Cùng tìm hiểu nghi thức trà đạo truyền thống của Nhật Bản
Mục lục
1. Lịch sử và nguồn gốc của trà đạo
2. Quy trình của nghi lễ trà đạo
3. Những điều nên làm trong buổi lễ trà đạo
Khi nhắc đến trà đạo 茶道, chúng ta thường nghĩ ngay đến Nhật Bản - “đất nước mặt trời mọc”. Trà đạo Nhật Bản là sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, là lòng biết ơn sâu sắc với cuộc sống, là sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Tuy nhiên cũng có khá nhiều người chưa thực sự hiểu hết quy trình và ý nghĩa của nghệ thuật trà đạo nên trong bài viết này, mời các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nghi thức trà đạo truyền thống nơi “xứ sở hoa anh đào” nhé!
1. Lịch sử và nguồn gốc của trà đạo
Không phải ngẫu nhiên mà trà xanh trở thành một thức uống phổ biến ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Trong trà xanh có rất nhiều chất chống oxy hóa, chống ung thư, chống lo âu mệt mỏi, giúp thư giãn, tăng cường trí nhớ, tốt cho tim mạch, đốt cháy chất béo, kiểm soát Cholesterol. Trà được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ 8, ban đầu chỉ được xem như là một đồ uống dược liệu dành cho các linh mục và giới thượng lưu. Nhưng từ khoảng cuối thế kỷ 12, trà đã bắt đầu phát triển, gắn bó với đời sống văn hóa của người Nhật và trở nên phổ biến với mọi tầng lớp xã hội. Với những nét tinh tế trong đời sống văn hóa và tâm linh của mình, người Nhật đã nâng việc uống trà lên một tầm cao mới và biến nó trở thành nghệ thuật Trà đạo, một nét văn hóa đặc sắc thuần Nhật Bản.
2. Quy trình của nghi lễ trà đạo
Một buổi trà đạo đầy đủ, trang trọng sẽ kéo dài nhiều giờ, bắt đầu bằng một bữa ăn kaiseki, sau đó là một bát trà đặc và kết thúc bằng một bát trà nhạt. Tuy nhiên, hầu hết các nghi lễ trà đạo ngày nay bỏ qua bước thưởng thức trà đặc. Thông thường, khách du lịch không thực sự muốn biết các quy tắc trà đạo một cách chi tiết nhưng các điểm cơ bản dưới đây sẽ giúp nghi lễ trở nên trang nghiêm hơn.
2.1 Quy tắc ăn mặc
Bạn nên tránh mặc trang phục lòe loẹt, tránh sử dụng nước hoa có mùi thơm mạnh và hạn chế đồ trang sức để không bị phân tâm trong khi trải nghiệm trà.
2.2 Vườn
Địa điểm tổ chức trà đạo truyền thống là một khu vườn yên tĩnh, đơn giản đem đến cho những người thưởng thức một tâm thế bình tĩnh, thư giãn. Người ta cũng tránh trồng những bông hoa có màu sắc sặc sỡ hay có hương thơm quá nồng nàn. Con đường dẫn đến quán trà được lát bằng những viên đá có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Có một bồn rửa tay bằng đá được đặt gần lối ra vào cho du khách rửa tay trước khi vào phòng trà.
2.3 Phòng trà
Theo truyền thống, nghi thức trà đạo được tổ chức trong một phòng trà có trải những tấm tatami hay chiếu tre, trông rất đẹp và trang nhã. Cửa vào phòng đôi khi được thiết kế để khách phải cúi xuống, tượng trưng cho sự khiêm nhường. Trong phòng trà có một một góc phòng được gọi là tokonoma có trang trí những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên hay những bức thư pháp để tăng thêm phần sang trọng. Người ta cũng thường đặt một lọ hoa ở giữa phòng hay dưới bức tranh làm căn phòng thêm sinh động, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Sau khi cúi chào, vị khách có quyền lực nhất bước vào phòng và ngồi gần chỗ tokonoma nhất, tiếp theo sau là những vị khách khác.
2.4 Chuẩn bị trà
Chủ nhà thường chuẩn bị trà trước mặt khách. Các dụng cụ chính bao gồm cây đánh trà, hộp đựng trà, muỗng trà, chén trà, hộp hoặc đĩa đựng kẹo và ấm đun nước.
2.5 Thưởng trà
Thông thường khách sẽ ăn bánh hoặc kẹo ngọt trước khi uống trà. Chén trà được đặt trên tấm chiếu đối diện với bạn. Đầu tiên, lấy chén trà bằng tay phải, đặt lên lòng bàn tay trái, dùng tay phải xoay chén trà 90 độ theo chiều kim đồng hồ để mặt trước của nó không đối diện với bạn nữa. Sau đó, nhâm nhi một vài ngụm trà và đặt nó trở lại chiếu, cúi đầu tỏ lòng biết ơn sâu sắc sau khi được thưởng thức.
3. Những điều nên làm trong buổi lễ trà đạo
Trong thời đại ngày nay, nghi lễ trà đạo Nhật Bản vẫn được tổ chức rất trang nghiêm. Bạn nên đến sớm một vài phút trước buổi lễ, để lại áo khoác trong phòng chờ và đi tất tabi. Theo truyền thống thì phòng chờ có trải một tấm chiếu. Lúc này, chủ nhà sẽ mời bạn một cốc trà kombu hoặc trà lúa mạch nóng. Sau khi các vị khách đã đến đầy đủ (thường không quá 4 khách), bạn sẽ được dẫn đến một khu vườn và ngồi chờ ở ghế băng. Sau khi rửa tay và mặt, bạn đi đến phòng trà thông qua một cánh cửa nhỏ gọi là nijiri-guchi. Vị khách cuối cùng bước vào phòng trà phải đóng cửa bằng một âm thanh đủ để nghe thấy, báo hiệu cho chủ nhà bắt đầu buổi lễ. Thông thường, vị khách đầu tiên sẽ đặt câu hỏi cho chủ nhà về ý nghĩa của bức thư pháp được treo trong phòng chờ. Sau khi thưởng trà, chủ nhà cũng sẽ chuẩn bị bữa ăn cũng như một gói quà là bánh kẹo ngọt cho khách.
Cầu kỳ mà độc đáo, tỉ mỉ mà tinh tế, từ lâu trà đạo đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Khi hòa mình vào không gian trang nghiêm, tĩnh lặng trong phòng trà, tâm hồn con người trở nên nhẹ nhàng, thư thái hơn, khác hẳn cuộc sống ồn ào và bon chen thường ngày. Đây cũng là cách giúp con người cân bằng và cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống từ những điều giản dị xung quanh.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