Ẩm thực Nhật
Ẩm thực

Hãy đến với ẩm thực tỉnh Kochi - mảnh đất không chỉ có rượu và cá

Mục lục
1.Tận hưởng vựa hải sản phong phú của Kochi
a. Shimizu saba: cá thu siêu tươi mà bạn thậm chí có thể ăn như sashimi!
b. Cá chình Moray có vẻ ngoài "cực chất", nhưng hương vị nhẹ nhàng và tinh tế
c. Cặp đôi hoàn hảo: Dorome và rượu sake
d. Kinmedai - Một thứ hải sản xa xỉ
2. Món ăn linh hồn của Kochi: Katsuo no Tataki
3. Thịt bò, lợn và gà chính hiệu địa phương
a. Tosa Akaushi (bò đỏ Tosa)
b. Thịt lợn Shimanto
c. Tosa Hachikin-Jidori: gà được nuôi tại địa phương
d. Gà Gomen Kenka Shamo
4. Trải nghiệm hương vị yuzu của Kochi!
5. Rượu sake của tỉnh Kochi có gì đặc biệt?

Kochi – vùng đất được thiên nhiên ban tặng những bãi biển xanh bao la, khí hậu ấm áp cùng vị trí địa lý thuận lợi đã tạo nên một mảnh đất giàu truyền thống về văn hóa và ẩm thực. Nơi đây vốn được mệnh danh là “thiên đường” của rượu và cá bởi những nguyên liệu tươi ngon, công thức chế biến truyền thống và hương vị đặc trưng mà du khách sẽ không tìm được ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng không chỉ có rượu và cá đâu nhé, Kochi còn có rất nhiều món ăn nổi tiếng khác mà chúng ta không thể bỏ qua khi ghé thăm mảnh đất này. Hãy cùng khám phá xem những món ăn đó là gì và điều gì đã tạo nên sự hấp dẫn của chúng nhé!

1.Tận hưởng vựa hải sản phong phú của Kochi
a. Shimizu saba: cá thu siêu tươi mà bạn thậm chí có thể ăn như sashimi!


©stock.adobe.com


Cá thu và cá mòi là một trong những loài cá lưng xanh được tiêu thụ nhiều nhất ở Nhật Bản bởi độ dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều công thức chế biến khác nhau. Đây là loài cá chuyên được đánh bắt ở ngoài khơi bờ biển của thành phố Tosashimizu, tỉnh Kochi về phía tây nam và đã trở thành một “thương hiệu nổi tiếng” với người dân nơi đây.

Để bảo đảm thịt cá không bị bầm tím hoặc hư hỏng, các ngư dân thường đánh bắt thành từng con một và thả vào khoang chứa chuyên dụng trước khi được đưa lên bờ. Với kỹ thuật đánh bắt như vậy, thịt cá thu luôn giữ được vị tươi ngon và không làm mất đi chất dinh dưỡng của chúng.

Thông thường, Shimizu saba sẽ được chế biến với những công thức nấu ăn phong phú như các món hầm hoặc chiên. Tuy nhiên, có một cách đặc trưng khác để thưởng thức món cá thu nổi tiếng này đó là ăn như sashimi vậy. Du khách sẽ cảm nhận được hết hương vị mềm mại của những miếng thịt cá tươi ngon mà không hề có vị tanh hay khó ăn chút nào. Ngoài ra, người dân địa phương địa phương hay chế biến Shimizu saba theo phong cách tataki – là phương pháp nướng sao cho mặt ngoài của những miếng cá khô lại nhưng bên trong thì vẫn giữ được sự mềm mại, tươi ngon và màu sắc hấp dẫn của chúng. Đây là phương thức chế biến đòi hỏi kỹ năng cũng như sự tập trung, sáng tạo của một người đầu bếp. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn hãy thưởng thức Shimizu saba với từng phong cách khác nhau để tự mình trải nghiệm điểm đặc biệt của chúng nhé!

