"Xâm nhập" thế giới Sumo - nét văn hóa rất riêng của "xứ sở phù tang"
Mục lục
1. Đôi nét về Sumo
2. Các giải đấu và xếp hạng
3 Làm thế nào để xem được một giải đấu Sumo
4. Một ngày thi đấu Sumo
5. Các sự kiện Sumo khác
6. Tham quan một phòng Sumo
7. Các điểm tham quan khác liên quan đến Sumo
Sumo là môn đấu vật quốc võ của Nhật Bản bắt nguồn từ thời cổ đại như một môn giải trí các vị thần Shinto. Một trận đấu Sumo sẽ có nhiều nghi lễ diễn ra, ví dụ như nghi lễ trừ tà bằng muối vẫn được tiếp nối đến bây giờ. Và theo truyền thống Nhật Bản, sẽ chỉ có đàn ông mới được tập luyện để trở thành những đấu sĩ chuyên nghiệp.
Luật thi đấu rất đơn giản: ai bị đẩy ra ngoài khỏi vòng tròn Dohyo trên sàn đấu trước sẽ là người thua cuộc, hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể mà không phải lòng bàn chân vượt ra ngoài cũng bị xử thua. Các trận đấu sẽ được tổ chức trên một vùng đất xây cao, được làm bằng đất sét và phủ lên một lớp cát. Thông thường các trận đấu chỉ kéo dài khoảng một vài giây, nhưng đôi khi lại lên tới hơn một phút. Cũng không có quy định về giới hạn cân nặng hay hạng cân nhưng việc tăng cân là một phần thiết yếu khi trở thành một đấu sĩ Sumo.
Sẽ có sáu giải đấu được tổ chức hàng năm: 3 giải đấu tại Tokyo diễn ra vào tháng 1, tháng 5 và tháng 9; 1 giải tại Osaka vào tháng 3, Nagoya vào tháng 7 và Fukuoka vào tháng 11. Giải đấu sẽ kéo dài trong suốt 15 ngày, các đô vật sẽ tham gia tranh tài một trận đấu mỗi ngày, ai xếp hạng thấp hơn sẽ được đấu ít trận hơn.
Các đô vật Sumo được phân loại theo thứ bậc xếp hạng (banzuke), vị trí sẽ được cập nhật liên tục sau mỗi giải đấu và dựa trên thành tích thực của họ. Nghĩa là Sumo nào thắng nhiều hơn thua sẽ được thăng cấp, và những ai thua nhiều hơn thì sẽ ngược lại. Xếp hạng cao được gọi là “Makuuchi”, xếp hạng thấp hơn là cấp “Juryo”. Cấp bậc trong Sumo sẽ phân thành 6 cấp bao gồm: Yokozuna, Ozeki, Sekiwate, Komusubi, Maegashira và Jyuryo. Từ cấp Juryo trở lên mới được coi là một đấu sĩ Sumo chuyên nghiệp. Tuy nhiên đối với cấp bậc cao quý nhất là Yokozuna, không giống như những đô vật khác ở cấp thấp hơn, một Yokozuna không thể bị hạ cấp, khi số lượng trận thua tăng lên, đấu sĩ này sẽ nghỉ hưu.
3 Làm thế nào để xem được một giải đấu Sumo
Có rất nhiều cách để có thể xem được một giải đấu Sumo, nhưng cách tốt nhất và cũng đầy xúc cảm nhất chính là bạn hãy đến xem trực tiếp giải đấu. Vé sẽ được bán mỗi ngày xuyên suốt giải đấu. Bạn có thể mua vé trước thông qua nhà cung cấp chính thức, tại các sân vận động hoặc thậm chí là các cửa hàng tiện lợi, cần lưu ý giới hạn độ tuổi người xem nhỏ nhất là 4 tuổi. Việc đặt vé bao gồm cả lựa chọn ghế ngồi, và thông thường sẽ có 3 loại ghế sau để bạn có thể lựa chọn:
Ghế Ringside: Đây là loại ghế gần sàn thi đấu trong sân vận động nhất. Đồng nghĩa với việc đây cũng là loại ghế đắt nhất và khó đặt chỗ nhất. Tuy nhiên ghế Ringside khá mạo hiểm cho người xem, bạn sẽ ngồi trên đệm và có nguy cơ bị thương cao khi các đô vật bay vào khán giả.
Ghế hộp: Ở tầng 1 của sân vận động ngoài ghế Ringside còn có ghế hộp kiểu Nhật, thường sẽ có bốn người ngồi chung. Bạn sẽ phải tháo giày ra và cũng ngồi trên đệm. Hãy chú ý một chút là vé sẽ được bán bao gồm toàn bộ chỗ trong hộp, tức là dù bạn đi một mình hay hai người cùng sử dụng hộp 4 chỗ vẫn phải thanh toán số tiền mua cả bốn vé. Ghế hộp được phân loại thành A, B và C theo khoảng cách từ chỗ ngồi đến sàn đấu.
