Những điều đặc biệt lưu ý khi đi tắm suối nước nóng (Onsen) ở Nhật
Mục lục
2. Quy trình thưởng thức Onsen “chuẩn”
3. Một số nội quy khi đi Onsen
Nhắc tới Nhật Bản thì chúng ta không thể bỏ qua văn hóa tắm suối nước nóng (Onsen) đã trở thành một truyền thống từ ngàn đời nay của người dân đất nước “mặt trời mọc”. Do địa hình có nhiều núi lửa nên nơi đây được xem là một trong những quốc gia có nguồn suối nước nóng dồi dào nhất trên thế giới. Dọc chiều dài của đất nước Nhật Bản đã có tới khoảng 150 suối nước nóng và hơn 1.400 các nhánh suối nhỏ. Tuy nhiên, do đây là truyền thống từ lâu đời nên có những quy tắc và nội quy mà chúng ta phải tuân theo để thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người và nét đẹp văn hóa này. Chúng ta hãy cùng khám phá và tìm hiểu sâu hơn, đặc biệt là những lưu ý khi “thưởng thức” Onsen nhé!
1. Onsen là gì
Trong tiếng Hán Onsen(温泉 là Ôn Tuyền, "Ôn" (温) có nghĩ là ấm, nóng còn "Tuyền" (泉)có nghĩ là suối. Vì vậy, Onsen (温泉)có nghĩa đơn giản là suối nước nóng. Điều kiện tiên quyết của Onsen chính là nước phải chứa đủ ít nhất 19 thành phần hóa học, được hình thành một cách tự nhiên với nhiệt độ thấp nhất phải đạt là 25°C cho tới 60°C và có nơi thậm chí còn tới 100°C.
Onsen được chia ra làm hai loại chính, được dựa trên những khoáng chất và đặc điểm địa lý của từng loại suối nước nóng, bao gồm Onsen trị liệu và Onsen thông thường. Với onsen trị liệu, mọi người tin rằng những dưỡng chất tự nhiên trong nguồn nước sẽ là công cụ hữu hiệu để giảm đau như đau cơ, đau khớp, làm giảm các vết bầm tím hay thậm chí còn hữu dụng với các loại bệnh ngoài da. Với Onsen thông thường, đây sẽ là cách thư giãn hiệu quả nhất, giúp du khách lấy lại năng lượng, tinh thần, phục vụ mục đích giải trí và gắn kết mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Hơn nữa, đây sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị với du khách, vì vậy việc tắm Onsen đã có mặt trong phần lớn lịch trình của khách tham quan hay các tour du lịch. Những địa điểm suối nước nóng nổi tiếng nhất Nhật Bản phải kể tới tỉnh Hokkaido, Guma, Niigata, Tochigi, Aikita,... với những dòng suối nước nóng tự nhiên cả ở ngoài trời và trong nhà, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ cùng với lối kiến trúc hiện đại pha lẫn cổ điển càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của những con suối nước nóng nơi đây.
“Rotenburo” (露天風呂) là một từ khác được sử dụng để chỉ Onsen ngoài trời. Chúng ta cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa Onsen và Sento. Nếu như Onsen là nước nóng tự nhiên thì Sento là nước được đun nóng rồi đổ vào bồn tắm. Chính vì vậy, chúng ta có thể tận hưởng và ngâm mình trong Sento tại các nhà tắm hơi, khách sạn, thậm chí ngay tại nhà để xua tan mệt mỏi, lo lắng sau một ngày làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, dù là Onsen hay Sento thì mỗi người đều phải tuân theo những quy tắc và luật lệ chung ở mỗi nhà tắm, khách sạn, các cơ sở suối nước nóng.