b. Cá chình Moray có vẻ ngoài "cực chất", nhưng hương vị nhẹ nhàng và tinh tế


©Flickr/prilfish


©visitkochijapan.com


Utsubo hay còn gọi là cá chình Moray, đây là loài cá được mệnh danh là “anh cả” của vùng biển Nhật Bản bởi vẻ ngoài khá hung dữ, bộ răng sắc nhọn cùng với chiều dài cơ thể có thể lên tới 120cm. Tuy vậy, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng thịt của những chú cá này rất nổi tiếng vì độ thơm ngon cũng như hương vị tuyệt hảo mà chúng mang lại đấy. Mọi người thường nhận xét thịt của loài cá chình khá giống với thịt gà, nhưng độ dày của thịt lại không mất đi sự mềm mại, hương vị nhẹ nhàng, đậm chất “umami” – độ ngọt thịt chắc chắn sẽ không lẫn với bất kỳ món ăn nào. Hơn nữa, đây là nguyên liệu cung cấp một lượng collagen lớn chứa trong những lớp da của loài cá chình, vì vậy, đây là món ăn yêu thích của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ Nhật Bản.  

Tuy cá chình Moray có thể được đánh bắt rộng rãi trên các vùng biển Nhật Bản nhưng rất ít nơi thực sự biết cách chế biến và thưởng thức chúng ngoài tỉnh Kochi. Lý do chính là loài cá này chứa rất nhiều phần xương sắc nhọn, vì vậy, công đoạn chế biến và chuẩn bị đòi hỏi sự kỹ càng, tỉ mỉ , thời gian cũng như kỹ thuật cao. Ở Kochi, du khách có thể thưởng thức đa dạng các món ăn được chế biến từ Utsubo như các món chiên giòn, hay sashimi, phong cách tataki, hay một loại nước dùng nổi tiếng được gọi là "nikogori" .

c. Cặp đôi hoàn hảo: Dorome và rượu sake



©Flickr/pelican


Dorome là từ để chỉ các loại cá nhỏ thuộc họ cá mòi theo ngôn ngữ địa phương. Những loại cá này có kích thước rất nhỏ với chiều dài chỉ từ 1 tới 2cm và có thân hình trong suốt. Người dân địa phương sử dụng chúng để ăn sống với một loại nước sốt đặc biệt có tên là “nuta”. Để làm ra “nuta”, người ta trộn các loại rau củ và nêm nếm, ướp chúng với gia vị đặc trưng cùng với giấm miso.  

Một điểm đặc biệt của loại cá này là chúng sẽ mất đi sự tươi ngon trong thời gian rất ngắn, vì vậy, thời điểm tốt nhất để thưởng thức Dorome là ăn sống chúng ngay sau khi được những ngư dân đánh bắt cá trở về. Một sự kết hợp độc đáo mà được người dân địa phương gọi đây là “cặp đôi hoàn hảo”, đó là kết hợp rượu sake trong khi thưởng thức Dorome. Một chút hương vị đăng đắng, mềm mại và mằn mặn được hòa quyện một cách tuyệt vời, đã tạo nên một “cặp đôi ăn ý”. Có rất nhiều cách để chế biến Dorome với những tên gọi rất khác nhau. Dorome luộc được gọi là “kamaage chirimen” còn Dorome sấy được gọi là “chirimenjako”. Nếu như kamaage chirimen được ăn cùng với cơm thì ta sẽ gọi đây là món “Kamaage chirimen don” – món ăn rất được ưa thích bởi cả du khách và người dân địa phương.  

d. Kinmedai - Một thứ hải sản xa xỉ



©Flickr/City Foodsters


kinme-don ©Flickr/T.Tseng


Kinmedai hay còn được gọi là cá sơn đá đỏ hoặc cá rô mắt vàng, là loài cá rất đặc trưng với đôi mắt tròn và lớn màu vàng cùng với thân đỏ rực rỡ. Thành phố Muroto thuộc tỉnh Kochi là nơi tiêu thụ nhiều nhất loài cá này ở miền tây Nhật Bản, chính vì lý do đó, du khách có thể yêu cầu thưởng thức những món ăn được trực tiếp chế biến từ Kinmedai ở các nhà hàng nơi đây.  

