Nét quyến rũ của Kimono - quốc phục của xứ sở Phù Tang
Mục lục
2. Cấu tạo chung của một chiếc kimono
5. Đến Nhật thì mua hay thuê Kimono ở đâu
Cũng giống như ngôn ngữ, những bộ quốc phục của mỗi quốc gia là một phần quan trọng không thể thiếu bởi chúng chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, là tinh thần của cả một dân tộc, là lịch sử hào hùng của mỗi đất nước. Nếu như người Việt Nam luôn tự hào với những tà áo dài thướt tha, Trung Quốc lại nổi tiếng với những bộ sườn xám “mảnh mai”, thì đối với người Nhật Bản, Kimono được xem như là “bảo vật”, là truyền thống gia đình, là vẻ đẹp của đất nước. Chắc hẳn Kimono là hình ảnh đã quá quen thuộc với chúng ta, nhưng có thể bạn vẫn chưa biết được những nét quyến rũ, những vẻ đẹp tiềm ẩn và những bí mật đằng sau bộ quốc phục này. Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng đi “giải mã” những câu chuyện chưa kể về Kimono - quốc phục xứ sở Phù Tang.
1. Kimono và lịch sử của nó
Kimono đã trở thành quốc phục Nhật Bản trong suốt hơn 1.000 năm qua, và ban đầu chỉ mang nghĩa đơn giản là chỉ quần áo nói chung. Trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử hình thành và phát triển, Kimono đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm khác nhau, tuy nhiên phải kể tới 5 giai đoạn quan trọng đã làm nên vẻ đẹp của bộ quốc phục Nhật Bản cho tới ngày nay.
Thời kỳ Heian (794 - 1185):
Có thể coi đây là “bước ngoặt lớn” trong sự phát triển của Kimono bởi lẽ đây là giai đoạn bộ trang phục này được phổ biến rộng rãi nhất và có hình dáng gần giống so với Kimono ngày nay. Trước đó, vào thời kỳ Nara (710 - 794), những bộ trang phục phổ biến nhất là hakama - là những chiếc váy dài có thể được tách ống hoặc không, đi kèm với đai thắt lưng. Tới thời kỳ Heian, kỹ thuật làm Kimono phát triển với phương pháp “cắt may đường thẳng”, những mảnh vải đầy màu sắc được cắt theo đường thẳng rồi khâu lại với nhau tạo thành bộ trang phục có tới 12 - 16 lớp. Với phương pháp này, người mặc sẽ không cảm thấy lo lắng bởi thân hình hay những khuyết điểm trên cơ thể của mình mà rất tiện lợi, phù hợp với thời tiết. Dần dần, Kimono đã trở thành xu hướng thời trang được ưa chuộng bởi mọi người trong thời gian này.
Thời kỳ Kamakura (1192 - 1333):
Ở giai đoạn này, Kimono đã trở thành trang phục thường ngày của người dân xứ “hoa anh đào”. Chính vì vậy, sự đòi hỏi cao hơn về việc phối hợp màu sắc các lớp áo sao cho hài hòa, thể hiện địa vị, phong cách của người mặc cũng bắt đầu được chú ý hơn. Màu sắc của Kimono thường được dựa theo mùa, theo giới tính, chức vụ, địa vị, thậm chí là theo mối quan hệ gia đình. Đây cũng là thời kỳ mà kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào quân sự, quyền hành tập trung vào các Shogun (võ sĩ) nên những chiếc Kimono cầu kỳ từ thời kỳ trước đã được cải tiến sao cho gọn gàng, đơn giản và nhẹ nhàng hơn.
Thời kỳ Edo (1603 - 1868):
Thời kỳ này, đất nước bị chia cắt thành các lãnh địa phong kiến được cai trị bởi các lãnh chúa. Chính vì vậy mà các Samurai của mỗi miền lại có cách mặc Kimono và hoa văn trang trí, màu sắc khác nhau. Phổ biến nhất là cách kết hợp Kimono với Kamishimo - áo gile cùng với Hakama. Một điểm nhấn nổi bật trong giai đoạn này là sự ra đời của thắt lưng Obi - giúp tạo sự gọn gàng, mang tính thẩm mỹ cao, tôn lên nét đẹp của Kimono cũng như là người mặc. Việc may và sản xuất Kimono đã dần được coi là một hình thức nghệ thuật, khiến cho Kimono trở nên có giá trị hơn, thậm chí trở thành vật gia truyền được cha ông truyền lại cho con cháu và các thế hệ đời sau.
