Truyền thống
Văn hóa

12 nét đặc trưng trong kiến trúc ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản

Mục lục
1. Cổng nhà
2. Có tường bao quanh
3. Mái ngói và hiên nhà
4. Chú trọng vào ánh sáng và cảnh quan
5. Bậc tam cấp ở lối vào
6. Hành lang bên hông ngôi nhà
7. Cửa trượt
8. Nội thất đồ gỗ
9. Chiếu tatami
10. Căn phòng đa năng
11. Bồn tắm ở nhà
12. Sự liên kết giữa trong và ngoài ngôi nhà


Nếu như tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản, chúng ta có thể khai thác trên rất nhiều lĩnh vực như văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán, lịch sử,... Trong số đó, lối kiến trúc truyền thống là một nét đặc trưng, mà chúng ta chỉ cần nhìn vào kiến trúc của một căn nhà, cách bày trí, trang trí là có thể đoán ra đó là kiến trúc của đất nước nào. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ phân tích và chỉ ra những nét đặc trưng trong kiến trúc của những ngôi nhà truyền thống Nhật Bản.



1. Cổng nhà

Ở Nhật có một quy định mà mọi người phải tuân theo đó là lối vào nhà không được nằm trên đường đi bộ của đường phố công cộng. Vì thế cổng và hàng rào làm nhiệm vụ phân chia không gian nhà ở với nơi công cộng. Cổng nhà của người Nhật luôn đóng vai trò là một phần tạo nên nét đẹp cổ kính, đặc trưng rất riêng trong không gian sống. Người Nhật xưa cũng thường trồng hoa sakura trước cổng để tạo điểm nhấn cho phần ngoại thất cũng như mặt tiền của ngôi nhà.




2. Có tường bao quanh

Nếu như thời xưa, phần lớn người Nhật dùng hàng rào để phân chia và ngăn cách khu vực nhà ở với không gian công cộng, và hàng rào cũng chính là sự ngăn cách và phân chia của từng căn nhà với nhau, thì ngày nay, với sự phát triển hiện đại hơn, hàng rào dần bị thay thế bởi những bức tường bao quanh.




Dù nhà ở nông thôn hay thành thị thì các bức tường bao quanh xây theo kiểu truyền thống đều có đặc điểm chung là sử dụng chất liệu bê tông đúc sẵn. Một điều thường thấy ở những căn nhà lớn tọa lạc ở thủ đô Tokyo là chúng thường được xây dựng khá vững chãi với phía dưới là đá tảng, phía trên là gỗ hoặc mái ngói nhỏ trên đỉnh của bức tường.


3. Mái ngói và hiên nhà

Khí hậu Nhật Bản thường mưa nhiều, vì thế mái nhà được thiết kế và xây dựng để có thể chịu được lượng mưa lớn mỗi năm. Mái hiên được thiết kế rộng, thoai thoải để khi mưa lớn, lượng nước mưa không bị hắt vào nhà. Trong những ngày nắng hay thời tiết khô ráo, người Nhật có thể mở phần mái che mưa được lắp đặt bên ngoài nhà, giúp cuộc sống sinh hoạt của mọi người trong nhà được gần gũi hơn với thiên nhiên.




4. Chú trọng vào ánh sáng và cảnh quan

Nhà truyền thống của Nhật Bản thường được xây trong một khu đất rộng, mặt tiền của ngôi nhà được thiết kế theo hướng Nam. Các phòng chính cũng thường được bố trí hướng về phía Bắc - Nam. Theo địa hình chung của Nhật thì hướng Nam là hướng giúp căn phòng nhận được ánh sáng tự nhiên suốt cả ngày.




Trong ngôi nhà của người Nhật, dù là phòng cá nhân hay phòng sinh hoạt chung thì đều được thiết kế khéo léo để có thể nhận được tối đa ánh sáng mặt trời. Bởi theo quan niệm của họ, việc đón ánh sáng mặt trời hàng ngày vào nhà sẽ giúp cân bằng hệ thống âm dương, giúp diệt vi khuẩn có hại, cung cấp sinh khí cho con người.


