Văn hóa

Matcha và những điều bạn không ngờ tới

Mục lục
Matcha được tạo ra từ sự gian khổ
Matcha làm từ lá trà, không tan trong nước
Được các nhà sư Thiền tông yêu thích
Các chiến binh samurai uống matcha trước khi chiến đấu
Chứa gấp 10 lần chất chống oxy hóa so với trà xanh thông thường
Hương vị và màu sắc đặc biệt của Matcha
Matcha rất nhạy cảm với không khí, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm



Nhắc tới Nhật Bản, chúng ta không thể không nhắc tới những biểu tượng đặc trưng ở nơi đây như Kimono, hoa anh đào, núi Phú Sĩ, sushi, sashimi,...  Và chắc chắn một nguyên liệu rất có lợi cho sức khỏe, lại rất gần gũi với các bạn trẻ mà chúng ta chưa đề cập đó là Matcha. Bạn có biết rằng matcha đã được người dân Nhật sử dụng từ hơn 800 năm trước, và được đánh giá là một trong những nguyên liệu “thần kỳ”. Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài “bí mật” của Matcha mà ít người biết tới nhé.



Matcha được tạo ra từ sự gian khổ

Matcha(抹茶) có nguồn gốc từ Trung Quốc vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên - với tên gọi ban đầu là Ocha (trà), và được du nhập vào Nhật Bản từ khoảng cuối thế kỷ thứ 12. Vào thời điểm đó, trà được xem như một loại thảo dược, thứ thuốc vạn năng có thể chống lại mọi bệnh tật, giúp con người “trường sinh bất lão” nên chỉ có vương giả, quý tộc, và những tầng lớp có sức ảnh hưởng như giới cầm quyền mới được dùng.





Tuy nhiên, vào thời điểm đó, matcha được chế biến đơn giản bằng cách rang và nghiền lá trà. Chỉ đến khi phát minh ra phương pháp canh tác oishita (trồng trong bóng râm), matcha mới được tinh chế để có hương vị phong phú hơn và có màu xanh thẫm hơn.


Phát hiện này xảy ra trong một mùa đông khắc nghiệt, khi những người nông dân trồng trà quyết định che phủ cây chè của họ bằng cây sậy và rơm để tránh thiệt hại do sương giá gây ra trước khi thu hoạch. Họ nhận ra rằng bóng râm chính là nguyên nhân khiến cây chè tạo ra nhiều chất diệp lục hơn trong các chồi mới, giúp tạo điều kiện cho quá trình quang hợp, do đó tăng cường hàm lượng axit amin của búp trà non. Chính những chồi non này sẽ được hái bằng tay và chế biến thành matcha có hương vị đậm đà như chúng ta biết ngày nay.


Matcha làm từ lá trà, không tan trong nước

Một trong những đặc điểm chính của matcha là chúng được tiêu thụ ở dạng bột, bằng cách cho vào nước ấm. Nhưng điều đặc biệt là matcha không hề hòa tan hoàn toàn trong nước. Vì vậy, hãy thưởng thức những cốc Matcha thơm ngon ngay khi chúng chuẩn bị lắng xuống đáy cốc thay vì cố gắng nguấy đều như các loại trà khác.



©pakutaso.com


Nhiều người chắc chắn sẽ có chút nhầm lẫn về match và bột trà xanh. Về điểm giống nhau thì matcha và trà xanh đều được chế biến từ lá trà xanh. Tuy nhiên, điểm khác biệt là việc lựa chọn những lá trà dùng cho matcha thì tỉ mỉ và đòi hỏi chất lượng cao hơn so với bột trà xanh. Trong khi matcha được nghiền nhuyễn ra từ Tenda - lá trà sau khi được bỏ cuống và gân lá thì trà xanh lại chỉ đơn thuần được nghiền nhuyễn từ những lá trà.


Được các nhà sư Thiền tông yêu thích


©photo-ac.com


Từ những ngày đầu khi matcha mới được sử dụng, đây là là loại thực phẩm rất được yêu thích bởi các nhà sư Thiền tông.  Bởi lẽ, Matcha cung cấp hàm lượng cafein cao gấp 3 lần so với các loại cà phê thông thường khác mà không hề gây cảm giác căng thẳng hay kích thích thần kinh. Ngược lại, matcha sẽ mang lại một cảm giác tỉnh táo và thư giãn sâu - nhiều người còn ví von cảm giác ấy sảng khoái như khi trí óc bắt đầu thiền định vậy. Đó cũng chính là lý do mà các nhà sư lại yêu mến loại thức uống này đến vậy. Ngày nay, nhiều người rất hay sử dụng matcha trước các buổi tập yoga hoặc trước khi thiền.


Các chiến binh samurai uống matcha trước khi chiến đấu

Không chỉ có các nhà sư Thiền tông mới thích thưởng thức matcha đâu, những chiến binh samurai cũng sử dụng thức uống này trước khi chiến đấu nữa. Các samurai đã học được nghệ thuật pha chế matcha tuyệt vời từ các nhà sư Thiền tông vào thế kỷ thứ 13. Họ biết được rằng uống Matcha có thể giúp phục hồi thể chất và chuẩn bị tinh thần minh mẫn cho trận chiến. Trước những yêu cầu khắt khe về việc sử dụng và tiêu thụ thức ăn của samurai, họ đã phát triển công thức wabi - chi tiết cách sản xuất và tiêu thụ matcha mà bất cứ samurai nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Qua nhiều thế kỷ, triết lý này chính là nguồn gốc của môn nghệ thuật và cũng được coi là văn hóa đặc trưng của Nhật Bản - Trà đạo mà chúng ta quen thuộc ngày nay.


