Một số quy tắc trên bàn ăn của người Nhật
Mục lục
1. Trước khi bắt đầu bữa ăn
2. Ăn bằng đũa (o-hashi)
3. Khi ăn cơm
4. Khi ăn sushi
5. Khi ăn mì nước
6. Quy tắc khi uống
7. Sau bữa ăn
Chúng ta thường nghe “Nhập gia tùy tục” - câu thành ngữ thể hiện phép ứng xử lịch sự khi ta đến bất cứ nơi nào không phải nhà mình. Ở mỗi địa phương đều có những quy tắc xử sự riêng và Nhật Bản cũng vậy, người Nhật Bản có những quy tắc rất đặc biệt trên bàn ăn mà chúng ta cần phải tuân theo khi đến đây. Mặc dù họ sẽ không quá đặt nặng những quy tắc này đối với người nước ngoài, nhưng để không “thất lễ” đối với người đối diện và tạo được thiện cảm giữa mọi người thì tốt hơn hết chúng ta vẫn nên tìm hiểu và chú ý những chi tiết nhỏ đó trong bữa ăn phải không nhỉ? Sau đây hãy cùng chúng tôi điểm qua một số quy tắc trên bàn ăn của người Nhật nhé:
1. Trước khi bắt đầu bữa ăn
Khác với Việt Nam hay các nước khác khi vào bàn ăn chúng ta thường tự ổn định chỗ ngồi thì tại Nhật Bản, khi vào bàn ăn, bạn hãy ngồi theo sự chỉ dẫn của chủ nhà hoặc cấp trên chỉ đạo. Hãy ngồi vào bàn khi được chủ nhà chỉ định “Hãy ngồi vào chỗ này” cùng câu nói “しつれいします”(shitsureishimasu) – nghĩa là “Tôi xin thất lễ”. Trong trường hợp không được chỉ định ngồi vào chỗ nào thì hãy đợi mọi người yên vị và ngồi vào chỗ cuối cùng nhé
Khi đi ăn tại các nhà hàng, trước khi bắt đầu ăn bạn sẽ được phục vụ những chiếc khăn ướt (được gọi là Oshibori) để lau tay sạch trước và trong khi dùng bữa. Chúng thường được làm bằng chất liệu vải, được làm ẩm bằng nước. Các oshibori thường cuộn hoặc gấp lại và đặt trên những chiếc khay để phục vụ cho khách hàng. Vào mùa đông sẽ có các Oshibori ấm và mùa hè khách hàng sẽ được phục vụ Oshibori lạnh.
Cũng giống như tại Việt Nam, nghi thức trước khi bắt đầu ăn cơm thì chúng ta phải mời cha mẹ, anh chị, mọi người trong gia đình ăn cơm rồi mới được dùng bữa. Tại Nhật Bản, qua từng thế hệ, người Nhật cũng luôn được dạy phải chắp tay và hơi cúi đầu nói “Itadakimasu” trước khi thưởng thức món ăn ở trước mặt họ để cảm ơn những động vật, thực vật đã phải đánh đổi mạng sống để được làm ra món ăn ngon và để cảm ơn những người nông dân, những người lao động đã tốn công sức góp phần làm nên món ăn. “Itadakimasu” có thể được hiểu là “Xin phép dùng ạ” hoặc “Cảm ơn vì món ăn”. Việc nói “Itadakimasu” là một cách nói đầy trang trọng và lịch sự, dần dần về sau câu nói này không còn ý nghĩa quá nặng nề nữa, khi đi cùng bạn bè nó có thể được dịch một cách gần gũi hơn là “Cùng ăn thôi”. Trong trường hợp đồ ăn của bạn chưa ra và bạn không muốn mọi người phải đợi mình thì hãy nói “Osaki ni douzo” (nghĩa là “Xin hãy cứ tiếp tục đi”). Nếu món cần ăn ngay mà những người khác chưa có đồ ăn thì bạn cần nói "osaki ni itadakimasu" (nghĩa là “cho phép tôi ăn trước nhé”).
2. Ăn bằng đũa (o-hashi)
Khác với việc các nước phương Tây dùng dao, nĩa để dùng bữa, Nhật Bản lại dùng đũa để ăn. Khi vào trong các nhà hàng được phục vụ đũa dùng một lần, bạn hãy tách đôi chúng để dùng thay vì chà đũa vì hành động đó là ám chỉ đôi đũa đó rẻ tiền. Đừng lo về những mảnh vụn khi tách đũa nhé vì chất lượng của những đôi đũa gỗ bây giờ đều rất tốt. Khi không dùng đũa nữa thì bạn hãy để đôi đũa của mình ngay ngắn lên dụng cụ gác đũa (hashioki) nhé. Khi đã dùng bữa xong, việc bạn gác đũa ngang miệng bát cơm mang ý nghĩa: “Cảm ơn vì bữa cơm, tôi xong rồi”.
