Truyền thống
Văn hóa

Tìm hiểu về Hương đạo Nhật Bản

Mục lục
1. "Hương đạo" là gì?
2. Lịch sử của hương Nhật Bản
3. Hương Nhật được sản xuất như thế nào?
4. Hương Nhật Bản được dùng như thế nào?
5. Các loại hương chính
6. Những địa điểm mua hương ở Nhật



Hương đạo được coi là một trong những loại hình văn hóa truyền thống của Nhật Bản đã tồn tại trong suốt hơn 500 năm qua. Tuy nhiên, nếu so sánh với các loại hình văn hóa khác như trà đạo, thư đạo hay nghệ thuật cắm hoa thì hương đạo được khá ít người biết đến, thậm chí là cả người Nhật cũng vậy. Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vẻ đẹp, thước đo chiều sâu văn hóa của xứ sở Phù Tang - Hương đạo.



1. "Hương đạo" là gì?

“Hương” chắc chắn không phải là cái tên xa lạ gì đối với các nước Châu Á, đặc biệt là các quốc gia theo đạo Phật. Hương đạo chính là nghệ thuật thưởng thức hương trầm của người Nhật Bản, đây cũng là môn nghệ thuật được đánh giá cao về sự tao nhã, thanh lịch, kiên nhẫn của những thưởng thức. Không phải ai cũng có đủ các tố chất để cảm nhận được hương đạo vì nó đòi hỏi một khả năng khứu giác tinh tế, sự tập trung cao độ cũng như khả năng phân tích và trí nhớ nhạy bén.



©kungyokudo


Từ thời xa xưa, hương được làm bằng các nguyên liệu có mùi thơm tự nhiên như vỏ tre, thảo mộc, để khi đốt lên, chúng tỏa ra các làn khói mang những hương thơm lan tỏa khắp không gian. Trong tiếng Nhật, hương được gọi là Ko(香) - cũng có nghĩa là mùi hương(香り) hoặc hương thơm.



Hương đạo thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi được du nhập vào Nhật Bản vào năm 552 và ngay lập tức trở nên phổ biến với người dân nơi đây. Vì vậy mà việc sản xuất và chế tạo ra hương cũng dần phát triển theo. Các nghệ nhân đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết để điều chế các loại hương mang hương thơm và mùi hương đặc trưng riêng. Ngày nay, bằng việc kết hợp các kỹ thuật truyền thống với máy móc hiện đại, một ngành công nghiệp hương đạo đã ra đời và phát triển để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu thiên nhiên.



2. Lịch sử của hương Nhật Bản

Việc sử dụng gỗ trầm hương của người dân “đất nước mặt trời mọc” đã được ghi chép lại trong Nihon Shoki - cuốn sách cổ thứ hai về các sự kiện lịch sử cổ đại Nhật Bản. Theo đó, hương được sử dụng lần đầu tiên vào khoảng năm 595 sau công nguyên, trong thời gian trị vì của hoàng hậu Suiko và hoàng tử Shutoku - hay còn được biết tới là “Hoàng tử linh mục” bởi sự sùng kính với đạo Phật. Từ thời xưa, hương trầm đã được sử dụng trong một số nghi lễ Phật giáo tại Trung Quốc với mục đích tẩy rửa và làm thanh tịnh không gian nơi diễn ra các nghi lễ. Cho tới khi đạo Phật lan tỏa rộng rãi và trở thành một trong những tín ngưỡng và tôn giáo của người dân Nhật Bản thì hương đạo cũng trở nên phổ biến hơn, thậm chí, không chỉ được sử dụng tại những nơi linh thiêng như đền hoặc chùa, hương còn được đốt trong nhà, chủ yếu là những thành viên thuộc triều đình.


Hương đạo thậm chí còn được nhắc tới trong câu chuyện về Genji - một tác phẩm kinh điển của Nhật Bản mô tả về cuộc sống của người dân nơi đây trong thời kỳ Heian (794 - 1185 sau công nguyên). Một trò chơi khá nổi tiếng được mô tả trong cuốn tiểu thuyết là khi các nhân vật cố gắng đoán tên loại hương được đốt thông qua hương thơm của chúng. Sau đó, hương đạo phổ biến đến mức chúng trở thành một phần không thể thiếu trong của hồi môn của các gia đình lãnh chúa phong kiến - Daimyo.


Trong thời kỳ trung cổ (1185 - 1603) đã đánh dấu bước nhảy vọt và phổ biến rộng khắp của hương đạo. Vào thế kỷ thứ 14, các chiến binh samurai sử dụng hương để thanh lọc các bộ đồ chiến như áo giáp, mũ đội đầu với hy vọng rằng chúng sẽ bảo vệ và khiến họ “bất khả chiến bại” trong các trận chiến. Trong thế kỷ 15 - 16, các tầng lớp trung lưu và thượng lưu rất ưa chuộng chúng được sử dụng nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày của người dân.


