Tổng hợp bí quyết ăn đồ Nhật “đúng điệu”, thanh lịch mà vẫn thưởng thức được trọn vẹn vị thơm ngon!
Mục lục
1.Bắt đầu bữa ăn
2. Cách sử dụng đũa
3. Cơm
4. Onigiri
5. Natto
6. Súp miso
7. Gyoza
8. Món ăn kèm okazu
9. Tonkatsu
10. Hitsumabushi
11. Sashimi
12. Sushi
13. Tempura
14. Mì
15. Yakitori
16. Sukiyaki
17. Kết thúc bữa ăn
1. Bắt đầu bữa ăn
Nếu trong bữa cơm của người Việt Nam, chúng ta thường bắt đầu bằng việc mời mọi người ngồi cùng mâm ăn trước thì trong bữa cơm của người Nhật, họ sẽ nói “Itadakimasu” - “Tôi xin phép được ăn”. Trước khi ăn, họ luôn nói “Itadakimasu”, dù là trong bữa cơm thân mật với gia đình, bữa tối tại nhà hàng sang trọng hay trong buổi picnic ở công viên.
Vậy nói như thế nào mới là đúng cách? Đầu tiên, bạn sẽ chắp hai tay vào nhau, nói “Itadakimasu”, cúi nhẹ đầu rồi cầm đũa và bắt đầu ăn. Tùy theo hoàn cảnh, bạn có thể thực hiện một cách thật trang trọng, bình thường hoặc thân mật (không cần chắp tay).
Người Nhật có câu nói “Trong mỗi hạt gạo có bảy vị thần trú ngụ” để nhấn mạnh rằng mỗi mẩu thức ăn đều quý giá. Câu nói “Itadakimasu” được nói trước khi ăn ngụ ý rằng bạn sẽ ăn hết khẩu phần của mình. Các sinh vật đã gửi sinh mệnh vào bữa ăn nên chúng ta phải trân trọng chúng. Ý nghĩa sâu xa đằng sau “Itadakimasu” là sự biết ơn những thứ chúng ta nhận được và phải quyết tâm để tận dụng những gì đang có.
2. Cách sử dụng đũa
Trong các bữa ăn ở nhà hàng Nhật, chủ quán thường đặt đũa lên những chiếc kê đũa be bé xinh xinh. Nếu bạn đang ăn mà muốn dừng lại, hoặc muốn chuyển sang uống thì bạn nên đặt đũa lại lên đồ kê đũa. Trong trường hợp không có đồ kê, hãy xếp đũa lại ngay ngắn trên đĩa hoặc bát của bạn.
Ngoài việc đặt đũa vào đúng vị trí trên bàn ăn, người Nhật cũng chú trọng cách cầm và sử dụng đũa sao cho thật lịch thiệp. Dưới đây là cách cầm đũa “đúng chuẩn” Nhật:
- Thông thường thì bạn nên dùng tay phải để cầm đũa, kể cả khi bạn thuận tay trái.
- Giơ tay phải ra như thể bạn chuẩn bị bắt tay ai đó.
- Để một chiếc đũa nằm giữa ngón cái và ngón trỏ, lưu ý cầm gần đầu lớn của đũa.
- Từ từ nắm chặt, bẻ cong ngón đeo nhẫn và ngón út xuống phần còn lại của đoạn giữa đũa rồi cầm chiếc đũa thứ hai.
- Cầm chiếc đũa thứ hai như thể bạn đang cầm bút và dần dần nắm chặt nó. Đặt ngón giữa dưới chiếc đũa thứ hai.
- Giữ chiếc đũa đầu tiên thật chặt trên ngón cái, rồi chuyển chiếc đũa thứ hai bằng ngón trỏ và ngón giữa để gắp thức ăn.
Dù quy tắc sử dụng đũa là như thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là được ăn uống thật thoải mái Vậy nên, bạn không cần phải quá câu nệ hình thức và có thể sử dụng đũa giống như khi ở Việt Nam nhé!
3. Cơm
Nhật Bản được mệnh danh là quê hương của lúa gạo nên cơm trắng cũng được coi là một phần quan trọng và giữ vai trò chính xuyên suốt các bữa ăn của người Nhật. Bát cơm được đặt trên một bàn tay và phần đế sẽ được đỡ bằng ba đến bốn ngón. Tay còn lại dùng để cầm đũa gắp từng phần cơm và ăn. Bát ăn sẽ không được đưa lên sát miệng nhưng vẫn phải giữ một khoảng cách nhất định để đảm bảo các hạt cơm không vô tình rơi ra ngoài. Bạn sẽ bị coi là bất lịch sự nếu đưa bát cơm lên môi để cho cơm vào miệng.
