10 tượng Phật nổi tiếng ở Nhật Bản
Mục lục
1. Đại tượng Phật Nara
2. Đại tượng Phật Ushiku
3. Đại tượng Phật Kamakura
4. Đại tượng Phật Takaoka
5. Tượng Phật nằm ngang ở đền Nanzoin
6. Đại tượng Phật Nihonji
7. Đại tượng Phật Shouwa
8. Đại tượng Phật Ueno
9. Đại tượng Phật Tokyo
10. Đại tượng Phật Gifu
Phật giáo là một trong những tôn giáo phổ biến tại khu vực Châu Á, đặc biệt là các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đạo Phật chính thức du nhập vào Nhật từ những năm 538 sau công nguyên và đã có sự phát triển rực rỡ đến ngày nay. Minh chứng rõ nhất là số lượng Phật tử của “đất nước mặt trời mọc” chiếm tới 34.9% dân số, cùng với hàng trăm ngôi đền, chùa lớn nhỏ cổ kính, mang những nét đẹp văn hóa riêng. Đặc biệt là những bức Đại tượng Phật - Daibutsu với hình dáng, kích thước, màu sắc và ý nghĩa đặc trưng khác nhau. Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng khám phá 10 bức tượng Phật nổi tiếng của Nhật Bản và những câu chuyện đằng sau chúng.
1. Đại tượng Phật Nara
Một trong những bức tượng Phật nổi tiếng và cổ kính nhất được đặt tại ngôi chùa Todaiji tỉnh Nara - Đại tượng Phật Nara. Đây là bức tượng Phật Như Lai khổng lồ, với chiều cao lên tới gần 49.1m, được chính phủ Nhật Bản coi như là “báu vật quốc gia” và là di tích lịch sử từ thời Nara cổ đại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong nhiều thời kỳ, bức tượng đã bị phá hủy nghiêm trọng, song vẫn được người dân nơi đây sửa chữa và gìn giữ tới tận ngày nay. Nơi đặt bức tượng là đền Đông Đại (Daibutsuden) - là công trình kiến trúc xây dựng bằng gỗ lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa của nhân loại. Du khách cũng đừng quên ghé thăm công viên quốc gia Nara có tuổi đời lâu nhất tại nơi đây, để cùng hòa mình vào thế giới thiên nhiên và ngắm nhìn những chú hươu hiền lành, dễ thương.
2. Đại tượng Phật Ushiku
Bức tượng Phật Ushiku được xây dựng vào năm 1995, được đánh giá là bức tượng cao nhất Nhật Bản và thế giới - theo sách Kỷ lục Guinness cho đến năm 2002 với chiều cao lên tới 130m, có kích thước lớn hơn gấp 3 lần tượng Nữ thần Tự do tại Mỹ. Bức tượng được đúc bằng đồng, đặt tại khu vực Ushiku của quận Ibaraki, và bao quanh bởi các bãi cỏ xanh mướt, vườn hoa, công viên cùng với ao cá Koi sinh động, mở ra một không gian mở cho khách du lịch khám phá không chỉ vẻ đẹp rộng lớn của thiên nhiên và còn là không gian văn hóa đặc trưng của nơi đây.
Điều đặc biệt nhất là bên trong tượng Phật Ushiku được chia ra làm 4 tầng, hoạt động giống như một viện bảo tàng vậy. Tại tầng 3 có trưng bày khoảng 3300 bức tượng Phật bằng vàng mang tên tên là "Thế giới của thánh địa hoa sen". Tại vị trí cách mặt đất 85m còn có đài viễn vọng quan sát, giúp du khách phóng tầm mắt để ngắm nhìn vẻ đẹp đất trời Ushiku từ trên cao, thậm chí là tháp Sky Tree và núi Phú Sĩ từ đằng xa xa.
