Văn hóa

Các quy tắc thanh toán ở Nhật mà bạn nên biết!

Mục lục
1. Xếp hàng
2. Chuẩn bị tiền xu
3. Đặt tiền vào khay thay vì đưa nó cho thu ngân
4. Kiểm tra tiền thừa là việc của nhân viên thu ngân
5. Nếu bạn không có tiền mặt thì cũng đừng lo lắng



Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia có tính kỷ luật và tinh thần tập thể cao. Điều này thể hiện rõ ở cách phân loại, xử lý rác, những quy tắc khi ở nơi công cộng như ở ga tàu điện ngầm, bến xe bus, chốn công sở,... Đặc biệt là những lúc thanh toán ở Nhật Bản, bạn cũng phải tuân theo những quy tắc nhất định mà không chỉ đơn giản là đứng xếp hàng. Với một số du khách lần đầu tiên khám phá “đất nước mặt trời mọc” thì có lẽ sẽ có nhiều bỡ ngỡ và bất ngờ với những quy tắc khi thanh toán. Vậy trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những quy tắc và lưu ý đó.



1. Xếp hàng

Việc xếp hàng ở những nơi công cộng gần như đã trở thành một trong những chuẩn mực xã hội ở Nhật Bản, bất kể là xếp hàng khi thanh toán, khi vào thang máy, khi lên xe bus, trạm tàu điện,...


Đặc biệt thậm chí ở một trung tâm thương mại, siêu thị lớn còn trang bị rất nhiều thanh chắn để tránh việc khách hàng tự ý cắt thành các hàng khác nhau mà không theo trật tự xác định. Kể cả khi cửa hàng có đông đúc như thế nào, khách hàng vẫn phải xếp hàng theo thứ tự và chờ tới lượt thanh toán của mình.


Đó là ở những cửa hàng lớn, vậy nếu chúng ta mua hàng ở ngoài chợ hoặc các quán ven đường thì sao? Du khách vẫn phải tuân thủ việc xếp hàng khi thanh toán, cho dù chỉ có một vài người ở trước. Hãy nhớ rằng, việc phá hàng và chen lấn khi thanh toán hay ở nơi công cộng đều được coi là hành vi bất lịch sự và không tôn trọng mọi người đối với người dân Nhật. Đặc biệt với du khách nước ngoài nên tuân thủ và tìm hiểu trước những quy tắc và luật lệ để tránh những hiểu lầm không đáng có.


2. Chuẩn bị tiền xu

Sau khi xếp hàng thì đợi cho tới khi tới lượt mình thanh toán phải không? Điều này hoàn toàn chính xác nhưng chưa đủ. Trong khi đợi tới lượt mình, du khách nên chuẩn bị sẵn số tiền cần phải trả cho những món đồ mà bạn cần thanh toán.


Chuẩn bị tiền lẻ ©photo-ac.com


Bởi lẽ, sẽ rất mất thời gian nếu mỗi người đều tìm và đếm số lượng tiền cần phải trả, đặc biệt là với tiền xu. Vì vậy, bạn nên ước lượng trước hoặc hỏi trước về khoản tiền cần thanh toán, để khi tới lượt, khách hàng chỉ cần trả tiền là có thể hoàn tất và tiết kiệm thời gian cho cả nhân viên thu ngân lẫn những người đợi ở phía sau. Du khách cũng nên làm điều này kể cả khi mua hàng ở chợ và các cửa hàng ven đường.


3. Đặt tiền vào khay thay vì đưa nó cho thu ngân

Việc sử dụng tiền xu ở Nhật Bản là điều vô cùng phổ biến, từ đồng 50 yên cho tới những mệnh giá lớn hơn vẫn đang được sử dụng rộng rãi. Chính vì vậy, sẽ có một chút bất tiện trong việc thanh toán bằng đồng xu bởi chúng rất dễ rơi hoặc bị nhầm lẫn. Nếu bạn là người đã tới thăm “Xứ sở hoa anh đào” nhiều lần, hẳn sẽ không còn xa lạ gì với những chiếc khay được đặt trước quầy thu ngân. Bởi đó sẽ là nơi mà du khách đặt tiền thanh toán cho nhân viên bán hàng thay vì trao tay trực tiếp như ở đa phần các quốc gia khác.


Đặt tiền vào khay ©photo-ac.com


Điều đặc biệt là những chiếc khay này được thiết kế với những mặt gồ lên chứ không bằng phẳng, thuận lợi cho việc nhân viên thu ngân có thể dễ dàng kiểm tra lại số lượng tiền khách trả lại vừa dễ dàng cho việc cầm nắm những đồng xu. Thêm một lý do nữa là những nhân viên thanh toán ở Nhật Bản rất ngại chạm tay trực tiếp với khách hàng, vì vậy, việc đặt tiền trong khay sẽ phần nào tạo cảm giác thoải mái hơn cho họ.


4. Kiểm tra tiền thừa là việc của nhân viên thu ngân

Tại Nhật Bản, phần lớn việc kiểm tra tiền thừa cho khách hàng sẽ là nhiệm vụ của nhân viên thu ngân. Lý giải cho điều này có hai nguyên do chính. Đầu tiên, điều này nhằm đảm bảo rằng số tiền thừa trả phải trả lại cho khách sẽ chính xác nhất, tránh việc nhầm lẫn không đáng có. Thứ hai, điều này tạo sự thuận lợi cho khách hàng, họ sẽ không cần kiểm tra hoặc đếm lại lần nữa trước khi rời đi.


Bởi lẽ, việc nhân viên kiểm tra lại tiền thừa sẽ là sự xác nhận của hai bên để bảo đảm sự công bằng và chính xác. Chính vì vậy, khi du khách đếm lại tiền thừa ngay lúc đó sẽ bị coi là hành động khiếm nhã, không tôn trọng nhân viên.


5. Nếu bạn không có tiền mặt thì cũng đừng lo lắng

Với tỷ lệ dân số già thuộc top đầu trên thế giới, mặc dù cũng là nền kinh tế top 5 toàn cầu, nhưng thói quen dùng tiền mặt vẫn rất được ưa chuộng tại Nhật Bản. Song, thói quen này đang dần thay đổi khi thuế doanh thu tăng từ 8% lên 10% từ tháng 10 năm 2019. Cùng với đó là rất nhiều ưu đãi lớn dành cho người dân nếu họ chi tiêu qua thẻ tín dụng và các ứng dụng thanh toán trực tuyến khác.


Sau đại dịch COVID-19, người dân lại càng được khuyến khích chi tiêu trực tuyến hoặc dùng thẻ nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nhiều cửa hàng thậm chí còn áp dụng chính sách không dùng tiền mặt khi thanh toán nhằm thay đổi thói quen của người dân, đặc biệt là người trung tuổi cho tới người cao tuổi.



Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản giúp du khách cập nhật những thông tin hữu ích trong văn hóa thanh toán tại Nhật Bản. Thông qua bài viết, du khách có thể hình dung một cách tổng quát nhất về những quy tắc, luật lệ trong hoạt động vô cùng quen thuộc với mọi người.  


Bài viết liên quan