7 vị thần trong Thần đạo mà bạn sẽ "gặp" khi tới Nhật Bản
Mục lục
1. Amaterasu
2. Izanami and Izanagi
3. Inari
4. Hachiman
5. Tenjin
6. Raijin & Fujin
7. Benzaiten
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu qua rất nhiều thành phố, khám phá những nét đặc trưng văn hóa, ẩm thực của “xứ sở mặt trời mọc”. Nhưng bạn có biết nét đẹp trong tâm linh và tín ngưỡng của người Nhật Bản là gì không? Đó chính là Thần đạo, hay còn gọi là Shinto – là tôn giáo bản địa của người dân Nhật. Thần đạo có mối quan hệ rất mật thiết với địa lý và lịch sử của Nhật Bản, chính vì vậy nó có nhiều điểm tương đồng với tính cách của người dân nơi đây. Không giống như các tôn giáo khác như Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi hay Do Thái Giáo, những tôn giáo chỉ tin vào một vị thần tối cao còn Thần đạo theo lối “đa thần giáo” – nghĩa là có rất nhiều các vị thần. Những vị thần này được gọi là Kami – là những linh hồn hay những vị thần linh được công nhận trong Thần đạo. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bảy vị Thần đạo nổi bật nhất trong tín ngưỡng của người dân Nhật nhé.
Amaterasu, hay Amaterasu-omikami, là nữ thần của mặt trời, vũ trụ và đồng bằng thiên thể nơi mà các vị thần khác xuất thân từ đó. Amaterasu được coi là vị thần trung tâm trong Thần đạo. Theo truyền thuyết, nữ thần đã trao 3 món thần khí tượng trưng cho hoàng vị tới cháu trai mình là Ninigi và cháu trai của Thiên tôn sau này chính là Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản. Bởi lẽ đó, người ta cho rằng, các vị hoàng đế Nhật Bản đều là những hậu duệ và dòng dõi của nữ thần mặt trời Amaterasu. Thần Amaterasu chính là con gái của Izanami và Izanagi – được sinh ra từ mắt trái của cha Người là Izanagi.
Izanami và Izanagi chính là những vị thần khởi nguồn và là trung tâm của Thần đạo. Truyền thuyết kể rằng thần Izanami và Izanagi đi xuống hạ giới bằng chiếc cầu vồng nối thiên đàng và đại dương bên dưới. Khi gần chạm nước, đứng trên cầu, thần Izanami đã rút thanh giáo và khuấy động biển cả để tạo nên hòn đảo đầu tiên của Nhật Bản. Sau đó, hai người kết hôn và tạo 8 hòn đảo chính ở nơi đây trong số hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ khác trên khắp đất nước. Không chỉ vậy, các vị thần chủ đạo như thần biển Ohowata-tsumi, thần gió Shima-Tsu-Hiko, thần rừng Kuku-no-shi, thần núi Ohoyama-tsumi và nhiều vị thần khác đều do Izanami và Izanagi sinh ra. Chính vì điều này nên họ được coi là cha mẹ của vạn vật địa lý trên đất nước Nhật Bản, từ sông núi, hoa lá cỏ cây, thác nước cho đến mây, gió, mưa, sấm chớp.
Inari là vị thần tượng trưng cho ngành công – thương nghiệp, là đại diện cho sự thịnh vượng và hùng mạnh. Là vị thần sở hữu số đền thờ nhiều nhất Nhật Bản – với hơn 40.000 đền thờ trên khắp đất nước. Có thể nói rằng, Inari là một trong những vị thần quan trọng và được tôn trọng nhất trong các vị Thần đạo. Người ta tin rằng thần Inari rất thích cáo và thường sử dụng chúng làm sứ giả. Bởi lẽ đó, những bức tượng cáo được đặt xung quanh các đền thờ dành cho Inari-okami. Từ thời xa xưa, thần Inari vốn bảo hộ cho gia tộc Hata có quyền thế lớn mạnh tại Kyoto nên đền Fushimi Inari nơi đây được xây dựng dành riêng cho vị thần này.