Kinmedai có thể được ăn như sashimi hoặc chế biến thành các món hầm hoặc nướng. Cách thức phổ biến nhất là Kinmedai sẽ được nấu trong nước sốt teriyaki mặn ngọt, hoặc cắt thành từng miếng sashimi mỏng và dùng kèm với cơm trắng (gọi là kinme-don). Hương vị nhẹ nhàng và tinh tế là những cảm nhận cũng như là điều đặc biệt của các món ăn được chế biến từ loại cá này, đó là nhận xét của các du khách về trải nghiệm thực tế của họ khi tới nơi đây. Người dân địa phương có một thói quen là sau khi thưởng thức hết một nửa các món ăn được chế biến từ Kinmedai, họ sẽ trộn một loại nước súp đặc trưng cũng được làm từ Kinmedai vào phần còn lại của món. Tuy loài cá này có thể được ăn quanh năm nhưng thời điểm tuyệt nhất để thưởng thức chúng là vào giữa tháng 5 tới tháng 7.  

2. Món ăn linh hồn của Kochi: Katsuo no Tataki
Đến với trạm dừng chân của chuyến hành trình tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá món ăn được coi là “linh hồn” của người dân Kochi, món Katsuo no Tataki ( còn gọi là cá ngừ nướng)


©Flickr/BMR & MAM


Nguyên liệu: Những chú cá ngừ vằn tươi ngon, bổ dưỡng chắc chắn là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên linh hồn cho món ăn Katsuo no Tataki. Cá ngừ vằn chính là “họ hàng” có kích thước nhỏ hơn so với giống cá ngừ thường. Chúng thường sống ở vùng biển sâu nhưng thường xuyên bơi lội vào sát bờ, ngay ngoài khơi tỉnh Kochi. Chúng cũng thường bơi theo sau luồng đàn cá trích trôi theo dòng hải lưu Kuroshio. Tỉnh Kochi là nơi tiêu thụ cá ngừ vằn lớn nhất tại Nhật Bản, chính vì vậy mà kỹ thuật câu và đánh bắt cá tại nơi đây cũng rất phát triển. Điển hình là kỹ thuật truyền thống có tên “ipponzuri” (câu cá bằng sào) đã tồn tại 400 năm lịch sử và tiếp tục được phát triển cũng như sử dụng tới ngày nay. Đặc điểm nổi bật của phương pháp này đó là không làm tổn thương tới những chú cá ngừ, giúp đánh bắt chúng ở trong trạng thái tốt nhất, nhằm giữ được độ ngon, ngậy của thịt cũng như những chất dinh dưỡng mà chúng đem lại. Tuy có thể thưởng thức cá ngừ vằn quanh năm những thời điểm tốt nhất là vào đầu mùa hạ hoặc cuối thu.  

Cách chế biến: Có rất nhiều cách chế biến khác nhau với cá ngừ vằn, nhưng nổi tiếng và bổ dưỡng nhất có lẽ là cá ngừ nướng – Katsuo no Tataki.  

Kỹ thuật và cách chế biến Katsuo no Tataki sẽ làm bạn phải bất ngờ đấy! Cá ngừ sẽ được nướng sơ qua trong một thời gian rất ngắn, khoảng 90 giây, dưới một ngọn lửa lớn, sao cho phần cá bên ngoài được hun cháy và dậy mùi thơm nhưng phần thịt bên trong phải giữ được độ sống, mềm mại và màu sắc của thịt. Điều đặc biệt là cá ngừ phải được nướng trực tiếp trên ngọn lửa cháy bằng rơm thì mới tạo được hương vị đặc trưng truyền thống của Katsuo no Tataki.  

