Ngay cả trong thời hiện đại, bạn cũng có thể thấy những nhân vật mèo nổi tiếng như Hello Kitty, mèo Doraemon hay mèo Chii. Chúng có fan hâm mộ đông đảo trên toàn thế giới, bất kể lứa tuổi.


Mèo trong tranh khắc gỗ



Những địa điểm nổi tiếng dành cho người yêu mèo nằm rải rác khắp nơi trên nước Nhật.

Đảo Tashirojima thuộc thành phố Ishinomaki nằm ở phía đông Sendai được gọi là ‘Đảo Mèo”. Những chú mèo sẽ tụ tập ở bến cảng để đón tàu cập bến. Nhiều chú mèo còn kiên nhẫn đợi quanh cảng cá để chờ ngư dân quay trở lại.

Từ vài trăm năm trước, người dân bắt đầu dự báo kết quả của việc đánh bắt cá dựa trên hành vi của mèo nên mèo là loài vật thiêng của đảo. Đền thờ Neko-jinja nằm ở khu vực trung tâm hòn đảo thờ “thần mèo” để cầu mong ngư dân ra khơi an toàn và đánh bắt được nhiều cá. Ngày nay, tuy đảo Tashirojima đã bị thiệt hại bởi trận động đất và sóng thần năm 2011 nhưng nhiều chú mèo vẫn còn sống sót và di tản đến khu vực xung quanh Neko-jinja.


Đền Neko-jinja, đảo Tashirojima



Đảo Aoshima ở khu vực Shikoku cũng là một trong những đảo mèo nổi tiếng của Nhật. Người ta thường nói đây là hòn đảo với “15 cư dân và 100 chú mèo” và là “thiên đường của mèo”. Từ 10 năm trước, khi dân số của hòn đảo xuống còn dưới 50 thì số lượng mèo bắt đầu tăng lên. Sức hấp dẫn lớn nhất của đảo Aoshima là bạn có thể tiếp xúc cực kỳ gần gũi với loài mèo. Hòn đảo gần đây ngày càng thu hút khách du lịch, đặc biệt là những người yêu mèo.

Nếu muốn du lịch đảo Aoshima, bạn chỉ nên đi về trong ngày vì đảo không cung cấp dịch vụ lưu trú và nhà hàng. Hàng ngày, chỉ có một chiếc thuyền chở khách đi đến Aoshima từ cảng Nagahama ở thành phố Ozu, tỉnh Ehime (nằm cuối phía tây Shikoku), mỗi chuyến 45 phút và có 2 chuyến mỗi ngày. Người ta cũng giới hạn số lượng khách vì thuyền được ưu tiên dành cho dân đảo sử dụng. Trên đảo cũng không có cửa hàng hoặc máy bán hàng tự động nên hãy tự mang theo đồ ăn và thức uống khi tới đảo nhé!


Đảo Aoshiima



Thị trấn mèo Yanaka: Nếu không muốn đi tới những hòn đảo xa xôi thì bạn vẫn có thể tiếp xúc với các chú mèo ngay trong thành phố. Tại Yanaka, một thị trấn mèo ở Tokyo khá gần với Công viên Ueno, bạn có thể thấy mèo hoang đang thong dong trong phố. Ngoài ra, gần đó là khu phố mua sắm Yanaka Ginza với nhiều cửa hàng bán đồ theo chủ đề mèo để bạn tha hồ lựa chọn.


Yanaka Ginza



2. Thăm những chú mèo đáng yêu ở quán cà phê mèo
Cà phê mèo (猫カフェ, Neko Cafe) là một quán cà phê nơi khách có thể chơi với những chú mèo đi lại tự do trong quán. Hiện nay, bạn có thể tìm thấy cà phê mèo ở hầu hết các thành phố lớn, nhưng chúng thường không nằm ngoài mặt đường mà thường nằm trên tầng cao trong các tòa nhà cao tầng và không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy.

Các quán cà phê mèo đã phát triển ở Nhật Bản trong vài năm qua. Việc nuôi thú cưng trong thành phố rất khó khăn vì các căn hộ có diện tích nhỏ, hợp đồng thuê nhà thì nghiêm ngặt và lối sống của dân thành phố khá gấp gáp. Những người yêu mèo không có thời gian và điều kiện để sở hữu riêng một chú mèo nên họ thường lui tới những quán cà phê kiểu này. Các quán cà phê cũng không quá đông nên bạn không nhất thiết phải đặt bàn trước. Nhưng lưu ý rằng hầu hết các quán đều hạn chế trẻ dưới 13 tuổi.


Cà phê mèo



3. Mua quà lưu niệm liên quan tới mèo
Đối với những người hâm mộ mèo, chắc hẳn là sẽ bạn không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của các món đồ lưu niệm về mèo. Hãy để chúng tôi giới thiệu một số địa điểm độc đáo nơi bạn có thể mua những thứ xinh xắn in hình mèo nhé!

Cửa hàng Nyankodo ở Jinbocho, cách ga Tokyo khoảng 10 phút đi tàu, là một cửa hàng sách chỉ bán những cuốn sách có chủ đề về mèo. Tại đây có những cuốn sách liên quan đến mèo được xuất bản trên toàn thế giới bao gồm sách ảnh, văn học, sách tranh, sách truyện và truyện tranh. Họ cũng có sách của Kuniyoshi Utagawa, một họa sĩ ukiyo-e nổi tiếng thế giới và bộ sưu tập ảnh của Mitsuaki Iwago, một nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã. Bạn chắc chắn sẽ tìm thấy cuốn sách yêu thích về mèo ở đây.


Nyankodo



Maneki-neko, “chú mèo vẫy tay”, rất nổi tiếng ở Nhật Bản và được coi như một lá bùa may mắn mang lại thành công trong kinh doanh. Mèo từng được coi là biểu tượng may mắn trong ngành tơ lụa vì chúng loại bỏ chuột phá hoại mùa màng và sâu tằm. Theo truyền thuyết, chùa Gotokuji, nằm cách ga Gotokuji trên tuyến Odakyu ở Tokyo khoảng 10 phút, là nơi sinh ra Maneki-neko. Bao quanh một góc của ngôi đền là một số Maneki-neko được quyên tặng bởi những người có nguyện vọng đã thành hiện thực. Có nhiều loại Maneki-neko để lựa chọn, từ những loại nhỏ có giá vài trăm yên đến loại lớn có giá tới 5000 yên. Đây là một món quà lưu niệm hoàn hảo cho gia đình và bạn bè.


Maneki-neko ở chùa Gotokuji



Ngoài ra, bưu thiếp, thú bông, tượng, cốc hay phụ kiện có hình ảnh mèo cũng là những thứ được nhiều người tìm kiếm. Bạn có thể tìm chúng tại cửa hàng lưu niệm trong trung tâm thương mại, nhà ga hoặc sân bay nhé!


Bài viết liên quan