Bạn có thể trộn cơm với gia vị gạo khô (furikake), rong biển khô (ajitsuke nori) hoặc các loại gia vị gạo, rau khác (tsukudani) nhưng không được đổ nước tương, mayonnaise, tương ớt hoặc dầu ớt trực tiếp vào bát cơm của mình.
4. Onigiri
Cơm nắm onigiri là những nắm cơm với nhân có nhiều hương vị phong phú, và từ lâu đã được người Nhật coi là một món ăn tiện lợi. Phần nhân có thể là cá ngừ với sốt mayonnaise béo ngậy, trứng cá tuyết, thịt gà hoặc bò cùng vô vàn loại nhân khác. Onigiri thường được biết đến với vẻ ngoài là một nắm cơm hình tam giác, có thể nhìn rõ gạo và các gia vị trộn lẫn trong đó như gia vị rắc cơm furikake, muối, vừng (mè),... được bọc trong một tấm rong biển khô. Cửa hàng tiện lợi bán onigiri các loại với giá chỉ từ 100 đến 200 yên. Họ sử dụng một phương pháp gói đặc biệt để không phá vỡ hình dạng trong quá trình vận chuyển, có thể bạn sẽ thấy hơi khó khăn để bóc ra lúc đầu nhưng lại vô cùng dễ nếu lần lượt làm theo các con số 1, 2, 3 ghi trên bao bì. Có một loại cơm nắm đặc biệt là temakizushi, sau khi bóc theo thứ tự như bình thường, hãy tháo lớp vỏ bọc phủ rong biển bên phải rồi chuyển cơm nắm sang để kéo nốt phần bên trái, cuối cùng cuộn cơm với phần rong biển lộ ra. Đối với onigiri không có rong biển bọc ngoài, bạn chú ý đừng bóc hết lớp vỏ bọc ra để tránh tình huống bị cơm dính vào tay nhé!
5. Natto
Natto là món đậu tương lên men có mùi vị và cách thưởng thức khá đặc biệt trong số những món ăn truyền thống của Nhật Bản. Món này chứa rất nhiều lợi khuẩn và chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tuy nhiên lại khá khó ăn bởi có mùi vị nồng mạnh và kết cấu dính đặc trưng. Vì vậy những người chưa từng thử natto chắc chắn sẽ thấy ngần ngại và bối rối khi lần đầu tiếp xúc. Vì là một trong những món ăn hàng ngày phổ biến ở Nhật, Natto được bày bán trên khắp các siêu thị và cửa hàng tiện lợi dưới dạng hộp ăn liền với giá chỉ 30 yên. Dưới đây là cách thức thưởng thức natto thuận tiện và đúng chất Nhật Bản nhất:
- Đầu tiên, mở hộp natto, lấy gói nước sốt đặc biệt và mù tạt Nhật Bản ra.
- Cẩn thận bóc lấy tấm màng bọc bên trong hộp natto.
- Dùng đũa trộn đều hộp natto, trộn càng đều thì những hạt đậu sẽ càng kết dính và ngon miệng hơn.
- Sau đó, xé 2 gói sốt và mù tạt ra rồi đổ lên natto, tiếp tục trộn đều 1 lần nữa. Khi bạn cảm thấy rằng kết cấu của natto đã mềm hơn, hãy dùng thêm lực và trộn chúng theo chuyển động tròn khoảng 50 lần.
- Nếu muốn, có thể thêm một chút topping như hành lá, trứng ốp la, nước tương để tăng thêm khẩu vị hoặc đơn giản hơn là ăn natto với cơm trắng theo đúng truyền thống của người Nhật.
Đừng ngại gì mà hãy mạnh dạn ăn thử natto một lần nhé! Nhất định hương vị đặc biệt này sẽ khiến bạn không thể quên và biết đâu bạn sẽ nhanh chóng yêu thích món ăn độc đáo này.
6. Súp miso
Súp miso, hay còn được gọi là “miso shiru” trong tiếng Nhật, là món ăn thường xuất hiện trong các bữa cơm truyền thống của người Nhật. Khi ăn, người Nhật sẽ đặt bát súp nhỏ trên một bàn tay với bốn ngón đỡ đế bát và ngón cái đặt thật thoải mái ở cạnh bát. Khi húp canh trong bát súp, bạn sẽ thường phải đỡ bát bằng cả hai tay. Để ăn các thành phần khác trong súp miso, bạn nên sử dụng đũa, nhưng vẫn phải cầm bát bằng một tay và nâng lên gần miệng giống như khi ăn cơm trắng.