Để tăng thêm hương vị cho món ăn, người dân nơi đây sẽ dùng kèm thêm một loạt các gia vị đặc biệt như nước sốt ponzu – được làm từ trái cây chủ yếu là cam hoặc chanh, có vị mặn, cay, đắng, ngọt hòa quyện cùng nhau. Ngoài ra, rắc một chút muối lên món ăn cũng là cách làm nổi bật lên hương vị của món. Hoặc chúng ta có thể ăn kèm với tỏi, gừng và hành để tăng thêm mùi vị cho món.  

Không chỉ có Katsuo no Tataki, một số món ăn sau đây được chế biến từ cá ngừ vằn mà chúng ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Kochi:
Tosa-maki: Đây là món sushi cuộn trong rong biển, nguyên liệu gồm có cá ngừ nướng, tỏi sống và tía tô. Món ăn này phổ biến và gần gũi tới nỗi chúng được bán rộng rãi từ các siêu thị cho tới các nhà hàng cao cấp
Halambo: Cũng là cá ngừ nướng nhưng nguyên liệu chính được sử dụng là phần bụng cá ngừ được nướng với một chút muối. Đây cũng là món ăn được mệnh danh là “viên ngọc quý” bởi mỗi miếng bụng chỉ được lấy từ một con cá ngừ vằn.  
Bonito sashimi: Những miếng thịt cá ngừ thơm ngon, hồng hào với làn da xám bạc đặc trưng được dùng kèm với các gia vị như tỏi sống, hành lá, gừng, mù tạt và các loại rau sống đặc trưng sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những du khách yêu thích sashimi.  
Chichiko: Món ăn sử dụng những quả tim của cá ngừ làm nguyên liệu chính, chúng sẽ được luộc chín với vị ngọt và mặn hòa quyện, kết hợp với hương vị của tỏi, gừng và nước tương, hoặc sẽ được nướng với một chút muối  

Thưởng thức Katsuo no Tataki ở đâu nhỉ? Một nhà hàng đặc biệt cho phép thực khách được trải nghiệm trực tiếp cảm giác chế biến món cá ngừ nướng trên những ngọn lửa lớn được đốt bằng rơm trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 10. Tọa lạc trên một ngọn đồi cao với tầm nhìn hướng ra biển, Kuroshio Kobo là một trong những nhà hàng đặc biệt nhất tại Nakatosa – thị trấn ven biển nổi tiếng với phương pháp đánh bắt cá truyền thống “ipponzuri”. Đây cũng là nơi du khách có thể thưởng thức hương vị tươi ngon và đặc trưng nhất của món ăn được coi là “linh hồn tỉnh Kochi”. Còn gì tuyệt vời hơn khi được tự mình trải nghiệm cách chế biến món ăn rồi lại được thưởng thức chúng trong không gian bao la, thơ mộng của đất trời phải không? Ngoài ra, du khách có thể “đắm mình” thư giãn trong suối nước nóng Kuroshio Honjin, thuộc một nhà trọ nhỏ nằm trong khuôn viên nhà hàng.  

● Địa chỉ: 8009-11 Kure, thị trấn Nakatosa, tỉnh Takaoka Gun
● Điện thoại: 0889-40-1160
● Giờ mở cửa: 10:30 - 14 giờ chiều
● Chi phí: Khoảng 800 - 1.500 yên  
● Website: http://honjin.or.jp/en/kobo.html  

3. Thịt bò, lợn và gà chính hiệu địa phương
a. Tosa Akaushi (bò đỏ Tosa)


©visitkochijapan.com


Bò Tosa chỉ được chăn thả và sản xuất tại tại Kochi với số lượng nhất định, chỉ khoảng 500 con trên mỗi đàn, tương đương với 0.1% lượng gia súc ở Nhật Bản. Chính điều đó đã làm cho thịt bò nơi đây không chỉ nổi tiếng về độ ngon mà còn trở thành “ hàng hiếm” mà không nơi nào có được. Chất lượng và độ dinh dưỡng của thịt bò đỏ Tosa rất được đánh giá cao với độ mềm, vị ngọt tự nhiên của thịt, hương vị nhẹ nhàng mà không quá béo cũng như lượng dinh dưỡng mà chúng cung cấp. Theo nhiều người nhận xét, thịt của chúng có độ ngọt hơn gấp hai tới bốn lần so với thịt bò hảo hạng wagyu.  

