Truyền thống
Văn hóa

Ghé thăm Tokyo để tham dự Sanja Matsuri - một trong những lễ hội lớn nhất của mùa hè

Mục lục
1. Nguồn gốc Sanja Matsuri
2. Ngày nay lễ hội diễn ra như thế nào?
3. Lịch trình 3 ngày lễ hội
4. Người dân địa phương mặc gì khi tham gia lễ hội?
5. Lễ rước kiệu
6. Cần lưu ý điều gì khi tham gia lễ hội


Nguồn ảnh: pakutaso.com


Sanja Matsuri là một trong những lễ hội lớn nhất của Tokyo trong mùa hè, diễn ra trong ba ngày, thu hút khoảng hơn 2 triệu khán giả tham gia, bao gồm cả người dân địa phương, khách du lịch nội địa và du khách quốc tế. Bên cạnh những cuộc diễu hành náo nhiệt khắp các đường phố còn có rất nhiều các quầy hàng ăn di động cho phép bạn thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng. Bất cứ ai ở Tokyo trong tháng 5 đều không nên bỏ lỡ cơ hội tham gia lễ hội sôi động này.

1. Nguồn gốc Sanja Matsuri
Hàng năm có một số lượng lớn người tham gia Sanja Matsuri - một trong ba lễ hội Thần đạo lớn ở Tokyo. Lễ hội này là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm không chỉ văn hóa Nhật Bản mà còn cảm nhận rõ nét tinh thần của người dân địa phương. Nguồn gốc xa xôi của nó được cho là vào năm 1649, tướng quân Tokugawa Iemitsu ra lệnh xây dựng đền Asakusa thờ Takenari và Hamanari Hinokuma cùng người bạn của họ là Matsuchi Hajino để tưởng nhớ công lao của họ trong việc xây dựng đền Sensoji vào năm 630. Ba người này có tên chung là “Sanja-sama” và lễ hội Sanja Matsuri được tổ chức để vinh danh họ.

2. Ngày nay lễ hội diễn ra như thế nào?
Ngày nay, lễ hội được diễn ra hàng năm vào tuần thứ ba của tháng 5, bắt đầu từ 1 giờ chiều thứ Sáu và kết thúc vào tối Chủ nhật. Ngày đầu tiên là lễ rước kiệu mikoshi của những người tham gia trong trang phục thời Edo và màn biểu diễn của các vũ công. Ngày thứ hai là lễ rước 100 chiếc kiệu mikoshi. Cuối cùng là lễ rước 3 chiếc kiệu lớn vào ngày thứ ba. Mikoshi được rước bắt đầu từ đền Sensoji và đền Asakusa, sau đó qua 44 quận Asakusa để ban phát tài lộc và may mắn cho người dân địa phương và các doanh nhân. Đối với một số người, điểm nổi bật của Sanji Matsuri là vô số các món ăn đặc sản được bán tại nhiều đường phố, từ các món ăn Nhật Bản phổ biến như yakisoba, yakitori đến các món ăn địa phương độc đáo như Asakusa Kibi-dango Azuma (được làm từ bột kê kibi, gạo nếp và phủ bột đậu nành), bánh ngọt Age Monjya hay Matcha Kakigori (phủ đá bào, matcha lên đậu đỏ).


Lễ hội Sanja ở Sensoji



3. Lịch trình 3 ngày lễ hội
Thứ Sáu
Đêm trước ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, linh mục trưởng của đền Asakusa thực hiện nghi thức mời các linh hồn Sanja-sama vào ba kiệu mikoshi chính, và sau đó vào thứ Sáu là buổi diễu hành Daigyoretsu lúc 1 giờ chiều với sự tham gia của các linh mục, các quan chức thành phố, geisha, nhạc sĩ và vũ công trong trang phục truyền thống qua các đường phố của Asakusa. Tiếp theo là một buổi lễ Thần đạo ngắn tại đền Asakusa cầu nguyện cho sự thịnh vượng và các vũ công sẽ biểu diễn điệu nhảy binzasaramai - một màn trình diễn kèm theo nhạc cụ gõ truyền thống binzasara của Nhật Bản. Vào cuối buổi chiều, sáu kiệu mikoshi lớn được diễu hành trên các con phố của các quận chính. Đây chính là một cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng gần hơn lễ rước kiệu mikoshi bởi cuối tuần rất đông đúc.


Điệu nhảy binzasaramai (びんざさら舞)


Thứ Bảy
Ngày thứ Bảy lễ hội mới chính thức bắt đầu khi vào buổi trưa, khoảng 100 mikoshi nhỏ được diễu hành trên khắp các con phố của Asakusa. Mỗi mikoshi được hộ tống bởi 60 người trong tiếng reo hò, la hét rộn vang. Cũng có nhiều mikoshi và trống taiko nhỏ dành cho những đứa trẻ để chúng dần làm quen với nghi lễ và không khí của lễ hội. Bởi vậy mà nói, Sanja Matsuri chính là lễ hội dành cho tất cả mọi người. Trong khi diễu hành, những người rước kiệu cũng làm cho những chiếc mikoshi như đang nhún nhảy từ bên này qua bên kia. Sự chuyển động này của mikoshi được gọi là tamafuri, đã có từ hàng trăm năm trước để cầu nguyện sức khỏe, bình an, những mẻ cá lớn và một vụ mùa bội thu. Khi đến cuối ngày, tất cả mọi người tập trung về đền Asakusa, tạo nên một biển mikoshi rực rỡ đầy màu sắc trong không khí vô cùng sôi động, náo nhiệt. Sau đó, người dân địa phương cùng khách du lịch mở tiệc ăn uống trên khắp Asakusa đến tận sáng sớm hôm sau.

