10 Lễ hội Kỳ lạ nhất Nhật Bản
Mục lục
1. Lễ hội khỏa thân Sominsai (蘇民祭)
2. Lễ hội "rượu sake" Dorome (どろめ祭り)
3. Lễ hội Onbashira (御柱祭)
4. Lễ hội "đội nồi" Nabe Kanmuri (鍋冠祭)
5. Lễ hội "bạo lực" Abare (あばれ祭り)
6. Lễ hội Hirakata no Doro Inkyo (平方のどろいんきょ)
7. Lễ hội "của quý" Kanamara (かなまら祭り)
8. Lễ hội tên lửa Ryusei Matsuri (龍勢祭り)
9. Lễ hội "ném bùn" Paantu (パーントゥプナハ)
10. Lễ hội "nguyền rủa" Akutai (悪態まつり)
Mỗi một quốc gia lại có một nền văn hóa riêng, và nền văn hóa ấy được biểu hiện qua những nét đặc trưng truyền thống, qua kiến trúc, tôn giáo và các lễ hội. Nhật Bản vốn được biết tới là một trong số quốc gia có nhiều lễ hội diễn ra quanh năm. Đến với từng lễ hội, chúng ta sẽ biết thêm về lịch sử, truyền thống, đặc trưng văn hóa riêng và có thêm nhiều trải nghiệm cũng như hiểu thêm về đất nước và con người nơi đây. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Có thể bạn chưa biết, có một số lễ hội địa phương được đánh giá khá “kỳ lạ” đối với du khách vì những phong tục và tập quán nghe có vẻ xa lạ mà chúng ta chưa hề nghĩ tới. Vậy trong bài viết lần này, hãy cùng khám phá 10 lễ hội kỳ lạ nhất Nhật Bản.
1. Lễ hội khỏa thân Sominsai (蘇民祭)
Sominsai được biết tới là lễ hội của những người đàn ông và lửa, nói ngắn gọn hơn thì đó chính là lễ hội khỏa thân. Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng thực chất, Sominsai đã có tuổi đời hơn 1000 năm và là một trong những lễ hội truyền thống và nổi tiếng nhất vùng Tohoku - nằm ở phía bắc Nhật Bản. Thường được tổ chức vào tháng 2 dương lịch, khi thời tiết còn rất giá lạnh, nhưng những người đàn ông tham dự chỉ được mặc fundoshi, tức là khố để đến thăm ngôi đền Kokuseki thuộc tỉnh Iwate.
Để kiểm tra sức chịu đựng và lòng thành của những người tham dự, họ phải mặc khố và đi bộ từ ngôi đền đến dòng sông Ruri Shubo đóng băng. Nhiệm vụ của người tham gia là phải dành được chiếc túi thiêng somin bukuro cho bản thân. Tương truyền rằng ai là người dành được chiếc túi thiêng, người đó sẽ được ban phước lành và được bảo vệ bởi các vị thần trong suốt một năm tới. Thực tế, lễ hội này chào đón tất cả ai muốn tham gia, nhưng cũng có những quy định như người tham dự không được ăn thịt, cá, trứng hoặc tỏi trong 1 tuần trước lễ hội.
Trang web: http://www.bunka.pref.iwate.jp/en/archive/ent130
2. Lễ hội "rượu sake" Dorome (どろめ祭り)
Chắc hẳn mọi người đã được nghe về các lễ hội bia nổi tiếng được diễn ra tại Đức hoặc Bỉ - nơi du khách có thể thưởng thức không giới hạn các loại bia tươi nguyên chất. Ở Nhật cũng vậy, nhưng đây không phải là lễ hội về bia mà là rượu sake truyền thống của đất nước.
