Văn hóa

Cùng học ngôn ngữ cơ thể của người Nhật! Giới thiệu 30 cử chỉ thường dùng trong giao tiếp hàng ngày

Mục lục
1. Ngôn ngữ cơ thể - body language là gì?
2. Tại sao nên học body language của người Nhật?
3. Những cử chỉ cần tránh khi giao tiếp với người Nhật
4. Giới thiệu những cử chỉ thường dùng trong giao tiếp với người Nhật
  4.1 Giao tiếp cơ bản
  4.2 Biểu lộ cảm xúc và trạng thái
  4.3 Những trường hợp giao tiếp khác

1. Ngôn ngữ cơ thể - body language là gì?
Giao tiếp là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, thông qua giao tiếp chúng ta thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc, tính cách của bản thân mình và tiếp nhận thông tin tương tự từ những người xung quanh. Để đạt được hiệu quả trong quá trình giao tiếp, bên cạnh phương tiện ngôn ngữ (verbal) thì phi ngôn ngữ (non-verbal) hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể (body language) là yếu tố không thể thiếu, mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Hiểu một cách chung nhất, ngôn ngữ cơ thể là tất cả những gì mà chúng ta bộc lộ ra ngoài trong quá trình giao tiếp với người khác, nhưng không ở dạng lời nói. Ngôn ngữ cơ thể được tạo nên từ chuyển động của các bộ phận cơ thể và kết quả là những gì có thể quan sát được như cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, động tác tay và giọng điệu.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, có đến 80% thông tin chúng ta nhận được từ một cuộc trò chuyện không phải qua lời nói mà chính là từ cử chỉ và hành động. Đôi khi ngôn ngữ cơ thể còn là công cụ hữu hiệu để thể hiện những điều khó nói và tế nhị. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể còn là đặc trưng của từng nền văn hóa, thể hiện bản sắc không thể trộn lẫn của cộng đồng ấy trong giao tiếp.


Ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng trong giao tiếp (nguồn ảnh: pakutaso.com, model 土本寛子)


2. Tại sao nên học body language của người Nhật?
Văn hóa giao tiếp của người Nhật cũng đa dạng, đa sắc màu và nhiều nét đẹp cuốn hút như tính cách con người Nhật Bản vậy, nhưng đôi khi bạn cũng gặp trở ngại khi giao tiếp với họ phải không? Khi một mối quan hệ vẫn chưa phát triển đến mức độ thân thiết, người Nhật có xu hướng nói những câu ngắn gọn, nhưng hàm chứa nhiều ẩn ý khiến bạn luôn cảm thấy mơ hồ với câu trả lời của họ. Vì vậy mà việc hiểu rõ body language của người Nhật lại quan trọng hơn bao giờ hết.

Học ngôn ngữ cơ thể của người Nhật không chỉ giúp bạn thấu hiểu người trò chuyện cùng mình, mà còn giúp bạn nhận biết được những cử chỉ cần tránh để không trở thành người thô lỗ trong mắt họ. Đôi khi từ ngữ sẽ không thể diễn tả hết những gì bạn muốn thể hiện với người khác, hay bỗng nhiên bạn quên mất vài từ tiếng Nhật và cảm thấy mất tự tin, trong những lúc như vậy thì body language sẽ là một công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực đấy. Và nếu biết cách liên kết kiến thức về body language cùng lời nói trong giao tiếp, cuộc trò chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

3. Những cử chỉ cần tránh khi giao tiếp với người Nhật
Nhật Bản là một đất nước giàu truyền thống, rất xem trọng văn hóa ứng xử và nổi tiếng với những quy định “luật bất thành văn”. Không phải lúc nào họ cũng giao tiếp thông qua lời nói, có một cách nữa là thông qua cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể. Tuy vậy, trong vài tình huống bạn có những cử chỉ mặc dù là vô tình, không đáng bận tâm nhưng cũng sẽ bị đánh giá là thiếu lịch sự hoặc thậm chí là khiếm nhã..

