Truyền thống
Văn hóa

Búp bê truyền thống tinh tế nhất Nhật Bản

Mục lục
1. Búp bê Hina - búp bê lễ hội Hina Matsuri
2. Búp bê Kyoto
3. Búp bê Kokeshi
4. Búp bê Daruma
5. Búp bê Kimekomi
6. Búp bê Gosho
7. Búp bê Karakuri
8. Búp bê Oiran


Nhật Bản vốn nổi tiếng với những nét đẹp văn hóa như nghệ thuật gấp giấy Origami, nghệ thuật cắm hoa, trà đạo,... Trong đó, bộ sưu tập các loại búp bê truyền thống của “đất nước mặt trời mọc” cũng được coi là một nét đẹp tinh tế, thể hiện những đặc trưng, truyền thống của con người nơi đây. Mỗi loại  búp bê truyền thống lại là hình ảnh hóa thân của người dân xứ sở Phù Tang, mang những phẩm chất cao quý, nghị lực, thể hiện khát vọng qua từng thời kỳ. Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng khám phá những ý nghĩa và câu chuyện đằng sau từng loại búp bê đặc trưng của Nhật Bản.



1. Búp bê Hina - búp bê lễ hội Hina Matsuri

Búp bê Hina có nguồn gốc từ thời kỳ Heian (794 – 1185), được thiết kế tinh xảo và cầu kỳ qua nhiều chi tiết, đặc biệt nhất là những bộ trang phục của chúng. Không chỉ đại diện cho các bé gái, Hina còn là biểu tượng của các vị vua, hoàng hậu và những cận thần. Vì vậy, một bộ búp bê Hina đầy đủ gồm 15 thành viên, được xếp theo thứ tự và cấp bậc từ trên xuống dưới. Tầng cao nhất là vua và hoàng hậu với những tấm bình phong bằng giấy vàng được đặt ở đằng sau, hai bên là hai chiếc đèn lồng đứng. Tầng thứ hai là ba búp bê cung nữ, trong khi người ở giữa được đặt ở tư thế ngồi thì hai người bên đặt ở tư thế đứng. Tầng thứ ba là năm búp bê nam nhạc công, trên tay mỗi người là các nhạc cụ khác nhau như sáo, trống, kèn. Trong khi tầng thứ tư là hai búp bê đại thần thì tầng cuối là là ba búp bê samurai với nhiệm vụ bảo vệ vua và hoàng hậu.



©Flickr


Búp bê Hina còn được biết đến là búp bê lễ hội Hina Matsuri - ngày hội dành cho các bé gái được tổ chức vào ngày 3/3 hàng năm tại nhiều nơi, trong đó nổi tiếng nhất là ở ngôi đền Shimogamo tại Kyoto. Các nghi lễ quan trọng trong lễ hội phải kể đến nghi lễ thả trôi búp bê Hina được làm thủ công bằng rơm hoặc giấy trên các dòng sông, dòng suối. Người xưa quan niệm rằng, việc làm này sẽ giúp những bé gái thoát khỏi sự chiếm giữ của quỷ dữ, tránh được những điều không may mắn và bệnh tật. Một điểm đặc biệt là sẽ có hai vật chính (một nam, một nữ) diện những bộ trang phục truyền thống của thời kỳ Heian, họ sẽ thực hiện các nghi lễ của lễ hội và mở đầu cho việc thả trôi Hina xuống dòng nước.


2. Búp bê Kyoto

Búp bê Kyoto, hay còn được gọi là Kyo Ningyo là một trong những búp bê truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Điều đặc biệt là Kyoto được chế tạo bằng các kỹ thuật chế tác cổ điển được truyền qua nhiều đời thế hệ. Để làm ra một tác phẩm Kyoto hoàn chỉnh cần có sự nỗ lực và hợp tác nhuần nhuyễn giữa các nghệ nhân. Thông thường, mỗi bộ phận của búp bê sẽ được một chuyên gia chế tác riêng, ví dụ như bộ phận tay chân, phần đầu và phần tóc, trang phục và quần áo cũng được dệt may cẩn thận bởi từng người thợ. Sự tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ trong khâu sản xuất cũng chính là lý do khiến giá thành của loại búp bê này khá đắt đỏ. Cho tới ngày nay, nhiều gia đình vẫn giữ được truyền thống và kỹ thuật chế tác búp bê Kyoto.  




