Truyền thống
Văn hóa

Khám phá nét quyến rũ của nghệ thuật sơn mài Nhật

Một nét văn hóa mang đậm giá trị truyền thống của người dân “xứ hoa anh đào” chính là nghệ thuật sơn mài. Có thể nói sơn mài không còn là khái niệm xa lạ với người dân Châu Á, đặc biệt là các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam. Tuy vậy, với lối văn hóa, truyền thống và đặc điểm dân cư khác nhau mà mỗi nước lại mang những nét đẹp riêng và sự sáng tạo khác nhau về sơn mài. Ở Nhật, sơn mài hay còn gọi được gọi là “Shikki” được dùng để chỉ các vật dụng như bộ đồ ăn, đồ trang trí cá nhân được làm bằng gỗ, tre hoặc giấy và được phủ nhựa cây thường xuân – cây Urushi để tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Vậy tại sao chúng ta không tìm hiểu và khám phá sâu hơn về những nét quyến rũ của loại hình nghệ thuật truyền thống này nhỉ?



Mục lục

1. Lịch sử lâu đời của nghệ thuật sơn mài

2. Sự sang trọng trong những đồ sơn mài trang trí bằng vàng và bạc

3. Đồ sơn mài trở nên phổ biến hơn với dân chúng, giúp định hình phong cách ăn uống của người Nhật



重箱 - Hộp đựng cơm (bento) ©photo-ac.com


1. Lịch sử lâu đời của nghệ thuật sơn mài

Có nhiều ý kiến cho rằng các kỹ thuật chế tác sơn mài có nguồn gốc từ Trung Quốc từ thời xa xưa, sau đó được du nhập vào các quốc gia Châu Á khác, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, sự phát hiện các đồ vật trang trí bằng sơn mài có niên đại từ thời Jomon (14,000 – 300 năm trước Công Nguyên) là những bằng chứng cho thấy rằng nghệ thuật thủ công sơn mài được hình thành độc lập ở Nhật Bản trong giai đoạn lịch sử này.


Từ thời xa xưa, người dân Nhật Bản đã biết tinh chế nhựa cây Urushi và trộn thêm thuốc nhuộm màu đỏ để tạo nên sơn mài đỏ giúp tô điểm cho đồ trang trí cá nhân và các vật dụng an táng. Khoảng 2300 năm trước, trong thời Yayoi Era, sơn mài đen xuất hiện với màu đen tuyền được tạo ra từ tro của cây thông bị đốt cháy, dầu mè và dầu canola. Sơn mài đen được sử dụng cho các loại vũ khí để tăng bộ bền và sắc bén cũng như là làm tăng tính thẩm mỹ cho bàn thờ Phật giáo khi Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi tại Nhật Bản.



Cây urushi ©photo-ac.com


Có một điều đặc biệt đó là cách lấy được nhựa cây Urushi đòi hỏi kỹ thuật khéo léo và cẩn thận bởi lẽ chúng có chứa độc tố gây hại và dị ứng nếu chúng ta không biết cách điều chế. Để lấy được nhựa, người ta rạch vài đường trên thân cây để nhựa tự chảy ra. Sau đó, nhựa cây sẽ được lọc qua một vài lớp giấy đặc biệt để tạo ra dầu sơn mài có màu hổ phách đậm. Dầu sơn mài càng chứa nhiều nhựa cây thì chất lượng và độ bóng cùng với độ bền càng cao.  


2. Sự sang trọng trong những đồ sơn mài trang trí bằng vàng và bạc




Sơn mài bắt đầu được được phát triển rộng rãi trong thời kỳ Heian tại Nhật Bản (794 – 1185). Nếu như ở Trung Quốc hay Triều Tiên, sơn mài được sử dụng chủ yếu trong việc trạm khảm để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật với sự điểm xuyết độc đáo thì Nhật Bản lại rất thành công với kỹ thuật "Makie". Hay ta còn có thể gọi đây là kỹ thuật “rắc sơn mài” với những mảnh rắc nhỏ được làm bằng bạc hoặc vàng hoặc trang trí bằng cách khảm các loại vỏ sò để tạo nên hình dáng độc đáo cho tác phẩm. Kỹ thuật này rất được ưa chuộng trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), đặc biệt trong giới hoàng tộc và thượng lưu bởi các nguyên liệu và kỹ thuật tạo nên sự đẳng cấp và tính nghệ thuật trong các tác phẩm. Tới ngày nay, kỹ thuật này vẫn được duy trì và áp dụng để tạo nên các tác phẩm đặc biệt.  


