Truyền thống
Văn hóa

9 sinh vật siêu nhiên từ Nhật Bản

Đó là...
1. Kitsune 狐
2. Tengu 天狗
3. Jorogumo 女郎蜘蛛
4. Shikigami しきがみ
5. Tanuki 狸
6. Onryo 怨霊
7. Nurikabe ぬりかべ
8. Korobokkuru コロボックル
9. Tsukumogami 付喪神


1. Kitsune 狐


©Ảnh:Flickr/MIKI Yoshihito


Trong văn hoá dân gian Nhật Bản, những chú cáo (Kitsune) thường được miêu tả với trí tuệ thông minh tuyệt vời và sở hữu bên mình phép thuật. Cáo còn được cho là sứ giả của vị thần Inari, một trong 7 vị thần của Thần đạo, là vị thần của nền nông nghiệp, của cuộc sống thịnh vượng và no đủ. Đặc điểm của cáo trong văn hoá dân gian Nhật Bản chính là chín chiếc đuôi, tượng trưng cho mạng sống và ma lực riêng của chúng. Nhiều câu chuyện kể rằng Kitsune chỉ là giống loài hay đi lừa gạt những người vô tội lạc lối trong rừng, nhưng bên cạnh đó, cũng có truyền thuyết rằng một khi bạn có được lòng tin của Kitsune, chúng sẽ trung thành và nguyện làm bất cứ việc gì vì bạn. Người ta vẫn tin rằng cáo có thể xuất hiện dưới hình dạng của con người, chúng thường hoá thân thành những phụ nữ quyến rũ và xinh đẹp. Thay vì bị miêu tả là những yêu quái xấu xa, Kitsune vẫn được xem như những sinh vật tinh nghịch và ranh mãnh nhiều hơn. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cáo chín đuôi trong các bộ phim, nền công nghiệp âm nhạc Jpop, hay trong loạt anime và manga như Naruto, Pokémon, thậm chí là cả trong trò chơi điện tử Okamiden của Mobile & Game Studio Inc.  


2. Tengu 天狗


©Ảnh:Flickr/Yuko Honda


Tengu là ban đầu đóng vai là một sinh vật vô cùng hắc ám trong tín ngưỡng văn hoá của Nhật, sinh vật sẽ khiến bạn liên tưởng ngay tới quạ, chúng thích nghịch ngợm, nhưng cũng rất dễ bị lừa. Trước đây Tengu có hình dáng của loài chim săn mồi hung dữ, nhưng lại là sự kết hợp cùng với hình dáng của người. Tengu được miêu tả với mỏ chim, về sau đặc điểm nhận dạng này đã được người Nhật khéo léo nhân bản hoá thành một chiếc mũi dài màu đỏ hơi có chút  kỳ quặc. Từ đó, chiếc mũi này đã được coi là hình ảnh đặc trưng cho sinh vật này. Người ta đã từng cho rằng Tengu chỉ là những con quỷ xấu xa gây rối và mang đến điềm báo về chiến tranh đau thương, nhưng sau đó mọi người bắt đầu nghĩ về chúng như những linh hồn bảo vệ của núi và rừng, hình ảnh nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn mang trong mình sự nguy hiểm.


3. Jorogumo 女郎蜘蛛


©Ảnh: instagram


Nếu bạn mang trong mình nỗi sợ đặc biệt đối với loài nhện, thì Jorogumo nhất định sẽ trở thành một cơn ác mộng khủng khiếp vì chúng là những con quỷ mang hình dáng như một con nhện khổng lồ, chính xác hơn là một con nhện 400 năm tuổi đã tu luyện thành yêu quái. Phần lớn các câu chuyện đều miêu tả Jorogumo là con quỷ xấu xa và luôn thèm khát thịt người, nhất là nam giới. Để bắt được con mồi, Jorogumo sẽ tiếp cận bằng cách cải trang thành những người phụ nữ xinh đẹp, sau đó xuất hiện tại những quán trọ hoặc nhà thờ gần nơi hoang vắng ít người qua lại. Yêu tinh 400 năm tuổi này thường chơi đàn, thổi sáo để quyến rũ đàn ông vào hang ổ của mình. Khi đã quyến rũ được đối phương, ả sẽ trói chặt họ bằng tơ nhện, tiết nọc độc chết người rồi ăn thịt nạn nhân. Jorogumo trong các câu chuyện thường mang hình dáng nửa thân trên là người và bên dưới mang hình hài của loài nhện, nhưng cũng có nhiều biến thể kể lại rằng, Jorogumo sẽ cải trang thành một người phụ nữ đang bế trên tay một đứa trẻ. Chúng sẽ đợi đến khi có nam nhân đi qua, Jorogumo sẽ nhờ họ giữ đứa trẻ xinh xắn này một lúc. Đối phương sau đó sẽ vô cùng hoảng hốt khi nhận ra đứa trẻ này thực chất là hàng ngàn con nhện con đang nở ra từ những quả trứng, và đến khi ấy đã quá muộn để có thể chạy thoát khỏi cái bẫy chết người của Jorogumo.