Có rất nhiều cách thưởng thức và chế biến với loại thịt này, tuy nhiên, nổi tiếng nhất có lẽ là những món bít tết hoặc thịt nướng. Bạn sẽ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của chúng từ mùi hương, màu sắc món ăn cho tới hương vị tuyệt hảo mà chúng đem lại đâu. Ngoài ra, mỗi bộ phận của bò đỏ Tosa lại là nguồn cảm hứng và nguyên liệu hoàn hảo cho mỗi món ăn, ví như thịt vai thái lát sẽ là nguyên liệu không thể thiếu cho món lẩu “cao cấp” sukiyaki hay thịt sườn băm sẽ rất thích hợp cho những miếng bánh hamburger béo ngậy.  

b. Thịt lợn Shimanto



©visitkochijapan.com


Thị trấn Shimato, nơi có dòng sông nguyên sơ nổi tiếng nhất Nhật Bản – dòng sông Towaka (hay Shimato) chảy qua, được biết tới với những trang trại truyền thống của tỉnh Kochi. Nổi tiếng nhất phải kể tới là thương hiệu thịt lợn Shimato. Điều làm nên điểm khác biệt với những thương hiệu khác có lẽ là chế độ dinh dưỡng và những nguyên liệu đảm bảo để làm nguồn thức ăn cho những chú lợn nơi đây. Người dân nơi đây thường sử dụng hạt dẻ, khoai tây hoặc lúa mạch, thậm chí là những loại gạo nổi tiếng mà địa phương tự sản xuất là “niida-mai” để làm nên hương vị thịt thơm ngon, chất lượng với độ mềm, ngậy mà không quá béo của thịt lợn Shimato.  

Thưởng thức một món ăn đậm chất “truyền thống” với sự kết hợp quen thuộc gồm thịt lợn Shimato cùng với “những hạt ngọc vàng” của địa phương –“niida-mai” là sự lựa chọn không thể bỏ qua. Thịt lợn có thể nướng, hấp hay áp chảo với những miếng thịt thái lát mỏng được đặt bên trên những hạt cơm trắng, dùng kèm với các loại nước sốt đặc biệt có vị ngọt pha chút vị cay sẽ càng làm tăng thêm hương vị cho món ăn tuyệt hảo này.

c. Tosa Hachikin-Jidori: gà được nuôi tại địa phương


©visitkochijapan.com


Trong bảng xếp hạng 38 loại thịt gà địa phương ngon nhất tại nhật Bản thì có tới 8 trong số đó là thương hiệu thịt đến từ Kochi. Một trong số đó là thịt gà Tosa Hachikin-Jindori, đây giống gà lai, được nuôi và chăm sóc tại ngôi làng “thiên nhiên” Okawa. Một điều đặc biệt nhất ở loại gà này đó là chúng chứa rất ít chất béo, thậm chí những người ăn kiêng cũng có thể thoải mái thưởng thức.  
Người dân nơi đây thường chế biến các món hầm, chiên, xào hay nướng để thưởng thức trọn vẹn hương vị mềm mại, độ ngọt trong từng miếng thịt Tosa Hachikin-Jindori. Nhưng cách phổ biến nhất là nấu chúng với một chút muối và tương tataki để tạo nên sự hòa quyện đặc trưng của từng món ăn. Thậm chí những món súp được hầm từ xương gà Tosa Hachikin-Jindori cũng làm chiều lòng những thực khách khó tính nhất bởi độ ngọt “tự nhiên” từ tủy và xương gà. Hay một món ăn dân dã nhưng rất bổ dưỡng, cung cấp lượng collagen cao cùng với hương vị nhẹ nhàng, giúp chúng ta lấy lại cân bằng sau những bữa ăn chứa nhiều chất đạm – cánh gà hầm chính là sự lựa chọn tuyệt vời nhất.

