Văn hóa

Tham dự đám cưới tại Nhật Bản - Những lưu ý dành cho bạn

Mục lục
1. Trả lời về lời mời đám cưới
2. Trang phục phù hợp
3. Quà tặng chúc phúc
4. Điều gì sẽ diễn ra ở đám cưới?
5. Sau khi bữa tiệc kết thúc
6. Điều khác biệt giữa đám cưới Việt Nam và đám cưới Nhật Bản



Giả sử một ngày nào đó, bạn được mời tham dự một đám cưới tại Nhật Bản, hoặc theo phong cách của Nhật Bản, vậy chắc chắn câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là có những quy tắc và luật lệ gì trong đám cưới này? Vậy trong bài viết lần này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các quy tắc cũng như luật lệ có trong đám cưới ở Nhật Bản và xem chúng có những điểm gì nổi bật so với các nước khác nhé!



1. Trả lời về lời mời đám cưới

Cũng giống như các quốc gia khác khi tổ chức đám cưới, bạn bè và người thân của cô dâu hoặc chú rể sẽ nhận được những tấm thiệp mời cưới thông báo về ngày “trọng đại” này. Nếu như ở Việt Nam, những tấm thiệp mời mang màu đỏ đặc trưng được trao tận tay người tới dự thì ở Nhật Bản lại có đôi chút sự khác biệt.


Điểm khác biệt đầu tiên là lời mời dự đám cưới ở Nhật không phải là tấm thiệp lưu lại thời gian mà lời mời cưới được xuất hiện dưới dạng một tấm thiệp truyền thống do chính cha của cặp vợ chồng gửi tới.


Thứ hai, ngôn ngữ được dùng cho lời mời đám cưới rất lịch sự và trịnh trọng, thông thường đi kèm theo tấm thiệp là một chiếc thẻ khác để bạn có thể gửi lại lời phúc đáp và trả lời bạn sẽ tham dự đám cưới hay không. Sau khi nhận được thiệp mời bạn phải nhanh chóng phản hồi cho người mời nhanh nhất có thể ( từ 2-3 ngày hoặc muộn nhất là một tuần) bởi điều đó có thể giúp gia đình cô dâu chú rể có thể chuẩn bị tốt bữa tiệc. Điều quan trọng hơn là cô dâu chú rể có thời gian để tổng hợp lại những câu trả lời để có thể quyết định số ghế ở hội trường lễ cưới. Vì vậy, việc phản hồi muộn có thể sẽ gây khó khăn cho phía tổ chức lễ cưới.



Nếu bạn chắc chắn sẽ có mặt trong ngày cưới để chúc phúc cho cô dâu và chú rể thì hãy khoanh tròn vào ô 出席 (tham dự). Trong trường hợp bạn không thể đến dự thì cũng đừng vội trả lời ngay nhé, mà hãy để vài ngày hoặc một tuần. Điều này thể hiện rằng bạn đã cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để có thể tham dự lễ cưới nhưng do công việc quá dày đặc. Khi không thể đến dự đám cưới thì hãy khoanh tròn vào ô 欠席 (vắng mặt) và nên ghi lý do vắng mặt là do có việc bận đột xuất, tránh ghi lý do như bị bệnh hoặc gia đình có chuyện không hay. Khi viết thiệp hồi đáp, bạn nên dùng bút có màu mực đen ( bút lông, bút máy hoặc bút bi đen).



©photo-ac.com


Lưu ý là chúng ta không nên phản hồi quá muộn, đặc biệt là gần sát ngày cưới. Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, du khách có thể liên hệ trực tiếp qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại để trao đổi thêm thông tin. Thông thường, nếu không chắc chắn về chuyện tham dự lễ cưới, người Nhật thường phản hồi sẽ vắng mặt.


2. Trang phục phù hợp

Vì là một sự kiện đáng mừng nên việc lựa chọn trang phục để tham dự lễ cưới cũng vô cùng quan trọng. Không có quá nhiều sự khác biệt trong cách chọn trang phục phù hợp để dự lễ cưới tại Nhật so với các quốc gia khác. Bởi lẽ, đây là một sự kiện trang trọng, nên nguyên tắc bất thành văn là tất cả người dự sẽ phải chọn cho mình những bộ trang phục trang trọng nhất (trừ trường hợp được thông báo riêng bởi ban tổ chức lễ cưới về trang phục sao cho phù hợp với chủ đề và phong cách của lễ cưới). Dưới đây là một số lưu ý khi lựa chọn trang phục cũng như một vài điều cấm kỵ không được làm:


Đối với phái nữ

- Bạn không nên mặc đồ có màu trắng vì trùng với màu váy của cô dâu.