※ Nhìn một người quá lâu: Không như ở một số quốc gia, việc nhìn vào người nói thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc lắng nghe thì ở Nhật điều đó lại làm đối phương thấy không thoải mái.

※ Dựa lưng vào tường và đút tay vào túi áo/quần: Đây có thể là cách thoải mái nhất để đứng và là thói quen bình thường đối với một số người. Nhưng khi đến Nhật Bản, hành động đó lại khiến bạn trở thành con người lười biếng và lộn xộn trong mắt mọi người.

※ Khoanh tay: Khoanh tay trước ngực và mặt trầm ngâm hoặc nhắm mắt lại thì có thể hiểu được là bạn đang đào sâu suy nghĩ về vấn đề đó. Nhưng nếu chỉ khoanh tay thôi họ sẽ coi đó là tín hiệu rằng bạn không muốn nói chuyện hoặc bạn đang không đồng tình với họ

※ Chỉ tay: Chỉ tay vào người hoặc vật ở Nhật được xem là hành động thô lỗ. Thay vì hành động chỉ tay, kể cả khi chỉ đường, bạn nên dùng cả bàn tay nhẹ nhàng hướng về chủ thể mà mình muốn nói đến.

※ Ngồi dạng rộng tay và chân: Độ rộng của chỗ ngồi chỉ nên bằng đúng kích thước bàn tọa để tránh làm mất chỗ ngồi của người khác ở trên tàu. Hãy ngồi sao cho lịch sự và luôn sẵn sàng đứng lên nhường chỗ ngồi cho người già và những người có con nhỏ nhé!

4. Giới thiệu những cử chỉ thường dùng trong giao tiếp với người Nhật
4.1 Giao tiếp cơ bản
Cúi chào
Văn hóa cúi chào của người Nhật cũng được coi như bắt tay ở phương Tây. Thông thường, họ sẽ cúi chào lịch sự hơn khi tạm biệt so với lúc gặp mặt. Đối với người lớn tuổi hơn hay cấp trên, bạn sẽ phải cúi sâu và giữ nguyên tới khi người kia quay lưng lại, hoặc đến khi cửa đóng để thể hiện sự kính trọng. Với người có cấp bậc hay tuổi tác hơn nhiều thì càng phải cúi thấp và giữ yên tư thế đó lâu hơn bình thường.


Văn hóa cúi chào của người Nhật cũng được coi như bắt tay ở phương Tây (nguồn ảnh: pakutaso.com, model 河村友歌)


Có 3 kiểu chào với độ trang trọng tăng dần là Eshaku, Keirei và Saikeirei. Eshaku là cách chào nghiêng 15 độ dùng để chào đồng nghiệp hoặc khách hàng; Keirei là cách chào nghiêng 30 độ dùng trong giao tiếp với cấp trên, người lớn tuổi, người có địa vị cao hơn hoặc để nhờ vả; còn Sankeirei là cách chào nghiêng 45 độ dùng khi gặp một nhân vật quan trọng hoặc trong trường hợp cảm ơn/xin lỗi một cách tha thiết.

Đưa và nhận đồ
Bạn nên cúi người và dùng cả hai tay khi đưa hoặc nhận đồ từ người khác. Trẻ nhỏ ở Nhật đã sớm được cha mẹ dạy phải nhận đồ một cách vui vẻ khi được cho đồ để thể hiện sự chân thành với thành ý của người cho. Việc dùng cả hai tay khi đưa và nhận đồ cũng vô cùng quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp, nhất là khi đưa và nhận danh thiếp cho đối tác.

Đồng ý
Ngoài cách gật đầu như ở phương Tây, người Nhật còn thể hiện sự đồng ý bằng cách tạo một hình chữ O lớn với 2 cánh tay giơ trên đầu. Cũng có thể tạo thành nắm đấm và đập vào lòng bàn tay còn lại với ý nghĩa: “Tôi đồng ý với những gì bạn nói”.  