3. Búp bê Kokeshi

Cho tới ngày nay, người ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của búp bê Kokeshi có từ đâu, chỉ có thể đoán định rằng chúng đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 18, ở vùng Tohoku, trong thời kỳ Edo. Kokeshi vốn nổi tiếng là hiện thân của nghệ thuật tối giản, với các bộ phận chỉ  bao gồm phần đầu và phần thân hình trụ. Chúng chủ yếu được sản xuất từ gỗ, với các tông màu chủ đạo là đỏ, đen và trắng. Hình dáng chủ yếu của Kokeshi là một cô gái nhỏ, phần đầu khá tròn và to, đặc biệt là mái tóc bằng đen láy, phần thân chủ đạo và hình ảnh Kimono đỏ truyền thống của “xứ sở hoa anh đào”. Người xưa tin rằng, ý nghĩa của Kokeshi là mang lại những điều bình an, che chở cho những đứa trẻ trở nên khỏe mạnh, tránh được điềm xấu và bệnh tật. Ngày nay, chúng không chỉ là những món đồ chơi thông thường mà còn được yêu thích và trở thành những món đồ kỷ niệm đặc trưng đối với du khách. Chính vì vậy mà chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình dáng, mẫu mã và màu sắc sặc sỡ hơn, đa dạng hơn của Kokeshi.



©Flickr


4. Búp bê Daruma

Một loại búp bê tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, giúp những ước mơ trở thành sự thật - búp bê Daruma. Đây là loại búp bê được làm bằng giấy bồi truyền thống, có hình dạng tròn với tư thế ngồi kết thành hình hoa sen giống với tư thế ngồi thiền của Bodhidharma - người có công sáng lập ra phái Thiền Tông.


Ngoài cái tên búp bê Daruma, chúng còn có một tên gọi khác là “lật đật Daruma” bởi phần đế được chế tạo nặng hơn phần thân trên giúp chúng không bao giờ bị ngã. Điều này mang ý nghĩa tượng trưng cho phẩm chất và tinh thần của người Nhật: Không bao giờ chịu khuất phục, mặc dù có vấp ngã cũng sẽ đứng dậy và đối diện với thử thách.



©Flickr


Điểm thu hút nhất có lẽ chính là màu sắc nổi bật của những chú búp bê này với màu sơn đỏ tươi là chủ đạo kết hợp  với chữ “Phước” được in trên thân của búp bê, bởi lẽ mọi người tin rằng màu đỏ sẽ mang lại may mắn và bình an, xua đi bệnh tật và những điều không may. Bên cạnh đó, khuôn mặt của búp bê Daruma cũng rất đặc biệt, chúng có khuôn mặt của một người đàn ông với đầy đủ lông mày, mũi, râu quai nón, nhưng ấn tượng hơn cả chính là đôi mắt không có con ngươi. Theo phong tục của người Nhật, chúng ta sẽ vừa ước và cầu mong rồi sau đó vẽ lên một con mắt của búp bê với hy vọng điều ước của mình sẽ sớm trở thành hiện thực. Khi một bên mắt nữa được vẽ chính là lúc mà chúng ta hoàn thành được mong ước và nguyện vọng của mình và lúc đó Daruma cũng hoàn thành xong “sứ mệnh” của mình.