d. Gà Gomen Kenka Shamo


©visitkochijapan.com


Thêm một sự lựa chọn nữa cho những du khách yêu thích thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt gà, đó là gà Gomen Kenka Shamo. Đây là giống gà thuần chủng của tỉnh Kochi, rất nổi tiếng về chất lượng và dinh dưỡng mà chúng đem lại, vì vậy, Gomen Kenka Shamo được xếp vào loại “hàng hiếm” của Nhật Bản. Lẩu shamo nabe là món ăn nổi tiếng và được yêu thích nhất bởi cả người dân địa phương và khách du lịch khi tới đây. Hương vị của gà hòa quyện với các loại rau xanh, nấm cùng với nước dùng nóng hổi, ngào ngạt hương thơm sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại nổi mà tận hưởng tới những “giọt cuối cùng” của món ăn. Hãy tới và ghé thăm thành phố Nankoku, nằm cách Kochi chỉ 20 phút di chuyển bằng tàu, để tận hưởng món lẩu shamo nabe nổi tiếng này trong các nhà hàng tại thành phố nhé.

4. Trải nghiệm hương vị yuzu của Kochi!


©Flickr/Edsel Little


“Con tàu ẩm thực” sẽ dừng chân ở ga tiếp theo, đưa du khách đến với hương vị tươi mát, bổ dưỡng của loại trái cây nổi tiếng ở Nhật Bản nói chung và Kochi nói riêng – quả yuzu.  
Vì sao yuzu tại Kochi lại trở thành loại quả phổ biến ở Nhật Bản?  
Yuzu là loại trái cây thuộc họ cam quýt, được trồng chủ yếu tại các nước Đông Á. Loại quả này có lớp vỏ sần sùi giống quả bưởi nhưng lại có màu sắc vàng ươm của cam và hương vị chua đặc trưng giống chanh. Khoảng 1.200 năm trước, chúng được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được mang tới Hàn Quốc và Nhật Bản để rồi trở thành loại trái cây không thể thiếu trong cuộc sống của người dân xứ Phù Tang. Một đặc điểm của loài cây này là chúng thích hợp phát triển ở các vùng miền núi hơn là các vùng ven biển có khí hậu ấm áp. Địa hình tỉnh Kochi lại có tới 80% là rừng, vì vậy, nơi đây là môi trường lý tưởng cho việc canh tác yuzu. Ngày nay, phần lớn các sườn đồi đều được bao phủ bởi loài cây này và nơi đây cũng trở thành mảnh đất sản xuất yuzu lớn nhất cả nước.  

Yuzu – nguyên liệu không thể thiếu trong các công thức chế biến món ăn tại Kochi.
Ở Kochi, yuzu là một nguyên liệu cực kỳ quan trọng không chỉ trong các công thức nấu ăn mà còn là cách chế biến, kết hợp cùng với các nguyên liệu chính khác. Chúng có thể được sử dụng như các loại nước ép, gọi là Yuzusu hoặc Yunosu, với hương vị tươi mát, thanh lọc và nhẹ nhàng như nước chanh vậy, hoặc có thể dùng để ướp như các loại gia vị cho thức ăn. Du khách có thể tìm mua dễ dàng yuzu từ những khu chợ địa phương hay trong các siêu thị lớn và nhỏ tại Kochi. Người dân Kochi “yêu mến” yuzu đến nỗi chúng được kết hợp với nhiều món ăn địa phương, thậm chí “có tên” trong thực đơn của các nhà hàng nơi đây.

