Truyền thống
Văn hóa

Oshougatsu: Trải nghiệm những phong tục đặc sắc trong lễ Tết của người Nhật

Tháng 12 là thời điểm người Nhật bắt đầu mua sắm và dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón lễ Tết truyền thống của họ. Hãy cùng Japagazine trải nghiệm những phong tục đặc sắc trong dịp lễ này qua bài viết dưới đây nhé!


Tìm hiểu về các phong tục của người Nhật trong dịp Tết (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Mục lục
1. Nguồn gốc lễ Tết của người Nhật
2. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa
3. Món ăn đêm giao thừa
4. Chương trình Kouhaku Uta Gassen
5. 108 tiếng chuông đêm giao thừa
6. Pháo hoa và lễ đếm ngược tới giao thừa
7. Đi lễ đầu năm hatsumode
8. Ngắm bình minh năm mới hatsuhinode
9. Tặng thiệp mừng năm mới nengajo
10. Thử vận may với fukubukuro

1. Nguồn gốc lễ Tết của người Nhật
Trong văn hóa Nhật Bản, Tết (正月 - Oshougatsu) là dịp lễ mừng năm mới rất quan trọng, một phong tục có ý nghĩa đặc biệt với mọi gia đình ở xứ sở hoa anh đào. Dù là một quốc gia có truyền thống văn hóa đặc trưng phương Đông nhưng Nhật Bản từ lâu đã không tổ chức đón năm mới theo Âm lịch như phần lớn các nước Châu Á khác.

Từ năm 1844 đến năm 1872 (năm Minh Trị thứ 5) người Nhật đón năm mới theo lịch Thiên Bảo (天保暦 - Tenpo reki), nhưng đến năm Minh Trị thứ 6, ngày Tết của Nhật Bản chính thức được chuyển thành ngày 1 tháng 1 theo dương lịch. Sự thay đổi này xuất phát từ nhiều lý do lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị. Đó là vào thế kỷ 19, các nước phương Tây ráo riết tìm cách mở rộng thuộc địa sang khu vực Châu Á. Với bối cảnh đất nước đầy khủng hoảng, phát triển trì trệ và lạc hậu về mọi mặt, Nhật Bản không nằm ngoài danh sách mục tiêu tấn công của nhiều nước phương Tây. Con đường duy nhất lúc bấy giờ để Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ bị đô hộ là phải thực hiện cải cách toàn diện, nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và trở thành một đất nước lớn mạnh. Trong sắc lệnh năm 1872, Thiên Hoàng Minh Trị - người ý thức sâu sắc nhất sứ mệnh ấy cũng là người đề ra cải cách Duy Tân đã tuyên bố: “Lịch người dân Nhật Bản sử dụng suốt 1.200 năm qua là không có cơ sở thực tế, cản trở sự phát triển tri thức nhân loại, cần phải xoá bỏ và sẽ áp dụng lịch phương Tây từ nay cho đến mai sau”. Theo đó, việc ăn Tết theo lịch dương sẽ giúp Nhật Bản thực hiện những đổi mới, chuyển biến về kinh tế như: giảm bớt được số ngày nghỉ, tăng năng suất lao động và sản lượng quốc gia, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc trả lương tháng 13 cho người lao động. Đặc biệt, việc thay đổi truyền thống đậm tính Á Đông này như một lời khẳng định Nhật đã thoát khỏi ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung, đồng thời đang vươn mình phát triển theo hướng hiện đại, mạnh mẽ không thua kém gì các nước phương Tây. Trước bối cảnh cấp bách phải thực hiện cải cách và những lý do trên, Thiên Hoàng Minh Trị đã ra quyết định Nhật Bản không sử dụng âm lịch nữa mà sẽ dùng dương lịch và năm mới là ngày đầu tiên của tháng Giêng theo dương lịch. Kể từ đó, lễ mừng năm mới đã được người dân Nhật Bản tổ chức vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Sự thay đổi này ban đầu tuy tạo ra nhiều nuối tiếc cho phần lớn người dân nhưng với những lợi ích to lớn mà nó tạo ra cho công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, người dân đất nước mặt trời mọc đã dần đón nhận và Tết tiếp tục là một dịp lễ quan trọng của cả đất nước cho đến nay.

2. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa
Với ý nghĩa đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới, vào dịp lễ Tết, người Nhật luôn chuẩn bị, dọn dẹp trang trí nhà cửa rất đẹp đẽ và trang hoàng để cầu chúc những điều may mắn, thuận lợi nhất cho năm mới.