- Bạn không nên mặc toàn thân là màu đen vì ở nước Nhật trang phục màu đen là trang phục dành cho tang lễ.

- Không nên chọn những bộ trang phục quá màu sắc hoặc có họa tiết rối mắt.

- Váy không nên quá ngắn hoặc xẻ quá ngắn. Tốt nhất, chúng ta hãy mặc thêm quần tất khi mặc váy.

- Tránh mang giày hở mũi.

- Nên mặc đơn giản: một chiếc váy liền có chiều dài tới đầu gối, giày cao gót, các phụ kiện đơn giản, mang trang sức nhẹ nhàng.

- Trong những lễ cưới theo phong cách truyền thống, Kimono sẽ là sự lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, nên chọn đúng loại Kimono phù hợp dành cho mình nhé.


Đối với nam giới

- “Diện” những bộ vest là sự lựa chọn hoàn hảo nhất bao gồm: Áo comple, sơ mi trắng, quần tây và giày da. Song, không nên mặc toàn bộ vest trắng

- Cà vạt không nên chọn những màu quá sặc sỡ


3. Quà tặng chúc phúc

Chắc hẳn bạn đang đắn đo không biết chuẩn bị gì làm quà tặng chúc phúc khi tham dự đám cưới và liệu rằng văn hóa tặng quà cưới của Nhật Bản có giống các quốc gia Châu Á khác không? Câu trả lời phù hợp nhất và cũng là phổ biến nhất được lựa chọn làm quà cưới là tiền mừng.


Được coi là luật “bất thành văn” và có truyền thống lâu đời tại “đất nước mặt trời mọc”, tiền mặt chính là món quà được lựa chọn bởi đa số người dân Nhật khi tham dự bất kỳ lễ cưới nào. Bởi lẽ, tiền mừng sẽ phần nào giúp đỡ cho cô dâu, chú rể về chi phí tổ chức đám cưới hoặc chi phí mua sắm đồ đạc mới cho những ngôi nhà mới để chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân. Để tổ chức một đám cưới tại Tokyo, chi phí cũng đã lên tới vài triệu yên, chưa kể những phụ phí khác.


Khi bạn đã quyết định tham dự đám cưới và gửi lại giấy phản hồi sẽ tham gia, bạn nên chuẩn bị một phong bì, phong thư bọc bên ngoài tiền mừng, được gọi là goshugi-bukuro. Sẽ có rất nhiều loại hình dáng, mẫu mã và màu sắc với các hoa văn trang trí, họa tiết khác nhau để du khách thoải mái lựa chọn nhất. Tuy nhiên, nên tránh những phong bì có màu chủ đạo là trắng hoặc đen vì chúng thường được sử dụng cho tang lễ. Hãy chọn cho mình những chiếc phong bì trang nhã, màu sắc tươi tắn, bắt mắt.



©photo-ac.com


Nhưng liệu số tiền mừng bao nhiêu là phù hợp nhỉ, 1.000 yên hay 30.000 yên? Câu trả lời nằm ở mối quan hệ của bạn với người mời. Để giúp mọi người có cái nhìn khách quan hơn, chúng ta sẽ cùng lấy một vài ví dụ gợi ý dưới đây:


- Nếu như là bạn bè hoặc là đồng nghiệp cùng công ty, số tiền mừng có thể dao động từ 30.000 yên tại các thành phố lớn như Tokyo hay Kanto. Còn nếu đám cưới được tổ chức ở các thành phố nhỏ hơn hoặc vùng ngoại ô, tiền mừng có thể từ 10.000 ~ 20.000 yên.

- Cụ thể hơn đối với đồng nghiệp, nếu cặp đôi có cùng chức vụ hoặc ngang hàng trong công ty với bạn, hãy dành tặng phong bì 30.000 yên. Còn nếu bạn có chức vụ cao hơn hoặc là sếp của cô dâu, chú rể, số tiền mừng không nên dưới 50.000 yên.