Thời kỳ Meiji (1868 - 1912):
Dưới sự du nhập của văn hóa phương Tây, người Nhật dần ít mặc Kimono hơn trước mà thay vào đó là các bộ âu phục mang đậm phong cách Châu u. Quần tây, áo sơ mi hay áo vest là những sự lựa chọn thay thế phổ biến nhất, chúng được cho rằng vừa hợp thời trang, tôn lên địa vị và xu thế của người mặc lại vừa gọn gàng và hiện đại. Chính vì vậy mà Kimono đã mất vị thế hơn trước, người dân chỉ mặc Kimono trong những dịp đặc biệt hay các sự kiện mang tính trang trọng.
Thời kỳ Showa (1926 - 1989):
Đây là giai đoạn Nhật Bản tham gia vào thế chiến thế hai và cũng là thời kỳ phục hồi nền kinh tế Nhật sau thế chiến. Sau giai đoạn phục hồi kinh tế thì việc mặc Kimono cũng bắt đầu được phục hồi và được ưa chuộng trở lại. Tuy vẫn chịu những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, song Kimono phần lớn vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu và được cải tiến trở nên đơn giản hơn, bớt kiểu cách và những chi tiết rườm rà. Và cho tới ngày nay, Kimono vẫn là bộ quốc phục toát lên vẻ đẹp văn hóa, những giá trị truyền thống của người dân Nhật Bản. Tuy không còn là trang phục được sử dụng hàng ngày nhưng trong các lễ hội truyền thống, các dịp đặc biệt của gia đình như đám cưới, đám tang, tiệc trà,...hay các sự kiện của đất nước, Kimono vẫn được mọi người sử dụng với sự kính trọng và niềm tự hào.
2. Cấu tạo chung của một chiếc kimono
Về tổng thể, Kimono gồm có 4 bộ phận chính cấu tạo nên gồm hai mảnh thân áo, hai mảnh tay áo, các mảnh nhỏ còn lại làm nên cổ áo và miếng lót hẹp. Cụ thể, một bộ Kimono truyền thống phải có đủ các bộ phận sau:
(1) Đồ lót chuyên dụng Nagajuban (長襦袢)
(2) Date-jime (伊達締め) hay Date-maki (伊達巻き): dây quấn cố định, gồm 2 miếng
(3) Dây cột Koshi-himo (腰紐) (số lượng tùy cách mặc)
(4) Thắt lưng Obi (帯)
(5) Obi-jime (帯締め): là dây cột trang trí, tạo điểm nhấn cho Obi
(6) Obi-age (帯揚げ): vải trang trí cho Obi
(7) Obi-makura (帯枕): “gối” luồn phía sau của Obi
(8) Obi-ita (帯板): tấm lót tạo dáng phẳng đẹp cho Obi
(9) Vớ Tabi (足袋)
Ngoài ra, những phụ kiện đi kèm với Kimono rất hay được người dân Nhật Bản lựa chọn đó là:
- Túi xách: Không nhất thiết phải chọn những loại túi xách mang phong cách truyền thống Nhật hay các loại túi xách có thương hiệu nổi tiếng. Với túi xách cầm tay, bạn nên sử dụng loại nhỏ, có màu nhẹ nhàng như màu nâu nhạt hoặc màu be. Đừng quên phối màu sao cho hòa hợp với màu chủ đạo của bộ Kimono bạn đang mặc nhé. Thông thường, người Nhật hay sử dụng các loại túi nan cầm tay bởi chúng rất dễ kết hợp với Kimono lại vừa vặn về kích cỡ để cầm tay.
- Ô/ Dù: Hình ảnh những chiếc ô được sử dụng kèm với Kimono chắc chắn không phải là sự kết hợp xa lạ với người dân “đất nước mặt trời mọc”. Những chiếc ô truyền thống có chất liệu bằng vải chống nước, sợi gai, vải bố luôn là “bộ đôi ăn ý” với Kimono. Nếu bạn đang mặc bộ Kimono sáng màu, có nhiều họa tiết và hoa văn trang trí thì nên kết hợp với những chiếc ô tối màu hoặc đơn giản để tạo sự cân bằng về màu sắc. Ngược lại, với những bộ Kimono tối màu, nhẹ nhàng, ít họa tiết đi kèm thì một chiếc ô “sặc sỡ” sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo.