4. Shikigami しきがみ


paper-dolls-14611_960_720
© PublicDomainPictures/Pixabay


Shikigami là những linh hồn tự do được các phù thuỷ phù phép thông qua một nghi lễ vô cùng phức tạp. Mục tiêu duy nhất của Shikigami chính là hoàn thành các nhiệm vụ mà chủ nhân giao cho, thường là những việc có thể gây rủi ro cho chủ nhân của chúng, chẳng hạn như theo dõi người nào đó hoặc lấy trộm đồ. Sức mạnh của chúng được kết nối với sức mạnh tâm linh của chủ nhân mình, nếu như phù thuỷ này là một người nhiều kinh nghiệm và sở hữu phép thuật hắc ám, Shikigami của họ có thể thao túng linh hồn động vật hoặc thậm chí là cả con người. Nhưng chỉ cần những phù thuỷ này sơ suất hoặc bất cẩn, Shikigami có thể thoát khỏi sự kiểm soát ngay lập tức và sở hữu lại nhận thức của riêng mình, sau đó chúng sẽ tấn công và giết chủ nhân của mình để trả thù. Sinh vật này không có hình thức rõ ràng, đa số thời gian chúng sẽ vô hình và chỉ có thể được nhìn thấy dưới hình dạng của giấy, như búp bê giấy hoặc gấp thành origami có cánh. Bạn hoàn toàn có thể thấy Shikigami thường xuyên xuất hiện trong bộ phim “Spirited Away” của Ghibli.


5. Tanuki 狸


©Ảnh:Flickr.com


Tanuki, loài động vật có ý nghĩa trong văn hoá dân gian Nhật Bản từ thời cổ đại có nguồn gốc từ Đông Á. Loài vật này có nguồn gốc chặt chẽ với chó sói và cáo. Tanuki được tôn sùng như những người bảo vệ của tự nhiên, nhưng rồi hình ảnh của chúng dần chuyển sang những kẻ lừa đảo hài hước và đáng yêu, tuy hơi chậm chạp và cả tin. Tanuki trong truyền thuyết được cho là khá tinh nghịch và vui vẻ, và là một bậc thầy cải trang và biến hình. Chúng có sức mạnh ma thuật để thay đổi hình dạng của bản thân, cũng giống như Kitsune vậy. Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu về khả năng biến hình của Tanuki, hãy dành thời gian thưởng thức bộ phim Pom Poko của Ghibli Studio nhé.


6. Onryo 怨霊


©Ảnh: instagram


Từ những thập niên 1900, Onryo đã trở thành một trong những sinh vật huyền thoại đáng sợ nhất không chỉ tại Nhật Bản mà cả các nước Châu Á khác. Đây là những linh hồn báo thù quay trở lại thế giới của người sống để trả thù với một sự giận dữ khủng khiếp. Những bóng ma này hầu hết đều đại diện cho phái nữ, vì vậy mà sẽ rất hiếm để bạn có thể bắt gặp một câu chuyện kể về Onryo nam. Sinh vật này được xem như người trừng phạt những kẻ đã từng lạm dụng hay đối xử tàn bạo với những người phụ nữ yếu đuối và vô tội. Nếu nhắc tới Sadako Yamamura trong bộ phim “The Ring”, liệu bạn đã có thể tưởng tượng được ngoại hình của một Onryo chưa? Onryo thường được miêu tả là những linh hồn người phụ nữ da tái xanh, dáng người thanh mảnh với trang phục màu trắng dính máu, để lộ ra những mạch gân xanh tím dưới da và mái tóc đen dài che kín khuôn mặt. Khi Onryo tức giận, họ sẽ để lộ ra khuôn mặt biến dạng đầy đáng sợ của mình, hay thậm chí là chỉ có miệng mà hoàn toàn không có mắt hay mũi. Một linh hồn tức giận tìm cách trả thù bằng việc gây rắc rối, truyền bệnh, thao túng nỗi sợ của nạn nhân và thậm chí là phạm tội giết người là một chủ đề thường thấy trong văn hoá dân gian Nhật Bản.