2. Quy trình thưởng thức Onsen “chuẩn”
Một quy trình thưởng thức Osen “chuẩn” gồm có 3 phân đoạn: trước khi tắm, trong khi tắm và sau khi tắm Onsen. Trong đó, mỗi phân đoạn đều có những lưu ý và quy tắc riêng mà chúng ta cần phải áp dụng. Hãy cùng tìm hiểu xem những quy tắc đó là gì và ý nghĩa đằng sau chúng nhé:
➼ Trước khi tắm Onsen – Giai đoạn chuẩn bị
Chuẩn bị tinh thần:
- Đối với một số du khách, đặc biệt là du khách Châu Á không quen với việc “khỏa thân” trong khi ngâm mình trong suối nước nóng có thể sẽ cảm thấy khá ngưỡng ngùng trong những tình huống này. Vì theo truyền thống và phong tục của người Nhật Bản, bạn phải hoàn toàn để “trần” mà không được mặc đồ tắm hay khăn tắm vào trong bồn để ngâm mình. Phong tục này bắt nguồn từ thời Edo, khi các suối nước nóng được coi là vùng đình chiến, tức là những quan chức và samurai luôn “khỏa thân” trong khi tắm Onsen để chứng minh cho đối thủ rằng họ không hề mang theo vũ khí hay có âm mưu chiến tranh gì cả. Điều này tồn tại tới tận ngày nay và việc “tắm tiên” trong Onsen thậm chí được coi là điều hiển nhiên đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên, sẽ có khu vực Onsen riêng dành cho nam và nữ, hơn nữa, trong khu vực tắm, ai cũng đều “khỏa thân” nên bạn cũng đừng lo lắng hay xấu hổ nhé! Kiểm tra sức khỏe trước khi tắm Onsen: Vì khi tắm Onsen, mọi người sẽ cùng dùng chung nguồn suối nước nóng, nên việc đảm bảo rằng thể trạng và sức khỏe của mỗi người ở điều kiện tốt nhất là rất cần thiết để tránh làm ảnh hưởng hoặc lây lan dịch bệnh tới những người xung quanh.
- Trước tiên, nếu bạn có bất kỳ những vết thương hở, chảy máu, mưng mủ… trên cơ thể mà không thể kiểm soát được chúng thì nên tránh sử dụng Onsen cho tới khi vết thương hồi phục. Nhất là với phụ nữ đang trong chu trình kinh nguyệt cũng nên lưu ý không tắm Onsen trong giai đoạn này.
- Thứ hai, nếu bạn đang bị ốm, đặc biệt là mắc các bệnh lây lan, truyền nhiễm hay các bệnh liên quan tới virus cũng không nên tắm suối nước nóng để tránh lây lan bệnh cho những người khác.
- Bên cạnh đó, việc nắm bắt tình hình sức khỏe của bản thân là điều rất quan trọng, đặc biệt là với những người có tiền sử về tim mạch hoặc huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng suối nước nóng.
- Cuối cùng, hãy tránh việc uống rượu trước khi tắm Onsen để vừa bảo vệ mình và cũng không làm ảnh hưởng tới mọi người. Đương nhiên việc thưởng thức vài ly rượu cùng bạn bè để tiếp thêm năng lượng là điều nên làm, nhưng hãy đợi sau khi bạn tắm xong nhé, thậm chí, phần lớn các cơ sở suối nước nóng đều phục vụ và cung cấp rượu nữa đấy.
Chuẩn bị đồ dùng:
- Tốt nhất là chúng ta nên mang theo các vật dụng vệ sinh cá nhân như sữa tắm, xà phòng, dầu gội, dầu xả, kem dưỡng da ... Mặc dù hầu hết các cơ sở suối nước nóng đều cung cấp sẵn những vật dụng này trong phòng tắm công cộng, nhưng để chắc chắn và thuận tiện, phù hợp vệ sinh thì tốt nhất là nên mang theo chúng nhé!