- Nếu người tham dự không chỉ có một mình bạn mà còn đi cùng với người khác, vậy chắc chắn phong bì mừng sẽ phải nhiều hơn, từ 50.000 yên. Lưu ý, nên tránh bỏ vào phong bì tiền mừng số chẵn như 20.000 hay 40.000 yên, vì nó như thể hai người đang chia đôi số tiền mừng trong đám cưới vậy, điều đó thể hiện sự thiếu thành ý và không hoàn toàn cầu chúc hạnh phúc đến với cặp đôi mới cưới.


Bên cạnh đó, tiền mừng trước khi được cho vào phong bì phải thật mới, phẳng phiu và không được có những nếp gấp hay dính bẩn. Tốt nhất là bạn nên tới ngân hàng để rút tiền hoặc đổi tiền để đảm bảo điều đó. Thêm một mẹo dành cho những người không kịp tới ngân hàng đổi tiền, hãy đặt một chiếc khăn dày lên tờ tiền và là cho thật phẳng, sau khi mở ra, bạn sẽ thấy một kết quả khá bất ngờ đấy.



©photo-ac.com


Điều cuối cùng, đừng quên ghi rõ họ tên của mình trên những chiếc phong bì, địa chỉ, kèm theo tấm thiệp trắng ghi rõ số tiền cùng lời chúc gửi tới cặp đôi nhé. Sau đó, khi tới lễ cưới, gửi phong bì tới tay người phụ trách nhận quà mừng tại quầy lễ tân.


4. Điều gì sẽ diễn ra ở đám cưới?

Đám cưới tại Nhật Bản sẽ không có gì xảy ra ngẫu hứng, vì công đoạn chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ lưỡng cho lễ cưới đã được tính toán cẩn thận và chu đáo trước một tháng. Đám cưới truyền thống của Nhật sẽ được chia làm hai phần chính, bao gồm lễ cưới - kekkonshiki và tiệc cưới - hiroen, theo sau đó và nijikai - hậu tiệc, dành riêng cho bạn bè thân thiết và đồng nghiệp của hai “nhân vật chính” là cô dâu và chú rể.



©Flickr


Ở phần tiệc cưới, sẽ không có màn nhảy hay khiêu vũ dành cho khách mời, mà sẽ dành thời gian chủ yếu để những bậc lão thành, bạn bè và người thân của “hai nhân vật chính” chia sẻ và phát biểu. Thông thường thì người phát biểu sẽ lần lượt là sếp của cô dâu hoặc chú rể, sau đó là đôi lời tâm sự của 1 ~ 2 người bạn thân thiết của mỗi bên. Đừng ngần ngại thể hiện cảm xúc của mình bằng những giọt nước mắt xúc động khi được xem những video giới thiệu về tuổi thơ, quá trình trưởng thành và lớn lên của cặp đôi, hành trình lúc họ quen nhau, gặp gỡ, hẹn hò và đi tới quyết định hôn nhân.



©Flickr


Một khoảnh khắc cũng xúc động không kém đó là bức thư cảm ơn của cô dâu dành tặng cho cha mẹ mình. Đó là bức thư kể về hành trình được sinh ra, được nuôi nấng, chăm sóc bởi cha mẹ, những cảm nghĩ mà bấy lâu nay cô dâu chưa dám nói, chưa dám bày tỏ, những khó khăn, thách thức và công lao to lớn của cha mẹ. Hầu hết sẽ không ai có thể cầm được nước mắt trước những lời nói chân thành, sâu sắc mà ai trong chúng ta cũng cảm nhận được, thấu hiểu được. Trong khi đó, chú rể sẽ đứng ngay sát cô dâu để động viên, bảo vệ, cầm tay và lau những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt ấy. Thông thường thì chú rể sẽ không có phần đọc thư và bày tỏ cảm xúc của mình tới cha mẹ như cô dâu nhưng sẽ có đôi lời cảm ơn dành cho bậc sinh thành. Kết thúc là video cảm ơn chân thành, đầy cảm xúc để bày tỏ lòng biết ơn với sự xuất hiện của các vị khách mời đang có mặt tham dự lễ cưới.