Trong văn hóa Nhật Bản, việc dọn dẹp trước mỗi dịp Tết đến không chỉ là một thói quen mà đã trở thành một phong tục, truyền thống không thể bỏ qua. Phong tục này có tên là Oosouji - 大掃除, trong đó “oo” là lớn còn “souji” là dọn dẹp. Từ ngày 13 tháng 12, không khí dọn dẹp chuẩn bị đón năm mới của các gia đình ở Nhật dần bắt đầu. Họ sẽ dọn dẹp thật sạch sẽ toàn bộ nhà cửa, đồ dùng, lau rửa cả trong và ngoài không gian sinh hoạt của gia đình mình với mong muốn gạt bỏ hết những “hạt bụi xui xẻo” của năm cũ, chuẩn bị nghênh đón năm mới với nhiều điều may mắn, thuận lợi và vui vẻ. Với nhiều gia đình, do công việc quá bận rộn không thể thực hiện Oosouji sớm, họ sẽ để dành việc dọn dẹp đến những ngày giáp Tết. Việc tổng vệ sinh nhà cửa đón Tết đến xuân sang không chỉ tạo ra bầu không khí trong lành, sạch sẽ, tràn đầy sức sống tươi mới mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm, các gia đình Nhật Bản sẽ tiến đến bước trang hoàng nhà cửa bằng những vật dụng trang trí đậm chất truyền thống, trong đó nhất định phải kể đến là Kadomatsu, Shimekazari và Kagamimochi.

Kadomatsu 門松: Đây là vật trang trí không thể thiếu trong dịp lễ Tết, thường được người Nhật đặt trước cửa nhà hay công ty, nhà hàng, quán ăn theo một đôi như tạo thành một chiếc cổng. Kadomatsu gồm 3 ống tre tươi vát xéo tụ lại ở giữa và xung quanh là những cành thông xanh. Nếu cây tre từ xa xưa đã tượng trưng cho tinh thần Samurai mạnh mẽ của người Nhật thì cây thông lại là đại diện cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu. Từ đó việc trang trí Kadomatsu trước cổng nhà có ý nghĩa chào đón vị thần năm mới Toshigami và cầu chúc sức khỏe cho mọi người. Theo truyền thống, số cành thông sẽ là số lẻ như 3, 5, 7 vì trong quan niệm của người Nhật, số lẻ sẽ mang lại nhiều may mắn hơn. Ngày đẹp nhất để bày Kadomatsu là 28/12, tuyệt đối không nên bày vào ngày 29/12 hoặc Đêm giao thừa.


Kadomatsu (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Shimekazari しめ飾り: Shimezakari được làm từ những sợi dây rơm được bện chặt vào nhau, gạo Shinto linh thiêng, một vài cành thông nhỏ, quả quýt và những mảnh giấy trắng được cắt zigzag (shide). Ngoài việc được treo trước cửa nhà với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu và đón chào các vị thần, Shimekazari còn được đặt trên tàu, xe, các phương tiện đi lại để cầu bình yên, may mắn và an toàn.


Shimekazari (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Kagami Mochi 鏡餅: Bánh gạo mochi được xem là một vật cũng không thể thiếu trong ngày lễ Tết truyền thống của người Nhật. Kagami Mochi được làm từ 2 chiếc mochi xếp lên nhau, trên cùng là một trái quýt. Hình tròn của bánh mochi và trái quýt chính là biểu tượng cho mặt trăng và mặt trời, hợp lại tạo thành may mắn và mang ý nghĩa hướng đến năm mới, bỏ lại những điều không tốt của năm cũ. Các gia đình Nhật Bản thường đặt Kagami Mochi trong hốc tường tokonoma - 床の間  ở phòng khách hoặc bếp một cách trân trọng nhất để dâng lên các vị thần linh.


Kagami Mochi (nguồn ảnh: pakutaso.com)


3. Món ăn đêm giao thừa
Vào dịp lễ Tết, đặc biệt là khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, người Nhật luôn yêu thích việc được quây quần bên gia đình và những người mình yêu thương, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống đầy ý nghĩa. Dưới đây là một số món ăn đặc biệt thường được thưởng thức trong dịp lễ này.

