Hiện đại
Văn hóa

Mặt trái của những hộp cơm bento đáng yêu

Đằng sau những hộp bento đẹp mắt là gì? (nguồn ảnh: pixabay.com)




Các hộp cơm bento với hình thù bắt mắt, nguyên liệu phong phú và sắc màu hấp dẫn từ lâu đã trở thành một nét đẹp đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Các mẹ Nhật vốn luôn được thế giới ngợi ca về sự đảm đang và khéo léo sẽ đầu tư tâm trí và công sức sao cho hộp bento của con mình đẹp, ngon và bổ dưỡng nhất. Thế nhưng liệu có mặt trái nào trong văn hóa đáng yêu này không khi mà ngày nay, nhiều bà mẹ đang “phát cuồng” để tạo ra những hộp cơm nổi trội hơn người khác chỉ vì danh tiếng?


Được cho là đã phát triển từ nhiều thế kỷ trước ở Nhật Bản, bento đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Người ta say mê bento đến mức tổ chức các cuộc thi làm cơm hộp quốc tế, viết công thức làm bento của mình đăng lên blog hàng ngày và chụp vô số bức ảnh để “khoe” hộp cơm xinh đẹp trên phương tiện truyền thông xã hội.

Xã hội Nhật Bản coi trọng tính tập thể nên việc hòa nhập với cộng đồng là cực kỳ quan trọng, điều đó thể hiện phần nào qua văn hóa bento. Không một bà mẹ nào muốn con mình phải thất vọng khi mở nắp hộp cơm và nhìn thấy những món ăn nhàm chán lặp đi lặp lại hàng ngày. Bento không chỉ là một bữa ăn thông thường mà còn thể hiện tình yêu và sự chu đáo của người mẹ. Một hộp cơm trưa nghèo nàn cũng khiến người khác đánh giá thấp kỹ năng làm cha mẹ của một phụ huynh nào đó.


Một bà nội trợ chuẩn bị bento (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: 五十嵐夫妻)


Thật vậy, chuẩn bị bento cho con trẻ là công việc nghiêm túc ở Nhật Bản. Trong khoảng 20 đến 45 phút, các phụ huynh sẽ phải tạo hình cơm, trứng, thịt, trái cây và rau quả thành các khối đầy màu sắc trong hộp đựng. Các bà nội trợ có thể dành hàng giờ đọc các tạp chí nấu ăn và mua sắm công cụ cần thiết để tạo ra những bữa trưa tuyệt đẹp cho con cái họ.

Mặc dù việc chuẩn bị cơm hộp có vẻ rất thú vị nhưng một số người cho rằng hoạt động này đã phát triển thành sự cạnh tranh khi các bà mẹ chuẩn bị các hộp bento tinh tế để vượt qua nhau và nhận được sự công nhận của người khác. Ruriko Tomita, một phụ nữ 43 tuổi người Nhật có hai con nhỏ, nói rằng bà biết những bà mẹ “thức dậy lúc bốn giờ hoặc năm giờ, cắt rong biển bằng kéo” và rằng “hiện nay có Internet, Facebook, v.v, nên họ muốn khoe với bạn bè và nhận được lời khen”.

Ngoài ra, bản chất sâu xa hơn của việc khoe hộp cơm chỉ đơn giản là để có được nhiều lượt theo dõi hơn trên phương tiện truyền thông xã hội. Makiko Itoh, tác giả của The Just Bento Cookbook: Everyday lunches to Go, nói rằng bento là sự phản ánh của một khả năng cạnh tranh nhất định của cha mẹ có con nhỏ.

Itoh còn nói “Nhiều khi chuyện này xảy ra bởi thực tế là nhiều phụ huynh muốn đưa con mình vào một trường mẫu giáo tốt, và vì thế, họ phải vượt qua bài kiểm tra”. Cha mẹ càng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, như việc chuẩn bị bento, con cái của họ sẽ được các trường tốt chấp nhận và có được sự giáo dục tốt hơn.

