10 loại gia vị của Nhật Bản nhất định phải thử
Mục lục
1. Nước chấm Ponzu
2. Dầu ớt Rayu
3. Muối Yuzu Kosho
4. Mù tạt vàng Karashi
5. Ớt bột 7 vị Shichimi Togarashi
6. Tiêu Sansho
7. Viên Cà ri Nhật Bản
8. Mơ muối Umeboshi
9. Hạt vừng đen
10. Muối tinh
Bạn biết không, để làm nên một nền ẩm thực của mỗi quốc gia, chúng ta phải kết hợp rất nhiều các yếu tố như nguyên liệu, cách chế biến, công thức nấu ăn, sự kết hợp giữa các nguyên liệu, sự sáng tạo,... Trong đó, có một yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu để làm nên sự thành công trong hương vị của từng món ăn - đó chính là hương vị. Và bí quyết để làm nên những hương vị tuyệt vời lại nằm ở các loại gia vị. Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng khám phá và điểm danh top 10 gia vị Nhật Bản nổi tiếng mà du khách nhất định phải thử.
1. Nước chấm Ponzu
Cái tên đầu tiên trong danh sách hôm nay là một loại nước chấm làm từ dấm lên men, lấy nguyên liệu từ trái cây như cam, quýt - nước chấm Ponzu. Nguyên liệu chủ yếu làm nên hương vị của loại nước chấm độc đáo này là cam/quýt, đường, nước tương, mirin và dashi.
Nước chấm Ponzu được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản như là một gia vị hoặc một sự bổ sung cho nước sốt đậu nành. Nước chấm Ponzu được chế biến ra bằng cách nấu mirin, giấm gạo, cá ngừ, kombu (rong biển khô) trên lửa vừa, sau đó được làm lạnh để lọc lấy đi vảy cá và nước cốt của một hoặc nhiều loại trái cây họ cam quýt sẽ được thêm vào như: yuzu, sadachi, daidai, kabosu hoặc chanh…
Ponzu có hương vị rất đặc biệt, là sự kết hợp của măn, cay, đắng, ngọt và chua hòa quyện. Đây sẽ là một loại nước chấm thích hợp với sashimi, các loại lẩu shabu shabu, ...
2. Dầu ớt Rayu
Đây sẽ là một loại gia vị yêu thích của những người thích ăn cay và muốn tăng thêm sự đậm đà cho các món ăn - Dầu ớt Rayu. Rayu là một loại dầu cay có nguyên liệu chính là dầu mè tẩm ớt, hành tây và tỏi thái lựu nhỏ. Du khách sẽ dễ dàng tìm thấy loại gia vị phổ biến này trong các quán ăn, đặc biệt là các tiệm mì ramen.
Tuy nhiên, với những người ăn ít cay, bạn cũng đừng ngần ngại hay sợ sệt khi thử dầu ớt Rayu nhé. Vì cũng giống như tương ớt tươi của Việt Nam, độ cay sẽ phụ thuộc lớn vào công thức chế biến của mỗi người. Ngày nay, dầu ớt Rayu thường được chế biến với độ cay vừa phải chứ không quá cay nồng để mọi người đều có thể thưởng thức được. Thêm một điều thú vị là trong quá khứ, dành cho những người thích ăn cay, có một loại bánh mì được làm giới hạn - burger dầu ớt Rayu.
3. Muối Yuzu Kosho
Được thiên nhiên ban tặng khí hậu thuận lợi để trồng các loại cây họ cam quýt nên đây có là là một trong những nguyên liệu chế biến phổ biến của người dân Nhật. Muối Yuzu Kosho là một loại muối sệt, được làm từ ớt lên men, muối và yuzu - một loại quả họ cam quýt Nhật Bản. Chúng thường được sử dụng cho các món như nabemono, súp miso, và sashimi.