Ghế ban công: Lên đến tầng 2, sẽ có một số hàng ghế thiết kế theo kiểu phương Tây. cũng giống như ghế hộp, ghế ngồi ban công cũng được phân loại thành ghế A, B và C theo khoảng cách từ ghế ngồi đến sàn đấu. Ngoài ra có một khu dành riêng cho người mua vé ngay trong ngày, đây là loại vé rẻ nhất có thể mua được tại sân vận động trong ngày diễn ra trận đấu.
Vé thường được bán hết nhanh chóng, đặc biệt là vào cuối tuần và ngày lễ. Nhưng kể cả khi đã bán hết vé, vẫn có một số lượng vé hạn chế ghế ngồi ban công cùng ngày được bán tại sân vận động. Vé tham dự giải đấu Sumo được bán khoảng một tháng trước khi bắt đầu mỗi giải đấu. Bạn có thể đặt vé từ đường link chính thức của nhà cung cấp: http://Sumo.pia.jp/
Các trận đấu hạng thấp sẽ bắt đầu từ 8:30 hàng ngày, riêng 3 ngày cuối giải đấu sẽ bắt đầu từ 10h sáng. Trận đấu hạng Juryo diễn ra từ 15h và trận đấu hạng Makuuchi bắt đầu từ 16h. Các đô vật xếp hạng cao nhất sẽ thi đấu ngay trước 18h hàng ngày. Nghi lễ thay đổi cấp bậc Sumo trong giải đấu cũng rất thú vị. Đối với ngày cuối cùng của các giải Sumo, lịch thi đấu sẽ được đẩy lên sớm hơn nửa tiếng để kịp diễn ra buổi lễ đăng quang chiến thắng.
Bầu không khí tại sân vận động càng náo nhiệt hơn về cuối khi mà khán giả xuất hiện đông hơn trong các trận đấu diễn ra lúc muộn trong ngày bởi vì đây là những trận đấu ngoạn mục nhất. Khoảng thời gian giữa các trận đấu vào thời gian này cũng kéo dài hơn vì bao gồm thời gian chuẩn bị lâu hơn và nhiều nghi thức hơn trong trận đấu giữa các đô vật xếp hạng cao.
Trong trường hợp khách du lịch đến thăm Nhật Bản vào thời điểm nghỉ giữa các giải đấu Sumo, đừng buồn bởi vẫn còn nhiều cách khác để có thể xem trận đấu Sumo. Trong đó bao gồm các triển lãm các giải đấu được tổ chức trên khắp Nhật Bản trong thời điểm nghỉ giữa các giải đấu và các nghi lễ nghỉ hưu của các đô vật nổi tiếng cũng diễn ra vào khoảng thời gian này. Nghi lễ này cũng được tổ chức tại các triển lãm, sẽ có một số trận đấu nhẹ nhàng của các đô vật và một nghi thức cắt tóc.
Bên cạnh đó, có một số trường đại học và trường trung học vẫn thường xuyên duy trì các câu lạc bộ Sumo, bạn cũng có thể đến thăm một trong số các câu lạc bộ này. Thỉnh thoảng cũng sẽ có các trận đấu Sumo tại một số đền thờ và tại các lễ hội.
Có lẽ cách tốt nhất để tìm hiểu nhiều hơn về Sumo bên cạnh việc trực tiếp theo dõi một giải đấu chính đó là đến thăm một căn phòng Sumo. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến việc tập luyện mỗi buổi sáng, tham quan nơi các đô vật sống và tập luyện cùng nhau, nơi mà mọi khía cạnh cuộc sống của các Sumo từ việc ngủ đến ăn cũng như thời gian rảnh rỗi đều được tổ chức một cách nghiêm ngặt. Có khoảng 40 phòng Sumo trên khắp Nhật Bản và đa số đều nằm tại vùng quận Ryogoku của Tokyo.
Các võ sĩ Sumo phải thức dậy từ 5h sáng để luyện tập, dù là mùa đông hay mùa hè. Bữa trưa, do các võ sĩ trẻ hơn chuẩn bị, gồm móng giò, cá mòi nướng và chiên ngập dầu, cơm và món chính là món lẩu "chanko nabe".
Sau bữa trưa, họ ngủ trưa và phải dùng mặt nạ ô xi để cung cấp đủ dưỡng khí.