5. Sau khi bữa tiệc kết thúc

Sau khi bữa tiệc cưới kết thúc, cô dâu và chú rể sẽ nhanh chóng rời khỏi lễ đường, chuẩn bị cho những lịch trình và kế hoạch tiếp theo. Nếu như không tham dự phần hậu tiệc, khách mời có thể ra về. Có một điều khác biệt là phần quà cảm ơn - gọi là hikidemono được đặt dưới ghế của mỗi người. Đây là một phong tục truyền thống của người dân Nhật Bản để tỏ lòng biết ơn tới sự có mặt và chúc phúc của mọi người dành cho cặp đôi và gia đình hai bên trong ngày trọng đại này.



©instagram


Phần quà có thể là bánh kẹo, đồ lưu niệm, đồ trang trí, khăn tắm. Thậm chí với một vài vị khách mời quan trọng có thể được tùy chọn phần quà trong dãy danh sách quà tặng. Cha mẹ hai bên gia đình cùng cô dâu và chú rể sẽ đợi sẵn trước cổng để tiễn khách ra về bằng cách bắt tay, cúi đầu để cảm ơn.


Sau khi ra về, đừng quên gửi lời cảm ơn của bạn về những món quà và sự chu đáo trong đám cưới tới cặp đôi mới cưới.


6. Điều khác biệt giữa đám cưới Việt Nam và đám cưới Nhật Bản

Hãy cùng làm một vài phép so sánh sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản nhé:


- Lời mời tới dự lễ cưới: Ở Việt Nam, không nhất thiết phải là cô dâu/chú rể hay bố mẹ cô dâu/chú rể gửi những tấm thiệp cưới tới khách mời. Tất cả sẽ lên một danh sách tổng, gồm những người họ hàng, gia đình, bạn bè của bố, bạn bè của mẹ và bạn bè, đồng nghiệp của cô dâu/chú rể. Còn tại Nhật, thường sẽ do cha mẹ của cặp vợ chồng lo liệu và gửi thiệp mời.

- Trả lời về việc tham dự đám cưới: Chúng ta đã tìm hiểu về cách trả lời và xác nhận sẽ tham gia hay không có mặt tại lễ cưới ở Nhật Bản. Nhưng ngược lại, ở Việt Nam lại không có phong tục như vậy. Cho nên số lượng khách mời tham dự lễ cưới sẽ chỉ ước chừng được chứ không thể tính toán chi tiết như bên Nhật.

- Quà mừng cưới: Điểm giống nhau là ở cả Việt Nam và Nhật Bản cũng như các quốc gia khác, tiền mừng luôn được coi là ưu tiên số một. Tuy vậy, quà mừng ở Việt Nam lại khá đa dạng, như có thể tặng trang sức, vàng bạc, thậm chí là tiền đô la thay vì tiền mặt. Thứ hai, phong bì đựng tiền mừng ở Việt Nam rất đơn giản, hầu hết đều đựng trong phong bì có mẫu mã chung và viết tên người gửi.

- Phong cách đám cưới: Nếu ở Nhật có tới 4 kiểu đám cưới bao gồm đám cưới kiểu Jinzen - lễ cưới không tôn giáo, lễ cưới theo nghi thức Phật giáo - butsuzen, nghi thức Thần đạo - shinto và theo nghi thức Thiên chúa giáo thì ở Việt Nam có tới 95% lễ cưới được tổ chức theo nghi thức truyền thống.

- Các phần đám cưới: Ở Nhật, đám cưới được chia thành 3 phần: tiệc chiêu đãi - khách mời được dùng bữa và cặp đôi phải đi chào hỏi và chúc rượu từng bàn, tiệc sau lễ cưới (hậu tiệc) và tiệc thứ ba dành cho những người bạn cực kỳ thân thiết với cặp đôi. Còn tại Việt Nam chủ yếu đám cưới diễn ra chỉ với phần tiệc chiêu đãi là chính.

- Quà cảm ơn: Đây là điều không thể thiếu trong đám cưới ở Nhật bản để thay lời cảm ơn và tỏ lòng trân trọng của hai bên gia đình dành cho các khách mời tham dự. Trái lại ở Việt Nam, đây là điều không bắt buộc.



Vậy là chúng ta đã tìm hiểu những quy tắc và luật lệ, lễ nghi khi tham dự đám cưới tại Nhật Bản. Đồng thời cũng làm những phép so sánh tổng quan nhất về đám cưới của Việt Nam và Nhật Bản để chỉ ra những sự tương đồng và khác nhau. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho mọi người bức tranh tổng quan nhất về một đám cưới tại “xứ sở hoa anh đào”.



Bài viết liên quan