Trong một món ăn truyền thống của địa phương là inaka-sushi (được coi như là sushi quốc dân), yuzusu được sử dụng thay cho giấm để trộn với cơm, sử dụng rau và nấm tươi thay thế cá. Yuzu được sử dụng “hoàn hảo” trong các món tráng miệng trong bánh kẹo, bánh ngọt và bánh quy. Vỏ của chúng cũng có thể được tận dụng để làm các loại mứt. Không những vậy, yuzu còn được biết tới là loại quả bổ dưỡng bởi những lợi ích mà chúng mang lại như:
● Giảm căng thẳng, mệt mỏi
● Làm giảm viêm
● Ức chế đông máu
● Tăng cường hệ miễn dịch
● Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
● Bảo vệ sức khỏe não bộ


Đồ uống được điều chế từ Yuzu


Yuzu Cocktail Smash


Chính vì sự yêu mến dành cho yuzu của người dân địa phương mà họ đã điều chế và sáng tạo ra nhiều loại đồ uống từ yuzu để tăng cường sức khỏe, cũng như làm thức uống giải khát trong những mùa hè oi nóng. Không chỉ được làm nước ép, yuzu còn là nguyên liệu không thể thiếu trong việc tạo sự cân bằng về hương vị của các loại rượu nổi tiếng, trong đó có shochu – rượu trắng “quốc dân” được lên men từ lúa mạch, khoai và gạo tại Nhật Bản.

Nước ép yuzu cũng được điều chế để tạo nên những loại nước ngọt yêu thích của giới trẻ, tùy từng công ty và xưởng sản xuất mà hương vị của từng nhãn hàng lại khác nhau. Có thể nói rằng, các loại đồ uống được chiết xuất từ yuzu phù hợp cho mọi người dùng, từ trẻ em tới người lớn và người cao tuổi. Đây chắc chắn là món quà đầy ý nghĩa dành tặng cho những người thân yêu và bạn bè với lời chúc và mong muốn sức khỏe đến với mọi người. Bạn có thể dễ dàng tìm mua các loại đồ uống này tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các cửa hàng tạp hóa trên khắp tỉnh Kochi.

Tour tham quan khám phá xưởng sản xuất và chế biến yozu
Tại làng Umaji, ngôi làng được mệnh danh là làng “yuzu”, du khách có thể tham quan và khám phá nhà máy sản xuất đồ uống được chế biến từ yuzu. Du khách sẽ được trực tiếp chiêm ngưỡng cách lấy nước ép từ quả yuzu rồi pha chế và sản xuất chúng thành những loại đồ uống khác nhau ngay tại nhà máy. Sau khi tham quan, hãy dừng chân và nghỉ ngơi trong sảnh để thưởng thức các đồ uống giải khát được đặc trưng và nguyên chất tại nơi đây.  

● Địa chỉ: 3888-4 Umaji, làng Umaji, Aki-gun
● Điện thoại: 0120-559-659
● Giờ tham quan: 8:30 - 17:00 (mở cửa quanh năm)
● Chi phí tour: Miễn phí

5. Rượu sake của tỉnh Kochi có gì đặc biệt?  


©visitkochijapan.com


Đôi nét về rượu sake Kochi  
Nhật Bản đã quá nổi tiếng với rượu sake truyền thống có tuổi đời lên tới hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, mỗi khu vực lại có một hương vị đặc trưng riêng khác nhau. Mọi người nói rằng, những yếu tố có tác động lớn nhất với rượu sake là đặc điểm khí hậu, nguồn nguyên liệu nấu rượu và nền ẩm thực của từng địa phương. Quá trình ủ rượu và lên men với rượu sake rất quan trọng, đòi hỏi lượng vi sinh vật phù hợp, tuy nhiên, khí hậu ấm và ẩm ướt tại Kochi không phải là điều kiện thích hợp cho công đoạn này. Vì vậy, các nhà máy sản xuất nơi đây phải thay đổi công nghệ để tạo ra loại rượu sake nguyên chất, nổi tiếng với độ “mạnh” của chúng. Bên cạnh đó, yuzu vốn là loại trái cây nổi tiếng tại Kochi nên việc kết hợp và pha trộn hương vị của nước ép yuzu với rượu sake đã làm nên hương vị đặc trưng riêng tại nơi đây.  