Bên cạnh việc thưởng thức và nhâm nhi những hương vị rượu sake đặc trưng thì điều hấp dẫn nhất lễ hội có lẽ là cuộc thi uống rượu. Bạn có tự tin vào tửu lượng của mình không? Nếu có thì đừng ngần ngại đăng ký tham gia làm người chơi chính thức để thử thách bản thân nhé. Thể lệ cuộc thi rất đơn giản, 1,8 lít rượu được đựng trong những chiếc bát lớn sẽ dành cho nam còn bát chưa 0.9 lít sẽ dành cho nữ. Ai là người uống nhanh nhất sẽ là người chiến thắng. Người chiến thắng trong cuộc thi được tin rằng sẽ gặt hái được nhiều may mắn trong một năm sắp tới.
Trang web: https://www.city.kochi-konan.lg.jp/life/dtl.php?hdnKey=2679
3. Lễ hội Onbashira (御柱祭)
Onbashira là lễ hội chỉ tổ chức 7 năm một lần, vì vậy, mỗi lần tổ chức thì quy mô và sự mong đợi từ mọi người luôn luôn được chú trọng. Lễ hội Onbashira diễn ra trong sáu ngày liên tiếp và đã có tuổi đời hơn 1.200 năm.
Khi Onbashira được tổ chức, người dân trong thị trấn chặt 4 khúc gỗ lớn bằng tay với kích thước chiều dài lên tới 16m, chiều rộng 1m và trọng lượng khoảng 10 tấn. Những khúc gỗ thường được chặt trong rừng và người dân sẽ mang thủ công chúng đến đền thờ trong thị trấn bằng cách hợp sức kéo tay. Khi tới nơi, bốn khúc gỗ sẽ được dựng lên tại bốn góc trong đền thờ. Người ta tin rằng sinh khí của cả thị trấn sẽ được đổi mới, với trung tâm là ngôi đền. Kiotoshi” là hình ảnh những người đàn ông ngồi trên khúc cây khổng lồ và trượt xuống dốc thẳng đứng chính là điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Onbashira được chia làm hai phần chính: yamadashi và satobiki. Yamadashi là quá trình di chuyển các khúc gỗ xuống núi còn satobiki là quá trình dựng các khúc gỗ lên bốn góc trong đền.
Trang web: http://www.onbashira.jp/
4. Lễ hội "đội nồi" Nabe Kanmuri (鍋冠祭)
Được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 5 hàng năm, Nabe Kanmuri hay còn được gọi là lễ hội đội nồi ở tỉnh Shiga. Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng màn diễu hành của các bé gái trong độ tuổi từ 7 ~ 9 tuổi, mặc những bộ đồ Kimono màu đỏ và xanh lá đặc trưng - được gọi là những bộ đồ đi săn, đặc biệt hơn là các em đều đội những chiếc nồi đen to ở trên đầu.
Có khá nhiều truyền thuyết và câu chuyện của lễ hội đội nồi đầy thú vị này. Có người tin rằng từ xa xưa, người dân trong làng đã thực hiện những nghi lễ cổ truyền, trong đó có việc dâng và tế những loại thức ăn, thực phẩm ngon nhất dành cho các vị thần để cầu mong sự che chở và bảo hộ của các Ngài. Trong khi câu chuyện thứ hai lại bắt nguồn từ việc kiểm chứng sự trinh trắng của phụ nữ xưa, nếu chiếc nồi có thể được giữ và cân bằng trên đầu của một người phụ nữ, chứng tỏ họ vẫn là những người trinh trắng và ngược lại, nếu chiếc nồi rơi khỏi đầu người đội thì người phụ nó đó sẽ được cho là đánh mất sự trong sạch của mình.
Trang web: http://www.ex.biwa.ne.jp/~nabekama/
5. Lễ hội "bạo lực" Abare (あばれ祭り)
Bạo lực chắc chắn là điều mà bất cứ ai cũng không mong muốn xảy ra, thế mà vào tháng 7 hàng năm, một lễ hội bạo lực, hay còn có tên gọi khác là lễ hội bạo lực và lửa lại diễn ra tại đền Yasaka. Đây là một trong những sự kiện mùa hè được mong chờ và thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ du khách và người dân trong nước. Người ta nói rằng, khi bạn cháy hết mình trong lễ hội thì lòng thành của bạn đến với các vị Thần càng lớn và vì thế, sự hài lòng của các vị Thần sẽ càng cao.