Chủ nhật
Ngày cuối cùng của lễ hội bắt đầu từ rất sớm, khoảng 6 giờ sáng tại đền Asakusa. Mỗi chiếc mikoshi nặng cũng ít nhất 1 tấn. Đến khoảng 8 giờ, ba chiếc mikoshi lớn được rước đi từ đền đến khắp các tuyến đường quanh Asakusa sau đó trở lại đền thờ vào khoảng 6 giờ hoặc 7 giờ chiều. Tất cả mọi người đều cố gắng tiến lên phía trước để chiêm ngưỡng ba chiếc mikoshi lớn này, đôi khi tạo cảm giác có chút hỗn loạn. Sau khi ba chiếc mikoshi lớn rời khỏi đền thì các đội khác cũng rước những chiếc mikoshi nhỏ diễu hành như ngày hôm trước.

4. Người dân địa phương mặc gì khi tham gia lễ hội?
Mỗi đội rước mikoshi mặc một chiếc áo hanten khác nhau, gần giống với áo khoác ngắn truyền thống nhưng dày hơn để tránh bị thương khi mang mikoshi. Bên dưới họ sẽ mặc fundoshi, còn gọi là khố Nhật, là một loại quần lót truyền thống dành cho nam giới, được làm từ một miếng vải dài. Ngoài ra sẽ kết hợp cùng tabi truyền thống, một loại giày giống giày ninja và một hachimaki (dải băng quấn đầu).


Trang phục khi tham gia lễ hội



5. Lễ rước kiệu
Mikoshi có nhiều kích thước, được nâng lên bằng vai và giữ chặt cột gỗ bằng cả hai tay trước. Trong khi rước mikoshi, mọi người cùng hô to “wasshoi! wasshoi!” cổ vũ các đội tham gia và trưởng nhóm thì vừa hét vừa thổi còi thúc giục đội mình. Là một thành viên của nhóm rước mikoshi, không những cần có thể lực tốt mà còn phải có tinh thần đồng đội để có thể cùng nhau rước mikoshi về đến nơi an toàn.


Trẻ nhỏ cũng tham gia rước kiệu mikoshi



6. Cần lưu ý điều gì khi tham gia lễ hội
Để đảm bảo sự trang nghiêm, an toàn cho lễ hội, du khách tham gia cần lưu ý một vài điều khi tham gia lễ hội.
- Nhìn chung, du khách sẽ không tham gia rước mikoshi nhưng thỉnh thoảng, bạn có thể được mời rước thử. Không nên từ chối mà hãy rước một cách thoải mái nhất và đi theo những người khác.
- Là một trong những lễ hội lớn nhất Tokyo nên có rất nhiều dòng người di chuyển liên tục đến khu vực Asakusa.
- Nếu không thể dùng nhà vệ sinh công cộng trong khu vực, bạn có thể đến các trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng tiện lợi.
- Nên mang theo áo mưa và một chiếc ô trong trường hợp trời mưa (mặc dù không phải là hiện tượng phổ biến hàng năm). Ngoài ra cũng nên mang theo mũ và kem chống nắng bởi ánh nắng mặt trời vào thời điểm này rất gắt.
- Hãy cẩn thận những kẻ móc túi bởi các tuyến đường rước mikoshi rất đông đúc. Trong khi diễu hành, đám đông có thể rẽ hướng đột ngột, bạn nên chú ý xung quanh để tránh bị“đè bẹp”.
- Sẽ có rất nhiều khu ẩm thực quanh đền Sensoji nên hãy cố gắng thưởng thức thật nhiều các món ăn đường phố hấp dẫn.
- Bởi mikoshi rất nặng nên tránh chụp ảnh flash để những người mang chúng không bị chói mắt.

7. Cách đi đến lễ hội
Ga gần nhất là ga Asakusa trên cả hai tuyến của Ginza và Asakusa. Tuy nhiên, những nhà ga này cũng sẽ hoàn toàn kẹt cứng trong lễ hội. Nếu có thể hãy xem xét các ga khác quanh khu vực như ga Asakusa (trên tuyến Tsukuba Express), ga Honjo-Azumabashi (trên tuyến Toei Asakusa), ga Kuramae (trên tuyến Toei Asakusa) hoặc ga Tawaramachi (trên tàu điện ngầm Tokyo tuyến Ginza).

Hai địa điểm chủ yếu diễn ra lễ hội là đền Asakusa và đền Senso-ji.

Đền Asakusa
Địa chỉ: 2-3-1 Asakusa, Taitou-ku, Tokyo
Cách đi: Dừng tại ga Asakusa trên tuyến Tokyo Metro Ginza/ Toei Asakusa/ Tobu Isesaki/ Tobu Sky Tree/ Tsukuba Express, sau đó đi bộ thêm 7 phút.
Điện thoại: 03-3844-1575

Đền Senso-ji
Địa chỉ: 2-3-1 Asakusa, Taitou-ku, Tokyo
Cách đi: Dừng tại ga Asakusa trên tuyến Tokyo Metro Ginza/ Toei Asakusa/ Tobu Isesaki/ Tobu Sky Tree/ Tsukuba Express, sau đó đi bộ thêm 5 phút.
Điện thoại: 03-3842-0181

Có thể thấy Sanja Matsuri ở Nhật Bản được tổ chức với quy mô rất lớn. Hãy đến và hòa mình vào những điệu nhảy binzasaramai độc đáo và ngắm nhìn những chiếc mikoshi được trang trí bằng vàng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Khung cảnh náo nhiệt, sôi động của lễ hội trong biển người tấp nập đổ về từ khắp nơi chắc chắn sẽ để lại trong bạn một kỷ niệm khó quên.


Tag: Tokyo

Bài viết liên quan