“Tôi đồng ý với những gì bạn nói!” (nguồn ảnh: pakutaso.com, người mẫu: 大川竜弥)


Không đồng ý
Để biểu lộ sự không đồng ý, hãy bắt chéo hai cánh tay trước mặt, tạo thành chữ X lớn ngay trước ngực. Cách này cũng có ý nghĩa tương đương với lắc đầu ở phương Tây. Nếu bạn thấy ai bắt chéo hai ngón tay thì cử chỉ này lại được xem như xung đột và có ý xúc phạm.


“Không được đâu nhé!”(nguồn ảnh: pakutaso.com, người mẫu: yumiko)


“Tôi không biết!”
Vẫy thẳng tay phía trước miệng với ngón cái tiến dần đến mặt khi bạn muốn thể hiện “Tôi không biết!”. Cũng có thể lắc đầu cùng lúc, nhưng chuyển động của đầu và tay phải ngược chiều nhau. Nếu bạn hỏi đường và thấy cử chỉ này, điều đó có nghĩa người đó không hiểu ngôn ngữ bạn nói hoặc họ không thể chỉ đường, hãy hỏi người khác nhé.

Nhắc tới bản thân
Muốn nhắc tới bản thân, hãy chỉ vào mũi mình với ngón trỏ thay vì chỉ vào ngực thường thấy ở các nước phương Tây. Có thể dùng cách này khi người khác gọi tên hay nhờ bạn làm điều gì đó (khi bạn ngạc nhiên hoặc không muốn làm).

Nhắc tới người khác
Hãy hướng về phía họ với lòng bàn tay mở, di chuyển tay thật chậm và nhẹ nhàng. Lưu ý một chút là tuy bạn có thể chỉ tay vào bản thân mình nhưng đừng làm vậy khi muốn nhắc tới người khác.

Mời gọi
Bạn đã thấy chú mèo thần tài Maneki ở các cửa hàng bao giờ chưa? Nhiều người tưởng lầm đây là vẫy chào tạm biệt nhưng thực chất là đang mời gọi đấy! Ở Nhật, để vẫy gọi, họ thường hướng lòng bàn tay vào phía mình, giữ nguyên cổ tay và di chuyển bàn tay lên xuống. Cũng có thể sử dụng cả hai tay để gọi trẻ nhỏ về phía mình.


Mèo Maneki đang vẫy tay mời gọi (nguồn ảnh: pixabay)


“Xin đợi một chút!”
Đưa lòng bàn tay đối diện với người khác, các ngón tay sát nhau, dùng cả hai tay thì có ý nghĩa “Hãy đợi tôi ở đây”. Ở các đất nước khác sẽ giơ ngón trỏ lên để chỉ sự chờ đợi, nhưng người Nhật lại hiểu cử chỉ này mang ý nghĩa “số một”.

Đếm số
Khi người Nhật đếm từ 1 đến 10, họ sẽ chỉ sử dụng một tay. Số 0 là bàn tay mở rộng. Bắt đầu với bàn tay mở, lần lượt khép ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út để đếm từ 1 đến 5; và làm ngược lại mở ngón út, ngón áp út đến hết để đếm từ 6 đến 10.


Cách đếm số theo kiểu khép lần lượt từng ngón

Để đếm cho người khác nhìn, họ sẽ đưa lòng bàn tay về phía trước và lần lượt đưa các ngón tay lên. Đếm từ 1 đến 5 theo thứ tự ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út và cuối cùng là ngón cái; và làm như vậy với tay còn lại nếu muốn đếm từ 6 tới 10.


Cách đếm số theo kiểu giơ từng ngón lên


Che miệng khi cười
 
Ở Nhật Bản, phụ nữ sẽ bị đánh giá là kém duyên hay thiếu ý tứ nếu nở nụ cười lớn đến mức nhìn thấy cả răng và được khuyến khích chỉ nên khẽ mỉm cười và che miệng để duyên dáng, cuốn hút hơn. Bên cạnh đó phần lớn còn muốn che đi hàm răng không được đẹp lắm, thiếu tự tin của mình.  

“Xin mời đi lối này!”
Đây là cách lịch sự nhất để chỉ dẫn phương hướng, lối đi cho người đối diện. Bên cạnh việc mở lòng bàn tay và hướng bàn tay vào vị trí đối phương cần đến thì việc hướng ánh mắt xuống vị trí ấy cũng vô cùng quan trọng.