Khi nghệ thuật sơn mài ra đời và phát triển, đó cũng là lúc mà người dân xứ sở Phù Tang kết hợp hai loại hình nghệ thuật độc đáo này với nhau. Những dụng cụ phục vụ cho việc thưởng thức hương đạo được chế tác tinh xảo, thậm chí còn được mạ vàng để tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Đây cũng chính là thời điểm mà người ta coi hương đạo như là “đối thủ” của trà đạo.


Thời kỳ Edo (1603 - 1868) và Meiji (1868 - 1912), hương đạo dần trở nên yếu thế hơn. Mãi tới đầu thế kỷ 20, khi Kito Yujiro - một bậc thầy về hương đạo đã khôi phục và vực dậy loại hình nghệ thuật này bằng cách kết hợp các kỹ thuật truyền thống với những mùi hương đặc trưng, hiện đại của văn hóa phương Tây, nhằm đưa hương đạo trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với người dân.


3. Hương Nhật được sản xuất như thế nào?

Nguyên liệu chủ yếu để làm ra hương Nhật là gỗ đàn hương, trầm hương, nhựa hoặc tinh dầu. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là gỗ trầm hương hoặc đàn hương vì chúng tiết ra một loại nhựa cây có thể chiết suất được loại tinh dầu thơm có giá trị cao.



©nipponkodo


Một số loại hương đặc biệt được chiết suất hoàn toàn từ nguồn gốc thực vật để tạo ra những hương thơm đặc trưng của tự nhiên, trong khi thì hầu hết đều được thêm tinh dầu thơm hoặc thuốc nhuộm đã được Hiệp hội nước hoa quốc tế (IFRA) chứng nhận về độ an toàn cho người sử dụng. Trên thực tế, để cung cấp đủ các nguyên liệu tự nhiên từ thực vật như các loại gỗ thơm, thảo mộc để sản xuất hương là rất khó vì chúng đang dần trở nên cạn kiệt, chính vì vậy mà giá thành sản xuất và chế tạo các loại hương tự nhiên sẽ rất cao.



©nipponkodo


Sau khi trộn các nguyên liệu với nước, chúng ta có một hỗn hợp sệt như đất sét - được gọi là makko. Đây cũng là giai đoạn thể hiện khả năng khéo léo của những người thợ khi họ phải tạo hình thành những que hương mỏng hoặc hình nón cuộn. Trong quá trình tạo hình, không nên để chúng tiếp xúc với nước mà phải đặt ở nơi thoáng mát, khô ráo. Hương sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ yếu tố thời tiết, độ ẩm và nhiệt độ trong nhà máy trước khi được đóng gói và tiêu thụ trên thị trường. Phải là những người thợ và nghệ nhân dày kinh nghiệm mới có thể hiểu và nắm rõ được quá trình làm hương, từ khâu trộn nguyên liệu với tỷ lệ sao cho đúng cho tới khâu chưng cất và bảo quản sản phẩm.


4. Hương Nhật Bản được dùng như thế nào?

Hương vốn được sử dụng tại các đền, chùa, những nơi linh thiêng với công dụng thanh lọc không gian, mang  lại cảm giác bình yên và thanh thản cho những người tới cầu nguyện. Không giống như một số quốc gia khác, hương Nhật Bản còn được sử dụng với nhiều mục đích và công dụng khác nữa. Trong quá khứ, người dân Nhật Bản đốt hương để khử trùng không gian trong nhà hoặc có công dụng như thuốc chống côn trùng. Từ các linh mục cho tới các chiến binh samurai lại dùng hương để thanh lọc tâm trí và cơ thể. Ngày nay, hương còn được dùng như một loại tinh dầu thơm, thanh lọc không gian xung quanh và giúp mọi người cảm thấy thư giãn hơn với hương thơm nhè nhẹ khi được đốt.



Trong thời kỳ Muromachi (1932 - 1573), nghệ thuật thưởng hương - hay còn gọi là hương đạo đã dần phát triển và được ưa chuộng. Hương được đốt và đặt trên một đĩa nhỏ hoặc đặt trong một bình gốm nhỏ chuyên dụng. Người “thưởng hương” phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế thì mới có thể thưởng thức trọn vẹn môn nghệ thuật này. Dáng ngồi phải ngay ngắn, tâm phải tĩnh, hai tay giữ hương thật chặt, tay phải tạo thành hình ống khói để hương không bị bay ra ngoài. Từ từ hít nhẹ nhàng và cảm nhận mùi hương rồi đoán xem chúng thuộc loại hương gì, mùi hương thế nào, nguyên liệu chính là gì. Đây được coi là môn nghệ thuật quý tộc bởi chỉ các các lãnh chúa thời xưa và một số thành viên hoàng gia mới thưởng thức được chúng. Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thú “thưởng hương” đã không còn được ưa chuộng như trước, một phần vì không hợp thời đại, một phần vì môn nghệ thuật này rất “kén” người chơi. Chính vì vậy mà đã có nhiều chương trình, lớp học được tổ chức nhằm khôi phục và mang nét văn hóa đặc sắc này tới gần hơn với mọi người.