Nguyên gốc của Yuzukosho được làm bởi những người dân địa phương Kyushu, và thường sử dụng ớt xanh, hoặc ớt đỏ để làm tăng sự cay nồng. Chúng càng trở nên phổ biến sau khi được coi như là một món quà lưu niệm tại suối nước nóng thị trấn của Yufuin Onsen. Sự nổi tiếng của nó còn tăng nhiều hơn khi Fundokin - một nhà sản xuất lớn về shoyu và miso ở Kyushu bắt đầu làm Yuzu Kosho. Và dần dần, các thương hiệu nổi tiếng khác bắt đầu chế biến và sản xuất loại gia vị này và biến chúng trở thành một thói quen, một đặc sản của người dân Nhật. Bạn hãy thử thưởng thức hương vị của chúng bằng cách nêm nếm cho các món ăn như cá kho, thịt kho, hoặc các món lẩu, chắc chắn sẽ là một hương vị hoàn toàn khác với bình thường đấy.
4. Mù tạt vàng Karashi
Mù tạt chắc chắn là loại gia vị quá nổi tiếng và phổ biến không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở rất nhiều quốc gia khác nữa. Karashi là tên gọi của một loại gia vị cũng được làm từ một loại cây thuộc cùng họ Brassicaceae như wasabi và mù tạt. Tuy nhiên, nếu wasabi chủ yếu được dùng như một loại gia vị có tính khử khuẩn trong các món ăn sống, bạn cũng có thể gọi wasabi là mù tạt xanh, thì mù tạt vàng Karashi với vị cay nồng đặc trưng giúp kích thích vị giác lại được dùng trong các món ăn có hương vị thanh đạm như món hầm Oden, đậu nành lên men Natto hoặc những món chiên, nướng dễ gây ngán như thịt heo chiên xù Tonkotsu,...
Karashi rất hay bị nhầm lẫn với mù tạt vàng của phương Tây. Xét về hình thức, thật khó để phân biệt 2 loại gia vị này, tuy nhiên thật ra mục đích sử dụng, công thức chế biến, cũng như hương vị thực chất khá khác nhau. Để dễ phân biệt, bạn chỉ cần nhớ do Karashi là gia vị của Nhật nên chỉ được dùng kèm với các món ăn Nhật Bản, trong khi mù tạt vàng là gia vị của phương Tây nên thường ăn kèm với các món Âu như bánh mì, hot dog, mì Ý hoặc sandwich,...
5. Ớt bột 7 vị Shichimi Togarashi
Ớt bột - một loại gia vị không còn xa lạ với du khách, đặc biệt với những người sống ở Châu Á. Mỗi quốc gia lại có cho mình cách chế biến ớt bột khác nhau, nhưng điểm đặc trưng và giống nhau nhất chính là hương vị cay nồng đặc trưng của chúng. Nhưng có lẽ bạn sẽ phải bất ngờ bởi hương vị ớt bột không giống như bình thường của Nhật - Ớt bột 7 vị Shichimi Togarashi.
Các thành phần điển hình bạn có thể thấy trong shichimi togarashi bao gồm ớt đỏ, hạt mè, hạt gai dầu, hạt anh túc, hạt yuzu, hạt cải dầu, gừng xay, vỏ cam và rong biển. Chính các nguyên liệu đặc trưng này khiến cho chúng không chỉ có vị cay nồng của ớt mà còn là vị thanh thanh chua, hơi ngọt và mặn. Đây là một gia vị không thể thiếu khi kết hợp với món mì soba, udon, hoặc các món ăn phương Tây như bánh mì kẹp thịt, các món nướng.
6. Tiêu Sansho
Lại thêm vào danh sách các loại gia vị được chế biến từ các loại quả cam quýt của Nhật Bản - Tiêu Sansho nổi tiếng. Đây có thể coi là một đặc sản của đất nước mặt trời mọc bởi vì nguyên liệu tươi ngon, độc nhất của chúng.
Loại hạt tiêu này có nguồn gốc từ tiêu Tứ Xuyên - Trung Quốc, hạt của chúng nhỏ, có màu xanh có có vị khá nồng. Thích hợp để ướp các món nướng, làm tăng hương vị của món ăn, độ ngậy, ví dụ như món lươn nướng, gà xiên yakitori,... Bạn sẽ cảm nhận được hương vị khác hoàn toàn khi so sánh giữa các món có ướp tiêu Sansho và không ướp.