Mì kiều mạch Toshikoshi Soba 年越しそば là một món ăn truyền thống được người Nhật thưởng thức vào đêm giao thừa. Từ thời kỳ Edo, mì soba đã rất được ưa chuộng và gắn bó sâu sắc với đời sống của người dân Nhật Bản, trong đó Toshikoshi Soba được trân trọng và quý giá nhất vì đây chính là biểu tượng của sự trường thọ. Người Nhật tin rằng, những sợi mì soba thuôn dài được làm từ kiều mạch là biểu tượng cho cuộc sống mạnh khỏe và lâu dài, ăn mì soba vào đêm giao thừa như một nghi thức cắt hết những điều xui xẻo của năm cũ và cầu chúc cho một năm mới thật nhiều mạnh khỏe, luôn kiên cường và bền bỉ. Không chỉ vậy mì soba còn là một món ăn dễ tiêu hóa, không hề gây khó chịu dù dùng bữa vào buổi tối. Tùy từng gia đình lại có cách thưởng thức mì soba khác nhau, họ có thể lựa chọn mì lạnh hoặc nóng và chọn các loại topping như tempura, rong biển nori, trứng, hành,... tùy theo sở thích của mình. Người Nhật thường thưởng thức Toshikoshi Soba vào bữa tối ngày giao thừa hoặc muộn hơn, khi đang chuẩn bị.

Osechi Ryori 御節料理 là bữa ăn truyền thống mừng Tết ở Nhật Bản có lịch sử từ rất lâu về trước. Được bày biện trong những chiếc hộp jubako 重箱 3 tầng, osechi là một bữa ăn thịnh soạn, hấp dẫn và ngon miệng với nhiều món ăn đẹp mắt, được chế biến từ những nguyên liệu đa dạng. Đặc biệt mỗi nguyên liệu được sử dụng để nấu Osechi Ryori đều mang một ý nghĩa riêng, hợp lại tạo thành một bữa ăn vô cùng tuyệt vời cho dịp đón năm mới. Tùy theo từng địa phương và người nấu mà Osechi Ryori được nấu nướng, bày biện theo những cách khác nhau, dưới đây là một số món ăn và ý nghĩa của chúng:
- Món đậu đen bung kuromame mang ý nghĩa một năm mới làm việc chăm chỉ và mạnh khỏe.  
- Món trứng cuộn cá hoặc tôm nghiền datemaki với vị ngọt đặc trưng là biểu tượng chúc học tập tốt, đạt được học bổng.
- Chả cá Kohaku Kamaboko với 2 màu trắng và hồng đại diện cho cả năm may mắn.  
- Món trứng cá trích kazunoko có ý nghĩa cầu mong năm mới sẽ có thêm em bé, gia đình con đàn cháu đống.
- Tôm là một món rất phổ biến trong osechi, với những chiếc râu dài và thân cong cong, tôm được xem như biểu tượng của sự trường thọ, cầu mong một năm mới mạnh khỏe.
- Tazukuri là món cá mòi khô sốt nước tương tượng trưng cho mùa màng bội thu.
Osechi thường được chuẩn bị trước ngày cuối cùng của năm và sẽ được dùng trong 3 ngày Tết.


Thưởng thức osechi vào dịp Tết (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Ozoni お雑煮 là một loại súp người Nhật thường ăn vào đầu năm mới. Thành phần chính của món ăn thường có bánh gạo mochi, thịt gà, chả cá, nước dùng dashi, đậu phụ, nấm shiitake, các loại rau củ khác như cà rốt, rau cải bó xôi và vỏ quả yuzu. Mỗi vùng miền có một cách thức nấu ozoni khác nhau, nếu ở vùng Kanto, Chugoku và Kyushu, món ozoni thường có nước súp trong với mùi vị của của cá ngừ bonito, nước dùng dashi và bánh gạo thường được nướng qua trước khi bỏ vào súp thì ở vùng Kansai, nước dùng sẽ có màu trắng và những miếng bánh gạo có hình tròn. Với thành phần không thể thiếu là bánh gạo, món ăn này cũng là biểu tượng cho một cuộc sống mạnh khỏe và trường thọ.      

Bánh gạo mochi 餅 hay もち chính là một món ăn rất được yêu thích ở Nhật Bản vào những dịp lễ đặc biệt là dịp Tết. Trong văn hóa Nhật, từng hạt gạo đều rất quý giá và được trân trọng. Người dân xứ sở hoa anh đào tin rằng “linh hồn” của gạo sẽ đem đến cho họ sức mạnh dẻo dai và nhiều may mắn. Có rất nhiều cách để thưởng thức mochi vào dịp Tết, ngoài món ozoni, người Nhật còn ăn oshiruko お汁粉 hay còn gọi là zenzai ぜんざい: bánh gạo cùng súp đậu đỏ ngọt như một món tráng miệng, món isobeyaki 磯辺焼き: bánh gạo rán (hoặc nướng) cuốn rong biển hay kinako và anko mochi あんこ餅ときな粉餅: bánh gạo đậu đỏ và bột đậu, món mochi truyền thống được ưa chuộng mọi thời đại.