3. Đại tượng Phật Kamakura
Một biểu tượng của thị trấn cổ Kanagawa và được mệnh danh là “báu vật quốc gia” của Nhật Bản - Đại tượng Phật Kamakura, hay còn được gọi là tượng Phật ‘lưng gù”, là một trong ba bức tượng Phật lớn nhất Nhật Bản với chiều cao lên tới 13.35m và nặng tới 121 tấn. Được xây dựng từ những năm 1252, nhưng do ảnh hưởng của thiên tai như sóng thần, động đất, bức tượng đã nhiều lần bị hư hại và tàn phá nặng nề. Vào năm 1238, tượng Phật Kamakura được xây dựng lại bằng đồng xanh và thiết kế với khả năng chống động đất và chịu nhiệt cao. Với chi phí chỉ 20 yên/người, du khách có thể tận mắt tham quan và ngắm nhìn trực tiếp cấu trúc bên trong bức tượng Phật nổi tiếng này.
4. Đại tượng Phật Takaoka
Takaoka là tượng phật A di đà ngồi, được đặt tại chùa Daibutsu-ji thuộc thành phố Takaoka, tỉnh Toyama. Vào năm 1211, vật liệu chính của bức tượng Phật này ban đầu là gỗ, nhưng sau khi trải qua 2 cuộc hỏa hoạn, người ta đã cho đúc đồng để tăng độ bền và khả năng chịu nhiệt nếu có những tình huống tương tự xảy ra. Đây được coi là một kiệt tác chế tạo trong suốt 30 năm với chiều cao 16m và nặng 65 tấn. Đài sen bên dưới tượng Phật được làm bằng bê tông và chế tác tinh xảo, bên trong còn có các hành lang, dẫn lối tới nơi trưng bày những bức tượng gỗ bị thiêu cháy vào năm 1990 - tiền thân của tượng Phật Takaoka cùng rất nhiều tác phẩm và tranh ảnh khắc họa cuộc sống nơi thiên đường và địa ngục.
5. Tượng Phật nằm ngang ở đền Nanzoin
Ngoài phong cảnh thiên nhiên cùng sự nổi tiếng là nơi linh thiêng tại Fukuoka thì chùa Nanzoin còn là điểm thu hút bởi bức tượng Phật “nằm” bằng đồng lớn nhất trên thế giới. Được xây dựng từ năm 1995, bức tượng có tên Nehanzou hay Sakane Hanzou cao 11m, dài 41m và nặng hơn 300 tấn. Nehanzou khắc họa hình ảnh Đức Phật ở trạng thái niết bàn - trạng thái khi thân hoặc tâm vẫn còn hiện hữu nhưng không còn phiền não hoặc lo nghĩ. Trên bàn tay tượng Phật có 5 sợi dây nối xuống dưới để du khách có thể nắm lấy, điều này có ý nghĩa giúp mọi có thể người kết nối với Đức Phật trong khi Ngài đang đạt tới niết bàn, cũng như là tiếp thu những kiến thức thâm sâu của Người về cuộc sống.
6. Đại tượng Phật Nihonji
Tượng Phật Nihonji được được khắc vào năm 1783 và nằm trong khuôn viên ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất tại thị trấn Kyonan, đền Nihonji. Là bức tượng Phật được chạm khắc trên vách đá lớn nhất ở Nhật Bản với chiều cao 31.5m, có kích thước gấp đôi so với bức tượng Phật bằng đá Kamakura. Bức tượng mô phỏng một vị Phật từ bi, tay cầm hộp thuốc thần chứa viên ngọc lục bảo, có khả năng chữa được bách bệnh. Có thể nói sự kết hợp của bức tượng Phật được bao quanh bởi màu xanh lá của cây cối cùng với màu xanh biếc của bầu trời đã tạo nên khung cảnh tráng lệ, tạo cảm giác thanh bình và nhẹ nhõm khi tới đây.
Ở bên trái của Đức Phật là hàng trăm bức tượng Jizo trắng, có kích thước nhỏ hơn. Phật Jizo là vị thần rất được yêu quý và sùng bái bởi Ngài chính là người bảo vệ trẻ em - mầm non của đất nước. Không chỉ vậy, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng 1500 bức tượng La Hán có sự đa dạng về kích thước và hình dáng, với nhiều bức đã bị chặt đầu, không giữ được hình dáng nguyên vẹn do phong trào chống lại Phật giáo Haibutsu Kishaku năm 1868-1874, sau thời kỳ Minh Trị Duy Tân, nhiều địa điểm Phật giáo đã bị tấn công và bị phá hủy.