4.2 Biểu lộ cảm xúc và trạng thái
Tức giận
Để bộc lộ sự tức giận, người ta thường phồng má lên và chu môi lại. Biểu cảm này thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là khi bạn nói điều gì đó mà chúng không thích hoặc không muốn nghe!

Xấu hổ  
Với cử chỉ mở rộng bàn tay, đặt sau đầu và biểu cảm hơi ngượng ngùng, ngôn ngữ cơ thể này thể hiện vẻ lúng túng, xấu hổ, ngại ngùng. Nếu thấy cử chỉ này của họ thì hãy tinh tế và chuyển chủ đề để cả 2 bên khỏi bối rối nhé.  

Biết ơn (Gochisousama!)
Sau mỗi bữa ăn, người Nhật thường vỗ hai bàn tay lại đặt trước mặt và nói “ごちそうさま” (Gochisousama) hay “ごちそうさまでした”  (Gochisousama deshita) để tỏ lòng biết ơn với món ăn mình vừa được thưởng thức.

Quyết tâm
Khi người Nhật muốn thể hiện lòng quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận thử thách hay một việc khó khăn, họ sẽ gập một tay lên (khoe bắp tay), tay còn lại đặt vào phần cơ bắp nổi lên. Hành động này khẳng định sự chắc chắn và cố gắng mạnh mẽ của họ.

Peace Sign
Giơ hai ngón tay lên và cười thật tươi là một cách tạo dáng chụp ảnh phổ biến của người Nhật. Tuy nhiên đây cũng được dùng như một cách chào hỏi dành cho người nước ngoài, thể hiện thiện chí, hòa hợp, vui vẻ.


Peace Sign là cách tạo dáng chụp ảnh phổ biến (nguồn ảnh: pakutaso.com model: にゃるる)


“Banzai!”  
Là hành động vừa vui mừng đưa hai tay lên vừa hô “Banzai” thể hiện sự hạnh phúc khi chiến thắng hay gặp may mắn. Đặc biệt khi một đội chiến thắng, các thành viên sẽ tập hợp lại thể hiện niềm sung sướng hạnh phúc bằng cách cùng hô “Banzai!” 3 lần.

“Nóng quá!” (Atsui!)
Khi chạm vào một thứ quá nóng, người Nhật sẽ có phản xạ dùng ngón tay cái và ngón út áp lấy dái tai của mình. Điều này xuất phát từ dái tai là bộ phận có thân nhiệt thấp nhất trên cơ thể, giúp giảm cảm giác nóng, bỏng.

“Trông ngon thế!” (Oishisou!)
Khi muốn khen ngợi món ăn nào đó, người Nhật sẽ đặt một bàn tay ngang bên cằm như mô phỏng lại động tác quệt nước miếng vì sự hấp dẫn khó cưỡng của món ăn ấy.

4.3 Những trường hợp giao tiếp khác
“Cùng đi ăn/uống nào!”
Để ngón tay cái và ngón trỏ của bạn lại gần nhau giống như bạn đang cầm một chiếc cốc nhỏ, sau đó di chuyển lên phía miệng của bạn giống như đang uống một ngụm lớn để thay cho lời đề nghị “Cùng đi uống nào!”
Nếu bạn muốn rủ người đó đi ăn, bạn có thể giả vờ như đang cầm cái bát bằng tay ở trước mặt, sau đó làm “đũa” với tay kia rồi đưa “đũa” về phía miệng của bạn rồi lặp lại vài lần.

Chen vào đám đông
Vòng lưng qua một chút và đưa bàn tay lên (ngón tay cái hướng lên trên) di chuyển nhẹ nhàng lên xuống khi đi qua trước mặt người nào đó. Hành động này cũng được thực hiện như một lời xin lỗi khi đi trước một người nào đó và cản trở tầm nhìn của họ.


