5 ngôi nhà truyền thống vượt thời gian ở Nhật
Mục lục
1. Phong cách trà đạo
2. Nhà "Machiya" ở Kyoto
3. Nhà ở Osaka
4. Phong cách Farmhouse
5. Biệt thự
Nhắc đến những ngôi nhà truyền thống ở Nhật Bản, những hình ảnh nào xuất hiện trong tưởng tượng của bạn? Chiếu tatami, bàn gỗ, đệm ngồi, tủ nhiều ngăn hay tấm trượt fusuma thay thế cửa và tường? Trong khi đây chính là những đặc điểm quan trọng trong thiết kế nội thất ở Nhật thì chúng chỉ là một phần nhỏ trong phong cách kiến trúc truyền thống tại “đất nước mặt trời mọc”. Trong bài viết này, mời bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tại sao tính thẩm mỹ đặc biệt trong thiết kế nhà tại Nhật này lại có thể lưu giữ qua nhiều thế kỷ và hãy xem 5 ngôi nhà truyền thống vượt thời gian ở Nhật chúng tôi muốn giới thiệu dưới đây có gì độc đáo?
Trước hết, hãy cùng Japagazine điểm qua 4 yếu tố nổi bật trong phong cách nhà tại Nhật Bản, đó là:
Ngôi nhà thênh thang với những khoảng trống
Người Nhật không muốn căn nhà của mình trở nên lộn xộn bởi quá nhiều vật dụng, một tư tưởng rất khác biệt với phong cách thiết kế nhà của phương Tây. Những đồ đạc khác trong phòng như bàn gỗ thấp, tủ nhiều ngăn, nệm futon (布団) đều được sắp xếp ở những vị trí nhất định, tạo cảm giác gọn gàng, dễ dọn dẹp. Khi bước vào những căn nhà truyền thống kiểu Nhật như thế này, dù diện tích có chật hẹp bạn cũng sẽ thấy không gian như được nới rộng ra.
Gỗ là vật liệu ưa thích
Những nghệ nhân làm mộc tại Nhật Bản đã hoàn thiện các kỹ thuật để tạo ra vẻ đẹp nội tại của gỗ. Các tòa nhà bằng gạch được xây dựng lần đầu tiên ở Ginza vào khoảng năm 1870 dần không được ưa chuộng bởi vì mọi người thích sống trong các tòa nhà bằng gỗ thông thoáng.
Tiêu chuẩn hóa kích thước của căn phòng bằng chiếu tatami
Gian chính trong ngôi nhà của người Nhật có phần trống trải. Họ không để bất cứ thứ gì dưới nền nhà mà chỉ trải chiếu tatami - loại chiếu cói truyền thống, linh hồn của các ngôi nhà Nhật Bản. Họ thường dùng chiếu tatami để đo lường kích thước của căn phòng. Một căn phòng cơ bản đúng chuẩn thường trải vừa 6 chiếc chiếu này, với kích thước mỗi chiếu là 90cm x 180cm.
Mang thiên nhiên đến với ngôi nhà của mình
Những ngôi nhà truyền thống của người Nhật đều không thể thiếu sự hiện hữu của những ngôi vườn nhỏ. Chỉ cần mở tấm trượt shoji ra, bạn đã thấy cả căn phòng như hòa hợp với cỏ cây, chim muông, nhất là vào những ngày thời tiết trong xanh. Bên cạnh đó, người Nhật ưa chuộng những vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, giấy tráng để tạo cảm giác an toàn, bởi họ quan niệm rằng gạch đá sẽ chôn vùi con người còn tre giấy thì không, nhất là với một đất nước thường xuyên phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai như Nhật Bản.
Sự đơn giản trong các nghi thức về trà đạo đã tạo ra một phong cách kiến trúc đặc biệt gọi là Sukiya- một phong cách tươi vui, mộc mạc, không bị gò bó. Ngôi nhà Takamatsu được xây dựng vào năm 1917 theo phong cách này ở Nagoya và đã trở thành một địa điểm tham quan của tỉnh Aichi vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ngôi nhà mang không khí thanh lịch, trang nhã chứ không quá màu mè, sặc sỡ. Cửa vào phòng trà chỉ cao khoảng 60cm, một cách để những vị khách bước vào thể hiện sự kính cẩn, khiêm tốn của mình. Ngồi từ những tấm chiếu trải trong phòng, bạn có thể nhìn được bao quát toàn bộ quang cảnh thiên nhiên tươi mát bên ngoài của khu vườn. Thưởng trà trong ngôi nhà này đem lại cho bạn cảm giác thanh tịnh, yên tĩnh, trút bỏ hết những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật.