Việc dùng đũa của người Nhật cũng có những nguyên tắc riêng mà bạn cần phải tuân theo như:
Trên bàn ăn, việc cấm kỵ của người Nhật là việc đôi đũa cắm thẳng lên bát cơm vì hình ảnh này chỉ xuất hiện trong việc thờ cúng nên nó không được phép xuất hiện trong bữa cơm.
Cần tránh việc truyền thức ăn từ đũa này sang đũa khác hay tránh việc hai đôi đũa cùng gắp một miếng thức ăn.
Đừng dùng đũa để kéo đĩa thức ăn gần về phía mình hoặc đẩy đĩa thức ăn ra xa. Đây có thể coi là hành động bất lịch sự trong bữa ăn, chưa kể nó còn có thể gây ồn do việc kéo lê đĩa thức ăn trên bàn và đĩa, mặt bàn có thể bị sứt mẻ. Nếu điều đó xảy ra thì thật là tệ đúng không? Nếu bạn muốn di chuyển chén đĩa, hay dùng tay nhấc chúng lên nhẹ nhàng và đặt vào nơi nào bạn muốn. Như vậy sẽ lịch sự và sang trọng hơn nhiều đó!
Việc dùng đầu đũa để xé, cắm xuyên qua thức ăn để gắp vào bát mình hay để kiểm tra xem thức ăn đã chín chưa cũng được coi là hành động khiếm nhã, thiếu tôn trọng người nấu.
Một hành động khá quen thuộc tại Việt Nam là dùng đôi đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người khác lại bị coi là mất vệ sinh với người Nhật, nên bạn hãy chú ý điều này nhé. Nếu muốn hãy dùng một đôi đũa mới để gắp cho họ.
Việc ngậm đũa trong miệng rồi dùng tay làm việc khác được coi là hành động rất xấu trong bữa cơm. Hashioki được đặt trên bàn ăn là để giúp bạn gác đũa để rảnh tay đó.
Các nghi thức khi dùng đũa của Nhật Bản có vô vàn nhưng cần chú ý một số điều cơ bản khi dùng đũa bên trên chúng tôi nhắc đến thì bạn sẽ trở thành một vị khách biết tôn trọng người đối diện thật lịch sự và trang trọng. Những việc trên cũng không quá khó để thực hiện, nên bạn hãy cố gắng nhé!
3. Khi ăn cơm
Ở Việt Nam bạn có thể thoải mái nói chuyện, cười đùa trong mâm cơm hay có thể vô tư gắp thức ăn cho người khác. Nhưng tại Nhật thì không như vậy, trong bữa cơm của họ có rất nhiều các quy tắc. Nếu không muốn những người ngồi ăn cùng bạn phải khó chịu thì bạn hãy chú ý những chi tiết nhỏ sau đây nhé:
Không để tay dưới chân, đùi mà hãy để tay lên bàn và khi ăn cũng đừng nhai chóp chép phát ra âm thanh lớn, hãy nhai một cách từ tốn, nhẹ nhàng và cũng đừng vừa nhai vừa nói. Như vậy sẽ rất bất lịch sự đó.
Đừng lấy thừa thức ăn vào bát mà hãy lấy ít một đủ ăn thôi, nếu lỡ lấy quá nhiều hoặc thức ăn không hợp khẩu vị thì bạn hãy cố ăn hết số thức ăn đã lấy vì việc bỏ thừa thức ăn bị coi là thiếu tôn trọng người đã nấu ra món ăn ấy.
Nếu muốn ai đó thử thức ăn của bạn thì hãy đặt nó ra đĩa để họ tự gắp chứ đừng gắp sang bát của họ hoặc gắp truyền đũa. Đây là hành động kiêng kị tại Nhật.
Khi ăn cơm, hãy cầm bát cơm trên tay thay vì để bát xuống bàn và cúi xuống để ăn. Người Nhật thường cầm bát lên cao vừa tầm miệng chứ không để quá cao hoặc quá thấp đâu, bạn hãy chú ý điều này nhé.
Người Nhật rất hạn chế việc để thức ăn ăn dở trên bàn vì vậy đừng cắn đôi thức ăn. Những miếng thức ăn được họ làm rất vừa miệng rồi nên bạn chỉ cần ăn trong một miếng thôi.
Đừng đổ nước tương vào thẳng bát cơm mà hãy đổ nước tương ra một bát riêng rồi chấm thức ăn vào những bát đó. Như vậy sẽ lịch sự hơn nhiều phải không?