7. Nurikabe ぬりかべ


Mô phỏng nurikabe ở đường Mizuki Shigeru ©instagram


Phần lớn các truyền thuyết về Nurikabe đều bắt nguồn từ Kyushu, nhất là tại Oita và Fukuoka. Nurikabe là loài yêu quái nghịch ngợm luôn tìm cách gài bẫy và làm các du khách đang đi bộ bị mất phương hướng bằng cách tạo ra những bức tường chặn đường đi của họ, hoặc chúng sẽ nhốt họ trong không gian kín khó mà có thể thoát ra được. Chúng chỉ xuất hiện vào ban đêm và mang lại phiền toái nhiều hơn bất cứ yêu quái nào, tuy nhiên Nurikabe sẽ không gây hại gì đến tính mạng của bạn cả, chúng chỉ khiến bạn cảm thấy tức điên và rối trí mà thôi. Trong các truyền thuyết đều có nói rằng việc đi vòng qua các bức tường để thoát ra là điều hoàn toàn không thể, bởi những bức tường này cứ tiếp tục nối đuôi nhau kéo dài mãi mãi. Để thoát ra, bạn cần một cây gậy và phải gõ mạnh vào bức tường ở bên trái, còn gõ vào bất cứ đâu khác đều không có tác dụng. Người Nhật cũng cho rằng truyền thuyết về Nurikabe được tạo ra để lý giải cho tình trạng mất phương hướng của các du khách. Sinh vật này cũng thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện về yêu quái và thậm chí là trong bộ anime nổi tiếng Inu x Boku và manga bán chạy nhất của Shigeru Mizuki “GeGeGe no Kitaro”.


8. Korobokkuru コロボックル

Korobokkuru xuất hiện trong các câu chuyện của người Ainu (Ainu là người gốc Hokkaido và miền bắc Nhật Bản). Theo truyền thuyết, người Ainu tin rằng Korobokkuru đã từng sống ở vùng đất của Ainu trước khi chính họ sống ở đó. Korobokkuru nhỏ bé, nhanh nhẹn và câu cá vô cùng giỏi, họ sẽ sống trong những hốc cây hoặc hố nhỏ dưới đất và dùng lá làm mái. Từ lâu, người Ainu đã có mối quan hệ giao thương tốt với các Korobokkuru, họ sẽ gửi cho những sinh vật nhỏ bé này hươu, cá, các đồ chơi nhỏ để trao đổi hàng hoá với chúng, nhưng Korobokkuru có một đặc điểm nổi bật là rất ghét bị con người nhìn thấy, vì vậy mà việc giao hàng sẽ được thực hiện một cách đầy lén lút trong màn đêm. Một ngày nọ, có một chàng trai người Ainu vô cùng tò mò và quyết định muốn được tận mắt nhìn thấy một Korobokkuru, sau đó anh ta đã phục kích bên cửa sổ, nơi mà mọi khi những món hàng sẽ được sinh vật nhỏ bé kia để lại. Khi nhận thấy có đồ đang được đặt ở cửa sổ, chàng trai nhanh chóng bắt lấy và kéo vào trong. Hoá ra đó là một cô gái Korobokkuru xinh đẹp đang cực kỳ tức giận vì hành động thô lỗ của chàng trai trẻ, và kể từ đó, không ai có thể nhìn thấy người dân của cô nữa. Nhưng người Ainu vẫn tin rằng nơi ở trong hốc cây, đồ gốm và đồ đá của Korobokkuru vẫn nằm rải rác ở khắp nơi trên Nhật Bản.


9. Tsukumogami 付喪神

Hyakki-Yagyo-Emaki Tsukumogami 1

Hyakki Yagyō Emaki từ thời Muromachi  @WikiCommons


Bạn đã xem bộ phim Người đẹp và Quái vật với những đồ vật biết nói trong lâu đài rồi đúng không? Tsukumogami của Nhật cũng gần tương tự như vậy đấy. Tsukumogami vô cùng phổ biến trong văn hoá dân gian Nhật Bản từ thế kỷ X, thường được sử dụng trong Phật giáo Shingon. Chúng là những vật dụng cũ hữu ích vô tri vô giác như ấm trà, nhạc cụ và các vật dụng khác trong nhà, khi thời gian phục vụ chủ nhân của mình lên đến 100 năm, các Tsukumogami sẽ có được linh hồn của chính mình và từ đó trở nên sống động và có nhận thức. Những sinh vật này thường vô hại, nhưng những khi thấy nhàm chán chúng sẽ tạo ra vài trò chơi khăm nhỏ để trêu bạn. Một số câu chuyện còn kể về Tsukumogami như những người bảo vệ của ngôi nhà, cảnh báo mọi người trong gia đình khi sắp có nguy hiểm xảy ra với họ. Nhưng Tsukumogami cũng có thể tức giận và lập nhóm để trả thù những chủ nhân vô tình vô nghĩa đã ném chúng đi, bỏ rơi hoặc đối xử không tốt. Vì vậy mà có các nghi lễ Jinja được thực hiện hàng năm để an ủi các đồ vật bị hỏng hoặc không thể sử dụng được nữa.  


Bài viết liên quan