Hiện đại
Văn hóa

Những điều độc đáo trong ngày lễ Valentine ở Nhật

Mục lục
1. Ý nghĩa ngày lễ Valentine ở Nhật
2. Lịch sử ngày lễ Valentine ở Nhật
3. Sự khác biệt của lễ Valentine ở Nhật và các nước khác
4. Các loại chocolate và ý nghĩa của từng loại
   4.1 Giri-choco
   4.2 Honmei-choco
   4.3 Tomo-choco
   4.4 Jibun-choco
   4.5 Gyaku-choco
5. Ngày Valentine Trắng

1. Ý nghĩa ngày lễ Valentine ở Nhật
Ngày Valentine 14/2 không phải là một ngày lễ xa lạ trên thế giới nhưng có thể bạn sẽ thấy bất ngờ khi biết rằng ngày lễ này ở Nhật diễn ra khá khác biệt so với các quốc gia khác. Trước tiên, đó là ngày chỉ có phụ nữ tặng quà cho nam giới, thường là tặng chocolate hoặc bánh cookie; thứ hai, Valentine không hẳn là một ngày chỉ dành cho sự lãng mạn của tình yêu. Ngày Valentine ở Nhật là ngày để thể hiện sự tôn trọng với tất cả những người đàn ông bạn quen biết, bao gồm người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả những người có mối quan hệ đơn thuần hay người bạn học ngồi cách vài dãy bàn.


Valentine là ngày bày tỏ tình cảm với những người quan trọng trong cuộc sống (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Mặc dù một số ý kiến cho rằng Ngày Valentine ở Nhật hiện nay đang bị thương mại hóa vì các nhà sản xuất bánh kẹo chỉ muốn làm cho người tiêu dùng sử dụng nhiều sản phẩm hơn nữa.  Cách suy nghĩ tùy thuộc vào từng cá nhân, bạn có quyền chọn để chào đón ngày lễ hoặc không. Thực ra, đây vốn là một ngày để làm cho người bạn yêu quý cảm thấy họ đặc biệt và có giá trị hơn. Thậm chí ở nhiều nước phương Tây, đó là một ngày trọng đại đối với nhiều người, ngay cả đối với những người độc thân hoặc không thích có mối quan hệ lãng mạn với bất kỳ ai, thì họ cũng muốn ra ngoài đi chơi với bạn bè. Đối với một số người, họ thích tặng hoặc được tặng những món quà đẹp đẽ. Nhưng dù sao đi chăng nữa, ý nghĩa cuối cùng và duy nhất của ngày lễ Valentine là suy nghĩ và biết ơn những người thân yêu chứ không phải về số tiền phải bỏ ra hoặc những món quà bạn sẽ nhận được, đúng không?

2. Lịch sử ngày lễ Valentine ở Nhật
Lịch sử ngày lễ Valentine ở Nhật Bản bắt nguồn từ thời kỳ phục hồi sau chiến tranh và đã tạo ra một sự thay đổi trong quy tắc văn hóa của Nhật. Trước đó, người Nhật cho rằng hành động tỏ tình (hay còn gọi là “kokuhaku” trong tiếng Nhật) của nữ giới là một điều cấm kỵ. Nhờ ngày Valentine, nữ giới có thể “đánh liều” bày tỏ tình cảm của bản thân qua chocolate. Những nhà sản xuất chocolate và những người bán quà tặng không chỉ tìm thấy một cơ hội phát triển thị trường tuyệt vời mà còn góp phần tạo nên sự thay đổi trong cách nam giới và nữ giới giao tiếp với nhau.


Nữ giới có thể tỏ tình thông qua món quà (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Chúng ta có thể điểm qua một số sự kiện chính trong lịch sử đã khiến truyền thống “tặng chocolate vào dịp lễ Valentine” ngày càng phát triển ở Nhật. Vào năm 1958, khi cửa hàng bách hóa Isetan bán hàng khuyến mãi, khách hàng có thể mua một set đồ Valentine đặc biệt gồm ba viên chocolate và một tấm thiệp với giá chỉ 170 yên, đã tạo nên cơn sốt cho người mua hàng. Sau đó, năm 1960, công ty sản xuất bánh kẹo Morinaga đăng quảng cáo về ngày Valentine trên báo chí tạo hiệu ứng khá tốt. Năm 1968, Sony Plaza đẩy mạnh truyền thông việc “tặng chocolate” như một trào lưu trên diện rộng. Kể từ đó, truyền thống lễ Valentine đã phát triển và lớn mạnh hơn nữa, và hiện chocolate được tiêu thụ trong dịp lễ này chiếm một phần tư doanh số chocolate của Nhật Bản hàng năm.