4. Khi ăn sushi
Sushi là một món ăn phổ biến của Nhật Bản, được rất nhiều người biết đến, tuy nhiên thực tế thì không phải ai cũng biết ăn sushi một cách chính xác chuẩn Nhật Bản. Hãy cùng chúng tôi lướt qua những điều cơ bản khi thưởng thức món ăn đặc biệt này nhé:
Có nhiều người lầm tưởng rằng sushi chỉ được ăn bằng đũa nhưng thực ra món ăn này có thể dùng tay để thưởng thức, nhưng ngoại trừ Sashimi thì bắt buộc chỉ được sử dụng đũa thôi.
Đừng chấm ngập miếng sushi vào nước tương vì nó sẽ làm mất đi hương vị tinh tế vốn có của sushi, nước tương sẽ khiến các hạt gạo mất đi độ kết dính và khi đó bát nước tương sẽ rơi vãi đầy cơm trong đó khiến bát tương trở nên hỗn độn, mất ngon. Mẹo là hãy chấm nhẹ nhàng phần cá vào nước tương rồi thưởng thức hương vị hài hòa tuyệt vời của miếng sushi trong một lần ăn luôn nhé. Hãy nhắm mắt lại để cảm nhận được vị tươi ngọt của miếng cá, vị ngọt bùi của cơm hòa quyện với vị mằn mặn của nước tương cùng vị cay nồng của wasabi nhé.
Người Nhật thường ăn sushi theo thứ tự từ trình bày ngoài vào trong. Họ ăn các loại sushi có cá theo màu từ nhạt tới đậm để có thể thưởng thức hết hương vị của các loại cá khác nhau và để không bị lẫn vị thì sau mỗi lần ăn sushi họ sẽ ăn một miếng gừng ngâm màu hồng đẹp mắt.
Chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng cách ăn sushi là cho wasabi vào chung nước tương rồi chấm sushi phải không nào? Nhưng thực ra tại Nhật, họ sẽ để riêng wasabi, muốn ăn bao nhiêu thì họ sẽ lấy để lên miếng sushi rồi mới chấm vào nước tương. Nếu đến Nhật bạn vẫn giữ thói quen cho wasabi vào nước tương thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những cái nhìn hiếu kỳ về việc này lắm đó, nên hãy chú ý nhé!
5. Khi ăn mì nước
Cũng như phở tại Việt Nam, đối với Nhật Bản Ramen là một món ăn rất phổ biến. Không phải chỉ cần gắp mỳ cùng topping bỏ vào miệng rồi húp nước là được đâu, cách ăn mỳ nước ở Nhật Bản cũng có những “tuyệt chiêu” thưởng thức riêng đó.
Khi nhận tô mỳ, bạn đừng vội nêm nếm thêm gia vị vào tô mỳ vì hành động này được coi là thiếu ý tứ và thiếu tôn trọng người nấu, hãy thử một ngụm nước dùng trước và ăn một chút mỳ để xem hương vị như thế nào, mặn nhạt ra sao trước rồi hãy nêm gia vị tùy theo ý thích.
Khác với ăn phở, chúng ta sẽ gắp phở cùng các loại topping vào thìa rồi ăn cùng lúc để thưởng thức hương vị hòa quyện, thì cách ăn mỳ của người Nhật lại khác, họ chú trọng đến hương vị của từng loại nguyên liệu nên sẽ ăn mỳ riêng, topping riêng để hương vị của chúng không bị trộn lẫn.
Khi ăn mỳ, việc phát ra tiếng “rột rột” không còn là bất lịch sự nữa mà nó lại trở thành một cách thể hiện với đầu bếp rằng bạn đang thưởng thức tô mỳ rất ngon miệng. Vì vậy, khi ăn mỳ tại Nhật bạn đừng ngại ngùng nếu khi ăn tạo ra tiếng “rột rột” nhé.
Hãy cố ăn mỳ nhanh lúc còn nóng vì khi nguội tô mỳ sẽ trở nên mất ngon do sợi mỳ bị trương lên gây cảm giác ngấy. Nếu muốn làm thủ tục “sống ảo” trước khi ăn thì bạn hãy chụp thật nhanh và bắt tay vào thưởng thức mỳ ngay trước khi nguội.
Đừng câu nệ để chừa lại một vài thìa trong bát vì đối với người Nhật đó không phải phép lịch sự đâu, việc ăn hết sạch bát mỳ mới là được khuyến khích vì nó thể hiện việc bát mỳ này rất hợp khẩu vị của bạn. Để uống hết nước dùng trong tô, bạn có thể dùng thìa xúc hoặc cách phổ biến và dân dã hơn là hãy bê tô lên và húp nhé.
Với những mẹo nhỏ trên, hi vọng bạn có thể thưởng thức tô mỳ của mình một cách chuẩn Nhật Bản nhất.
6. Quy tắc khi uống
Khi uống, mọi người phải đợi người phụ trách, lãnh đạo,… uống trước. Mọi người sẽ cùng cạn chén sau khi người phụ trách nói tất cả mọi người “Cạn chén” hoặc “Xin cảm ơn tất cả mọi người”.