Theo Anne Allison, giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học Duke, người đã sống ở Nhật Bản và là chuyên gia về đất nước này thì không chỉ cha mẹ mà chính những đứa trẻ cũng bị đánh giá. Chúng cần phải ăn hết bữa trưa một cách nhanh chóng, nếu không sẽ bị khiển trách.

Đối với những người nước ngoài định cư ở Nhật Bản cùng gia đình, việc làm quen với quy tắc phức tạp của bento có thể là một quá trình chuyển đổi đặc biệt khó khăn. Griseldis Kirsch, một giảng viên về văn hóa Nhật Bản đương đại tại Đại học London, đã gặp khó khăn khi đăng ký cho con trai mình vào một trường mẫu giáo ở Nhật Bản vào năm 2005. Trường học đã đặt ra tiêu chuẩn về bento để khuyến khích Kirsch hòa nhập, nếu không trông cô sẽ giống một người mẹ tồi tệ.


Làm quen với bento là cả một quá trình khó khăn (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: 五十嵐夫妻)


Mặc dù đã nỗ lực để tạo ra những bữa trưa ngon miệng và bổ dưỡng cho con trai, Kirsch nhanh chóng nhận ra kỹ năng bento của cô không đáp ứng được yêu cầu của trường học. Cô kể lại: “Con trai tôi về nhà và nói: 'Cô giáo nói với con: Hộp bento của con trông không được ngon mắt’. Sau đó, tôi nhận được cuộc gọi của cô giáo nói rằng bento trông không được đẹp lắm.”

Patricia Morghetti, một người Brazil sống ở Nhật Bản, vẫn cảm thấy áp lực khi phải chuẩn bị bento cho con ở độ tuổi mẫu giáo. Morghetti cố gắng tránh cho các bạn cùng lớp một lý do khác để phân biệt đối xử với những đứa trẻ tóc vàng, mắt màu sáng của cô. Vì vậy, cô dành thời gian xem các chuỗi hướng dẫn dài trên YouTube để hoàn thiện kỹ thuật bento của mình. “Tôi cần phải làm cho cơm trông giống một chú gấu trúc bởi vì nếu tôi không làm như thế, những người bạn của con gái tôi sẽ trêu chọc bé”.

Trong khi một số mẹ Nhật khăng khăng rằng văn hóa bento không khiến gia đình họ phải chịu bất kỳ áp lực xã hội hay sự bắt nạt nào, thì những người khác tranh luận rằng họ đã và đang đấu tranh cho người bản địa cũng như cho người nước ngoài về vấn đề này. Kyoko Sudo, một phụ nữ 36 tuổi người Nhật Bản, mô tả trải nghiệm bị bắt nạt vì bento trong những năm đi học của cô là một điều kinh khủng.

Sudo phát biểu rằng: Nhiều thập kỷ sau, bento vẫn là một vấn đề xã hội. Những người bạn của cô có con đi học phàn nàn rằng xu hướng tăng vọt của kyaraben (bento được tạo hình theo nhân vật hoạt hình) đã khiến nhiều đứa trẻ ghen tị, và các bà mẹ bị căng thẳng vì sự cạnh tranh. Tuy nhiên, một trong số họ tiếp tục tạo ra bento công phu để thúc đẩy tầm vóc của con cái họ.

Sudo nói, “Nhật Bản rất khác biệt với Mỹ và phần còn lại của thế giới. Nếu những đứa trẻ cư xử theo cách khác, hoặc trái ngược với những học sinh còn lại, người ta sẽ cho rằng một số điều tồi tệ đang xảy ra trong gia đình. Vì vậy, điều này thực sự khó khăn.”

Nguồn: https://www.nationalgeographic.com/people-and-culture/food/the-plate/2016/01/28/is-there-a-dark-side-to-those-adorable-bento-boxes/


Bài viết liên quan