3. Sự khác biệt của lễ Valentine ở Nhật và các nước khác
Ở Nhật, phụ nữ sẽ tặng quà cho những người nam giới mà họ yêu quý vào ngày lễ Valentine, vậy ở các quốc gia khác, người dân chào đón ngày lễ này như thế nào? Ở các nước phương Tây, nhiều người quan niệm rằng, Valentine là “ngày lễ dành riêng cho tình nhân”, không dành cho bạn bè thông thường. Các cặp đôi có thể cùng nhau đi ăn tối và trao tặng những món quà đầy lãng mạn. Nam giới tặng quà cho phụ nữ là một điều khá bình thường. Ngoài các món quà phổ biến như hoa, chocolate và thiệp mừng thì trang sức cũng là một trong những món đồ được chị em hết sức yêu thích.


Ở các quốc gia khác, phụ nữ thường nhận được hoa (nguồn ảnh: 许 婷婷 - Unsplash)


Ở Việt Nam hoặc Ấn Độ, nam giới thường gửi một bó hoa để bày tỏ tình cảm với người phụ nữ thân yêu của họ . Ở Ý, người ta cho rằng nếu kết hôn vào ngày lễ Valentine thì cặp đôi đó sẽ có vận may tốt lành nên nhiều người cầu hôn hoặc tuyên bố kết hôn vào dịp này. Ở Phần Lan, ngày 14/2 cũng mang một phần ý nghĩa “ngày của bạn bè” nên mọi người sẽ gửi quà cho bạn bè, đồng nghiệp thân thiết vào Valentine. Người dân của mỗi quốc gia sẽ có cách chào đón ngày Valentine theo cách của riêng họ nhưng quan trọng nhất vẫn là sự bày tỏ tình cảm chân thành đối với những người thân thiết trong cuộc sống.

4. Các loại chocolate và ý nghĩa của từng loại
Hiện nay, có nhiều loại chocolate được tặng trong lễ Valentine, tùy thuộc vào mục đích và đối tượng. Hãy cùng điểm qua những loại phổ biến nhất ở dưới đây:

4.1 Giri-choco
Giri-choco 義理チョコ có nghĩa là “chocolate nghĩa vụ” và thường được phụ nữ dùng để tặng cho những người nam giới mà họ không có tình cảm yêu đương. Việc tặng giri-choco cho những người có thứ bậc cao hơn trong xã hội như sếp, thầy giáo, senpai (học sinh lớn tuổi hơn hoặc người làm việc lâu năm hơn tại nơi làm việc hoặc trường học), chủ yếu mang tính chất nghĩa vụ hơn là để thể hiện tình cảm. Ngoài ra, phụ nữ cũng tặng giri-choco cho đồng nghiệp, bạn cùng lớp, những người trong cùng một nhóm/câu lạc bộ hoạt động. Giri-choco thường là loại được làm sẵn, có hình thức đẹp nhưng khá rẻ tiền. Loại chocolate này tràn lan đến nỗi một số công ty thậm chí đã cấm giri-choco, khuyến khích nhân viên quyên góp từ thiện thay vì mua những viên chocolate vô nghĩa này.

4.2 Honmei-choco
Honmei-choco 本命チョコ có nghĩa là “chocolate yêu thích” để dành tặng cho “người trong mộng” của phụ nữ Nhật. Nam giới thường sẽ chỉ nhận honmei-choco từ cô gái mà họ thực sự thích. Honmei-choco có thể là loại tự làm, loại đắt tiền hoặc cực kỳ đẹp mắt. Chocolate có phải là loại tự làm hay không cũng khá quan trọng đối với người được nhận. Thông thường, nếu nữ giới tặng chocolate tự làm (dù hình thức chocolate có đẹp hay không) thì điều ấy thể hiện là họ dồn rất nhiều tình cảm cho đối phương. Trước ngày Valentine, các cửa hàng bày bán rất nhiều nguyên vật liệu và giấy bọc để các cô gái có thể mua và tự làm honmei-choco.