- Zori (Dép Nhật): Là một phần không thể thiếu khi “diện” những bộ Kimono, Zori là dép sandal truyền thống của Nhật Bản, được làm bằng rơm, vải hoặc gỗ sơn mài. Zori có đa dạng hình dáng và màu sắc khác nhau sao cho phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Đặc biệt đối với phụ nữ, những đôi dép Zori được thiết kế với phần gót cao hơn, mũi tròn cùng với màu sắc càng làm tôn lên sự dịu dàng, nữ tính và nhẹ nhàng của những người phụ nữ Nhật.
- Quạt Sensu: Là một vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ trang trọng, Sensu là những chiếc quạt gấp với khung tre gỗ mỏng, được dán giấy washi hoặc vải lụa. Không những có công dụng làm mát thông thường, quạt Sensu kết hợp với bộ Kimono truyền thống càng làm tăng thêm sự sang trọng, làm nổi bật tính cách của người sử dụng. Bạn nên chọn màu sắc và họa tiết trên quạt Sensu sao cho phù hợp với hoàn cảnh và bộ Kimono đang mặc. Dễ nhất là chọn Sensu theo mùa, ví dụ nếu đang là mùa xuân thì nên chọn họa tiết hoa anh đào, là mùa thu thì chọn họa tiết lá đỏ.
3. Cách mặc Kimono
Đối với phần lớn du khách, việc mặc Kimono có thể coi là một “thử thách” bởi việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sự tập trung cao độ. Nhưng việc “chinh phục” thử thách này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn tham khảo những bước sau đây:
- Bước đầu tiên: Mặc áo Nagajuban, đây là lớp áo lót chuyên dụng màu trắng, được mặc bên trong lớp Kimono. Giữ hai đầu cổ áo sao cho đường may nằm ở giữa sống lưng Một tay cố định hai đầu cổ áo và tay còn lại nắm phần giữa thân áo rồi kéo ra sau một đoạn, sao cho khoảng cách từ cổ áo tới cổ bằng một nắm tay Vắt chéo cổ áo phía trước sao cho vạt áo phải ở bên trong vạt trái Lần lượt cố định bằng dây quấn Koshi-himo và Date-jime Điều chỉnh thân áo sao cho phẳng, không để lại các vết nhăn hoặc phồng.
- Bước thứ hai: Mặc Kimono Xác định độ dài Kimono sao cho chiều dài áo vừa vặn phủ đến mắt cá chân Xác định chiều ngang: Vắt chéo vạt áo trái bên ngoài vạt phải (nhớ điều chỉnh phần tay áo Nagajuban để chúng luôn nằm bên trong lớp Kimono) Cố định bằng dây Koshi-himo ở phần eo Luồn hai tay vào phần Miyatshucuchi - phần hở nhỏ dưới cánh tay để kéo phẳng những nếp nhăn ở cả mặt trước và sau Thắt dây Kochi-himo để cố định lại ở phần ngực Điều chỉnh phần cổ áo sao cho phần cổ của lớp Kimono chồng khít với Nagajuban rồi cố định lại bằng Date-jime Lót tấm Obi-ita ở bụng trước khi quấn thắt lưng Obi để tạo điểm nhấn cho bộ Kimono.
- Bước thứ ba: Thêm các phụ kiện đi kèm với Kimono: Đừng quên kết hợp các phụ kiện như ô, trâm cài đầu, túi xách, quạt cầm tay hay đồ trang sức để làm tăng thêm nét quyến rũ cho bộ Kimono nhé!