7. Gyoza
Gyoza là một món ăn Nhật Bản không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được rất nhiều người trên thế giới yêu thích. Gyoza tương tự như món sủi cảo, có phần nhân được làm từ thịt lợn xay, bắp cải, hành lá, hẹ và các loại gia vị khác, bọc bên ngoài là một lớp vỏ bột mỏng. Điều làm nên hương vị sống động của món ăn này nằm ở cách chế biến của người Nhật, họ có thể nướng, rán, rán ngập mỡ hoặc hấp, luộc. Những chiếc bánh sủi cảo nhỏ bé và giản dị nhưng đậm đà hương vị này luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ với tất cả mọi người.
Dù đây là một món ăn khá đơn giản nhưng để thưởng thức nó theo đúng phong cách Nhật Bản bạn cần ghi nhớ một vài lưu ý nhỏ sau. Thứ nhất, khi dùng bữa tại nhà hàng sẽ luôn có một chiếc đĩa nhỏ được mang ra cùng phần ăn gyoza mà bạn đã chọn để đựng nước chấm. Tùy theo khẩu vị của mình, thực khách có thể tự kết hợp nước tương với dầu ớt Rayu hay chút giấm để tạo nên một đĩa nước chấm phù hợp, thông thường 1:1 là tỷ lệ giấm và nước tương tiêu chuẩn. Hương vị sống động của món gyoza một phần nằm ở chính sự kết hợp vô cùng hài hòa giữa những chiếc sủi cảo và nước chấm này.
Tiếp theo, khi chấm miếng gyoza hãy dùng đũa gắp từng miếng và để phần vỏ mềm tiếp xúc với nước tương, như vậy mới có thể nếm trọn vị giòn của phần vỏ được nướng cháy xém. Ngoài ra, đừng cắt hoặc tách miếng gyoza bằng đũa trước khi ăn, điều này sẽ làm giảm đi vị thơm ngon bên trong miếng bánh. Vì bánh gyoza thường rất nóng nên hãy cẩn thận để không bị bị bỏng, nếu bạn không thể ăn hết tất cả trong một miếng thì hãy chia làm hai lần cắn và nhớ đừng để phần còn lại xuống đĩa mà hãy giữ nguyên trên đũa nhé!
8. Món ăn kèm okazu
Một bữa ăn điển hình của người Nhật thường bao gồm vài món ăn kèm khác nhau. Trong tiếng Nhật, việc dùng đũa gắp thức ăn từ đĩa gọi là “jikabashi”. Các đĩa thức ăn được đặt nguyên trên bàn, bạn sẽ không đưa chúng lên gần miệng mà dùng đũa để chia nhỏ và gắp trực tiếp vào bát.
Trong một số trường hợp, món ăn kèm được đựng trong một chiếc bát hoặc đĩa lớn để phục vụ cho cả một gia đình. Nếu có dụng cụ dành riêng cho từng món ăn thì hãy dùng chúng để gắp thức ăn vào bát của mình. Nếu không có dụng cụ riêng, bạn có thể dùng đầu còn lại của đũa để gắp thức ăn. Nếu ăn cùng gia đình hoặc bạn bè thân thiết, bạn không cần câu nệ trong việc gắp thức ăn bằng cách nào cả.
9. Tonkatsu
Tonkatsu là miếng thịt lợn cốt lết được tẩm bột và chiên giòn, món ăn thường xuất hiện trong bữa trưa tiêu chuẩn của người Nhật. Tonkatsu thường được ăn kèm nước sốt tonkatsu (loại sốt làm từ rau củ, trái cây, muối, đường, dấm và một số loại gia vị khác), bắp cải thái sợi và cơm trắng. Lớp vỏ giòn rụm và hương vị thơm ngon của món ăn sẽ lan tỏa trong miệng ngay khi bạn cắn vào miếng thịt. Nếu muốn thay đổi vị nước sốt, bạn có thể thêm vào một chút karashi - mù tạt Nhật hoặc mù tạt kiểu Tây.
10. Hitsumabushi
Hitsumabushi là món ăn nổi tiếng của vùng Nagoya, gồm miếng lươn nướng ở trên cơm trắng ăn cùng nước sốt ngọt. Một suất ăn hitsumabushi thường bao gồm các bát riêng rẽ, trong đó có một bát đựng cơm lươn với rong biển phủ trên cùng, một bát đựng đồ muối, một bát đựng nước dùng và một bát rỗng. Dưới đây là bốn bước để ăn hitsumabushi theo ba cách khác nhau.
