Những trò chơi dân gian độc đáo của xứ sở Phù Tang
Mục lục
1. Kendama (けん玉)
2. Hanetsuki(羽根つき)
3. Daruma Otoshi(だるま落とし)
4. Takoage(凧揚げ)
5. Taketombo(竹とんぼ)
6. Koma(こま)
7. Ayatori(あやとり)
8. Karuta(かるた)
9. Menko(めんこ)
Mỗi một quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á đều có những trò chơi dân gian độc đáo, mang bản sắc dân tộc riêng. Với hàng ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ với hàng chục trò chơi dân gian được truyền lại qua các thế hệ. Điểm đặc biệt ở đây là những trò chơi này đều được mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già yêu thích. Một số trò chơi không chỉ có trẻ em mà người lớn cũng có thể tham gia được. Tuy nhiên do xã hội ngày càng phát triển, những “nét đẹp văn hóa” này đang bị mai một dần và thậm chí, nhiều trẻ em hầu như không biết đến những trò chơi truyền thống này nữa. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp những trò chơi dân gian từ xa xưa của đất nước “mặt trời mọc nhé”!
1. Kendama (けん玉)
Kendama được cho là có xuất xứ từ Pháp, sau đó được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng năm 1777 và bắt nguồn từ cảng Nagasaki. Vào những năm 1980, trò chơi này đã trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp được thi đấu tại Nhật Bản. Kendama là biến thể của trò chơi bắt bóng bằng cốc nổi tiếng. Trải qua nhiều sự cải biến, cho tới ngày nay, hình dáng đặc trưng của Kendama giống như một chiếc búa với 7 bộ phận chính bao gồm:
- 3 chiếc cốc để bắt bóng: Kozara (小皿) - cốc phía bên trái, Ōzara(大皿) - cốc phía bên phải và Chuzara(中皿): cốc ở dưới đáy
- Thân búa
- Dây nối cố định bóng với thân búa
- Bóng
- Phần đỉnh nhọn đầu búa
Cách chơi rất đơn giản đó là chúng ta tung quả bóng lên và phải hứng bóng sao cho nó rơi đúng vào một trong ba chiếc cốc hoặc đỉnh đầu búa. Nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng để chơi được Kendama, có tới 1000 kỹ thuật khác nhau để người chơi có thể làm chủ được quả cầu. Chính vì vậy, đây là trò chơi đòi hỏi và rèn luyện tính kiên nhẫn, sự khéo léo cùng với sự tinh nhạy của cơ thể. Hiệp hội “Kendama Nhật Bản” còn xếp hạng các hạt giống dựa vào các kỹ năng và trình độ của người chơi. Người Nhật đã sáng tạo và sản xuất rất nhiều phiên bản Kendama khác nhau như: Kendama bóng chày với hình dạng giống như cây gậy đánh bóng chày hay Kendama “kinh dị” khi mang trên mình khuôn mặt đáng sợ được vẽ trên quả bóng.
Có thể nói, Kendama đã trở thành trò chơi gắn liền với tuổi thơ cũng như với cuộc sống hàng ngày của người dân xứ sở hoa anh đào. Chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của trò chơi thú vị này trong những buổi liên hoan hoặc gặp mặt bạn bè của người dân nơi đây, mọi người sẽ cùng nhau “thi sức” và ai làm rơi bóng sẽ phải chịu phạt bằng cách uống bia hoặc rượu. Không chỉ có Nhật Bản mà Kendama cũng là một trò chơi quen thuộc tại nhiều quốc gia khác.
2. Hanetsuki(羽根つき)
Hanetsuki là trò chơi đánh cầu truyền thống của người Nhật, bắt nguồn từ thời Heian, được chơi vào các ngày Tết ở hoàng cung với ý nghĩa xua đuổi điềm xấu và mang lại may mắn cùng sự bình yên tới cho người chơi. Từ thời Edo, trò chơi này dần được phổ biến hơn với những người dân thường.