5. Búp bê Kimekomi

Búp bê Kimekomi tái hiện lại hình ảnh những thiếu nữ Nhật Bản thời xưa, toát lên vẻ đẹp cổ điển với mái tóc đen tuyền, khuôn mặt tròn bầu bĩnh với những bộ trang phục dân tộc truyền thống. Đặc biệt, kỹ thuật may những bộ trang phục ấy đã có từ thời Kyoto, trong nửa đầu thế kỷ thứ 18, thể hiện sự phát triển trong nền thủ công nghiệp của xứ sở Phù Tang. Điểm nhấn của kỹ thuật này là những người thợ sẽ rạch những đường xẻ rãnh, để mép vải quần áo của búp bê có thể được giấu vào trong đó, tạo sự cố định cho những bộ trang phục. Búp bê Kimekomi không khó để tìm thấy tại các cửa hàng lưu niệm, quà tặng và cửa hàng thủ công tại Nhật Bản. Điểm nhấn có lẽ nằm ở những bộ trang phục.




6. Búp bê Gosho

Đã xuất hiện trong lịch sử từ hơn 400 năm trước, Gosho hay còn được biết tới là búp bê Gosho Ningyo là một trong những món quà tặng dành cho các lãnh chúa Nhật Bản khi tới thăm Kyoto. Hình ảnh đặc trưng của loại búp bê này là những em bé trai mũm mĩm kèm theo các vật dụng khác nhau như mặt nạ, chuông hồ lô, túi tiền,... chứa đựng những ý nghĩa và lời chúc khác nhau. Nhiều người còn nhận xét rằng, chính búp bê Gosho đã tạo cho họ những liên tưởng về các màn trình diễn nghệ thuật độc đáo tại nhà hát quốc gia  Noh - nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển của “đất nước mặt trời mọc”.




7. Búp bê Karakuri

Có thể nói Karakuri chính là sự khởi đầu cho ngành công nghệ máy móc và robot của Nhật Bản, chúng được sản xuất và chế tạo lần đầu tiên trong thế kỷ thứ 17 tới 19. Trong tiếng Nhật, “Karakuri” còn có nghĩa là “đánh lừa”. Bởi lẽ không chỉ có hình dáng thông thường của một chú búp bê, Karakuri còn là sự kết hợp của máy móc, của cơ khí để tạo ra những chuyển động và hoạt động từ đơn giản đến phức tạp. Cơ chế của các hoạt động đó là thông qua những đòn bẩy nhỏ, sự liên kết chặt chẽ giữa dây cót và các bánh răng cưa. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, búp bê Karakuri đóng một vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Noh và Kabuki - hai loại hình nhà hát cổ điển, truyền thống của Nhật Bản.



8. Búp bê Oiran

Búp bê Orian tái hiện lại hình ảnh của những nàng Orian ngoài đời thực - những kỹ nữ hạng sang xuất hiện từ thời Edo tại Nhật Bản. Chính vì vậy không nói quá khi cho rằng Oriran là búp bê có ngoại hình quyến rũ nhất trong số những búp bê truyền thống của Nhật Bản, được thể hiện qua các chi tiết như đầu tóc, trang phục và các đạo cụ kèm theo. Mặc dù nhiều du khách khá bất ngờ về ý nghĩa và hình tượng của chúng, nhưng họ đều cho rằng búp bê Orian đã phần nào tái hiện lại những nét văn hóa lịch sử của Nhật Bản trên nhiều khía cạnh và phương diện khác nhau.




Vậy là chúng ta đã cùng điểm danh và tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa, câu chuyện và đặc điểm của từng loại búp bê truyền thống tại xứ sở Phù Tang. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chúng chính là những nhân vật nhằm khắc họa rõ nét hơn về cuộc sống, hình ảnh và những khát vọng của người dân “xứ sở anh đào’. Hiểu được những ý nghĩa của từng loại búp bê sẽ giúp du khách cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong văn hóa tại nơi đây. Đừng quên chọn cho mình một món quà lưu niệm dành tặng cho chính bản thân và người thân yêu trong chuyến hành trình đáng nhớ này nhé!



Bài viết liên quan