“Xin hãy để tôi đi qua” (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: 段田隼人)


“Xin đừng mang thêm món ăn/đồ uống nữa”
Khi ở trong nhà hàng hoặc quầy bar, bạn hãy đặt hai ngón tay cái của bạn lên nhau tạo thành dấu “x” để làm dấu hiệu cho nhân viên biết rằng bạn đang muốn thanh toán tiền.  

“Xin hãy bình tĩnh!”
Úp cả hai lòng bàn tay xuống rồi chuyển động tay lên và xuống đồng thời nói “Maa maa maa”. Nhớ là hành động tay và “Maa maa maa” luôn phải thực hiện cùng nhau, nếu không đối phương sẽ không thể hiểu được bạn đang muốn ám chỉ điều gì.  


“Xin hãy bình tĩnh” (nguồn ảnh: pakutaso.com model: 段田隼人)


“Để chuyện đó qua một bên”  
Cử chỉ này có khá giống với việc di chuyển một chiếc hộp từ trước mặt sang một bên và được sử dụng khi bạn muốn thay đổi chủ đề hoặc thay cho lời nói “Hãy để chuyện đó qua một bên.”

Ngó nghiêng
Khi một người khum bàn tay của họ lại và đặt lên trước trán có nghĩ là người đó có ý như đang nhìn xa. Một đứa trẻ muốn thể hiện mình đang nhìn ngó, chúng sẽ đưa tay lên mắt giống như đang nhìn qua một chiếc ống nhòm.

Vỗ vai người khác
Nếu bạn muốn cho ai biết họ đã làm rơi, bỏ quên thứ gì đó, hoặc muốn họ nhận ra rằng bạn đang muốn nói chuyện, hay khi bạn gặp được ai đó và tiếp cận với họ từ phía sau, chạm vào vai người đó hai hoặc ba lần để họ nhận thức được sự hiện diện của bạn hoặc khi yêu cầu sự chú ý.

Mang bầu  
Dùng một hoặc cả hai tay để tạo nửa vòng tròn trước bụng với ý nghĩa là bạn đang mang bầu. Nhưng đừng bao giờ làm hành động này trước mặt phụ nữ bởi vì nó cũng có ý nghĩa rằng bạn đã làm một cô gái có thai. Ở Nhật Bản, phụ nữ mang thai được đối xử vô cùng tử tế và thậm chí còn hơn cả những phụ nữ có con nhỏ.  

Đáng yêu  
Mỉm cười và hơi nhìn lên một chút, sau đó chạm nhẹ cả hai ngón trỏ của bạn vào má và hơi nghiêng đầu. Cử chỉ này cũng có thể làm chỉ với một bên tay. Đây là cách biểu cảm cũ thường được trẻ nhỏ sử dụng trước khi cách giơ tay chữ “V” (tạo bằng ngón trỏ và ngón giữa) trở nên phổ biến.  

Yakuza  
Giả vờ vẽ một đường bằng ngón tay trỏ của bạn từ tai xuống miệng để ký hiệu như một vết sẹo được để lại từ các cuộc chiến. Nhưng thông thường, Yakuza (xã hội đen Nhật Bản) vẫn lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Họ cũng cư xử lịch thiệp và rất tôn trọng những người lớn tuổi. Hãy chắc chắn là bạn đang cư xử lịch sự nhất khi gặp họ nhé!  

Việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể của người Nhật không thể thành thạo chỉ qua một đêm mà thay vào đó, những gì bạn cần là lòng kiên trì xây dựng thói quen cho bản thân. Nên bắt đầu từ những chi tiết tinh tế nhỏ, bạn sẽ tạo được sự thay đổi lớn trong cách giao tiếp của mình. Tuy nhiên vẫn phải biết cách cân bằng giữa hai nền văn hóa, vì sự khác biệt giữa hai đất nước có thể đẩy bạn vào những tình huống hiểu lầm trớ trêu không đáng có. Vẫn luôn có những nét riêng không tương đồng nên hãy lựa chọn hợp lý để tìm cách biểu đạt những gì mình muốn nói bạn nhé!


Tag: Japanese Gesture

Bài viết liên quan