Về cơ bản, Hanetsuki có cách chơi tương tự như cầu lông nhưng không sử dụng lưới. Người chơi sẽ phải liên tiếp truyền cho nhau quả cầu và giữ chúng không rơi xuống đất càng lâu càng tốt. Nhưng thay vì sử dụng vợt cầu lông thông thường, người ta lại dùng những chiếc vợt gỗ có dạng hình mái chèo - gọi là Hagoita(羽子板). Điểm đặc biệt là những chiếc vợt này được trang trí sặc sỡ và có in hình các nhân vật Kabuki(歌舞伎) - một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản. Dần dần, Hagoita trở thành những món đồ mỹ nghệ độc đáo và là sự lựa chọn cho những món quà dành tặng các bé gái với ý nghĩa chúng sẽ bảo vệ các em khỏi bệnh tật và ma quỷ.
Từ thời xa xưa, người dân Nhật Bản thường sử dụng những quả cầu hoặc bóng được làm bằng quả bồ hòn có màu đen, tròn và cứng. Nhưng ngày nay, những quả cầu này có nhiều hình dạng, kích thước và chất liệu được sử dụng cũng khác nhau, phù hợp theo nhu cầu của người chơi. Nếu ai là fan hâm mộ của truyện tranh Doraemon, chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ hình ảnh Nobita và Xuka cùng chơi Hanetsuki, và người thua luôn là Nobita với hình phạt bị quẹt đầy mực đen trên mặt. Đó cũng chính là hình phạt truyền thống của trò chơi này với những người bị thua.
Ngày nay, không chỉ trong những dịp năm mới và Hanetsuki còn là trò chơi mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nếu có cơ hội, bạn hãy thử trải nghiệm trực tiếp trò chơi dù có bị thua và phải chịu phạt thì đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ phải không?
3. Daruma Otoshi(だるま落とし)
Một phiên bản đặc biệt của trò chơi Jenga nổi tiếng - trò rút gỗ mà chỉ có ở Nhật Bản đó là Daruma Otoshi. Về cơ bản thì Daruma Otoshi có cách chơi giống hệt trò rút gỗ thông thường đó là người chơi phải xếp các mảnh gỗ thành chồng thật cao rồi rút từng mảnh để đảm bảo chúng không bị đổ. Daruma Otoshi cũng gồm nhiều mảnh gỗ sắc màu được xếp chồng lên nhau tạo thành một hình thẳng đứng, nhưng điểm khác biệt là phần đỉnh phải là mảnh gỗ có in hình búp bê Daruma với khuôn mặt “giận dữ”. Một điểm đặc biệt nữa là thay vì dùng tay rút từng mảnh gỗ thì người chơi Daruma Otoshi phải sử dụng những chiếc búa nhỏ để đẩy các mảnh gỗ bên dưới phần đỉnh sao cho cả hàng không bị đổ. Cách chơi này được nhiều người đánh giá là khó hơn so với trò rút gỗ thông thường, vì vậy, chúng đòi hỏi người chơi phải có sự tập trung, khéo léo và kiên nhẫn.
4. Takoage(凧揚げ)
Vào mỗi mùa hè, chắc hẳn chúng ta đều không xa lạ gì với hình ảnh những cánh diều bay lượn trên nền trời xanh. Ở Nhật Bản cũng vậy, mỗi khi Tết đến, những cánh diều lại bay trên bầu trời xanh biếc với những hình dạng khác nhau lại tượng trưng cho những điều tốt đẹp khác nhau.
Trò chơi thả diều truyền thống ở Nhật Bản còn có tên gọi là Takoage, được bắt nguồn từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật từ thời Heian, chủ yếu dành cho giới quý tộc. Những con diều đầu tiên được trang trí một cách đơn giản, mô phỏng theo hình dáng của một số loài chim, sau đó, chúng dần trở nên phổ biến hơn với người dân vào thời kỳ Edo.