Lễ hội Abare bắt đầu diễn ra từ hơn 350 năm trước, khi cả thị trấn bắt đầu bùng phát một loại bệnh nghiêm trọng. Người dân trong làng được khuyên là nên tổ chức một lễ hội thật lớn để cầu xin sự bảo vệ của các vị Thần. Kỳ lạ thay, sau khi lễ hội được tổ chức, căn bệnh bắt đầu có thể chữa khỏi, và đó cũng là lý do mà Abare vẫn được diễn ra hàng năm cho tới tận ngày nay.
Đúng như tên gọi của nó, lễ hội tràn ngập lửa và một bầu không khí sôi động. Lễ hội gồm hai phần bao gồm việc phá hủy 40 chiếc kiriko - đèn lồng lớn có chiều cao từ 7m trở lên và 2 chiếc mikoshi - những đền thờ di động bằng cách đốt cháy chúng và thả xuống dòng sông. Hàng loạt các ngọn lửa lớn được bùng lên, càng tạo cảm giác hưng phấn cho những người tham gia. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi nghe thấy những tiếng trống dồn dập, tiếng la hét và cổ vũ lớn. Trong khi đốt cháy những đồ vật, người dân sẽ cùng đổ rượu sake lên chúng trước khi thả xuống sông.
Trang web: https://www.hot-ishikawa.jp/kiriko/en/kiriko/abare.php
6. Lễ hội Hirakata no Doro Inkyo (平方のどろいんきょ)
Đây là một lễ hội khá đặc biệt của người dân thị trấn Ageo tại tỉnh Saitama khi tháng 7 đến. Hay chúng ta có thể ví von gọi đây là lễ hội tắm bùn vì những người tham dự sẽ có màn tắm bùn vô cùng thú vị.
Những người đàn ông trong làng sẽ chỉ mặc chiếc quần đùi - hay còn gọi là quần đùi tã và rước kiệu đến thăm nhà các giáo dân. Sau đó, tất cả mọi người, kể cả những chiếc kiệu di động sẽ cùng nhau tắm bùn và tham gia các hoạt động ngay dưới lớp bùn. Điều này được cho là sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người tham gia. Lễ hội Hirakata no Doro Inkyo đã được công nhận là tài sản văn hóa dân gian vào năm 1982 và trao danh hiệu văn hóa phi vật thể của tỉnh Saitama năm 2011.
Trang web: http://www.pref.saitama.lg.jp/chokotabi-saitama/eng/spot/sp397.html
7. Lễ hội "của quý" Kanamara (かなまら祭り)
Lễ hội khá “kỳ quặc” và nghe có vẻ “điên rồ” với một số du khách - Lễ hội "của quý" Kanamara diễn ra tại đền Kanayama ở Kawasaki. Thực chất, ý nghĩa của lễ hội để cầu mong con cái và sự thịnh vượng qua các thế hệ con cháu. Điều đặc biệt nhất là du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc kiệu di động có một không hai - với tạo hình giống với dương vật của đàn ông sẽ được diễu hành qua khắp các con phố.
Trong những năm gần đây, lễ hội đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và than gia của nhiều du khách nước ngoài và càng trở nên nổi tiếng hơn. Ai cũng háo hức và tò mò để ngắm nhìn những chiếc kiệu đặc biệt và tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Lễ hội được cho là bắt nguồn từ thời Edo, để cầu nguyện cho các Meshimori onna (飯盛女) - những cô gái hành nghề mại dâm trong các quán trọ thường có hoàn cảnh và số phận éo le.