5. Bậc tam cấp ở lối vào

Bậc tam cấp ở lối vào là khu vực trung gian kết nối giữa không gian bên ngoài và bên trong của ngôi nhà. Ở sảnh, khách đến chơi nhà có thể thay giày bằng dép đi trong nhà được đặt sẵn ở kệ. Với những ngôi nhà có diện tích rộng, chủ nhà thường thiết kế tủ giày bằng gỗ với nhiều ngăn giúp mọi người trong nhà và khách đến chơi có thể đặt giày trong tủ một cách gọn gàng.




Để tăng thêm vẻ đẹp cho khu vực sảnh, người Nhật thường đặt đồ trang trí bằng gốm sứ, bình hoa tươi, tranh treo tường… Tuy nhiên, với những khu vực sảnh hẹp trong những ngôi nhà có diện tích nhỏ, người Nhật lại thường sử dụng hốc tường để đặt đồ trang trí giúp khoảng không gian nhỏ này tạo được điểm nhấn tinh tế cho ngôi nhà.


6. Hành lang bên hông ngôi nhà

Hành lang bên hông hay chúng ta còn quen gọi là phần hiên nhà. Ngoài chức năng kết nối các phòng trong nhà, hành lang hông được sử dụng để ngăn cách giữa không gian bên trong và bên ngoài của ngôi nhà. Vào những ngày thời tiết đẹp như mùa xuân hoặc thu, hiên nhà được sử dụng làm nơi ngồi thưởng trà hay hóng gió mát mẻ. Ngoài ra, khoảng hiên nhà được thiết kế khá khéo léo trong những ngôi nhà truyền thống của người Nhật để nhận được nhiều lượng nắng và gió tự nhiên nhất vào không gian bên trong nhà.




7. Cửa trượt

Các cánh cửa trượt chính là một trong những đặc trưng nổi bật nhất trong các ngôi nhà truyền thống của Nhật. Thậm chí, có rất nhiều nhà hàng hay các cửa hàng của thành phố Tokyo cũng sử dụng những điểm đặc trưng truyền thống này để tô điểm thêm cho vẻ đẹp cổ xưa và tạo ấn tượng, cũng như mang không gian hoài cổ đến với du khách.




Cửa trượt trong ngôi nhà truyền thống của người Nhật vừa sử dụng để ngăn mưa, phân chia các khu vực chức năng và còn giúp điều chỉnh lượng sáng tự nhiên vào nhà theo ý muốn của gia chủ. Chúng ta có thể thấy một số cánh cửa trượt có gắn thêm các mặt lưới chống côn trùng được phủ lớp sơn mài càng làm nổi bật sự thanh lịch của các ngôi nhà truyền thống.


8. Nội thất đồ gỗ

Thêm một đặc điểm nữa mà du khách chắc chắn sẽ phát hiện ra trong lối phong cách kiến trúc Nhật. Đó là vật liệu gỗ được sử dụng khá phổ biến trong nhà của người Nhật Bản. Với những không gian quan trọng hay những vị trí cần sự trang trọng, người Nhật thường chọn những cây gỗ bền, có màu sắc đẹp để giữ nguyên màu của gỗ trong việc thiết kế đồ dùng, vật dụng trang trí. Người Nhật cũng thường dùng các thân gỗ tròn để làm dầm, mái, dùng gỗ bách để thiết kế tủ đựng đồ. Chính vì vậy mà chúng ta có thể thấy được một sự sang trọng, tinh tế, mà mộc mạc, không quá phô trương chính là những đặc điểm của những ngôi nhà này.




9. Chiếu tatami

Chiếu Tatami là loại chiếu được dệt từ cỏ, giúp sàn nhà mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Chúng ta cũng có thể nghe về căn phòng Tatami, là kiểu phòng truyền thống của Nhật Bản khi dùng các tatami. Khoảng diện tích sàn trải chiếu là nơi mọi người đi chân trần để cảm nhận được sự gần gũi nhất của thiên nhiên khi bước vào nhà. Chiếu thường được dệt thành hình chữ nhật với nhiều kích thước khác nhau. Tùy vào diện tích để người Nhật chọn được chiếu có kích thước phù hợp với khoảng diện tích cần sử dụng.