Phòng Sumo không phải là một địa điểm tham quan giải trí và chỉ có một số ít phòng Sumo chấp nhận các chuyến tham quan của khách du lịch. Họ nhấn mạnh rằng khách du lịch nhất định phải đi cùng với một người thông thạo tiếng Nhật và đã quen thuộc gần gũi với phong tục của giới Sumo. Hơn nữa du khách sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của ngôi nhà và không được làm phiền buổi tập, và bạn sẽ phải ngồi im lặng trên sàn trong 2 đến 3 giờ đồng hồ.
Trong thực tế, rất khó để khách du lịch nước ngoài tự tham quan phòng Sumo. Thay vào đó bạn nên đăng ký một chuyến tham quan có hướng dẫn của các tổ chức và các công ty khác nhau, chẳng hạn như Voyagin và Japanica sẽ cung cấp các chuyến tham quan như vậy. Chi phí khoảng 10,000 Yên nếu đi riêng lẻ một người và khoảng 4,000 Yên dành cho các thành viên bổ sung khác trong đoàn.
7. Các điểm tham quan khác liên quan đến Sumo
Quận Ryogoku của Tokyo là trung tâm của thế giới Sumo xuyên suốt khoảng hai thế kỷ. Khu vực này là nơi có nhiều phòng Sumo và sân vận động Sumo Kokugikan chính là địa điểm tổ chức ba trong số sáu giải đấu hàng năm. Nếu bạn cảm thấy đặc biệt quan tâm thì đây sẽ là danh sách một vài điểm hấp dẫn khác của Ryogoku:
Bảo tàng Sumo
Bảo tàng nhỏ này nằm bên trong sân vận động Sumo Kokugikan. Tại nơi đây sẽ diễn ra các buổi triển lãm xoay quanh Sumo, bao gồm một bộ sưu tập chân dung của các Yokozuna trong quá khứ và hiện tại, hình ảnh về các sự kiện quan trọng trong lịch sử của Sumo và chiếc khố được mặc bởi các đô vật nổi tiếng đã nghỉ hưu. Trong các giải đấu ở Tokyo, bảo tàng chỉ có thể cho phép những ai đang giữ vé tham dự giải đấu vào tham quan.
Thời gian: 10:00-16:30 (lượt khách vào tham quan muộn nhất là 16:00)
Đóng cửa vào cuối tuần và các ngày lễ quốc gia
Giá vé: Miễn phí
Đền Ekoin
Trước khi sân vận động Sumo đầu tiên được xây dựng vào năm 1909, các giải đấu Sumo đã được tổ chức ngoài trời tại Đền Ekoin, chỉ cách ga Ryogoku một quãng đi bộ ngắn. Ngày nay, du khách đến tham quan đền có thể được chiêm ngưỡng một tượng đài bằng đá trên sân đền để tôn vinh các đô vật.
Nhà hàng Chanko Nabe
Chắc hẳn khi tìm hiểu về Sumo bạn đã từng nghe tới món ăn chanko nabe rồi phải không? Chanko nabe là đồ ăn chủ yếu của các đô vật Sumo. Đây là một món lẩu có nhiều loại nguyên liệu và chứa rau, hải sản và thịt. Có rất nhiều nhà hàng chanko nabe trong khu vực Ryogoku, khá nhiều cửa hàng trong số đó được quản lý bởi các đô vật đã nghỉ hưu. Một số nhà hàng thậm chí có một vòng Dohyo trong đó, khách hàng thân thuộc có thể chụp ảnh hoặc trải nghiệm thử làm một Sumo.
Ngoài ra, một quận khác ở Tokyo có sự kết nối mạnh mẽ với Sumo nằm xung quanh đền Tomioka Hachimangu, cách Ryogoku vài km về phía nam.
Đền Hachimangu Tomioka
Đền Tomioka Hachimangu là nơi tổ chức các giải đấu Sumo khoảng một trăm năm trong suốt thời kỳ Edo (1603-1867). Tại khu vực đền thờ ngày nay là những di tích ghi danh các Yokozuna và Ozeki. Thậm chí còn có một ngôi nhà kho báu nhỏ trưng bày một số vật phẩm liên quan đến Sumo như bản in khắc gỗ của các đô vật (bản in khắc gỗ vô cùng phổ biến trong thời kỳ Edo) và các vật phẩm xếp hạng cũ. Bảo tàng này thường sẽ đóng cửa, trong trường hợp du khách muốn tham quan nên hỏi và tìm hiểu thêm thông tin tại văn phòng của đền thờ.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn hình dung được phần nào về thế giới Sumo Nhật Bản. Để tìm hiểu Sumo và cuộc sống của các võ sĩ Sumo một cách sinh động hơn, mời bạn theo dõi clip dưới đây nhé.
Nguồn tham khảo: https://www.japan-guide.com
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