Văn hóa

Kodomo no hi: Ngày tết thiếu nhi ở Nhật Bản

Mục lục
1. Nguồn gốc của ngày trẻ em ở Nhật
2. Biểu tượng
3. Ngày trẻ em được tổ chức như thế nào
4. Những món ăn đặc biệt
5. Ngắm cờ cá chép rực rỡ ở các lễ hội



Nếu bạn ghé thăm Nhật Bản trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 tới tháng 5, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức và trải nghiệm “Tuần lễ vàng” với chuỗi 4 sự kiện quan trọng. Đó là ngày kỷ niệm sinh nhật của Thiên hoàng Showa ( 29/4), Ngày Hiến pháp ( 3/5), Ngày Xanh (4/5) và Tết thiếu nhi ( 5/5). Đặc biệt vào ngày tết thiếu nhi, một cảnh tượng độc đáo khi đường phố được trang hoàng với hàng ngàn chiếc đèn lồng cá chép sặc sỡ sắc màu cùng với không gian lễ hội nhộn nhịp sẽ là điều mà du khách không thể bỏ qua. Vậy ngày tết thiếu nhi - Kodomo no hi tại Nhật Bản có gì đặc biệt hơn ngày tết thiếu nhi tại các quốc gia khác? Chúng ta hãy cùng khám phá trong bài viết lần này.



1. Nguồn gốc của ngày trẻ em ở Nhật

Ban đầu, tại Nhật Bản, ngày 5/5 được biết tới là Tango no sekku (端午の節句) - trong khi các quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và HongKong gọi đây là ngày tết Đoan Ngọ. Đây là ngày đánh dấu sự chuyển mình từ mùa xuân sang mùa hè, đồng thời cũng là khoảng thời gian dễ phát sinh dịch bệnh. Bắt nguồn từ những phong tục, nghi lễ được tiến hành trong dịp lễ tết Đoan ngọ của Trung Quốc, gia đình Nhật hoàng và giới quý tộc triều đình cũng tổ chức việc phân phát lá thuốc phòng bệnh, hay tổ chức những buổi lễ phi ngựa bắn cung nhằm xua đuổi tà ma ác quỷ.


Đến thời Kamakura (1185-1333), các gia đình Samurai lại treo những lá cờ (Nobori), mũ giáp (Kabuto), hay những vũ khí chiến đấu trước nhà, còn người dân thì thay thế bằng những mũ giáp và hình nộm Samurai to lớn, dũng mãnh được làm từ giấy với những hình ảnh của nhân vật lịch sử như anh hùng Benkei, Yoshitsune dũng mãnh, nhằm cầu mong sự che chở, bảo vệ mọi người trong gia đình khỏi những tại họa, bệnh tật.



©photo-ac.com


Thực chất, ngày 5/5 hàng năm là ngày của các bé trai, và ngày 3/3 là ngày dành cho các bé gái. Tuy nhiên, vào năm 1948, chính phủ đã đổi tên chính thức cho ngày này là Kodomo no hi - tết thiếu nhi với ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, bình an đến với các bạn nhỏ, đồng thời cũng là tránh sự phân biệt giới tính giữa nam và nữ tại Nhật Bản.


2. Biểu tượng

Đèn lồng cá chép:
Một biểu tượng không thể thiếu và cũng là quan trọng nhất trong ngày Kodomo no hi tại Nhật Bản là những chiếc đèn lồng cá chép đầy sắc màu - Koinobori, trong đó, Koi có nghĩa là cá chép, Nobori mang nghĩa là đèn lồng. Nguồn gốc của “vị sứ giả” này bắt nguồn từ truyền thuyết cổ của Trung Quốc, khi loài cá chép đã trải qua một chặng đường gian nan, vượt qua sông Hoàng Hà để hoá rồng. Vì vậy, hình ảnh cá chép vượt vũ môn đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên trì, không ngại khó khăn để vươn tới thành công, và đó cũng là những ước mong mà người dân Nhật Bản muốn gửi gắm tới các em bé - thế hệ tương lai của đất nước.



©photo-ac.com


Việc treo đèn lồng cá chép từ đó đã trở thành một tục lệ không thể thiếu trong ngày tết thiếu nhi 5/5 trên khắp đất nước Nhật Bản. Vào năm 1988, lần đầu tiên, người Nhật đã tạo ra chiếc đèn lồng Koinobori với kích thước khổng lồ: chiều dài lên tới 100m, trọng lượng nặng tới 350kg. Thông thường, các gia đình tại đất nước mặt trời mọc treo đèn cá chép trên chiếc sào hoặc cột cao tới 3m, với 3 chiếc đèn lồng có 3 màu sắc khác nhau theo thứ tự là màu đen, đỏ và xanh với ý nghĩa khác nhau:


- Màu đen biểu hiện cho mặt nước mùa đông tĩnh lặng, nước cũng là nơi bắt nguồn của mọi sự sống. Đây làm màu tượng trưng cho người cha được biết tới là “magoi” (真鯉) với tích cách trầm tĩnh, kiên nhẫn.


- Màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu tượng trưng cho người mẹ (higoi, 緋鯉). Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ.


- Màu xanh là màu của cây cỏ mùa xuân đâm chồi nảy lộc, biểu hiện cho sự phát triển của trẻ em.




Ngày nay, dưới sự phát triển của đất nước, đèn lồng cá chép đã có nhiều màu sắc sặc sỡ hơn như màu cam, vàng, xanh dương, nâu,... càng tô điểm thêm cho không khí lễ hội, đường phố trở nên sinh động hơn. Nhìn những chiếc đèn lồng cá chép “phấp phới” tung bay theo ngọn gió, ta càng cảm nhận và thấy được nét đẹp hòa quyện trong thiên nhiên đất trời, nét đẹp văn hóa, truyền thống tại nơi đây.


Bài hát về Koinobori:
Đây được coi là bài hát truyền thống của người dân Nhật Bản trong ngày tết thiếu nhi. Từng giai điệu, lời bài hát đều thể hiện nét đẹp văn hóa, truyền thống mang tính biểu tượng trong ngày lễ này. Đặc biệt, giai điệu trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc, ấp ủ những ý nghĩa, lời nhắn nhủ của cha ông đã khắc sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người dân xứ sở Phù Tang



Lời bài hát:

やねより たかい こいのぼり

おおきい まごいは おとうさん

ちいさい ひごいは こどもたち

おもしろそうに およいでる


Tạm dịch:

Cao hơn mái nhà là Koinobori

Cá chép lớn là cha

Cá chép nhỏ là con

Chúng đang cùng nhau bơi lội tung tăng


Mũ và áo giáp samurai:
Vào ngày trẻ em các gia đình sẽ trang trí nhà cửa bằng những bộ áo giáp và mặt nạ samurai biểu tượng cho sự dũng mãnh, sức mạnh phi thường, sức sống bền bỉ, sức khỏe dẻo dai. Đây cũng chính là thông điệp và ước muốn của các cha mẹ muốn gửi gắm tới con em mình.




3. Ngày trẻ em được tổ chức như thế nào

Để chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt này, công tác tổ chức và chuẩn bị đã được thực hiện trước đó vài ngày, thậm chí là vài tuần. Những chiếc đèn lồng cá chép đặc trưng không chỉ được treo trước cửa mỗi gia đình, đầu ngõ, mà trên khắp các con phố đã “rợp” những chiếc đèn lồng đầy màu sắc ấy. Đặc biệt là ở những khu trung tâm, nơi tổ chức và diễn ra các lễ hội với quy mô lớn, du khách lại càng có cơ hội để hòa mình vào không khí nhộn nhịp, vui tươi và tràn đầy hy vọng. Trong khi đó, những giai điệu truyền thống từ bài hát Koinobori lại được cất lên, hòa vào tiếng cười vui, niềm hạnh phúc và háo hức của mọi đứa trẻ, mọi gia đình.  Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn trưng bày búp bê Kintarou với đủ mọi kích thước, hình dáng và màu sắc.



4. Những món ăn đặc biệt

Vào một ngày lễ đặc biệt này, chúng ta không thể bỏ qua những món ăn truyền thống, mang đậm những ý nghĩa riêng.


Bánh Chimaki(粽):

Một loại bánh truyền thống được làm từ bột nếp, khá giống với các loại bánh nếp hấp hoặc bánh ú tro của Việt Nam, được gói như hình một tam giác cân với ý nghĩa chúng sẽ ngăn chặn và xua tan ma quỷ, sự phù phép hay ám khí của tà ma. Chỉ khác là nhân của những chiếc bánh Chimaki này là kiểu nhân mặn, bao gồm lạp xưởng, nấm đông cô, lạc, thịt mỡ,...



Nguyên liệu chế biến:

- 3 bò gạo nếp

- 150g thịt lợn

- Lạc/đậu phộng

- 20g tôm nõn khô

- Nấm đông cô, nấm hương

- 100g măng

- Đậu xanh

- Lá chuối tươi

- Gia vị: nước tương, đường, nước mắm, muối, rượu sake, dầu mè, hạt tiêu,...