Với sự phát triển của nghệ thuật in bằng bản khắc, những cánh diều rực rỡ sắc màu và đa dạng về hình dáng đã được tạo ra. Người ta thường thả diều vào dịp sinh nhật của các bé trai với sự cầu chúc rằng em bé sẽ cao lớn và khỏe mạnh. Cánh diều cũng là đại diện cho những ước mơ, ý chí và khát vọng của người dân Nhật Bản với hy vọng những ước mơ đó sẽ cùng cánh diều bay xa để trở thành hiện thực trong tương lai gần. Trải qua 1000 năm lịch sử, cánh diều Tako đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Mỗi cánh diều được người dân làm ra đều mang trong mình những ý nghĩa và khát vọng riêng, ví dụ như hình ảnh con rùa và con sếu biểu tượng cho cuộc sống trường thọ. Không chỉ vậy, những cánh diều Tako còn là những hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp và bình yên, với những cánh diều được trang trí mặt quỷ xua đuổi những tai ương, bất hạnh và bệnh tật đến với những người thân trong gia đình.
Ngày nay, Tako đã trở thành một lễ hội lớn, được tổ chức thường niên ở Nhật Bản. Hàng năm, đất nước “mặt trời mọc” đều diễn ra hàng trăm cuộc thi thả diều lớn và nhỏ thuộc các lễ hội văn hóa ở nhiều vùng khác nhau. Trong các cuộc thi đó, mỗi một đối thủ phải cố gắng làm đứt dây diều của đối phương để giành lấy chiến thắng. Song, hơn hết là niềm vui, sự gắn kết, sẻ chia, tinh thần đồng đội và những nét đẹp văn hóa được thể hiện ở những cuộc thi này. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đang dần làm mai một những phong tục truyền thống đó, đặc biệt là trẻ em thành thị khi những trò chơi điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Để khắc phục điều này, nhiều trường học đã tổ chức những lớp học hoặc các buổi hoạt động ngoại khóa, trong đó có việc trang trí và thả diều Tako.
5. Taketombo(竹とんぼ)
Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao trong bộ truyện tranh Doraemon lại thường xuyên có hình ảnh của chiếc chong chóng tre chưa? Nguồn gốc thật sự của những chiếc chong chóng tre “thần kỳ đó” bắt nguồn từ trò chơi dân gian Nhật Bản có tên Taketombo.
Taketombo có nghĩa đen là “chuồn chuồn tre”, với cấu tạo gồm một cây gậy nhỏ được làm bằng tre và phần cánh quạt được gắn trên đỉnh. Đây chắc chắn sẽ là một món quà lưu niệm độc đáo dành tặng các bạn nhỏ. Cách chơi của Taketombo khá đơn giản đó là quay trục của chúng bằng cách chà mạnh vào hai lòng bàn tay rồi thả chúng quay trên cao. Không khó để bắt gặp Taketombo tại bất kỳ các cửa hàng lưu niệm nào ở Nhật Bản.
6. Koma(こま)
Koma - hay còn gọi là những con quay bằng gỗ, trò chơi này cũng có vài nét tương đồng với những con quay ở Việt Nam. Được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Edo, Koma đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ đông đảo các tầng lớp dân chúng và dần trở nên phổ biến, thịnh hành.
Có rất nhiều kiểu dáng và màu sắc Koma khác nhau nhưng cấu tạo chung khá đơn giản bao gồm một con quay bằng gỗ và một sợi dây thừng quấn quanh con quay được gọi là Bei-goma. Trong mỗi trận đấu sẽ có khoảng 5 tới 7 người chơi, mỗi người phải có những con quay Koma khác nhau hoặc đánh dấu để nhận biết được đâu là con quay của mình. Người chơi buộc Bei-goma vào con quay rồi ném chúng vào vòng tròn đã được định sẵn sao cho chúng có thể đẩy được con quay của đối thủ ra ngoài vòng tròn. Con quay cuối cùng ở trong vòng tròn sẽ là người chiến thắng chung cuộc. Ngày nay, những con quay Koma được cải tiến trở nên hiện đại hơn với những con quay có thể phát sáng, phát ra âm thanh hoặc có tốc độ quay rất nhanh.