Khi uống, nên chú ý đừng uống cho tới lúc mọi người có mặt trên bàn ăn đã có đủ đồ uống. Lúc uống rượu, bạn hãy rót cho người khác nhiều hơn là rót cho mình. Bạn nên để ý xem cốc của người uống cùng mình đầy hay vơi, và rót thêm nếu cốc của họ sắp hết.
Nếu được người bề trên rót rượu bạn hãy cầm ly bằng hai tay, tương tự nếu bạn muốn rót rượu cho người bề trên thì hãy thể hiện sự kính trọng bằng cách cầm chai rượu bằng hai tay nhé. Cũng như Hàn Quốc, người Nhật Bản khi uống rượu cũng xoay lưng lại và sau đó mới uống thì sẽ thể hiện sự tôn trọng người ngồi cùng. Chắn hẳn bạn sẽ không muốn trở thành một người thất lễ đâu, nên hãy chú ý những điều trên nhé.
Tại các nhà hàng sang trọng, việc bạn say xỉn tại đây có thể coi là một hành động “kém sang” vì vậy hãy chú ý tửu lượng của mình, và đặc biệt đừng ép rượu, việc đó sẽ gây khó chịu cho người cùng bàn bạn đó. Nếu bạn không uống được rượu thì đừng ngại ngần nói và yêu cầu nhà hàng cung cấp các loại nước không cồn khác như nước lọc, nước ngọt hay trà,...
Việt Nam mình thường có thói quen uống bia đá hay pha nước ngọt với rượu, nhưng trái lại người Nhật rất thích uống bia, rượu nguyên chất nên khi ngồi tại bàn nhậu bạn đừng bỏ đá vào cốc bia hay pha loãng rượu nhé.
7. Sau bữa ăn
Sau khi đã ăn no, người Nhật sẽ cảm ơn người đã chuẩn bị bữa ăn cho mình bằng cách nói “Gochisousamadeshita” ( có nghĩa là “Cảm ơn vì món ăn”) việc nói như vậy sẽ giúp mọi người luôn ý thức về việc phải biết ơn người đã mời hay làm bữa ăn cho mình và cả những nguyên liệu giúp làm nên món ăn.
Sau khi ăn xong, bạn hãy xếp bát đũa lại theo trật tự ban đầu được dọn ra, úp lại nắp bát, gác đũa lên Hashioki.
Đối với người Việt Nam mình, ăn xong xỉa răng là chuyện hết sức bình thường, nhưng với phụ nữ Nhật, họ lại rất ngại việc xỉa răng trước mặt người khác, nên tăm sẽ được nhà hàng đặt tại nhà vệ sinh để phục vụ cho nhu cầu của họ. Vì vậy nếu bạn thấy tăm được đặt tại nhà vệ sinh thì đừng quá ngạc nhiên nhé.
Nếu vấn đề tiền tip cho các nhân viên phục vụ tại nhà hàng nếu như bạn hài lòng với bữa ăn là điều rất bình thường và phổ biến ở Việt Nam và một số quốc gia, thì ở Nhật Bản việc bạn hài lòng với bữa ăn sẽ được thể hiện qua việc bạn dùng hết thức ăn trên bàn chứ không phải bằng tiền tip. Đối với người Nhật, việc bạn để lại tiền tip có thể coi như một hành động thô lỗ và xúc phạm vì họ nghĩ rằng do mình không được trả công đầy đủ nên mới cần thêm tiền tip. Nếu như bạn cảm thấy biết ơn, thay vì tiền tip thì hãy giới thiệu bạn bè đến quán ăn nhé. Đúng như phong cách lịch sự, tinh tế của họ, người Nhật thường để lại những món quà nhỏ bé để thể thay lời cảm ơn và thể hiện sự đánh giá cao đối với thái độ của nhân viên phục vụ. Những món quà ấy thường là những tác phẩm gấp giấy nghệ thuật - được gọi là Origami Tip, đối với người Nhật, những món quà này đầy sự chân thành và ấm áp thay vì những tờ tiền thực dụng được để trên bàn đó. Thật ngọt ngào và ý nghĩa phải không nào?
Như vậy, bên trên đây chúng tôi đã điểm qua một vài những nguyên tắc quan trọng trên bàn ăn của người Nhật cho bạn. Những nguyên tắc này thật đặc biệt và có phần khác với cách ăn uống của Việt Nam mình phải không? Còn vô vàn những điều cần chú ý khác nữa nhưng chỉ cần ghi nhớ được hết những điều được liệt kê bên trong bài viết này thì chắc hẳn bạn đã sẵn sàng cho việc khám phá nền ẩm thực Nhật Bản với những món ăn hấp dẫn, đầy màu sắc của xứ sở hoa anh đào rồi đấy.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