4. Các loại Kimono
Bạn có biết có bao nhiêu loại Kimono ở Nhật Bản không? Câu trả lời là rất nhiều vì từng loại Kimono sẽ gắn liền với một sự kiện hoặc dành riêng cho một nhóm người được dựa theo giới tính, độ tuổi, đặc điểm riêng như đã kết hôn hay còn độc thân,... Chúng ta hãy cùng điểm danh 9 loại Kimono phổ biến nhất và khám phá đặc điểm cũng như ý nghĩa của từng loại nhé:
- Furisode: Đây là bộ Kimono dành cho phái nữ, đặc biệt là những cô gái chưa lập gia đình, được sử dụng cho các ngày lễ lớn hoặc tham dự lễ cưới hay dự tiệc trà. Một trong những đặc điểm của Furisode là ống tay áo rất dài và rộng, chiều dài có thể lên tới 95 - 115cm. Màu sắc chủ đạo của bộ Kimono này thường là màu sáng và có hoa văn rực rỡ, chất liệu được làm từ lụa tạo cảm giác nhẹ nhàng và thướt tha cho người mặc. Khi những thiếu nữ Nhật Bản bước sang tuổi 20, họ sẽ tổ chức nghi lễ trưởng thành và đó cũng là lúc họ diện những bộ Furisode tươi tắn. Có tới 3 loại Furisode khác nhau bao gồm Kofurisode (小振袖), Chu-furisode (中振袖) và Ofurisode(大振袖) được chia theo độ dài tay áo ngắn nhất, trung bình và loại dài nhất.
- Iromuji: Bộ đồ Kimono dành riêng cho việc tham dự các buổi tiệc trà đạo của phụ nữ Nhật Bản nói chung. Có thể dễ dàng phân biệt IroMuji với các loại Kimono khác dựa vào màu sắc, hoa văn và thắt lưng Obi. Các tông màu của IroMuji khá đa dạng như tông trầm cho tới sáng và sặc sỡ, nhưng phải là màu trơn mà không được có bất kỳ hoa văn trang trí nào, cùng với đó là cách thắt Obi khá đơn giản. Nếu là phụ nữ trung niên, họ sẽ ưa chuộng những tông màu trầm và thanh lịch, ngược lại, các tông màu sáng lại là sự lựa chọn của những phụ nữ trẻ nhằm tôn lên nét thanh thoát mà không mất đi sự tươi tắn. Tùy theo từng nghi lễ mà các gia huy được gắn lên sao cho tương đương với sự trang trọng của buổi tiệc theo mức độ từ 1 - 5 gia huy.
- Houmongi: Đây cũng là bộ Kimono dành cho phái nữ nhưng khác với Furisode, Houmongi dành cho những phụ nữ đã lập gia đình và được sử dụng khi tham dự những buổi tiệc truyền thống hay đám cưới. Điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất ở những bộ Kimono này chính là hoa văn nhã nhặn được thêu ở phần vai, phần cánh tay hay phần thân áo, trở thành điểm nhấn để tôn lên sự thanh lịch và nhẹ nhàng.
- Tsumugi: Đây có lẽ là bộ Kimono khá gần gũi với người dân địa phương, đặc biệt là tầng lớp nông dân và người dân ở khu vực nông thôn. Được sử dụng cho các buổi trà đạo, cắm hoa, đám cưới, Tsumugi được thiết kế khá đơn giản và mộc mạc từ hoa văn tới màu sắc. Một cảm giác giản dị, gần gũi và hòa nhã chính là điều mà bộ Kimono này mang lại cho người mặc, càng làm tôn lên vẻ đẹp và phẩm chất của những người phụ nữ Nhật Bản truyền thống.
- Yukata: Một bộ Kimono nhẹ nhàng mà đơn giản dành cho cả phụ nữ và nam giới đều có thể mặc được. Được làm bằng chất liệu vải cotton, Yukata rất phù hợp cho những ngày hè oi ả hay những lễ hội mùa hè. Sự đơn giản chính là ưu điểm của Yukata, không quá cầu kỳ trong cách thiết kế, cách thắt Obi, người mặc có thể tự mặc một cách dễ dàng mà không cần sự giúp đỡ. Màu sắc tươi tắn, chất liệu mát mẻ, cách thiết kế nhẹ nhàng càng làm nổi bật sự trẻ trung, năng động và tươi mới cho những người “diện” chúng.
- Tomesode: Một loại Kimono khá trang trọng và lịch sự dành cho những người phụ nữ đã kết hôn đó chính là Tomesode. Điểm đặc biệt của chiếc Kimono này chính là sự xuất hiện của 3 - 5 gia huy tượng trưng cho họ tộc, các hoa văn trang trí phải nằm dưới phần eo áo. Thường thì Tomesode sẽ là sự kết hợp của màu đen chủ đạo với thắt lưng Obi vàng hay các hoa văn trang trí có màu vàng, đỏ hoặc xanh nhã nhặn, điểm xuyết trên thân áo.
