Truyền thống
Văn hóa

Tết đến thì phải lì xì! Cùng khám phá phong tục otoshidama - phong tục lì xì của người Nhật

Mục lục
1. Otoshidama là gì?
2. Truyền thống otoshidama bắt đầu từ khi nào?
3. Người lớn nên lì xì trẻ nhỏ bao nhiêu là hợp lý?
4. Trẻ em sẽ sử dụng tiền lì xì như thế nào?
5. Ý nghĩa của otoshidama

1. Otoshidama là gì?
Nếu như người phương Tây tặng quà cho trẻ em vào dịp lễ Giáng sinh, người Việt Nam ta mừng tuổi cho trẻ em vào lễ Tết âm lịch thì người Nhật cũng có phong tục mừng tuổi cho trẻ vào dịp đầu năm mới (theo lịch dương), gọi là otoshidama お年玉. Người lớn sẽ nhét tiền vào trong các phong bì đặc biệt có tên gọi là pochi-bukuro ポチ袋, với các thiết kế đa dạng từ đơn giản, thanh lịch đến dễ thương và vui nhộn. Loại bao lì xì phổ biến là bao in hình con vật hoàng đạo của năm (12 con giáp), hoặc các biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản, như maneki neko hoặc daruma. Bạn thậm chí có thể tìm thấy pochi-bukuro có các nhân vật nổi tiếng thời hiện đại của Nhật Bản nữa đấy!


Phong tục nhận otoshidama vào năm mới (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: ゆうき)


2. Truyền thống otoshidama bắt đầu từ khi nào?
Có nhiều lý do để tin rằng gốc rễ của otoshidama nằm trong văn hóa dân gian Nhật Bản, và số tiền được trao cho trẻ em đồng thời là một món quà cho các toshigami 年神, một vị thần Shinto của năm mới. Về lý thuyết, toshigami sẽ đóng vai trò là người bảo vệ những đứa trẻ nhận được tiền.

Ngày xưa, có một nghi thức Thần đạo thường được thực hiện vào dịp tết, đó là dâng bánh gạo tròn kagamimochi cho vị thần năm mới. Sau khi kết thúc, những người thờ cúng đã được chia cho một phần bánh. Khi trở về nhà, họ nghiền nát bánh gạo, bọc chúng vào giấy và chia sẻ với gia đình và người làm. Đây chính là nguồn gốc của phong tục otoshidama. Thời gian trôi qua, phong tục này dần thay đổi, chuyển thành phong tục mang quà tới thăm nhà người thân hoặc bạn bè trong đêm giao thừa, ban đầu được gọi là onenshi 御年始. Về sau, khi người Nhật bắt đầu trao quà cho trẻ em thì đó là lúc otoshidama ra đời.


Kagamimochi của năm mới (nguồn ảnh: pakutaso.com)


Phong tục tặng otoshidama thực tế có từ thời Edo (1603-1868), khi các gia đình giàu có và cửa hàng phân phát túi mochi và mikan (quýt Nhật Bản) cho các gia đình như một cách để phân phát hạnh phúc vào đầu mỗi năm. Phong tục này cũng liên quan đến kagamimochi truyền thống của năm mới.

3. Người lớn nên lì xì trẻ nhỏ bao nhiêu là hợp lý?
Ở Nhật, không có quy tắc cụ thể nào về số tiền hợp lý để mừng tuổi trẻ em nhưng có một số mức tiền lì xì mà nhiều người tuân theo. Trẻ em Nhật được nhận tiền lì xì cho đến tận trước tuổi thành niên, trẻ càng lớn càng được nhận nhiều tiền. Ví dụ: 2000 yên cho trẻ mẫu giáo; 3000 yên cho học sinh tiểu học; với học sinh cấp 2 thì sẽ được mừng nhiều hơn, 5000 yên; và học sinh cấp 3 thường được mừng 10000 yên. Người Nhật tránh mừng tuổi 4000 hoặc 8000 yên vì các con số này được coi là không tốt. Số tiền cũng sẽ thay đổi tùy theo mối quan hệ của bạn với trẻ: người nhà, bạn bè của bố mẹ hay phụ huynh của bạn cùng lớp, v.v ... Đối với trẻ sơ sinh hay em bé, vì chúng còn quá nhỏ để hiểu giá trị của tiền, người ta thường tặng đồ chơi hoặc các món quà khác thay cho tiền mặt.


Học sinh cấp 3 thường được mừng tuổi 10000 yên (nguồn ảnh: pakutaso.com)


4. Trẻ em sẽ sử dụng tiền lì xì như thế nào?
Khi trẻ em nhận được tiền lì xì, người lớn thường đặt câu hỏi về việc tiền sẽ được chi tiêu như thế nào. Thông thường, nếu trẻ nhận được kha khá tiền, cha mẹ sẽ yêu cầu chúng dành ít nhất một phần trong số đó để tiết kiệm cho tương lai, ngoài ra trẻ có quyền mua một số đồ chơi nhỏ và rẻ tiền. Đôi khi trẻ em được phép sử dụng tiền để một món đồ đặc biệt và đắt tiền mà chúng muốn. Nhìn chung, cách quản lý tiền lì xì của cha mẹ Nhật cũng khá giống các bậc phụ huynh ở Việt Nam. Tất cả sẽ phụ thuộc vào lối sống và cách dạy dỗ của mỗi gia đình. Dù sao, bất kể số tiền được chi tiêu như thế nào, có một điều mà hầu hết trẻ em Nhật Bản đều đồng ý: việc nhận otoshidama là một trong những truyền thống thú vị nhất của năm mới!


Cha mẹ sẽ yêu cầu trẻ tiết kiệm một phần tiền mừng tuổi (nguồn ảnh: pixabay.com)


5. Ý nghĩa của otoshidama
Ý nghĩa của việc tặng otoshidama cho trẻ em là để động viên sự nỗ lực trong năm vừa qua và mang lại hy vọng cho năm mới. Không chỉ vậy, thông qua việc quản lý tiền lì xì, các bậc cha mẹ cũng muốn dạy cho con trẻ về tính tiết kiệm! Mặc dù đã nhận được tiền nhưng trẻ em phải giữ lại một khoản tiết kiệm chứ không được sử dụng tất cả số tiền đó cùng một lúc. Nếu chúng sử dụng hết ngay từ đầu năm, chúng sẽ không thể mua thêm gì trong suốt cả năm còn lại. Không có gì ngạc nhiên khi một vài trẻ sẽ muốn tiêu hết tiền ngay lập tức, và tại thời điểm đó, cha mẹ chỉ cho trẻ một số lời khuyên rồi để chúng tự lựa chọn cách tiêu tiền. Đây cũng là một trong những cơ hội tốt để cha mẹ giáo dục trẻ, phải không?


Tag: Japan Otoshidama

Bài viết liên quan