Những điều bạn chưa biết về 10 mặt nạ truyền thống của Nhật Bản
Mục lục
1. Onna-men (女面)
2. Hannya (般若の面)
3. Hyottoko (火男)
4. Okame (おかめ)
5. Namahage (生剥)
6. Men-yoroi (面鎧)
7. Kitsune-men (狐面)
8. Tengu (天狗)
9. Bugaku (舞楽)
10. Oni (鬼)
Không có một đất nước nào mà mặt nạ lại phổ biến như Nhật Bản và dường như đó là đặc trưng trong bản sắc văn hóa của người dân đất nước này bởi ai cũng coi trọng sự riêng tư. Các loại mặt nạ ở Nhật đều rất đa dạng về hình dáng, kích thước và màu sắc. Mỗi loại đều mang một ý nghĩa và vẻ đẹp riêng như mặt nạ nhà hát được thiết kế riêng cho từng nhân vật, mặt nạ tôn giáo là hiện thân của tâm linh, cũng có mặt nạ được đeo trong các dịp lễ hội, mang đặc trưng từng vùng miền. Để hiểu hơn về sự kỳ lạ, hấp dẫn của các loại mặt nạ truyền thống của Nhật Bản, mời bạn đọc hãy tham khảo bài viết này nhé!
1. Onna-men (女面)
Mặt nạ là một đạo cụ thiết yếu trong các vở chính kịch truyền thống của Nhật Bản (Noh). Tất cả các vai diễn trong vở kịch đều được đảm nhận bởi các diễn viên nữ, vậy nên các diễn viên nam sẽ diễn chung với mặt nạ. Những chiếc mặt nạ này được thiết kế tinh xảo, phức tạp đến khó tin. Mỗi một mặt nạ được khắc họa tỉ mỉ để đón ánh sáng sân khấu và thay đổi biểu cảm tùy theo các góc cạnh. Trong khi mặt nạ ko-omote, wakaonna, zo và magojiro đại diện cho người phụ nữ xinh đẹp thì omiona dành cho người phụ nữ thuộc tầng lớp lao động và mặt nạ fukai, shakumi đại diện cho phụ nữ trung niên. Bức ảnh dưới đây là mặt nạ onna-men ở thế kỷ 18 miêu tả khuôn mặt xinh đẹp của người phụ nữ với nụ cười cuốn hút đang say đắm trong tình yêu.
2. Hannya (般若の面)
Một loại mặt nạ khác xuất hiện trong các vở kịch Noh là Hannya, một gương mặt ăn sâu vào tiềm thức của con người Nhật Bản. Cũng giống như Onna-men, mặt nạ này diễn tả một số trạng thái cảm xúc phức tạp của nhân vật tùy thuộc vào cách bắt ánh sáng sân khấu. Khi một diễn viên đeo mặt nạ nhìn thẳng vào khán giả, họ thấy một khuôn mặt giận dữ, tuy nhiên nếu Hannya cúi xuống, người ta thấy hình như cô đang khóc. Màu sắc của mặt nạ Hannya đại diện cho các tính cách khác nhau của nhân vật như mặt nạ trắng thể hiện một người phụ nữ tinh tế, mặt nạ đỏ là người kém tinh tế hơn một chút và mặt nạ đỏ sẫm dành cho những con quỷ xấu xa nhất, những người phụ nữ ghen tuông mù quáng.
3. Hyottoko (火男)
Mặt nạ Hyottoko thường được xuất hiện trong truyện tranh và các bộ phim hoạt hình hài hước với mục đích gây cười là chính. Có rất nhiều truyền thuyết về Hyottoko tùy theo từng vùng miền. Có nơi nói rằng Hyottoko là cậu bé với khuôn mặt buồn cười có thể “sản xuất” vàng qua chiếc túi đeo ở bụng, cũng có nơi nói Hyottoko là vị thần giúp cho trẻ em cười đùa để quên đi những ngày tháng đau khổ của chiến tranh.
4. Okame (おかめ)
Okame là mặt nạ phiên bản nữ của Hyottoko, cũng mang biểu cảm gây cười với khuôn mặt mũm mĩm. Okame là biểu tượng của sự may mắn và cuộc sống trường thọ. Giống như Hyottoko, Okame khá phổ biến, đặc biệt ở các thị trấn nhỏ trong khu vực.