- Mofuku: Phù hợp cho cả phụ nữ và đàn ông, thiết kế của Mofuku khá đơn giản với tông màu chủ đạo là đen kết hợp với những chiếc gia huy được đính ở phần vai, đây là trang phục dành cho việc tham dự các đám tang của họ hàng gần. Không có bất kỳ hoa văn trang trí hay những chiếc thắt lưng Obi cầu kỳ bởi Mofuku thể hiện sự tiếc thương và trân trọng sâu sắc dành cho người đã khuất. Vì vậy, các phụ kiện kết hợp với bộ Kimono này cũng nên là tông màu đen hoặc màu trầm, không được kết hợp với tông màu sáng hoặc quá sặc sỡ.
- Shiromaku: “Shiro” có nghĩa là trắng còn “maku” là chỉ sự thanh khiết, chính vì lẽ đó mà Shiromaku là trang phục truyền thống dành riêng cho cô dâu vào ngày cưới tại Nhật Bản. Sắc trắng là tông màu chủ đạo của Shiromaku với ý nghĩa tượng trưng cho sự tinh khiết của cô dâu cả về thể xác lẫn tinh thần. Bộ trang phục Kimono này rất dài và tỏa tròn xung quanh cùng với chiếc mũ chùm đầu làm cho việc di chuyển của cô dâu khá khó khăn, cần phải có sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, đây là bộ trang phục truyền thống thích hợp nhất dành cho ngày trọng đại của các cô dâu Nhật.
- Kimono dành cho nam giới: Không quá cầu kỳ như những bộ Kimono dành cho phụ nữ, Kimono dành cho nam giới lại khá đơn giản từ khâu thiết kế cho tới màu sắc và hoa văn trang trí. Chủ yếu mang tông màu trầm hoặc màu sáng nhưng không quá sặc sỡ, những đường kẻ sọc, kẻ ngang hay gia huy là họa tiết trang trí chủ đạo với những bộ Kimono này. Cổ điển và trang trọng nhất là sự kết hợp giữa Hakama (quần kimono) và Haori (áo khoác Kimono) cùng với một chiếc thắt lưng obi buộc quanh eo được gọi là Kinagashi.
5. Đến Nhật thì mua hay thuê Kimono ở đâu
Nếu bạn muốn mua một bộ Kimono “xịn xò” làm kỷ niệm hay là món quà dành tặng người thân, trải nghiệm cảm giác mặc Kimono và tạo dáng với những bức ảnh đẹp “lung linh” thì chúng ta phải mua hay thuê Kimono ở đâu nhỉ? Có rất nhiều cửa hàng cung cấp và cho thuê đa dạng các mẫu Kimono với chất lượng tốt mà giá lại phải chăng trên khắp đất nước Nhật Bản. Nếu bạn còn băn khoăn thì sau đây là một vài gợi ý và thông tin cụ thể giúp bạn lựa chọn:
⧫⧫ Cửa hàng cho thuê Kimono
Tekuteku Kyoto: Dành cho những tín đồ yêu thích sự hoài cổ và thời trang Kimono cổ điển, Tekuteku đích thị là nơi dành cho bạn. Nơi đây sở hữu bộ sưu tập lên tới 250 bộ Kimono mang phong cách truyền thống mà không làm mất đi sự trẻ trung, phong cách của người mặc. Dưới khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của Kyoto, một bộ Kimono mang hơi hướng cổ điển kết hợp với các phụ kiện đơn giản càng làm cho tạo hình của bạn trở nên cuốn hút mà thanh lịch. Bạn sẽ tha hồ lựa chọn những bộ Kimono ưng ý nhất với kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, thậm chí là các phụ kiện kết hợp dưới sự hướng dẫn và gợi ý của những nhân viên thân thiện nơi đây.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ: 319-3, Kamiyanagicho, Shimogyo-ku, Kyoto
- Trang web: https://tekutekukyoto.com/en/
Kimono Okamoto: Một cửa hàng cho thuê Kimono nổi tiếng gần ngôi chùa Kiyomizu và tòa tháp Yasaka, nơi đây đã tiếp đón hơn 200.000 du khách tham quan và sử dụng dịch vụ. Điểm thu hút nhất của Okamoto chính là sự đa dạng, đa dạng về các thể loại Kimono cho tới chất liệu, đa dạng về kiểu cách, thậm chí và kích cỡ và size dành cho các em nhỏ cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở nơi đây. Hơn hết, các mặt hàng lại rất phù hợp với túi tiền của du khách từ loại bình dân cho tới cao cấp, phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ: 6-546-8 Gojobashi Higashi, Kyoto Higashiyama-ku, Kyoto