Có một nhà sưu tập tranh Phương Tây đã từng nhận xét rằng: “ Sơn mài Nhật phô bày một trình độ thẩm mỹ tinh xảo với tay nghệ khéo léo bậc nhất trong ngành mỹ thuật ứng dụng trên thế giới”. Các tác phẩm sơn mài rất được đánh giá cao bởi độ bóng, mượt, độ sáng và độ bền của chúng. Đặc biệt với kỹ thuật ‘Makie” đã làm cách chế tạo, trang trí và tô điểm cho các sản phẩm đạt được độ thẩm mỹ “tuyệt vời”, thể hiện tính nghệ thuật và độ tinh xảo trong từng tác phẩm. Chính vì vậy mà rất nhiều trường đại học Nhật Bản đã sử dụng và giảng dạy sơn mài như một chuyên ngành văn hóa.


3. Đồ sơn mài trở nên phổ biến hơn với dân chúng, giúp định hình phong cách ăn uống của người Nhật



©Flickr


Việc sử dụng nghệ thuật sơn mài trong trang trí được phát triển rộng rãi trong thời kỳ Kamakura (1185 –1333). Trước đây, vốn những đồ dùng được tráng sơn mài thường chỉ có giới quý tộc được sử dụng vì chúng thể hiện đẳng cấp của người dùng cũng như độ thẩm mỹ và tinh xảo trong từng món đồ. Dần dần, chúng xuất hiện phổ biến hơn trong các vật dụng hàng ngày, gắn liền với cuộc sống của người dân Nhật Bản, đặc biệt là ứng dụng rộng rãi với nền văn hóa ẩm thực. Ngày nay, không khó để bắt gặp những bộ ấm chén, bình hoa, các bức tượng, thậm chí là ngay cả bát, đũa, dĩa,... đều được ứng dụng nghệ thuật sơn mài. Chính những bộ đồ ăn như vậy đã góp phần hình thành và định hình phong cách ăn uống của người dân nơi đây. Thật không quá để nói rằng chính sơn mài đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, trong hơi thở văn hóa của “đất nước mặt trời mọc”.  


Đặc điểm chung của các bộ đồ ăn sơn mài có thể kể đến là độ thẩm mỹ cao. Những chiếc bát ăn cơm, đôi đũa bình dị đến vậy mà như được khoác trên mình “tấm áo lụa mới” với màu sắc trang nhã. Đồng thời, độ sáng và độ bóng trong từng sản phẩm càng toát lên vẻ trang trọng, chứng tỏ được sự kỳ công và tỉ mỉ trong việc chế tạo và trang trí cho tới việc tráng sơn mài. Độ bền là điều không thể không nhắc tới với các sản phẩm sơn mài bởi chúng luôn giữ được lớp sơn rất lâu mà không hề bong tróc, hoen rỉ hay mất màu sơn một chút nào. Đó là lý do tạo sao mà những bộ đồ ăn sơn mài luôn được yêu thích và chọn lựa từ các gia đình nhỏ cho tới các nhà hàng, quán cà phê và thậm chí là những nhà hàng hạng sang.  



Tổng kết: Vậy là chúng ta đã khám phá được những nét đẹp quyến rũ của nghệ thuật sơn mài cũng như những giá trị văn hóa và nghệ thuật mà chúng mang lại đối với người dân Nhật Bản. Một bộ đồ ăn tráng sơn mài, bộ ấm chén, lọ hoa, bình rượu, tranh sơn mài… chắc chắn sẽ là một món quà rất ý nghĩa dành tặng người thân và gia đình trong chuyến hành trình lần này. Hãy tới và ghé thăm các cửa hàng lưu niệm, cửa hàng đồ cổ và các cửa hàng sơn mài để chọn cho mình những món đồ thích hợp nhất với chi phí rất đa dạng từ bình dân tới cao cấp nhé!



Tag: Văn hóa Nhật nghệ thuật sơn mài

Bài viết liên quan