4. Chương trình Kouhaku Uta Gassen
Nếu như tiết mục Táo Quân là “đặc sản” không thể thiếu của mỗi gia đình Việt Nam khi cả gia nhà quây quần bên nhau trong đêm giao thừa, thì người Nhật Bản cũng có một chương trình âm nhạc được đông đảo người dân đón đợi, họ thường ăn cam và cùng nhau ngồi xem, đó chính là Kouhaku Uta Gassen (được gọi đơn giản là Kouhaku). Đây là một chương trình âm nhạc thường niên phát sóng vào dịp cuối năm trên cả TV lẫn radio với thời lượng bốn tiếng rưỡi được sản xuất bởi đài truyền hình Nhật Bản NHK.

Chương trình quy tụ các nghệ sỹ âm nhạc nổi tiếng của ngành giải trí ở Nhật Bản và chia thành các đội đỏ và trắng để cạnh tranh với nhau. Đội đỏ hay còn gọi là akagumi (赤組, 紅組) sẽ bao gồm các nghệ sĩ nữ hoặc nhóm nhạc nữ; đội trắng hay còn gọi là shirogumi (白組) sẽ bao gồm các nghệ sĩ nam hoặc nhóm nhạc nam. Trường hợp một nhóm nhạc có cả nam và nữ thì đội của họ sẽ được quyết định bằng giới tính của thành viên hát chính. Cả hai đội sẽ thay phiên nhau biểu diễn liên tục nhằm chiếm được trái tim khán giả cũng như lượt bầu chọn để giành chiến thắng.

Vào cuối chương trình, ban giám khảo và khán giả sẽ bỏ phiếu để quyết định đội thắng cuộc. Giám khảo cũng là những nghệ sĩ kỳ cựu và nổi tiếng của Nhật Bản, nhiệm vụ của họ là đưa ra ý kiến về chương trình và phần thi của các đội. Có nhiều hình thức để khán giả bình chọn như bỏ phiếu trực tiếp ở khán đài, trên mạng internet hay qua điện thoại di động. Đội thắng cuộc sẽ nhận được một chiếc cúp và lá cờ chiến thắng. Tính tới chương trình Kouhaku năm 2017, đội trắng đã giành được chiến thắng thứ 37 trong số 68 cuộc thi.

Kouhaku có quy mô rất lớn và được đầu tư công phu về mọi mặt. Đây không chỉ là sân chơi của những nghệ sĩ, ban nhạc trẻ nổi tiếng mà còn có cả những tên tuổi gạo cội của showbiz Nhật Bản. Chính nhờ sự giao thoa âm nhạc này đã khiến đông đảo tầng lớp người dân Nhật Bản trở thành khán giả trung thành của Kouhaku. Đây là một chương trình không thể bỏ qua đối với những người yêu thích văn hóa Nhật Bản.

5. 108 tiếng chuông đêm giao thừa
Vào nửa đêm ngày 31 tháng 12, người Nhật chào đón năm mới bằng 108 tiếng chuông gọi là Joya no Kane ( 除夜の鐘 ) diễn ra tại các ngôi chùa. Người ta bắt đầu đánh chuông từ buổi tối và kết thúc ngay khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Chữ Jo 除 có nghĩa là “vứt bỏ cái cũ và tiến đến những điều mới”, còn Ya 夜 nghĩa là “buổi đêm”. Vậy nên Joya có nghĩa là một buổi đêm để từ bỏ con người cũ của chính mình và khởi đầu một năm mới với quyết tâm và sự thanh thản.


Đánh chuông vào đêm giao thừa ở chùa Chion-in


Tại sao người Nhật lại chọn số 108? 108 là con số thiêng liêng trong nhiều tôn giáo vì có nhiều ý nghĩa và điều trùng hợp xảy ra liên quan đến con số này. Rimban Toyokazu Hagio giải thích [108 = 6 x 3 x 2 x 3] mà trong đó “6” tượng trưng cho 6 giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác và trực giác; số “3” là số lượng các mức độ cảm giác: tốt, xấu và trung lập; “2” là sự gắn bó với niềm vui: gắn bó hoặc không gắn bó; số “3” cuối cùng đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo Phật giáo, con người có 108 ham mê và sự tham lam gọi là Bonnou mà sẽ kéo chúng ta vào vòng đau khổ. Vì vậy, mỗi tiếng chuông sẽ giúp chúng ta được thanh lọc khỏi một sự oán giận hoặc đau khổ tích lũy trong năm qua. Một cách lý giải khác về 108 tiếng chuông là Shiku Hakku 四苦八苦. Theo Shiku Hakku, con người có 8 nỗi khổ không thể tránh được trong cuộc đời họ, như bệnh tật và cái chết. Trong tiếng Nhật, Shi 四 là 4, ku 苦 đồng âm với ku 九 là số 9 và hachi 八 là 8. Vậy nên [108 = 4 x 9 + 8 x 9]. 108 tiếng chuông rung lên để trừ bỏ 8 nỗi khổ ở trên.