Chứa gấp 10 lần chất chống oxy hóa so với trà xanh thông thường

Ai cũng đều biết rằng matcha rất có lợi cho sức khỏe, nhưng cụ thể là chúng chứa những chất gì và tác dụng tuyệt vời mà mọi người hay nhắc tới là gì? Các polyphenol catechin bên trong matcha - còn được biết tới là chất chống oxy hóa hợp chất, đã được chứng minh có khả năng giúp bảo vệ chúng ta chống lại và ngăn chặn ung thư, các bệnh tim mạch, giảm cholesterol và huyết áp. Matcha cũng giúp đốt cháy chất béo, tăng sự trao đổi chất và thúc đẩy quá trình giảm cân nhanh, hiệu quả hơn. Nếu xét về mức độ chống oxy hóa, matcha chứa lượng chất chống  oxy hóa cao gấp 137 lần trong một tách trà xanh thông thường.



©Flickr


Ngoài ra, những lợi ích tuyệt vời mà match đem lại có thể kể tới như:

- Tăng cường chức năng não bộ

- Giải tỏa căng thẳng

- Tăng cường năng lượng và sức bền cho cơ thể

- Giúp chắc khỏe xương

- Tăng cường hệ thống miễn dịch

- Thanh lọc cơ thể

- Cung cấp năng lượng sạch cho cơ thể


Hương vị và màu sắc đặc biệt của Matcha

Để đánh giá về chất lượng của matcha có tốt hay không, chúng ta phải dựa vào 3 yếu tố tiên quyết, bao gồm:


- Màu sắc: Yếu tố đầu tiên có thể đánh giá bằng mắt thường chính là thông qua màu sắc của matcha. Có một điều thú vị đó là màu sắc xanh càng thẫm và đậm thì matcha ấy lại càng ngon và bổ dưỡng. Ở Nhật Bản, matcha được phân loại thành các màu từ xanh lá cây thông (xanh đậm, xanh lục) cho tới xanh tre (nhạt hơn, xanh vàng).  Sự khác biệt này xuất phát từ việc thu hoạch và hái các búp chè non, để tạo ra matcha có chất lượng, người nông dân hay áp dụng phương pháp gọi là Niyou Tsumi - hái lá đôi.



©Flickr


- Hương thơm: Một đặc điểm quan trọng khác của matcha cao cấp là hương thơm oika(覆い香), hoặc hương thơm xanh tươi mát đặc trưng của loại trà xanh trồng trong bóng râm. Hương thơm oika của matcha có sự quyến rũ, gần như mùi bơ vậy. Người ta nói rằng hương thơm oika này chỉ có trong gyukuro và matcha chất lượng cao - hai loại trà xanh Nhật Bản duy nhất được trồng dưới bóng râm.


- Hương vị: Yếu tố cuối cùng, đồng thời cũng là quan trọng nhất, đó chính là hương vị của matcha. Matcha cấp cao hơn được đánh giá bởi vị umami nổi tiếng (う ま 味). Umami đôi khi được gọi là hương vị thứ 5 bí ẩn (cùng với vị ngọt, chua, đắng và mặn). Đó là hương vị được tạo ra từ nồng độ cao của các hợp chất liên quan đến theanine, glutamate và ionone từ carotenoids (sắc tố hữu cơ hỗ trợ trong quang hợp) - được tìm thấy trong các chồi non của cây chè được trồng trong bóng râm.


Matcha rất nhạy cảm với không khí, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm

Sau khi lá trà được thu hoạch, chúng sẽ được nhổ lông và nhanh chóng được khử enzyme bằng cách ủ để ngăn quá trình oxy hóa tiếp theo - oxy hóa có thể làm lá trà mất đi độ xanh tự nhiên và làm biến đổi màu từ xanh sang nâu khi tiếp xúc với không khí. Không những vậy, quá trình oxy hóa sẽ làm biến đổi hương vị thơm ngon của matcha và làm mất đi mùi hương đặc trưng. Do bề mặt tiếp xúc rộng nên matcha rất dễ bị oxy hóa trong nhiệt độ từ 27 ~ 30 độ. Chính vì vậy, matcha không bao giờ được đóng gói trong các bao bì trong suốt. Để bảo quản matcha, chúng ta luôn luôn đặt ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, tránh ánh sáng mặt trời. Đặc biệt, khi sử dụng xong phải đậy kín để tránh tiếp xúc với không khí.



©Flickr


Ba yếu tố chính cấu thành nên hương vị matcha là từ theanine (tạo vị ngọt), catechin (vị đắng nồng) và caffeine (vị đắng nhẹ). Vì các nguyên tố này được chiết xuất ở nhiệt độ khác nhau, nên hương vị của matcha có thể được điều chỉnh bằng nhiệt độ của nước pha. Trong khi theanine có thể được chiết xuất ở cả nhiệt độ thấp và cao, catechin lại được chiết xuất tốt nhất trên 75°C thì cafein ở nhiệt độ cao.


Do đó, nếu bạn muốn thưởng thức hương vị mềm hơn, ngọt hơn của matcha, thì nên sử dụng nước có nhiệt độ thấp (dưới 65°C), vì theanine có thể được chiết xuất nhiều hơn so với catechin và caffeine. Ngoài ra, “nước mềm” - nước chứa ít khoáng chất, được khuyên dùng để ủ matcha vì một số khoáng chất có trong “nước cứng” - nước chứa nhiều khoáng chất, có thể làm hỏng hương vị của trà. Thông thường, người Nhật hay sử dụng nước máy đun sôi trong hơn hai phút, sau đó để nguội xuống khoảng 70 °C trước khi ủ matcha.


Bài viết liên quan