Bước 1: Dùng thìa hoặc shamoji ( một loại muỗng đặc biệt để xới cơm) chia nhỏ thức ăn trong bát thành bốn phần. Lấy một trong bốn phần và đặt vào chiếc bát rỗng. Sau khi cho vào bát, bạn có thể thưởng thức món ăn.
Bước 2: Sau khi ăn xong, bạn tiếp tục cho một phần khác vào chiếc bát nhỏ. Nhưng không giống lần trước, bạn sẽ cho thêm gia vị và các loại đồ muối tùy thích, trộn lên và ăn.
Bước 3: Lần này, bạn sẽ lấy tiếp một phần khác cho vào bát, nhưng không chỉ trộn cơm cùng gia vị mà còn chan thêm nước dùng vào cơm. Ở một số nhà hàng, người ta phục vụ nước trà thay vì nước dùng thông thường để tạo nên sự khác biệt!
Bước 4: Với phần cơm lươn còn lại, bạn có thể tùy ý ăn theo một trong ba cách đã hướng dẫn ở trên. Đây cũng chính là mục đích của việc chia suất ăn ban đầu thành bốn phần, để sau khi thực khách ăn thử theo nhiều cách thì vẫn có thể thưởng thức lại một lần nữa theo cách họ thích nhất. Người Nhật nghĩ ra cách thưởng thức món hitsumabushi quả là độc đáo và thú vị phải không các bạn?
Cách ăn hitsumabushi
11. Sashimi
Sashimi là một món ăn truyền thống đặc biệt, được xem như tinh hoa của nền ẩm thực Nhật Bản. Hương vị tươi ngọt của những lát hải sản tươi sống sashimi không chỉ nằm trong bàn tay điệu nghệ đầy kỹ thuật của người đầu bếp mà còn được hoàn thiện trọn vẹn bởi cách thưởng thức tinh tế, đúng điệu của các vị thực khách.
Vì nguyên liệu tạo nên sashimi đều là những loại hải sản vô cùng hảo hạng nên người Nhật thường ăn nó vào đầu bữa để tận hưởng trọn vẹn nhất hương vị tinh túy, tươi ngon. Những loại đồ ăn kèm không thể thiếu trong món sashimi phải kể đến là wasabi, sốt shoyu, củ cải Nhật cắt sợi daikon, lá tía tô và gừng hồng gari. Trong đó wasabi là phần rất quan trọng, nó có tác dụng kích thích vị giác, tăng hương vị cho món ăn và diệt các loại vi khuẩn hại trong đồ sống, hỗ trợ tiêu hóa. Theo phong cách Nhật Bản, cách ăn sashimi đúng nhất là dùng đũa lấy một chút wasabi đặt lên miếng gỏi sống, sau đó chấm vào sốt shoyu thay vì cho trực tiếp mù tạt vào đĩa nước chấm. Cách làm này sẽ giúp ta giữ lại được toàn bộ hương thơm và vị cay đặc trưng của mù tạt. Tuy nhiên những người không quen với vị cay nồng của mù tạt hoàn toàn có thể bỏ qua bước này và tiếp tục thưởng thức hương vị tươi ngọt của các loại hải sản sống. Sau khi kết thúc món ăn, một chút gừng non ngâm muối chua sẽ giúp bạn khử sạch các hương vị trong miệng để sẵn sàng cho những món ăn tiếp theo.
12. Sushi
Các bạn độc giả Japagazine chắc không còn xa lạ gì với món sushi nổi tiếng của Nhật Bản. Từng miếng sushi được xếp gọn gàng trên một chiếc đĩa cùng với nước tương và wasabi là hình ảnh quen thuộc trong các nhà hàng Nhật. Trước khi ăn, bạn sẽ dùng một chiếc khăn nóng lau tay để đảm bảo vệ sinh khi dùng tay cầm thức ăn. Tại sao không nên dùng đũa gắp mà phải dùng tay để cầm sushi? Vì khi dùng tay, bạn có thể hạn chế việc phá hỏng hình dạng đẹp đẽ của chiếc sushi do các đầu bếp nghệ nhân tạo ra.
Để thưởng thức món ăn, bạn chỉ cần cầm một miếng sushi chấm vào nước tương rồi đưa vào miệng nhai. Nếu muốn thêm wasabi, hãy dùng đũa để cho một chút wasabi lên trên miếng cá và thưởng thức. Bạn tuyệt đối không nên trộn wasabi vào nước tương. Hãy cố gắng ăn hết sushi trong một lần duy nhất (nếu có thể) vì việc chia đôi miếng sushi là một điều khiếm nhã đối với vị đầu bếp đã dành hết tâm huyết để tạo ra miếng sushi hoàn chỉnh cho bạn. Bạn có thể dặn trước đầu bếp làm miếng sushi nhỏ hơn để phù hợp với bạn. Điều lưu ý nữa là hãy ăn gừng giữa các miếng sushi để làm sạch miệng nhé!