7. Ayatori(あやとり)
Một trò chơi đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ cao, phù hợp và được yêu thích nhất bởi các bé gái, đó chính là Ayatori. Đây chắc chắn không phải là trò chơi xa lạ gì đối với những du khách đến từ Châu Á. Ngày nay, người ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc của Ayatori có từ đâu và từ khi nào, chỉ biết chúng đã trở nên rất thân thuộc tại nhiều quốc gia. Người ta ghi chép lại rằng, tại Nhật Bản vào thời Heian, trò chơi này đã tồn tại vào năm 1987, “Hiệp hội Ayatori Nhật Bản” đã được thành lập, tiếp sau đó phát triển thành “Hiệp hội Ayatori quốc tế”.
Ayatori chỉ đơn giản là những sợi dây sắc màu, dài khoảng 120cm, được cột hai đầu và tạo thành hình tròn. Nhiệm vụ của người chơi là bằng một sợi dây đó, phải tạo ra các hình khối đặc biệt bằng cách đan dây vào các ngón tay. Ayatori có thể chơi một mình hoặc chơi hai người. Nếu chơi một mình thì người chơi phải sử dụng hai bàn tay để thắt dây thành những hình như ngôi sao, cây chổi, cây cầu, hình tháp,... Còn nếu chơi hai người thì lần lượt từng người sẽ thực hiện các bước đan dây để tạo ra các hình khối đặc biệt, ai là người làm hỏng hoặc mắc lỗi trước sẽ là người thua.
8. Karuta(かるた)
Chắc hẳn những bộ bài tây không còn là trò chơi quá xa lạ với nhiều người, ở Nhật Bản cũng có một loại bài có cách chơi tương tự như vậy nhưng chúng lại đặc biệt hơn rất nhiều, được gọi là bài Karuta. Có một sự thật ít ai biết đó là lá bài này bắt nguồn từ châu Âu, cụ thể là đất nước Bồ Đào Nha. Người ta kể rằng, vào thế kỷ thứ 16, khi các nhà buôn Bồ Đào Nha đến Nhật Bản, họ đã mang theo bộ bài tây, sau nhiêu năm trôi qua, những lá bài tây này đã được biến tấu và lồng ghép những nét đẹp văn hóa của xứ sở Phù Tang rồi trở thành những lá bài Karuta. Chính vì vậy, thay vì những hình ảnh như rô, cơ, bích, tép của bộ bài tây thông thường, Karuta lại được thiết kế đa dạng hơn về hình ảnh, màu sắc, chữ viết và những bài thơ mang đậm chất truyền thống Nhật Bản.
Bài Karuta được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến nhất phải kể tới Iroha garuta(いろはがるた), Uta garuta(歌がるた), Hanafuda(花札). Tùy từng bộ bài mà có những cách chơi và luật lệ riêng khác nhau, ví dụ như:
- Iroha garuta(いろはがるた): Đây là bộ bài Karuta dành cho trẻ em ở Nhật Bản gồm 96 lá bài. Trong đó có 47 lá in hình các âm tiết thuộc bảng chữ cái Hiragana, một âm tiết Kyo và 48 lá bài còn lại là 48 câu tục ngữ khác nhau. Người chơi đầu tiên sẽ đọc nội dung trong lá bài của mình, những người còn lại phải tìm được lá bài sao cho ý nghĩa khớp với lá bài đã đọc trước đó. Người thắng sẽ là người tìm ra lá bài nhanh nhất và chính xác nhất.