- Tiếp đó, áo choàng tắm và khăn tắm là những vật dụng không thể thiếu trong quá trình tắm suối nước nóng. Những chiếc áo choàng tắm tiện lợi sẽ giúp chúng ta di chuyển dễ dàng hơn trong khuôn viên suối nước nóng hoặc di chuyển từ phòng chờ, phòng tắm, phòng thay đồ tới khu vực suối nước nóng. Phần lớn mọi người đều mang theo hai loại khăn tắm gồm một loại lớn và một loại nhỏ. Những chiếc khăn cỡ lớn dùng để lau khô người sau khi tắm và nên được để lại trong phòng thay đồ cùng với quần áo sạch của bạn. Còn những chiếc khăn nhỏ sẽ được mang theo vào khu vực phòng tắm với rất nhiều công dụng hữu ích như quấn tóc, cọ lưng, giữ ấm đầu trong những mùa đông giá lạnh,...
- Chúng ta có thể thuê và lựa chọn cho mình những bộ Yukata phù hợp nhất – trang phục truyền thống của người dân Nhật Bản khi tắm Onsen.
Tắm gội sạch sẽ trước khi ngâm mình trong Onsen:
- Một công đoạn không thể bỏ qua và là yêu cầu bắt buộc trước khi tắm Onsen đó là chúng ta phải tắm gội toàn thân sạch sẽ trước tại các phòng tắm. Các phòng tắm nơi đây sẽ được trang bị đầy đủ các thiết như các dãy vòi hoa sen, bồn rửa mặt, gương, thùng chứa nước và thậm chí là các hàng ghế gỗ, các vật dụng vệ sinh,... Với mục đích đảm bảo an toàn và vệ sinh cho nguồn suối nước nóng cũng như là mọi người xung quanh, vì vậy, chúng ta hãy tắm và vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng dầu gội, sữa tắm và đừng quên tẩy da chết body nữa nhé. Một lưu ý nhỏ đó là hãy cất đồ và sắp xếp gọn gàng các vật dụng sau khi bạn tắm xong nhé.
➼ Trong khi tắm Onsen
- Hãy cẩn thận để phân biệt khu vực dành cho nam và nữ nhé, thường thì những tấm rèm đỏ sẽ là phòng dành cho phụ nữ còn rèm xanh để đánh dấu khu vực của nam giới.
- Phần lớn nhiệt độ của Onsen đều từ 40°C trở lên, sự chênh lệch nhiệt độ là khá cao nên chúng ta hãy từ từ để cơ thể làm quen với môi trường và nhiệt độ của làn nước trước. Hãy từ từ cảm nhận làn nước nóng bằng cách ngâm những đầu ngón chân, bàn chân rồi thả lỏng bắp chân trong khoảng vài phút đầu tiên để cơ thể thích ứng với sự chênh lệch nhiệt độ trước khi “đắm mình hoàn toàn” trong dòng nước.
- Hãy nhớ rằng ngoài cơ thể ra thì chúng ta không nên để bất kỳ vật dụng nào, thậm chí là khăn tắm nhỏ vào bồn nước vì chúng sẽ được coi là hành động bất lịch sự đối với người Nhật. Tốt nhất là bạn nên đặt khăn ở trên đầu, dùng để quấn tóc hoặc đặt chúng trong những chiếc khay nhỏ để trên bờ.
- Thời gian lý tưởng nhất để ngâm mình trong suối nước nóng là từ 20 - 30 phút, trong lúc đó, hãy nhắm mắt, thả mình thư giãn, thở nhẹ để cảm nhận từng dòng khoáng chất đang ngấm và hòa quyện vào làn da của chúng ta.
Sau khi tắm Onsen, có nên rửa lại bằng nước? Hầu hết câu trả lời đều là không vì mọi người cho rằng những khoáng chất trong Onsen có tác dụng rất tốt tới làn da và cơ thể của chúng ta, vì vậy, việc giữ lại chúng trên da để hấp thu những khoáng chất đó sẽ rất có lợi tới sức khỏe. Nhưng mặt khác, nếu cảm giác trên da bạn không thoải mái, bạn thấy không an tâm về làn nước trên da hoặc độ pH của dòng nước quá cao hoặc quá thấp,... thì đừng ngại ngần tắm qua bằng nước sạch một lần nữa nhé.