Hachiman là vị thần của chiến tranh và nghệ thuật quân sự, là người được cho là đã hướng dẫn và giúp các chiến binh dành chiến thắng trong trận chiến. Người ta tin rằng ông cũng là người bảo vệ đất nước Nhật Bản. Bởi lẽ, các truyền thuyết kể rằng chính Hachiman đã gửi Thần gió (kamikaze) có khả năng điều khiển các cơn gió thần phá hủy các hạm đội Mông Cổ của Kublai Khan trong thế kỷ 13, cứu đất nước khỏi sự xâm lược. Thần Hachiman có khoảng 25.000 đền thờ dành riêng cho ông trên khắp Nhật Bản, số đền thờ này chỉ đứng sau thần Inari.
Đền Kameido Tenjin © Ảnh: Manishprabhune / WikiCommons
Tenjin là vị thần tượng trưng cho giáo dục, văn học và sự thông thái. Một điều thú vị, ông đã từng là một người bình thường có tên là Sugawara no Michizane, một học giả và một nhà thơ sống trong thế kỷ thứ 8. Michizane là thành viên cấp cao trong cung điện Heian nhưng cũng là kẻ thù của gia tộc Fujiwara và cuối cùng ông đã bị hãm hại và đi lưu đày, một thời gian sau, ông qua đời ngay tại nơi lưu đày. Những năm sau đó, cái chết của kẻ thù và những kẻ hãm hại Michizane đã dấy lên những lời đồn thổi: Linh hồn của ông đang tức giận và quay lại trừng phạt những kẻ hãm hại mình. Cứ ngỡ rằng trời cao đang nổi giận, gia tộc Fujiwara đã tổ chức lễ tế long trọng và lập nên đền thờ Kitano Tenmangu. Nhân dân suy tôn ông và gọi với cái tên thần Tenjin (Thần bầu trời). Ngày nay, Tenjin đã trở thành những vị Thần đạo quan trọng trong tâm thức người dân xứ Phù Tang. Các học sinh, sinh viên trước kỳ thi đều tới thăm các đền thờ của Tenjin với mong ước sẽ hoàn thành tốt và vượt qua các kỳ thi căng go với kết quả xuất sắc.
Raijin là vị thần sấm sét còn Fujin là thần của gió. Kết hợp cùng nhau, họ được coi là những vị thần của bão tố và thời tiết. Raijin và Fujin thường có thể được tìm thấy ở trước lối vào của những ngôi đền vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ lối vào đền thờ, và những người tới thờ phụng sẽ phải bước qua ánh mắt nghiêm ngặt của họ trước khi vào. Ba ngón tay của Raijin trên mỗi bàn tay đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong khi bốn ngón tay của Fujin đại diện cho bốn hướng hồng y (Đông, Tây, Nam, Bắc)
Benzaiten là một vị thần được mượn từ tín ngưỡng Phật giáo và là một trong bảy vị thần may mắn của Nhật Bản. Thần Benzaiten dựa trên hình tượng của nữ thần Hindu Saraswati. Benzaiten là nữ thần của những thứ có dòng chảy, bao gồm âm nhạc, nước, kiến thức và cảm xúc, trong đó đặc biệt là tình yêu. Do đó, các đền thờ của Người đã trở thành nơi phổ biến cho các cặp đôi đến thăm. Với ba ngôi đền Enoshima thờ thần Benzaiten, nơi được các cặp tình nhân lựa chọn để “rung chuông tình yêu” và treo những tấm thẻ hồng mang hy vọng sự yên bình, hạnh phúc sẽ đến với mình.
Tổng kết: Vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu bảy vị Thần đạo nổi tiếng trong tín ngưỡng và là nét đẹp tâm linh của xứ “hoa anh đào”. Điều đặc biệt của mỗi vùng đất chúng ta tới thăm không chỉ là ẩm thực, địa danh, các lễ hội mà còn là những nét đẹp trong văn hóa tâm linh của từng nơi. Những vị thần đều tượng trưng cho những nguyện ước và mong muốn của người dân mỗi nơi, mỗi vùng đất được gửi gắm qua nhiều thế hệ. Chẳng phải điều tuyệt vời nhất là khám phá và trải nghiệm, thấu hiểu những nét văn hóa và đúc kết cho mình những tinh hoa, nét đẹp đó và lan tỏa tới mọi người những điều tốt đẹp hay sao?
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