- Hanafuda(花札): Đây là bộ bài gồm 48 lá với thiết kế cách điệu của những loài hoa khác nhau. Hanafuda có 12 chất tượng trưng cho 1 tháng trong năm, với mỗi chất gồm 4 lá bài. Mỗi lượt chơi chỉ cần 2 người chơi với cách chơi như sau: Mỗi người sẽ được chia 16 lá bài, trong đó để 8 lá úp và 8 lá ngửa. Mỗi người sẽ lật từng thẻ bài và so sánh với 8 lá bài ngửa, nếu như chúng có hình giống nhau thì bạn sẽ được “ăn” cả 2 lá và ngược lại, nếu chúng không giống nhau thì bạn sẽ bị mất cả 2 thẻ.
- Uta garuta(歌がるた): Trên các lá bài sẽ in những bài thơ khác nhau trong tập thơ “Bách nhân nhất thủ” - tập thơ cổ được soạn từ những năm 1235 gồm 100 bài thơ của các tác giả từ thế kỷ VII đến XII. Nhiệm vụ của người chơi là sẽ bốc và đọc các câu thơ trong một lá bài bất kỳ và tìm ra lá bài có nội dung khớp với lá bài đã chọn. Ai là người tìm ra trước và chính xác nhất sẽ là người chiến thắng.
Không chỉ đơn giản như cách chơi bài tây thông thường, Karuta còn đòi hỏi người chơi tính logic, sự tư duy về ngôn ngữ và văn học, vì vậy, trò chơi này đã dần trở nên phổ biến với người dân xứ “hoa anh đào” không chỉ trong các ngày lễ tết mà còn trong cuộc sống đời thường. Ở Nhật còn thường xuyên tổ chức cuộc thi để tìm ra người vô địch trong trò chơi Karuta như là cách để duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cũng là những tấm bài nhưng những lá bài Menko có cách chơi và hình dạng rất khác so với Karuta. Người ta không biết chính xác quá trình Menko hình thành và phát triển từ khi nào. Có hai giả thiết được đặt ra về Menko. Một là mọi người cho rằng chúng có từ thời Kamakura (1185 – 1333) và phổ biến nhất vào thời Edo. Còn giả thiết thứ hai cho rằng Menko chỉ xuất hiện từ 250 năm trước, vào khoảng thế kỷ thứ 18, và khi đó chúng được làm từ bùn hoặc đất sét khô. Những lá bài Menko giấy và giấy bồi bắt đầu xuất hiện khoảng thời kì giữa thập niên 1890.
Cấu tạo của những tấm thẻ Menko rất đa dạng, chúng có thể là hình tròn hay hình chữ nhật với kích thước nhỏ hơn lòng bàn tay. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là giấy, đất sét, bìa dày. Ở mỗi thời kỳ khác nhau thì mỗi nhân vật được in trên tấm thẻ Menko lại khác nhau, đó có thể là samurai, những nghệ sĩ viên nổi tiếng, những nhân vật anh hùng trong truyện tranh hoặc những vận động viên bóng đá, bóng chày,...
Đối với Menko, không giới hạn số lượng người chơi trong mỗi lượt, thông thường, sẽ có khoảng 3 tới 8 người tham gia chơi. Bước đầu tiên, mọi người phải quyết định thứ tự lượt chơi của mỗi người bằng cách oẳn tù xì. Tất cả mọi người, trừ người đến lượt sẽ phải bỏ ra một thẻ Menko của mình và để chúng xuống khu vực đã được đánh dấu riêng. Nhiệm vụ của người tới lượt chơi là phải tác động lực lên tấm thẻ của mình để đẩy hoặc làm lật những tấm bài đó. Đây là cách chơi truyền thống của Menko, nhưng ngày nay, chúng đã được biến tấu và có đa dạng luật chơi khác nhau với các cấp độ từ dễ đến khó.
Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá thêm một phần nét đẹp trong truyền thống văn hóa ở xứ sở Phù Tang - những trò chơi dân gian. Hy vong sau chuyến hành trình này, du khách sẽ hiểu thêm được những điều thú vị về đất nước Nhật thông qua những trò chơi dân gian truyền thống và những ý nghĩa, cũng như các câu chuyện lịch sử đằng sau chúng.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