- Trang web: https://www.okamoto-kimono-en.com/
Uruwasiki: Nếu bạn cần sự tham khảo và tư vấn của những nhân viên “đa năng”, hãy tìm đến Uruwasiki bởi đội ngũ nhân viên ở đây có thể nói thông thạo tới 4 thứ tiếng gồm: Nhật, Anh, Trung và Pháp. Phục vụ nhu cầu của hơn 20 du khách trong một ngày, bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự chu đáo và tỉ mỉ của cửa hàng. Nhân viên sẽ tư vấn về cách chọn Kimono sao cho phù hợp với từng người, cách phối màu, cách mặc Kimono và thậm chí cách chọn phụ kiện, làm tóc và trang điểm đều có hết ở cửa hàng.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ: 26-1, Enokibashi-cho, Fukakusainari, Fushimi-ku, Kyoto
- Trang web: https://en.jpkimonorental.com/
Gion Komachi: Một sự lựa chọn khác cho du khách để thuê những bộ Kimono với giá cả rất phải chăng (khoảng 16$) mà chất lượng và phong cách phục vụ luôn đạt được niềm tin của du khách, Gion Komachi. Không chỉ phục vụ đa dạng những bộ Kimono mà nơi đây còn nổi tiếng về kỹ thuật thắt Obi đặc biệt chưa tới 2 phút đồng hồ. Thắt lưng Obi cũng là điểm nhấn vô cùng quan trọng, mỗi kiểu thắt, cách thắt lại thể hiện phong cách của từng người. Với Gion Komachi, bạn sẽ mất khoảng 2 phút để những chiếc thắt lưng Obi biến thành một bó hoa sinh động, làm tăng sức cuốn hút của bộ Kimono.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ:F3 Community Gion, 272-5 Matsubara-cho, Higashiyama-ku, Kyoto
- Trang web: https://www.gion-komachi.com/rental/index_en.php
Wargo Asakusa: Chỉ cách khoảng 3 phút đi bộ từ ngôi chùa Sensoji, cửa hàng Wargo Asakusa không chỉ là địa điểm cho thuê Kimono mà còn giúp du khách có được cái nhìn sâu hơn về lịch sử của loại quốc phục này. Với cách bày trí và thiết kế giống như một bảo tàng thời trang Kimono, bạn sẽ tận mắt chứng kiến và khám phá được nhiều thông tin cũng như là vẻ đẹp qua từng thời kỳ lịch sử. Chắc chắn rằng du khách cũng sẽ tìm được cho mình bộ Kimono ưng ý và phụ hợp nhất bởi bộ sưu tập “khổng lồ” của cửa hàng cung cấp rất đa dạng các sản phẩm. Chi phí dao động từ 2.900 ~ 23.000 yên.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ:1-41-8 Asakusa, Taito, Tokyo
- Trang web: https://kyotokimono-rental.com/en/access/asakusa-area/asakusa
Birei Kimono: Nếu bạn muốn trải nghiệm không chỉ cảm giác mặc Kimono mà còn thật nhiều khoảnh khắc đáng nhớ hơn thế nữa thì hãy ghé thăm tiệm Birei Kimono. Bên cạnh việc thuê Kimono, du khách sẽ được lựa chọn rất nhiều dịch vụ tiện ích khác như makeup và làm tóc, thuê đồ phụ kiện, chụp hình ngay tại studio hoặc trải nghiệm trực tiếp trên những chiếc xe kéo truyền thống của Nhật. Nơi đây cũng có những lớp học tìm hiểu văn hóa cổ truyền như lớp dạy viết thư pháp hoặc nghệ thuật gấp giấy origami dành cho những người muốn tìm hiểu và có niềm yêu thích với nghệ thuật dân gian của Nhật Bản.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ: 1−1−18-4 Higashikomagata, Sumida, Tokyo
- Trang web: http://birei-asakusa.tokyo/
⧫⧫ Địa điểm mua Kimono
Tansu-ya: Là cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm Kimono đã qua sử dụng với mức giá tầm trung, đây là nơi mà du khách có thể tìm mua những bộ trang phục phù hợp nhất với đa dạng các kiểu dáng và chất lượng. Nhãn hàng có tới hơn 40 cửa hàng trên khắp đất nước Nhật, vì vậy, đây là cái tên khá quen thuộc đối với người dân địa phương cũng như khách du lịch. Không chỉ có Kimono, chúng ta có thể tìm được rất nhiều những trang phục truyền thống của “xứ sở hoa anh đào” ngay tại nơi đây. Nhân viên có thể giao tiếp được bằng tiếng anh, thái độ và sự phục vụ tận tình là một trong những điểm “sáng” của cửa hàng.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ: tòa nhà Nakayama , 1F, 3-4-5 Ginza, Chuo-ku, Tokyo