Các cô gái thường tự tay làm honmei-choco (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: 五十嵐夫妻)


4.3 Tomo-choco
Tomo-choco 友チョコ là “chocolate bạn bè” để tặng cho bạn bè, chủ yếu là bạn nữ. Chữ “tomo” xuất phát từ “tomodachi” - nghĩa là bạn bè trong tiếng Nhật. Loại chocolate này là trường hợp ngoại lệ của quy tắc chỉ tặng quà cho nam giới trong lễ Valentine. Về cơ bản, đây là những viên chocolate hoặc bánh ngọt mà phụ nữ tặng cho bạn cùng giới như một biểu hiện của tình bạn. Tomo-choco khá phổ biến ở nữ sinh. Món quà thường được làm tại nhà và sẽ tặng cho tất cả bạn bè nữ, bạn cùng lớp hoặc thành viên câu lạc bộ. Không chỉ chocolate, họ cũng thường tặng bánh quy đựng vào túi nhựa trong suốt được trang trí, thắt dây và một mẩu giấy ghi chữ “Cảm ơn”.

Một số cô gái tặng tomo-choco cho tất cả bạn bè của họ, kể cả nam hay nữ, để tránh việc những người bạn học nam cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cho rằng món quà chỉ là một giri-choco. Có lẽ nhiều người cho rằng tomo-choco và giri-choco là cùng một loại quà mà thôi, nhưng điều khác biệt thực sự là: một món quà thể hiện tình bạn chân chính, một món quà chỉ là vì lịch sự.

4.4 Jibun-choco
Jibun-choco 自分チョコ là “chocolate cho bản thân”. Tất cả chúng ta đều thích chocolate nên tại sao không tự mua tặng cho chính mình vào ngày Valentine nhỉ? Đối với nhiều người, có lẽ đây là loại chocolate được “tiêu thụ” nhiều nhất trong dịp lễ đặc biệt này (vì có thể bạn cứ muốn ăn hết viên chocolate này đến viên khác đó).


Tại sao không tự thưởng cho mình một hộp chocolate vào Valentine nhỉ? (nguồn ảnh: pakutaso.com)


4.5 Gyaku-choco
Gyaku-choco 逆チョコ là “chocolate ngược”, tức là nam giới sẽ tặng chocolate cho nữ giới vào ngày Valentine. Điều này trái ngược với truyền thống phụ nữ tặng quà cho nam giới như mọi người đã biết. Ngoài ra, Nhật Bản có riêng một ngày để nam giới có thể đáp lễ cho nữ giới gọi là Valentine trắng (sẽ được giới thiệu ở dưới đây).

5. Ngày Valentine Trắng
Ngày Valentine Trắng rơi vào ngày 14 tháng 3, đúng một tháng sau ngày lễ tình nhân. Nhiều quốc gia Đông Á khác cũng đón chào ngày này, nhưng nó bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 1978 để cho cánh đàn ông cơ hội thể hiện sự trân trọng về những món quà họ nhận được vào Ngày Valentine. Đây cũng là một ngày cho những cuộc hẹn hò lãng mạn hoặc đơn giản là chỉ để chia sẻ một bữa ăn đặc biệt ở nhà cùng nhau.

Vào ngày này, nam giới sẽ tặng quà cho bất kỳ người phụ nữ nào họ nhận được giri-choco từ tháng trước và có một quy tắc ngầm là: món quà này phải trị giá ít nhất gấp ba lần so với món quà mà anh ấy đã nhận được!! Trong tiếng Nhật, người ta thường dùng cụm từ “sanbai gaeshi”三倍返し (“trả lại gấp ba lần”) để miêu tả điều này. Nam giới không thường tự tay làm chocolate nên họ hay tặng những thứ như bánh kẹo và hoa bán sẵn. Đối với bạn gái, họ sẽ tặng một món quà phức tạp và đắt tiền hơn, chẳng hạn như sôcôla cao cấp, đồ trang sức hoặc một chiếc khăn dễ thương, đặc biệt nếu đồ vật đó màu trắng để kỷ niệm ngày lễ thì càng tốt.


Nữ giới sẽ nhận được một món quà trị giá gấp 3 lần món quà đã tặng đi! (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Đối với những người đang ở trong một mối quan hệ tình cảm, đáp trả lại một món quà có giá trị tương đương được cho là một dấu hiệu của việc kết thúc mối quan hệ, và nói chung sẽ mang lại cảm giác rằng bạn đang đặt mình vào vị trí quyền lực. Vì vậy, hãy thật cẩn thận khi đáp lễ honmei-choco từ một cô gái nhé!


Tag: Japan Valentine

Bài viết liên quan