➼ Sau khi tắm Onsen
Trước khi rời khu Onsen, bạn hãy ngồi đợi vài phút trên các băng ghế trong khu vực tắm hoặc lau khô người, tránh trường hợp làm ướt sàn nhà hay để nước chảy lung tung khi di chuyển từ khu Onsen tới phòng thay đồ. Sau khi thay đồ xong, hoặc tiện nhất, bạn có thể khoác luôn những bộ Yukata (nhớ là vạt phải trước, vạt trái sau, tránh làm ngược lại) và nghỉ ngơi tại các phòng chờ hay khu vực ngoài trời. Đừng quên bổ sung nước cho cơ thể bằng cách thưởng thức những ly trà ấm nóng, sữa tươi, nước ngọt, thậm chí là cả rượu sake và bia, được phục vụ ngay tại quầy và khu vực bán hàng. Nếu bạn đói bụng thì một số nhà tắm Onsen còn cung cấp các món ăn nhẹ hoặc chúng ta có thể thưởng thức những bữa ăn ngay tại các nhà hàng gần đó. Thậm chí, ở một vài cơ sở Onsen còn có thư viện, giúp chúng ta thoải mái tìm hiểu và nghỉ ngơi sau khi tắm suối nước nóng.
3. Một số nội quy khi đi Onsen
Bạn đã nhớ được bao nhiêu quy tắc khi đi tắm suối nước nóng rồi? Đừng lo, chúng ta sẽ cùng điểm danh lại toàn bộ những nội quy khi đi Onsen ngay sau đây:
- Cởi bỏ giày dép trước khi vào khu vực thay đồ
- Để hết đồ đạc ở khu gửi đồ, nơi có các tủ khóa riêng
- Không mang trang sức, vật dụng có giá trị vào khu vực suối nước nóng
- Tắm rửa sạch sẽ bằng nước thường trước khi tắm Onsen để đảm bảo vệ sinh
- Sử dụng đúng phòng tắm Onsen: khu dành cho phụ nữ, khu nam giới và khu vực hỗn hợp
- Chỉ được mang khăn tắm loại nhỏ vào khu Onsen, nhưng tuyệt đối không được thả xuống suối nước nóng
- Không được nhìn chằm chằm, làm phiền người khác trong khi tắm
- Không được nhảy, lặn, bơi hoặc làm bắn nước tung tóe trong suối nước nóng
- Phải buộc tóc gọn gàng, không để xõa tóc khi tắm Onsen
- Chỉ được ngâm cơ thể xuống nước, tránh để đầu tiếp xúc với nước
- Không nói to, làm ảnh hưởng tới mọi người trong khu vực
- Không ngâm mình quá lâu trong suối nước nóng, tránh trường hợp cơ thể bị nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt hoặc đau đầu
- Không chụp ảnh, quay phim tại phòng thay đồ, phòng tắm, Onsen
- Không uống rượu trước khi tắm Onsen
- Hình xăm trong Onsen hoặc Sento là điều cấm kỵ vì mọi người sẽ nghĩ người đó là Yakuza (thành viên của băng đảng mafia ở Nhật). Do vậy nếu bạn có những hình xăm nhỏ và ít thì nên che lại, hoặc là đến những phòng tắm thân thiện với hình xăm nhé.
Một số nơi tắm Onsen có quy định riêng vì vậy bạn nên tham khảo quy định của nơi đó hoặc hỏi nhân viên ở đó để tránh những tình huống không mong muốn xảy ra nhé.
Tổng kết: Vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua về một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân “xứ hoa anh đào”, tắm suối nước nóng Onsen. Đây là một hoạt động vô cùng thú vị đối với khách du lịch nước ngoài, song nhiều người còn “e dè” bởi những quy tắc và luật lệ khắt khe ở nơi đây. Thông qua bài viết, hy vọng mọi người đã có được bức tranh toàn cảnh về quy trình tắm Onsen và hiểu được ý nghĩa của mỗi nội quy, quy tắc riêng, điều gì nên làm và không nên làm. Chúc mọi người có được những trải nghiệm hấp dẫn và đáng nhớ tại cuộc hành trình khám phá xứ sở Phù Tang.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