- Trang web: https://tansuya.jp/index.html
Japan Objects store: Bạn đang băn khoăn vì vẫn chưa chọn được bộ Kimono ưng ý nhất, vậy thì hãy ghé thăm Japan Objects store ngay nhé. Với bộ sưu tập đồ sộ các kiểu dáng Kimono, Yukata, thắt lưng Obi và các mẫu áo choàng cách tân theo phong cách Kimono, nơi đây sẽ không làm bạn thất vọng trong việc chọn lựa những sản phẩm tốt và độc đáo nhất. Hơn thế nữa, những phụ kiện như ví, túi cầm tay, túi xách,... mà chúng ta sẽ không thể tìm thấy những mẫu mã giống như vậy ở các cửa hàng khác bởi chúng được thiết kế đặc biệt từ công ty dệt nổi tiếng Tasumura. Điều bất ngờ là du khách có thể nhận hàng hoặc order Kimono với dịch vụ miễn phí vận chuyển ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
➤Trang web: https://shop.japanobjects.com/
Chiso: Thật là một thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua cửa hàng Chiso - nơi chuyên bán và cung cấp Kimono với đa dạng các mẫu mã và chủng loại. Phương châm của Chiso đó là “ Bảo tồn nét đẹp truyền thống Kimono nhưng không làm mất đi sự hiện đại và phong cách của bộ quốc phục này trong thế kỷ 21”. Chính vì vậy mà năm 2006, cửa hàng đã mở một phòng trưng bày sản phẩm, nơi du khách được tìm hiểu, khám phá và chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa, thời trang của Kimono. Cũng chính ngay tại đây, nhân viên sẽ phác thảo thiết kế sao cho đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của từng du khách về bộ Kimono của riêng mình. Du khách có thể tham khảo thêm các bộ sưu tập và phòng triển lãm của cửa hàng để tìm được những kiểu dáng và hoa văn trang trí phù hợp nhất với mình.
➤ Thông tin thêm:
- Địa chỉ: 80 Mikura-cho, Sanjo Karasuma, Nishiiru, Nakagyo-ku, Kyoto
- Trang web: http://www.chiso.co.jp/english/
Chợ trời: Nơi du khách có thể tìm được mọi thứ như: đặc sản địa phương, quà lưu niệm, thưởng thức ẩm thực đường phố, thậm chí là tìm mua những bộ quốc phục Kimono với chi phí tiết kiệm nhất. Các khu chợ trời nổi tiếng tại khu vực Kyoto như Toji (mở vào ngày 21 hàng tháng), Kitano Tenmangu ( mở vào ngày 25 hàng tháng) hay Chionji ( mở vào ngày 15 hàng tháng),... Việc hòa mình vào các khu chợ địa phương cũng chính là hòa nhịp vào cuộc sống hàng ngày của người dân đất nước “mặt trời mọc”, vì vậy,việc chọn mua Kimono ở nơi đây sẽ chính là những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong chuyến hành trình lần này của bạn. Kiểu dáng phong phú, hoa văn rực rỡ, đủ mọi chất liệu, thậm chí bạn còn được mặc thử và nhận được sự tư vấn nhiệt tình của người bán hàng, du khách sẽ chọn được cho mình bộ trang phục yêu thích nhất.
Tổng kết: Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong chuyến hành trình khám phá một trong những nét đẹp văn hóa và truyền thống của xứ sở Phù Tang - quốc phục Kimono. Hy vọng, thông qua bài viết, du khách đã có thêm những thông tin bổ ích, kiến thức văn hóa và cảm nhận riêng của mình về bộ trang phục đặc biệt này. Hãy tự mình khám phá và chia sẻ những trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch lần này cho người thân và bạn bè xung quanh nhé!
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