5. Các loại hương chính

Có hai loại hương chính được sản xuất và sử dụng tại Nhật Bản:


Kunko (熏香):
Kunko là dạng làm nóng hoặc làm cháy âm ỉ những mẩu gỗ có hương thơm tự nhiên như gỗ đàn hương hoặc trầm hương. Với loại hương này, chúng ta không cần phải đốt cháy trực tiếp hương mà làm nóng chúng bằng cách đặt những mẩu than ở phía bên dưới. Chính bởi phương pháp này mà những làn khói mỏng nhẹ, thoang thoảng mùi hương của tự nhiên lan tỏa khắp không gian, tạo cảm giác thư thái và dễ chịu cho người thưởng thức.



Shoko (焼香):
Shoko là dạng hương dễ bắt gặp và phổ biến hơn, người dùng sẽ trực tiếp đốt chúng dưới dạng hình que hoặc hình vòm đã được tạo sẵn. Chính vì vậy mà những làn khói khi được đốt sẽ dày hơn, mang hương thơm mạnh hơn và có thể bao phủ một không gian rộng lớn hơn so với Kunko.



Ngoài ra, du khách còn có thể dễ dàng thưởng thức hương đạo ở dạng thô mà không cần phải đốt trực tiếp hoặc làm nóng chúng. Bột hương sẽ được xay nhỏ - được gọi là zu-ku, chúng được đóng gói trong những túi thơm mà không làm mất đi mùi hương tự nhiên, ngược lại, còn thuận tiện trong việc sử dụng và di chuyển.



6. Những địa điểm mua hương ở Nhật

Khoảng 70% hương Nhật Bản được sản xuất trên đảo Awaji - một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Hyogo. Thực chất, người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, nhưng vào mùa đông khắc nghiệt, họ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại trong việc ra khơi. Vì vậy mà sản xuất hương sẽ là sự lựa chọn thay thế trong khoảng thời gian này của những người dân địa phương. Các phương pháp chủ yếu được áp dụng là thủ công truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nhà sản xuất hương lớn có quy mô và tổ chức, sự phân phối sản phẩm trên nhiều quốc gia. Chúng ta hãy cùng ghé thăm những địa điểm đó:


Nippon Kodo:
Được thành lập từ những năm 1575, trải qua 400 năm phát triển, Nippon Kodo tự hào là nhà bán lẻ các sản phẩm về hương lớn nhất Nhật Bản. Các sản phẩm của họ còn được đánh giá trên các trang báo uy tín của nước ngoài như tạp chí New York Times và du khách có thể dễ dàng tìm mua tại nhiều nơi, trong đó có Amazon. Với sự đa dạng về mùi hương, kích cỡ và màu sắc, hình dạng trong từng sản phẩm, Nippon Kodo luôn đảm bảo 5 tiêu chí về chất lượng sản phẩm như sự an toàn, kỹ năng của các nghệ nhân, những nguyên liệu được tuyển chọn và tâm hồn của hương đạo Nhật Bản.

Trang web: https://www.nipponkodo.com/



Kungyodo:
Một nhà sản xuất hương từ những năm 1594 tại Kyoto - Kungyodo. Du khách sẽ có cơ hội tham quan và tìm hiểu về lịch sử hình thành cũng như các bộ sưu tập sản phẩm về hương của công ty tại trụ sở chính được đặt tại Kyoto. Không chỉ được cảm nhận và thưởng thức hương đạo, bạn còn có thể khám phá bộ sưu tập nước hoa do chính công ty điều chế và sản xuất riêng.

Trang web: https://www.kungyokudo.co.jp/en/



Baieido:
Một thương hiệu sản xuất hương uy tín tạo Nhật Bản - Baieido chuyên chế tạo các sản phẩm mang đậm phong cách truyền thống.

Trang web: https://www.baieido.co.jp/



Shoyeido:
Nhà sản xuất trẻ tuổi nhất trong số những nhãn hàng đã được đề cập phía trên, Shoyeido được thành lập vào năm 1705 tại Kyoto. Người sáng lập đầu tiên là Rokubei Moritsune Hata, sau khi ông rời công việc tại Tòa án Hoàng gia Nhật Bản. Cho tới hiện nay, Shoyeido vẫn được điều hành bởi gia đình Hata và đẩy mạnh quy mô phát triển không những trong nước mà còn ngoài khu vực.

Trang web: http://www.shoyeido.com/






Vậy là chúng ta đã hoàn thành chuyến hành trình khám phá hương đạo Nhật Bản, môn nghệ thuật được coi là thước đo về chiều sâu văn hóa của xứ sở Phù Tang. Khám phá được những nét đẹp, nét đặc trưng của nghệ thuật truyền thống ấy phần nào đã giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn và hiểu hơn về văn hóa, phong tục truyền thống của đất nước hoa anh đào. Đây cũng là một món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng cho người thân, gia đình hoặc bạn bè để mọi người cùng được thưởng thức và cảm nhận sâu hơn về nghệ thuật hương đạo.



Bài viết liên quan