Một số chùa mời người dân tới tham gia đánh chuông nhưng bạn sẽ phải xếp hàng từ sớm để được trở thành một trong những người may mắn đó. Có những chùa bắt đầu sau 10 giờ hoặc 11 giờ tối giao thừa nên hãy lên kế hoạch đi chùa cùng người nhà và bạn bè từ sớm hơn nữa nhé!

6. Pháo hoa và lễ đếm ngược tới giao thừa
Thông thường, đêm giao thừa sẽ là khoảng thời gian để mọi người trong gia đình sum vầy ở nhà nhưng cũng có nhiều người thích thưởng thức không khí náo nhiệt khi đếm ngược sang năm mới tại những địa điểm đông người ở các thành phố lớn.

Đêm giao thừa ở các thành phố lớn không thể thiếu màu sắc rực rỡ và tiếng nổ rộn ràng của pháo hoa. Dưới đây là các địa điểm tổ chức đếm ngược và ngắm pháo hoa nổi tiếng nhất ở Nhật.

Thủy cung Yokohama Hakkeijima Sea Paradise: Hàng năm, ở đây diễn ra lễ hội Happy Island Countdown với 3000 bông pháo được bắn lên không trung kèm theo chương trình âm nhạc. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được thưởng thức màn biểu diễn của cá heo và các màn trình diễn khác xuyên suốt đêm.
Địa chỉ: Yokohama Hakkeijima Sea Paradise, Kanazawa, Yokohama, Kanagawa
Thời gian diễn ra: 19:00 tối 31/12 đến 8:00 sáng 1/1
Điện thoại: 045-788-8888
Chi phí: 3,500 yên/người

Tokyo Disneyland & Tokyo DisneySea: Nếu kiếm được chiếc vé để tham dự lễ hội đếm ngược tại công viên giải trí hàng đầu của Nhật thì xin chúc mừng vì bạn là một trong những người may mắn nhất được chọn vào tham gia countdown ở Magic Kingdom. Lễ hội pháo hoa ở đây nổi tiếng với hình thù đa dạng và đặc sắc mà chắc chắn bạn không bao giờ có thể quên được.
Địa chỉ: Tokyo Disney Resort, 1-1 Maihama, Urayasu, Chiba
Thời gian diễn ra: 20:00 tối 31/12 đến 22:00 tối 1/1
Chi phí: 9,700 yên/người


Lễ hội pháo hoa ở Tokyo Disneyland


Nagashima Spa Land: Đến với công viên giải trí này, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những màn pháo hoa tuyệt đỉnh cùng với buổi hòa nhạc do các nhạc sĩ nổi tiếng trình diễn. Khu nghỉ dưỡng nằm gần Nagoya, Kyoto và Osaka nên phù hợp cho những người sinh sống hoặc đang đi du lịch ở vùng Kansai.
Địa chỉ: 333 Nagashimachō Urayasu, Kuwana-shi, Mie-ken
Thời gian diễn ra: 20:00 ngày 31/12 tới 3:00 sáng 1/1
Điện thoại: 0594-45-1111
Chi phí: 5,500 yên/người

Huis Ten Bosch: Chương trình đêm giao thừa ở đây gồm âm nhạc do các nhạc sĩ khách mời biểu diễn và màn trình diễn pháo hoa hoành tráng lên tới hàng ngàn bông pháo.
Địa chỉ: 1-1 Huis Ten Bosch Machi, Sasebo, Nagasaki
Thời gian diễn ra: 8:00 sáng 31/12 đến khoảng 4:00 sáng 1/1
Điện thoại: 0570-064-110
Chi phí: ~ 10,000 yên/người

Universal Studios Japan: Tại công viên giải trí lớn nhất vùng Kansai này, vào đêm giao thừa, người ta sẽ tổ chức bắn hơn 3000 bông pháo hoa cùng với lễ hội âm thanh và ánh sáng cực kỳ tráng lệ. Trong khung cảnh những tòa lâu đài với kiến trúc xinh đẹp của công viên, đêm giao thừa tại công viên USJ nhất định sẽ trở thành một kỉ niệm khó quên trong chuyến du lịch của bạn.
Địa chỉ: Universal Studios Japan, 2 Chome-1-33 Sakurajima, Konohana-ku, Osaka
Thời gian diễn ra: 19:00 tối 31/12 đến 2:00 sáng 1/1
Chi phí: 12,800 yên/người

7. Đi lễ đầu năm hatsumode
Hatsumode 初詣 là việc đi lễ chùa trong ba ngày đầu năm để cầu cho một năm mới phúc lộc an lành. Ngoài ra, người ta cũng gọi phong tục chào đón năm mới này là toshikomori 年こもり hay hatsumairi 初参り. Vậy lễ chùa đầu năm ở Nhật có gì khác với ở Việt Nam và các quốc gia châu Á khác? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua nội dung chi tiết dưới đây nhé!