10. Căn phòng đa năng

Trong mỗi ngôi nhà đều phân chia rõ ràng thành phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, nhà vệ sinh, sảnh hoặc hiên nhà. Vậy bạn đã bao giờ nghe nói qua về căn phòng đa năng của người Nhật chưa? Hiểu đơn giản thì đó là một căn phòng được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau và mục đích khác nhau của người dùng.




Người Nhật xưa chủ yếu sử dụng chăn và nệm khi ngủ. Khi không sử dụng có thể gấp gọn và cất vào tủ, nhường lại khoảng không gian phòng rộng thoáng cho những chức năng cần thiết khác. Vì vậy, một phòng có thể sử dụng với nhiều chức năng khác nhau như phòng sinh hoạt chung, tiếp khách, nơi nghỉ ngơi hoặc có thể là nơi ăn uống. Cũng nhờ vào việc không gian có thể thay đổi linh hoạt chức năng sử dụng và đồ đạc có thể di chuyển, nên dù là nhà nhỏ nhưng các gia đình vẫn có cuộc sống rất thoải mái.


11. Bồn tắm ở nhà

Theo quan niệm của người Nhật Bản, phòng tắm không chỉ đơn giản là nơi để tắm mà nó còn là nơi giúp chúng ta thư giãn và cân bằng lại cuộc sống sau những ngày lao động vất vả. Không giống như một số nước, nhà tắm và nhà vệ sinh được gộp luôn vào một phòng thì ở Nhật, hai phòng này sẽ được tách biệt ra hoàn toàn.


Trước kia, chỉ có các gia đình giàu có mới sử dụng bồn tắm trong nhà. Rất nhiều người Nhật tìm đến các nhà tắm công cộng ở gần nơi ở. Bởi để có thể sử dụng bồn tắm trong nhà, cần thiết phải có một không gian rộng, đồng thời mất khoản chi phí không nhỏ để giữ cho nhiệt độ nước sôi trong bồn từ 38 - 42 độ. Hiện nay, những nhà tắm công cộng ở Nhật Bản vẫn còn hoạt động nhưng trong mỗi gia đình đều thiết kế bồn tắm trong nhà. Với người Nhật, việc tắm trong bồn dường như là một thói quen không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Đó cũng chính là lý do mà Onsen không còn là một thói quen mà đó là cả một nét văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào.


12. Sự liên kết giữa trong và ngoài ngôi nhà

Có thể kết nối giữa cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người với thiên nhiên bên ngoài là một yếu tố rất được coi trọng trong các thiết kế nhà của người Nhật. Đó cũng chính là lý do mà người Nhật rất thích đón ánh nắng mặt trời và ánh sáng tự nhiên trong căn nhà mình. Ngoài ra, người dân đất nước mặt trời mọc rất thích việc có một khu vườn dù là rộng lớn hay nhỏ gọn, bởi, chỉ cần mở cánh cửa trượt, nhìn qua các khung cửa sổ, họ cũng có thể nhìn thấy sắc xanh của thiên nhiên cây cối, của cảnh vật. Không ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp rất nhiều chậu cây cảnh với đa dạng mọi kích thước trong nhà của người dân nơi đây.


Hy vọng thông qua bài viết hôm nay, du khách đã có những kiến thức cơ bản trong phong cách và lối kiến trúc cổ điển đặc trưng của người dân đất nước mặt trời mọc. Mong rằng đây là một khía cạnh rất đặc biệt để mọi người hiểu thêm về các nét văn hóa, về một truyền thống của nơi đây. Không những bổ sung thêm kiến thức cho bản thân, mà rất nhiều người còn áp dụng những đặc trưng này để thiết kế những căn phòng cho riêng mình, thậm chí là cả căn nhà theo phong cách Nhật. Cụm từ lối sống tối giản kiểu Nhật trong cách bày trí nhà chắc chắn là một xu hướng được các bạn trẻ rất quan tâm và học tập ngày nay.


Bài viết liên quan