Truyền thống
Văn hóa

Những điều có thể bạn chưa biết về chiếc quạt truyền thống của Nhật Bản

Mục lục
1. Nguồn gốc của chiếc quạt Nhật
2. Các loại quạt ở Nhật
3. Cách sử dụng quạt
4. Tự làm quạt ở đâu nhỉ?
5. Nơi để mua quạt về làm quà


Nguồn ảnh: pakutaso.com model: 河村友歌


Không chỉ là một công cụ làm mát vào mùa hè, những chiếc quạt truyền thống còn là biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa xứ sở hoa anh đào. Ngày nay nó cũng trở thành một phụ kiện thời trang độc đáo. Vậy bạn có biết chiếc quạt nhỏ xinh này có nguồn gốc từ đâu và nó mang ý nghĩa gì không? Hãy cùng Japagazine tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. Nguồn gốc của chiếc quạt Nhật
Trong lịch sử, chiếc quạt cầm tay này thể hiện uy quyền và vị thế xã hội của giới quý tộc và các chiến binh samurai, thậm chí nó còn là phương tiện truyền đạt thông tin. Tương truyền rằng, vào năm 988, một nhà sư Nhật Bản đã tặng một chiếc quạt gấp cho hoàng đế Trung Quốc thời Tống và sự phổ biến của nó đã lan sang cả Hàn Quốc khi vào thế kỷ 11, các đặc phái viên Hàn Quốc tại tòa án Trung Quốc cũng mang theo những chiếc quạt này. Vào thế kỷ 15, Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu chúng ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Vào thế kỷ 18 ~ 19, những chiếc quạt này đã trở thành một món đồ yêu thích của những người phụ nữ châu Âu giàu có.

2. Các loại quạt ở Nhật
Đến thời điểm hiện tại thì có 4 loại quạt phổ biến ở Nhật Bản là Uchiwa, Sensu/Ogi, quạt chiến tranh, quạt Brisé.

Uchiwa
Đây là loại quạt không thể gấp vào được, có hình dạng giống cây đánh bóng bàn, ngoài ra cũng có quạt hình lá cọ. Ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy những chiếc quạt này dùng nhiều trong các lễ hội và đôi khi cũng được các công ty dùng làm biểu tượng logo quảng cáo.


Uchiwa



Sensu/Ogi
Những chiếc quạt gấp này sử dụng khung tre gỗ mỏng, ban đầu được dán bằng giấy washi, sau đó được thay bằng những nguyên liệu khác như giấy, lụa, vải. Đây cũng là một món quà lưu niệm được yêu thích vì nó nhỏ xinh và thiết thực.


Sensu



Quạt chiến tranh
Đúng như tên gọi của nó, loại quạt này được các vị tướng dùng để chỉ đạo quân sĩ trong các cuộc chiến. Những chiếc quạt này cũng khá nguy hiểm khi có cất giấu một chiếc giáo nhỏ.


Quạt chiến tranh



Quạt Brisé
Đây là loại quạt đẹp nhất trong tất cả 4 loại, được làm hoàn toàn bằng ngà hoặc gỗ cứng, không có giấy hoặc lụa bao phủ.


Quạt Brisé



3. Cách sử dụng quạt
Ngày nay, những chiếc quạt này được dùng để làm mát vào mùa hè và trang trí nhà cửa. Thời Edo là thời kỳ hoàng kim của quạt gấp, tiêu biểu là nghệ nhân Takaku Aigai đã tạo ra những chiếc quạt rất tinh xảo với hình ảnh những cây trúc và dòng thác đầy nghệ thuật. Một nghệ nhân tài hoa thời Edo khác là Katsushika Isai với hình ảnh những bông hoa mùa hè trên nền vải lụa. Nghệ nhân Ikeda Taishin thời Meiji sáng tạo chiếc quạt đẹp như một bức tranh sơn mài. Trong thời kỳ chiến tranh đẫm máu, những chiếc quạt được in họa tiết hình mặt trời sáng nổi bật trên nền quạt đen để có thể dễ dàng nhận lệnh chỉ huy từ đằng xa. Trong các lễ hội truyền thống của Nhật Bản, quạt làm từ giấy và trúc được dùng để làm đạo cụ trong khi biểu diễn.