Vào đêm giao thừa, hàng ngàn người mà chủ yếu là người trẻ kéo nhau đến tụ tập quanh khu vực mà mình muốn viếng. Tất cả đều chờ đợi đến giây phút chuyển mình của năm mới, được tung những đồng xu và cầu chúc một năm mới thật nhiều may mắn cho mọi người. Đây cũng là dịp để người dân Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ và bé gái, mặc wafuku 和服 (tức kimono truyền thống) thật đẹp để tỏ lòng thành kính đối với các vị thần/phật.  

Trước khi cúng dường hay cầu nguyện, tất cả mọi người đều phải tự thanh tẩy cho cơ thể và tâm trí của mình bằng cách lần lượt ghé vào gian gọi là chouzuya 手水舎 để rửa miệng và tay chân. Để cầu nguyện tại một ngôi đền, trước tiên bạn phải rung chuông (nếu có), sau đó đặt một đồng xu vào hòm công đức rồi tuân theo quy tắc cúi chào hai lần, vỗ tay hai lần, cầu nguyện và cúi chào. Còn ở chùa, bạn phải cúi chào trước mới được rung chuông, bỏ tiền vào hòm rồi cầu nguyện với hai bàn tay đặt trước ngực.


Đi lễ đầu năm hatsumode vào đêm giao thừa (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Với hatsumode, mọi người sẽ cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới và xin một thẻ omikuji 御神籤 - thẻ vận may chỉ với 100 - 200 yên. Trong đền thờ, có một góc để các hộp gỗ chứa thẻ ghi số. Bạn sẽ phải lắc hộp cho tới khi một thanh gỗ rơi ra ngoài. Bạn lấy quẻ của mình từ hộp đựng omikuji có con số tương tự với số ghi trên thanh gỗ. Có bảy loại quẻ là Daikichi (đại cát), Kichi (cát), Chukichi (trung cát), Shokichi (tiểu cát), Suekichi (vô cát), Kyo (hung) và Daikyo (đại hung). Nếu như omikuji dự đoán những điều không lành thì bạn có thể buộc nó vào một nhánh cây hoặc ở khu vực được chỉ định để những điều không may mắn sẽ ở lại và xin một quẻ khác. Omikuji không chỉ được coi là một thẻ bói mà nó còn được coi là một lời khuyên hay một chiếc la bàn của số phận để cung cấp cho bạn những gợi ý nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu bạn thực sự quyết tâm muốn thành công một điều gì đó trong tương lai, bạn có thể mua một ema 絵馬. Ema không chỉ là phong tục mà còn là một thứ chạm đến cả đời sống tâm hồn của người Nhật. Đó là tấm gỗ mà bạn có thể viết lên đó những dự định hoặc hy vọng của mình trong năm tới. Khi viết điều ước lên ema và thành tâm treo tại đền thờ thì thần linh sẽ thấu được những nguyện ước đó và biến chúng thành sự thực.


Bảng gỗ ghi điều ước được treo tại đền thờ (nguồn ảnh: pixabay.com)


Ngoài ra, bạn có thể mua omamori お守り - bùa may mắn. Omamori là chiếc bùa may mắn của Nhật Bản với nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau và mang các loại may mắn khác nhau (tình cảm, công danh, tiền bạc, học hành,...). Bạn phải giữ chúng trong ví hoặc túi của bạn trong một năm sau đó sẽ được đổi vào hatsumode của năm tiếp và những chiếc omamori ở năm cũ sẽ được gửi tại đền chùa để cầu nguyện và đốt. Bạn cũng nên mua một chiếc omamori cho bạn bè hay người thân để lan tỏa sự may mắn và hạnh phúc.

8. Ngắm bình minh năm mới hatsuhinode
Ở Nhật, thực hiện việc gì đó lần đầu tiên trong năm sẽ có thêm từ “hatsu” gắn liền (có nghĩa là “lần đầu tiên”), hatsugama là buổi trà đạo đầu tiên và chuyến thăm đầu tiên đến đền thờ là hatsumode. Người Nhật chú trọng tất cả những hành động đầu tiên này bởi nó sẽ đem lại cho bạn sự khởi đầu của một năm mới may mắn. Nhật Bản nằm ở phía tây Thái Bình Dương nên người dân được đón chào năm mới sớm hơn phần lớn các nước còn lại trên thế giới. Cùng người thân và bạn bè ngắm vẻ đẹp của ánh bình minh lóe lên từ phía đường chân trời vào ngày đầu tiên của năm được gọi là hatsuhinode (初日の出).