5. Namahage (生剥)
Nghi lễ Namahage là một phong tục dân gian tại làng Oga ở tỉnh Akita. Tại nghi lễ này, các chàng trai trẻ của làng Oga sẽ đeo những chiếc mặt nạ này đi khắp khu phố để dọa nạt trẻ em xem có đứa nào khóc không, có đứa nào lười biếng không. Những người này được xem như là các vị thần đội lốt quỷ đến giải trừ tai ương, đem lại may mắn, sức khỏe và nguồn thức ăn dồi dào từ núi cao và biển cả để đón chào năm mới. Đây là một truyền thống văn hóa địa phương kỳ lạ nhưng hấp dẫn và trở thành bản sắc của thị trấn đến nỗi bạn có thể bắt gặp chiếc mặt nạ Namahage ở hầu hết các khu phố và cửa hàng nơi đây.
6. Men-yoroi (面鎧)
Men-yori là những mặt nạ bọc thép được đeo bởi các chiến binh samurai và được trang trí tùy theo sở thích của người dùng. Có nhiều loại mặt nạ khác nhau như somen, menpo, hanpo và happuri, trong đó mặt nạ somen bao phủ toàn bộ khuôn mặt để đem lại sự bảo vệ cao nhất. Nếu nhìn đối diện ở khoảng cách gần, mặt nạ Men-yori đem lại nỗi ám ảnh cực lớn ngay cả với những chiến binh dũng cảm nhất. Ngày nay, hầu hết các mặt nạ Men-yori được trưng bày trong bảo tàng.
7. Kitsune-men (狐面)
Kitsune là từ dùng để chỉ các loài cáo ở Nhật Bản. Mặt nạ Kitsune thường được đeo để biểu diễn trong các lễ hội Shinto hoặc bởi những người tham dự. Trong lịch sử Nhật Bản, chúng được coi là những sứ giả của Inari, vị thần tượng trưng cho thần gạo, sự ấm no, phồn thịnh. Trong những câu chuyện khác, chúng cũng được cho là những con cáo có khả năng thay đổi hình dạng, chuyên cải trang thành những người phụ nữ xinh đẹp để lừa gạt con người. Ngày nay, mặt nạ cáo đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội Thần đạo, nhiều người tôn thờ chúng như một biểu tượng của quyền lực và sức mạnh siêu nhiên.
8. Tengu (天狗)
Tengu với khuôn mặt đỏ rực, mũi to, nhô ra phía trước và biểu cảm khá cục cằn được cho là những con quỷ luôn mang lại vận xui cho con người. Tuy nhiên, hiện nay, Tengu được kính trọng như là những linh thần bảo vệ những khu rừng linh thiêng và núi thánh. Mặt nạ Tengu thường xuất hiện trong các lễ hội, nhà hát hoặc được treo trong nhà như một biểu tượng của sự may mắn, xua đuổi những điều xấu xa, bất hạnh.
9. Bugaku (舞楽)
Cũng là một loại mặt nạ được đeo trong lúc biểu diễn nghệ thuật nhưng nó ít phổ biến hơn mặt nạ trong các vở kịch Noh. Ban đầu, chúng chỉ được đeo khi biểu diễn các điệu nhảy trong hoàng cung. Mặt nạ Bugaku có thể di chuyển các bộ phận trên khuôn mặt, ví dụ như phần cằm. Có khoảng 20 nhân vật trong một bài nhảy, và tất nhiên mỗi chiếc mặt nạ có một tính cách độc đáo khác nhau.
10. Oni (鬼)
Mặt nạ quỷ Oni nhìn thoáng qua khá giống Tengu nhưng có mũi nhỏ hơn nhiều và là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Chúng đều rất phổ biến trong các truyện dân gian của Nhật Bản và tùy thuộc vào nơi bạn nghe câu chuyện mà nó có nguồn gốc khác nhau. Những mặt nạ Oni có hình dáng đa dạng, từ vui nhộn, hài hước đến cực kỳ dữ tợn, đáng sợ. Các mùa lễ hội tại các vùng nông thôn ở Nhật Bản, mọi người thường mang những chiếc mặt nạ quỷ này chạy vòng quanh các con đường và làm các trò quậy phá. Đặc biệt vào ngày lễ Setsubun, các bậc phụ huynh sẽ đeo mặt nạ quỷ Oni để hù dọa bọn trẻ và bọn trẻ sẽ tìm cách hù dọa lại bọn quỷ bằng cách ném hạt đậu vào chúng như một cách để xua đuổi tà ác và cầu mong một vụ mùa bội thu.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