2. Nhà "Machiya" ở Kyoto
Nằm ở trung tâm của cố đô Kyoto, Kondaya Genbei là một ví dụ điển hình về ngôi nhà truyền thống theo phong cách “Machiya” thanh lịch. Ngôi nhà này được xây dựng vào những năm 1730 và từ đó đến nay trở thành nơi ở và cửa hàng bán kimono cũng như sản xuất thắt lưng obi. Công việc kinh doanh thịnh vượng của cửa hàng đang được điều hành bởi Genbei Yamaguchi, đời gia tộc Genbei thứ 10 và cũng là một nhà thiết kế kimono. Vào mùa hè, ngôi nhà đều có thiết bị làm mát và những hoa văn trang trí hình chim muông trên tấm thảm cũng mang lại cho mọi người cảm giác tươi mát. Phòng trà của ngôi nhà có thiết kế nhỏ và đơn giản, từ căn phòng có thể nhìn ra vườn trà qua các tấm rèm trên cửa sổ.
3. Nhà ở Osaka
Trong khi sự đơn giản là điểm nổi bật của ngôi nhà phong cách Kyoto thì nội thất bên trong ngôi nhà ở Osaka có chút mới mẻ, cầu kỳ hơn. Ở Osaka có một ngôi nhà truyền thống được xây dựng trong một khu dân cư cao cấp từ hơn 70 năm trước bởi ông bà nội của chủ sở hữu hiện tại là Teizo Sato. Sống giữa những cổ vật của ngôi nhà đặc biệt này từ khi lên 6 tuổi nên năng khiếu thẩm mỹ về kiến trúc phương Đông, phương Tây đã sớm hình thành trong con người Sato. Anh thích bài trí nội thất một cách sáng tạo, mới mẻ, đem lại sự hứng thú, ngạc nhiên cho các vị khách của mình. Mặc dù một ngôi nhà cổ truyền thống sẽ chỉ có một số nội thất trang trí cơ bản nhưng trong ngôi nhà này, Sato đã thiết kế thêm một tấm thảm dệt tuyệt đẹp đặt trước fusama, giá để nến, lá phong, kimono có hoa văn của mùa hè, đằng sau là bức bình phong màu vàng.
4. Phong cách Farmhouse
Minka là ngôi nhà theo phong cách farmhouse, một phong cách kiến trúc truyền thống của Nhật Bản nhưng nhanh chóng lụi tàn. Chúng thường được xây dựng từ những cây gỗ to và nặng, mái rơm và tường đất. Mặc dù mang một vẻ đẹp quyến rũ nhưng những ngôi nhà này khá tối và lạnh, thiếu các tiện nghi hiện đại và khó tu sửa. Chính vì các lý do này mà số lượng các ngôi nhà kiểu này ngày càng bị thu hẹp. Gần đây, Karl Bengs, một kiến trúc sư người Đức, trong hơn 20 năm qua đã nỗ lực khôi phục một số tòa nhà truyền thống của Nhật Bản, bao gồm cả ngôi nhà 180 tuổi của ông ở Matsudai, Niigata. Bên trong ngôi nhà này, các cột gỗ được giữ cố định với nhau bằng rơm rạ chắc chắn, có một gian rộng lớn để tụ họp gia đình. Trong quá trình cải tạo lại, Bengs đã thiết kế thêm hai cửa sổ kính để đón ánh sáng tự nhiên vào bên trong ngôi nhà.
5. Biệt thự
Koichi Sato là trưởng gia tộc đời thứ 11 của một gia đình địa chủ ở Akita, phía bắc đảo Honshu. Mùa đông ở đây thời tiết rất khắc nghiệt, vạn vật được bao phủ bởi lớp tuyết dày trắng xóa, đặc biệt từ tháng 11 đến tháng 4. Ngôi biệt thự Sato được xây dựng vào năm 1894, trong khi bên ngoài tòa lâu đài mang vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ để chống chọi lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên thì nội thất bên trong được thiết kế theo phong cách Shoin quý tộc đầy tinh tế. Mái nhà của ngôi biệt thự được lợp bằng gạch men, khác với hầu hết các ngôi nhà khác trong vùng này đều được lợp bằng rơm. Hàng rào gỗ xung quanh ngôi nhà được làm từ những cây tuyết tùng Nhật Bản và cổng chính có hình dạng của chiếc mũ chiến binh, tượng trưng cho địa vị và sự tinh tế của gia chủ. Hàng hiên rộng trước thềm nhà được sơn mài để bảo vệ sàn gỗ khỏi mưa ướt và những cánh cửa chắn mưa dù đã có tuổi thọ trên dưới trăm năm nhưng vẫn không hề bị cong vênh mà có thể dễ dàng đẩy đều tăm tắp như một đoàn xe chạy dọc đường ray.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