Sự kết hợp của rượu sake với các món ăn đặc trưng
Không riêng gì người dân Kochi mà ai trong chúng ta cũng đều có xu hướng thưởng thức rượu cùng với các món đồ nhắm khoái khẩu, được gọi là otsumami. Shuto là một trong những loại đồ nhắm điển hình, được chế biến từ bộ lòng của “ đặc sản Kochi” – cá ngừ vằn. Người dân nơi đây thường kết hợp Shuto với rượu sake địa phương, tạo nên một “bộ đôi hoàn hảo”. Bên cạnh đó, một “bộ đôi ăn ý” khác cũng đã được đề cập phía trên là Dorome kết hợp với rượu sake. Cuối cùng, một phương pháp truyền thống của người dân Kochi mà du khách khi tới thăm nơi đây nhất định không thể bỏ qua đó là sawachi-ryori. Các loại sashimi tươi ngon kết hợp với sushi, rau trộn và các loại gia vị đặc trưng khác sẽ tạo nên một hương vị hoàn hảo với độ mạnh nguyên chất của rượu sake truyền thống nơi đây.  

Cách thưởng thức rượu sake Kochi chính hiệu
Người dân Kochi rất tự hào về nền ẩm thực của họ, vì vậy, họ luôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, trong đó văn hóa uống rượu là một trong những phong tục vẫn được duy trì và tiếp nối bởi các thế hệ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thưởng thức rượu chính thống ở nơi đây là như thế nào nhé!

Kenpai / Henpai: Với ý nghĩa “kính trên nhường dưới”, đây là một trong những cách uống rượu truyền thống của Kochi. Đầu tiên, thành viên ít tuổi hơn của nhóm đổ rượu sake vào cốc và mời các bậc “tiền bối” trong nhóm. Thành viên lớn tuổi sẽ uống cạn cốc rượu được mời: đây gọi là “kenpa”. Sau khi uống hết rượu trong cốc, thành viên lớn tuổi sẽ đáp lễ lại bằng cách rót rượu và mới lại, gọi là “henpai”.

Bekuhai: Một phong tục hết sức thú vị trong việc thưởng thức rượu sake tại Kochi. Trong ba loại cốc uống theo phong cách Bekuhai sẽ được thiết kế hai lỗ nhỏ trong đó bạn phải chặn chúng bằng ngón tay của mình để rượu không đổ ra ngoài. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cả ba cốc đều được thiết kế để bạn không thể đặt cốc xuống cho tới khi tất cả rượu trong cốc được uống hết.  

Hashiken: Một trò chơi khởi động trước khi bị “phạt” uống rượu. Các “đối thủ” sẽ ngồi đối mặt nhau, mỗi người cầm 3 chiếc đũa sau lưng. Sau đó, mỗi người sẽ giơ cánh tay có giấu một số lượng đũa nhất định để đối phương đoán và tính toán tổng số đũa được giấu. Đương nhiên, người thua cuộc sẽ phải chịu hình phạt bằng cách uống hết một cốc rượu sake trước khi bắt đầu bàn tiệc. Ngày 1 tháng 10 được chọn là ngày rượu Sake Nhật Bản, và hàng năm giải đấu Tosa Hashiken cũng được tổ chức vào ngày này.

Tổng kết: Vậy là chúng ta đã kết thúc chuyến tàu khám phá ẩm thực đặc trưng của tỉnh Kochi. Hãy tự mình khám phá và trải nghiệm dấu ấn văn hóa thông qua nền ẩm thực truyền thống tại nơi đây nhé. Chúc bạn và người thân có một chuyến hành trình vui vẻ và tràn đầy ý nghĩa!


Bài viết liên quan