8. Lễ hội tên lửa Ryusei Matsuri (龍勢祭り)
Hàng năm, vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 10 ở Chichibu, tỉnh Saitama, có một lễ hội ném tên lửa với hơn 400 năm truyền thống - Lễ hội tên lửa Ryusei Matsuri.Ryusei Matsuri đã được tổ chức hơn 400 năm qua, với các đội chơi bao gồm 27 trường học địa phương phóng tên lửa bằng tre và gỗ thông lên trời cao theo nghi thức của Thần đạo.
Mỗi tên lửa là thành quả của hai năm làm việc chăm chỉ và thể hiện đặc điểm độc đáo của mỗi trường bằng cách thêm vào những chiếc ô giấy nhỏ, pháo hoa và dù, được gọi là shimono. Người ta nói rằng tên lửa có thể đạt độ cao lên tới hơn 300 ~ 500m.
9. Lễ hội "ném bùn" Paantu (パーントゥプナハ)
Paantsu là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức ba lần một năm, tại hòn đảo Miyakojima thuộc tỉnh Okinawa. Nhưng lễ hội quy mô và hoành tráng nhất phải là khi tháng 10 và tháng 11. Chắc hẳn mọi người đang nghĩ lễ hội ném bùn sẽ là dịp mà mọi người cùng nhau chơi đùa và ném bùn cho nhau.
Điều này đúng nhưng chưa đủ đâu. Điều đặc biệt nhất của lễ hội là sẽ có ba người đàn ông hóa trang thành Paantsu - những linh hồn ma quỷ bị bùn và lá che phủ khắp người, với trọng trách xua đuổi quái vật và ngăn cản những điều xấu xảy đến với ngôi làng. Nhiệm vụ của những người đàn ông này là sẽ đi xung quanh lễ hội, đuổi theo các bạn nhỏ hoặc du khách và ném bùn vào mọi người. Có thể lúc đầu khi chưa quen thì mọi người thường có cảm giác sợ hãi, nhưng theo quan niệm của người Nhật, khi bạn được chạm vào Paantsu, điều đó có nghĩa là may mắn sẽ đến với bạn. Mặc dù với các bạn nhỏ, việc bị bắt và ném bùn vào người bởi các Paantsu quả thực không phải là một nhiệm vụ đơn giản.
Trang web: http://www.churashima.net/shima/miyako/pantoo/
10. Lễ hội "nguyền rủa" Akutai (悪態まつり)
Đối với bất kỳ một quốc gia nào, việc nguyền rủa là một hành động vô cùng độc ác bởi điều đó mang sự thù hằn và hiềm khích. Nhưng thật kỳ lạ vì ở tỉnh Ibaraki, vào tháng 12 hàng năm lại có một lễ hội nguyền rủa Akutai.
Khi tham gia vào lễ hội đặc biệt này, bất kỳ ai cũng được khuyến khích việc chửi bới, thậm chí là nguyền rủa với 13 nhà sư hóa trang thành tengu - quỷ mũi dài. Lý giải về lễ hội này, người Nhật xem đây là cách để giải tỏa căng thẳng của mình bằng cách gào, chửi bới thật to những điều không thoải mái bấy lâu nay mọi người đã giữ trong lòng. Thậm chí, ai chửi to nhất, nguyền rủa lớn nhất sẽ nhận được giải thưởng từ lễ hội. Trong đền thờ Atago, ai là người khỏe khoắn và linh hoạt nhất, đoạt được chiếc chiếu từ tay đám đông sẽ là người gặp nhiều may mắn trong năm tới.
Trang web: https://www.city.kasama.lg.jp/page/page000154.html
Vậy là chúng ta đã cùng khám phá 10 lễ hội được coi là kỳ lạ nhất mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Lễ hội nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho mọi người? Thông qua các lễ hội đó, mọi người có thể hiểu thêm về ý nghĩa, những nét văn hóa đặc biệt và cả một câu chuyện lịch sử đằng sau chúng. Hy vọng du khách sẽ có một chuyến tham quan khám phá đất nước mặt trời mọc đầy thú vị với nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhé!
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