4. Tự làm quạt ở đâu nhỉ?
Bạn có muốn tự tay làm thử một chiếc quạt theo phong cách truyền thống Nhật Bản không? Dưới đây là gợi ý những địa điểm mà bạn có thể học cách làm quạt truyền thống ở Saitama, Tokyo và Kyoto.

Saitama, Tokyo: Hiroyuki Shimano là một nhà sản xuất quạt ở Saitama và cũng là thế hệ thứ năm trong một gia đình sản xuất quạt truyền thống. Ngay từ khi 5 tuổi, ông đã học cách làm quạt và tới nay ông đã điều hành xưởng tới 25 năm. Các lớp học của ông tập trung vào trang trí nhiều hơn việc chế tạo quạt. Thông thường, chiếc quạt sẽ được làm từ tre, giấy và hoa ép. Mỗi lớp học kéo dài khoảng 2.5 tiếng, mở mỗi ngày trừ thứ Hai.
Địa chỉ: 740-1 Egoshi, Oji, Ego-shi, Irima, Saitama
Chi phí: ~ 10,000 yên
Đăng ký lớp học tại https://exp.wow-j.com/en/saitama/culture_crafts/1000075/

Kyoto: Kyoto, quê hương của du lịch văn hóa truyền thống Nhật Bản là nơi bạn sẽ tìm thấy hai xưởng sản xuất quạt nổi tiếng.

※ Shiomi Uchiwa: Buổi học tại Shiomi Uchiwa kéo dài khoảng 90 phút. Trong thời gian đó, bạn sẽ nghe các nghệ nhân địa phương nói về lịch sử của quạt, cũng như thử chế tạo một chiếc quạt uchiwa. Với mức giá khoảng 3000 yên/người, đây là một trải nghiệm khá bình dân và phù hợp cho cả gia đình. Đăng ký tại https://www.veltra.com/en/asia/japan/kyoto/a/134080

※ Trung tâm thủ công mỹ nghệ Kyoto cũng thường xuyên tổ chức các lớp học thủ công, bao gồm cả lớp học vẽ quạt gấp. Một điều khác biệt so với những nơi khác là nơi này phù hợp với những người thích vẽ hơn chế tạo quạt. Mỗi lớp học kéo dài khoảng 70 phút và chi phí cũng khoảng 3000 yên/người. Đăng ký tại https://www.kyotohandicraftcenter.com/experience/?lang=en

5. Nơi để mua quạt về làm quà
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc quạt tuyệt đẹp để treo trên tường hoặc tặng ai đó ở Việt Nam, thì bạn có thể dễ dàng tìm kiếm nó trong những cửa hàng đồ lưu niệm trên khắp nước Nhật. Ở Tokyo, bạn có thể tới khu phố trung tâm Tokyo - Nihonbashi, trong đó Ibasen là một trong những cửa hàng nổi tiếng nhất. Kyosendo cũng là một cửa hàng bán quạt có tiếng khác ở Tokyo, ngoài ra nó cũng có chi nhánh cả ở Kyoto nữa. Tại Kyoto, bạn cũng có thể ghé thăm Kyo-Uchiwa Aiba - một nơi bán quạt theo phong cách địa phương truyền thống.

Mua quà lưu niệm về nước luôn là một trong những điều khiến chúng ta đau đầu nhất khi đi du lịch Nhật vì ở đây có quá nhiều những thứ xinh đẹp và độc đáo. Hy vọng với bài viết về chiếc quạt truyền thống trên đây, bạn đã có thêm một số gợi ý về nơi mua và chọn quà ở Nhật nhé!


Bài viết liên quan