7. Đại tượng Phật Shouwa
Đại Phật Showa là bức tượng Phật khổng lồ được xây dựng vào năm 1984 bởi Ryuukou Oda, đặt tại chùa Seiryu, thuộc tỉnh Aomori. Bức tượng khắc họa hình ảnh của Phật Như Lai trong tư thế thiền định trên đài sen cùng hai bàn tay đan lại với nhau, giúp diễn tả một thần thái uy nghi nhưng không kém phần hiền hòa của Đức Phật. Bức tượng có chiều cao 70m, là tượng phật ngồi lớn nhất Nhật Bản, cao hơn cả Đại tượng phật Nara. Du khách hoàn toàn có thể vào tham quan bên trong lòng bức tượng. Đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm nơi đây vào tháng 8, cũng là thời điểm lễ hội Obon đang diễn ra và thu hút sự chú ý và tham quan của hàng triệu lượt khách du lịch.
8. Đại tượng Phật Ueno
Là một trong những bức tượng Phật vĩ đại của Nhật Bản đầu tiên được xây dựng vào năm 1631. Đại tượng Phật Ueno nằm trong khu vực công viên Ueno, với đặc điểm là chỉ có phần đầu của bức tượng. Ban đầu, đây là một bức tượng Phật lớn và hoàn thiện với đầy đủ các chi tiết như thân, mình và đài sen, nhưng do thiên tai động đất và chiến tranh nên bức tượng bị phá huỷ, trong khi các phần khác được đúc để chế tạo vũ khí. Đó là lý do mà hiện nay ta chỉ có cơ hội để ngắm nhìn khuôn mặt của vị Phật từ bi với chiều cao tương đương với một người trưởng thành.
9. Đại tượng Phật Tokyo
Nằm trong top 3 bức tượng Phật lớn nhất tại xứ sở Phù Tang, chỉ sau đại tượng Nara và Kamakura, bức đại tượng Phật Tokyo có trọng lượng 32 tấn, chiều cao đến 13m gồm cả phần đế. Một điều đặc trưng là dù được đúc khuôn bằng đồng xanh nhưng màu sắc của bức tượng lại là màu đen tuyền - điều này khá hiếm thấy ngay cả ở Nhật Bản. Được xây dựng vào năm 1977, tượng Phật Tokyo được xem là biểu tượng của ngôi chùa Jorenji, chứa đựng niềm mong ước của người dân là những thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh sẽ không còn xảy ra trên mảnh đất nơi đây.
10. Đại tượng Phật Gifu
Đại tượng Phật Gifu có tên gọi là “Shaka Nyorai” với chiều cao 44,7m, nằm ở quận Gifu trong ngôi chùa Shouhou ji thuộc tỉnh Gifu, hiện được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng cấp tỉnh. Bức tượng được xây dựng vào năm 1828 bằng cách sử dụng các loại gỗ đặc biệt của Nhật Bản như gỗ cây bạch quả hay cây tre. Một trong những phương pháp được áp dụng trong khi xây dựng bức đại tượng này gọi là "Mokushin Kanshitsu Zukuri", có nghĩa là dán vải sợi gai dầu đã được ngâm sơn mài lên trên bộ khung được làm bằng gỗ, vì thế mà màu sắc chủ đạo của bức tượng là màu vàng chứ không phải xanh hoặc trắng như một số tượng Phật khác.
Khám phá những nét đẹp văn hóa thông qua vẻ đẹp tôn giáo đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc hơn về xứ sở hoa anh đào. Bên cạnh khám phá những địa điểm vui chơi nhộn nhịp, hiện đại, chúng ta hãy dành một chút thời gian để sống chậm lại, tận hưởng bình yên hơn bằng việc tham quan các ngôi chùa và cùng cầu nguyện sự bình an đến với mọi người và chính chúng ta.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