7. Viên Cà ri Nhật Bản
Nếu bạn muốn ăn Cà ri mà đang ngại ngần bởi không có thời gian chế biến hoặc quá nhiều công đoạn cho món ăn này thì không cần phải lo lắng nữa nhé, bạn chỉ cần một bước để hoàn thành Cà ri Nhật Bản ngay tại nhà, bằng cách sử dụng khói Cà ri có sẵn.
Thật dễ dàng để tìm được các gói Cà ri đã đóng gói sẵn với nhiều kích thương và hương vị khác nhau, bày bán rộng rãi không chỉ các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích mà thậm chí các hàng bách hóa nhỏ cũng có nữa. Với mỗi gói chế biến sẵn, chúng sẽ có đủ nước hầm, các viên Cà ri và các nguyên liệu có sẵn. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ cần đun sôi gói Cà ri, đổ thêm một chút nước và đợi chúng sôi. Nếu bạn thích nêm nếm thêm thì có thể cho thêm bột ớt, mirin, rong biển,... theo sở thích. Khi Cà ri đã chín, chúng ta chỉ cần đổ ra và ăn cùng với cơm. Vậy là chúng ta đã hoàn thành một món ăn ngon miệng mà cực kỳ đơn giản và tiện lợi.
8. Mơ muối Umeboshi
Mơ muối hoặc cũng có thể gọi là mận muối, hay còn được gọi là Umeboshi, có màu đỏ và vị chua đặc trưng. Người Nhật bắt đầu làm Umeboshi từ thời Heian (749 - 1185) khi một vị hoàng đế thời kỳ này dùng chúng như một loại thức uống để giải độc. Trong thời kỳ Sengoku (1467 - 1603), các samurai sử dụng những quả mận ngâm trên chiến trường để làm thuốc giải độc và thức ăn. Phải tới thời kỳ Edo (1603 - 1868), Umeboshi mới bắt đầu trở nên phổ biến hơn và được ưa chuộng bởi mọi người, từ đó, chúng trở thành một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân nơi đây.
Umeboshi thường được muối vào tầm tháng 6 ~ 7 do đây là thời gian thu hoạch mận. Sở dĩ, chúng có màu đỏ vì người ta ngâm mận cùng với lá tía tô, sau đó đem muối và ủ trong 1 ~ 3 năm rồi sấy khô trước khi sử dụng. Chính vì vậy mà thời gian muối càng lâu, hương vị mận ngâm càng chua và mặn, chất dinh dưỡng cũng càng cao hơn.
Không chỉ là thức uống giải nhiệt vào mùa hè nóng nực, Umeboshi còn được dùng kèm với cơm trắng, làm nhân sushi. Thậm chí, chúng còn được dùng để trang trí trong những hộp cơm bento hay làm nước dùng cho mì udon.
9. Hạt vừng đen
Nghe thì có vẻ khá đơn giản và quen thuộc - hạt mè đen ( hạt vừng đen) , nhưng người Nhật lại rất thích sử dụng loại gia vị này trong các món ăn. Mè đen được rắc trên các bát cơm trắng, trong các loại nước sốt salad, và nước sốt tonkatsu - chuyên dùng cho món thịt heo chiên xù kiểu Nhật. Mè đen có vị ngậy, béo và thơm, chính vì vậy, chỉ cần kết hợp một lượng nhỏ mè đen thôi thì chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự khác biệt trong hương vị các món ăn.
Hơn nữa, mè đen còn là một loại gia vị được đánh giá rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là da và tóc, chúng được cho là giúp hệ tiệu hóa làm việc tốt hơn và còn chứa thành phần chống oxy hóa cho cơ thể. Những người ăn chay cũng thường xuyên sử dụng mè đen để chế biến và nêm nếm cho các món ăn.
10. Muối tinh
Đừng nhầm lẫn nhé, đây không phải là muối ăn mà hàng ngày chúng ta vẫn sử dụng đâu, muối tinh có tên là moshi, là dạng các hạt muối to và thô hơn so với muối ăn thông thường. Chúng được làm từ tảo biển hoặc rong biển chứ không phải theo cách sản xuất muối bình thường.
Ngày nay, chúng trở thành loại muối thượng hạng và cao cấp hơn nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn, vì vậy, dưỡng chất cung cấp cho cơ thể cũng tốt hơn. Du khách có thể thưởng thức khi rắc một chút với salad hoặc súp, các loại mì.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