Ngắm bình minh đầu tiên dịp năm mới ngày 1 tháng 1 là một phong tục truyền thống lâu đời của người Nhật. Thời khắc mặt trời bắt đầu ló rạng, họ sẽ gửi vào đó những nguyện ước về một năm mới bình an, hạnh phúc, sự may mắn cho mình và người thân. Họ quan niệm vị thần Toshigami sẽ xuất hiện cùng với mặt trời, Toshigami được xem như vị thần của năm mới và đại diện cho linh hồn của tổ tiên. Khi ánh bình minh chiếu sáng cũng là lúc mà vị thần này sẽ ban phát sức khỏe và hạnh phúc cho mọi thành viên trong gia đình. Khách du lịch cần lưu ý là các cửa hàng sẽ đóng cửa vào ngày này, bởi đây là ngày mọi người quây quần lại và đón mừng năm mới.


Ngắm bình minh hatsuhinode vào ngày đầu năm mới (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Bạn có thể ngắm hatsuhinode tại đài quan sát Tokyo Skytree hoặc tại Tòa thị Chính Tokyo, tuy nhiên hoạt động này lại giới hạn số người tham gia (chỉ khoảng 600 người), những người may mắn này đã được lựa chọn bằng kết quả xổ số kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ tuần thứ ba của tháng 11. Tuy nhiên nếu không may mắn được chọn, vẫn còn rất nhiều địa điểm ngắm bình minh cực kì lý tưởng, việc ngắm nhìn mặt trời mọc khi đang đỗ xe trên các ngọn núi hoặc cùng người thân tận hưởng những giây phút ánh nắng chan hòa tại hồ hay bên bờ biển cũng thú vị không kém. Đặc biệt, được nhìn mặt trời mọc trên núi Phú Sĩ là một trải nghiệm vô cùng ngoạn mục, bạn có thể tận mắt chứng kiến cảnh mặt trời mọc lên từ những đám mây.

Ngay cả khi bạn đang không ở Nhật, hãy thử một lần tham gia nghi thức ngắm bình minh năm mới hatsuhinode. Thức dậy sớm và bắt đầu năm mới của bạn bằng cách gửi gắm những hy vọng, mong ước cho gia đình và bản thân khi ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện nhé.

9. Tặng thiệp mừng năm mới nengajo
Nếu trong lễ Giáng sinh, người phương Tây thường gửi thiệp chúc mừng cho nhau thì trong dịp năm mới, người dân Nhật Bản có truyền thống dành tặng những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau qua chiếc thiệp nengajo 年賀状. Ngày nay, mọi người thường viết trên bưu thiếp nên người ta cũng hay dùng từ nenga-hagaki 年賀はがき.

Truyền thống viết thiệp mừng năm mới bắt nguồn từ thời Heian khi giới quý tộc bắt đầu viết thư gửi cho những người thân quen sống ở xa. Khi dịch vụ bưu điện của Nhật Bản bắt đầu phát hành bưu thiếp vào năm 1871, việc gửi thiệp mừng năm mới trở thành truyền thống vào dịp Oshougatsu. Mặc dù gần đây, thư điện tử và tin nhắn trên các ứng dụng đã làm giảm lượng bưu thiếp năm mới nhưng số lượng thiệp được gửi đi vào đầu năm vẫn là một con số khổng lồ, lên tới hàng tỷ tấm thiệp.

Thông thường, người Nhật sẽ gửi thiệp để bày tỏ lòng biết ơn với họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp - những người đã giúp đỡ mình trong suốt năm vừa rồi. Ngoài ra, đây cũng là cách để giữ liên lạc với những người bạn đã lâu không gặp. Nếu bạn nhận thiệp từ một người mà trước đó bạn không gửi thiệp thì bạn nên hồi đáp cho họ. Bạn nên lưu ý là không gửi thiệp cho những người mà trong gia đình họ có người đã mất trong năm vừa qua.