Cách chế biến:

  1. Ngâm gạo nếp qua đêm, đun nóng dầu mè cùng gạo nếp và các nguyên liệu chính ngoài gia vị trong nồi lớn trong khoảng 3 phút

  2. Sau khi gạo đã sôi, trộn gia vị và nêm nếm sao cho vừa rồi khuấy đều tay, tránh làm cháy phần gạo ở phía bên dưới đáy nồi

  3. Gói hỗn hợp bằng lá chuối tươi theo hình tam giác đều rồi hấp bánh trong khoảng 10 phút

  4. Sau khi hấp xong, chưa lấy bánh ra luôn mà để trên bếp thêm khoảng 10 phút


Bánh Kashiwamochi(柏餅):

Một chiếc bánh đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều các thế hệ người Nhật, nghĩ đến chúng là chúng ta nghĩ đến hình ảnh của những người bà, người mẹ tần tảo. Nếu Chimaki là bánh nhân mặn thì Kashiwamochi lại là loại bánh nhân ngọt đậu đỏ. Sở dĩ chúng có tên là Kashiwamochi vì những chiếc bánh này được gói bằng lá sồi - kashiwa.



Nguyên liệu chế biến:

- 250g bột nếp

- 350ml nước lọc

- 300 - 350g bột đậu đỏ

- Lá sồi (kashiwa)


Cách chế biến:

  1. Trộn đều bột nếp với nước rồi quay trong lò vi sóng khoảng 5 phút

  2. Nhào bột trong khoảng 15 tới 20 phút

  3. Để hỗn hợp trong túi kín và ngâm trong nước lạnh trong 20 phút, chú ý không được để nước tràn vào hỗn hợp

  4. Sau đó, tiếp tục nhào bột thêm 5 phút nữa để bột có độ dẻo

  5. Chia bột thành 10 phần bằng nhau rồi nặn mỗi phần thành các khối tròn có đường kính khoảng 8.5cm. Nhồi nhân vào giữa rồi gập mặt kia của bánh tạo thành hình bán nguyệt

  6. Gói lá sồi bên ngoài những chiếc bánh sao cho mặt sáng màu của lá tiếp xúc với bánh

  7. Hấp bánh trong khoảng từ 5 - 7 phút


5. Ngắm cờ cá chép rực rỡ ở các lễ hội

Đèn lồng cá chép đã trở thành một biểu tượng không thể thay thế trong ngày tết thiếu nhi tại Nhật Bản. Vì vậy, du khách đừng bỏ qua 3 lễ hội quy mô và hoành tráng nhất được tổ chức tại xứ sở hoa anh đào để cùng hòa mình vào không gian văn hóa nơi đây


Lễ hội Tatebayashi Koinobori no Sato(館林こいのぼりの里):
Đây là lễ hội tết thiếu nhi nổi tiếng thế giới diễn ra tại Tatebayashi thuộc tỉnh Gunma. Nơi đây cũng đang nắm giữ kỷ lục Guiness về số lượng đèn lồng cá chép được trưng bày tại lễ hội vào khoảng 5.000 chiếc. Năm 2019, sự kiện này được tổ chức từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 10 tháng 5. Koinobori được trưng bày ở năm khu vực khác nhau của Thành phố Tatebayashi: Sông Tsuruuda-gawa (生 田 川), Sông Morinji-gawa (寺 川), công viên Tsutsujigaoka (つつじが岡), Kondo-numa Marsh (近藤沼) và Công viên Tatara-numa (々 良 沼).

Trang web: http://www.utyututuji.jp/world/en.html



Lễ hội Uzuma no Koinobori(うずまの鯉のぼり):
Được diễn ra tại thành phố Tochigi, tỉnh Tochigi. Đây là nơi mà du khách có thể chiêm ngưỡng hàng ngàn chiếc đèn lồng cá chép trên sông Uzama. Du ngoạn trên những chiếc thuyền để ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh rực rỡ ấy trên dòng sông thơ mộng Uzama chắc chắn là một trải nghiệm đáng nhớ trong suốt cuộc hành trình lần này.

Trang web: https://hanabi-tochigi.com/uzuma-koinobori/



Lễ hội tại tòa tháp Tokyo(東京タワー):
Thưởng thức khung cảnh lễ hội ngay tại trung tâm thủ đô Tokyo vừa tiết kiệm được thời gian di chuyển của du khách lại vừa mang lại cảm giác và trải nghiệm quý báu cho mọi người trong dịp lễ truyền thống này. Ngay dưới chân tòa tháp Tokyo là 333 chiếc đèn lồng cá chép đang khoe sắc và tô điểm thêm cho nơi đây. Ngoài ra, việc di chuyển tới các địa điểm khác từ đây cũng rất thuận tiện, ví dụ như công viên Unga mizube.






Vậy là chúng ta đã khám phá được nét đẹp độc đáo nhưng vô cùng ý nghĩa trong ngày lễ quan trọng - Kodomo no hi tại Nhật Bản. Hiểu được lịch sử, những nét đẹp, văn hóa, truyền thống và niềm tin được gửi gắm qua nhiều thế hệ người dân nơi đây. Chúng mọi người có một chuyến hành trình khám phá đáng nhớ, đầy ắp niềm vui, sự hứng khởi trong ngày lễ thiếu nhi này nhé!



Bài viết liên quan