Vậy người Nhật viết gì trên nengajo? Giống với bưu thiếp ở Việt Nam, bạn sẽ điền trên nengajo các thông tin cơ bản như tên và địa chỉ người nhận, địa chỉ người gửi. Nếu bạn gửi cho cả một gia đình thì bạn có thể viết họ một lần rồi điền tên riêng của mỗi thành viên trong gia đình đó kèm với từ sama 様. Những lời chúc phổ biến được viết trên bưu thiếp sẽ là:
明けましておめでとうございます (Akemashite omedetou gozaimasu): Chúc mừng năm mới
新年おめでとうございます (Shinnen omedeto gozaimasu): Chúc mừng năm mới
謹賀新年 (Kinga Shinnen): Chúc mừng năm mới
昨年はお世話になりました。今年もよろしくお願いします (Sakunen wa o-sewa ni narimashita. Kotoshi mo yoroshiku onegaishimasu): Cảm ơn vì sự giúp đỡ trong năm vừa qua. Năm tới cũng hãy giúp đỡ tôi nhé!
Nhiều người trang trí thiệp bằng ảnh gia đình hoặc ảnh cưới. Bưu thiếp thường in hình con giáp đại diện cho năm đó, ví dụ như năm 2018 là con chó, năm 2019 là lợn.

Để bưu thiếp được gửi đúng vào đầu năm, bưu điện Nhật bắt đầu nhận thiệp từ giữa tháng 12. Thông thường, mọi người sẽ bắt đầu gửi từ ngày 25/12 để bưu thiếp kịp đến vào ngày 1/1. Thời điểm bưu thiếp tới nên rơi vào trước ngày 3/1 vì đây là ngày cuối cùng trong dịp nghỉ lễ đầu năm.  

10. Thử vận may với fukubukuro
Fukubukuro 福袋 hay còn gọi là túi vận may là một trong những phong tục rất độc đáo và thú vị được nhiều người yêu thích vào dịp năm mới ở Nhật Bản. Fuku 福 có nghĩa là vận may, may mắn còn fukuro 袋 có nghĩa là túi, sau khi biến âm là bukuro, ghép lại fukubukuro chính là túi may mắn. Trong ngày đầu năm, các cửa hàng ở Nhật Bản sẽ chuẩn bị những chiếc túi bên trong là rất nhiều các món đồ, vật phẩm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên sau đó bán chúng với mức giá rẻ hơn nhiều lần so với giá gốc. Theo truyền thống, người mua hàng không được nhìn những món đồ bên trong túi, mà chỉ biết một số thông tin qua mô tả đính kèm ở bên ngoài, nếu may mắn, họ có thể sẽ mua được nhiều món đồ mình yêu thích với giá vô cùng hời.

Fukubukuro ra đời lần đầu tiên hơn 100 năm trước, cuối thời kỳ Meiji, bắt đầu từ cửa hàng bách hóa Matsuya ở Ginza sau đó lan rộng ra khắp đất nước Nhật Bản và trở thành một nét văn hóa đặc biệt mỗi dịp Tết đến. Túi vận may fukubukuro được liên tưởng đến chiếc túi thần kì mà Daikokuten - 大黒天, vị thần của sự giàu có và vụ mùa bội thu, một trong Phúc Thất Thần của văn hóa dân gian Nhật Bản, luôn mang theo mình. Vì vậy vào dịp đầu năm, người Nhật rất háo hức và mong chờ sự kiện mua sắm những chiếc túi vận may, họ xem đây chính là một cách để tự mình rinh về những may mắn, tài lộc cho năm mới.

Ngày nay, fukubukuro rất phổ biến và được ưa chuộng ở Nhật. Không chỉ các nhãn hiệu thời trang, mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng, ăn uống mà đến cả các hãng đồ điện tử nổi tiếng như Apple cũng rất tích cực tổ chức các sự kiện mua sắm túi vận may vào dịp đầu năm cho khách hàng của mình. Rất nhiều người sẵn sàng xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng, trung tâm thương mại để chờ nhãn hiệu nổi tiếng mình yêu thích mở cửa và sở hữu một chiếc túi may mắn cho năm mới. Dù thu hút số lượng người mua hàng rất lớn nhưng các sự kiện fukubukuro ở Nhật Bản luôn rất văn minh và lịch sự, không bao giờ có cảnh chen lấn, xô đẩy, ồn ào. Theo truyền thống những món đồ bên trong fukubukuro phải được giữ bí mật, tuy nhiên để thuận lợi cho khách hàng hơn, nhiều thương hiệu ở Nhật đã tổ chức những sự kiện mua fukubukuro online và cho khách hàng xem trước những món đồ bên trong túi.

Những vật phẩm bên trong túi fukubukuro luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ và thú vị. Vì đây là một cách để thử vận may trong năm mới nên đừng buồn nếu chẳng may bạn không hài lòng với những món đồ mình mua được. Hãy suy nghĩ tích cực và chào đón năm mới trong một không khí thật vui vẻ!


Tag: Japan Oshougatsu

Bài viết liên quan