13. Tempura
Tempura - món hải sản hay rau củ tẩm bột chiên là một trong những món ăn phổ biến và được yêu thích nhất ở Nhật Bản. Món này thường được ăn với Ten-tsuyu, một loại nước chấm được làm từ nước hầm dashi, nước tương và rượu gạo ngọt (mirin) hoặc đơn giản hơn là với một chút muối. Nếu ăn cùng Ten-tsuyu, hãy nhớ thêm vào bát nước chấm của mình một chút củ cải bào (daikon) và gừng tươi bào trước khi thưởng thức. Còn nếu món tempura bạn chọn được phục vụ cùng một đĩa muối thì chỉ cần nhẹ nhàng chấm miếng tempura vào đó hoặc rắc một vài hạt lên trên.
Thứ tự ăn tempura cũng rất quan trọng. Ở các nhà hàng Nhật Bản, người đầu bếp thường sắp xếp những miếng tempura trên đĩa ăn tổng hợp theo thứ tự những món nhẹ như rau củ và tôm ở phía trước, những món nặng hơn như lươn Anago ở phía sau, vì vậy hãy nhớ ăn theo thứ tự từ trước ra sau để có thể thưởng thức trọn vẹn từng nấc thang hương vị tempura. Đặc biệt, hãy ăn tempura ngay khi vừa làm xong, nếu để lâu món ăn sẽ nhanh chóng trở nên nguội và mất đi lớp vỏ giòn rụm hấp dẫn.
14. Mì
Trong ẩm thực Nhật Bản, có nhiều loại mì và mỗi loại sẽ được ăn bằng một cách khác nhau. Mặc dù người Nhật rất hạn chế phát ra tiếng ồn trong khi ăn nhưng mì là một trường hợp ngoại lệ. Theo quan niệm của người Nhật, bạn phải húp sụp soạt khi ăn mì thì mới gọi là ăn ngon được. Dưới đây là cách ăn một số loại mì phổ biến ở Nhật:
- Mì nóng chan nước dùng sẽ được đựng trong một chiếc bát lớn. Bạn cần sử dụng đũa để gắp mì và một chiếc thìa lớn để múc nước dùng.
- Mì lạnh thường được xếp trên đĩa phẳng hoặc trên chiếc sàng bằng tre, với một bát nhỏ riêng biệt đựng nước dùng. Nước sốt được rót vào chén nhỏ và người ta sẽ nhúng mì vào nước sốt để thưởng thức. Chênh lệch nhiệt độ giữa nước dùng nóng và mì lạnh khiến nhiều người thích thú. Điều quan trọng nhất ở đây là bạn phải nhanh chóng đưa mì vào miệng, vì nước dùng sẽ nguội đi nếu ăn trong thời gian quá lâu. Bạn có thể thêm củ cải bào, wasabi hoặc hành xanh tùy thích.
- Một loại mì lạnh khác được bày trong chiếc bát nông với nhiều topping và rưới nước chấm tsuyu lên trên. Bạn có thể dùng đũa để gắp thức ăn trực tiếp từ trong bát.
15. Yakitori
Yakitori là thịt hoặc các bộ phận khác của gà được xiên vào que tre rồi tẩm gia vị và nướng trên lửa nóng. Thông thường, chúng được quét thêm nước tương trong khi nấu để giữ độ ẩm và mềm. Hương vị nước tương được thêm gia vị với gừng, tỏi, hẹ và rượu sake. Món ăn này là một sự kết hợp hoàn hảo với đồ uống có cồn như bia lạnh hoặc rượu. Yakitori được phục vụ trong nhà hàng lẫn các xe đồ ăn dọc đường phố.
Để ăn yakitori theo cách ngon nhất có thể, bạn nên bắt đầu với các loại đồ ăn nhẹ trước, từ nhẹ đến nặng. Ví dụ, bắt đầu với sasami (thịt gà thăn), một miếng thịt tươi mát, sau đó chuyển sang phần gan, mề gà, và các món ăn khác, từ từ tăng độ sâu của hương vị theo thời gian. Tất nhiên bạn cũng có thể ăn bất cứ loại nào bạn muốn và theo bất kỳ thứ tự nào. Người ta nói rằng cách ăn yakitori ngon nhất là ăn ngay khi thịt vẫn còn ở trên xiên. Đừng thử dùng đũa kéo đồ ăn ra khỏi xiên nếu không chúng sẽ hạ nhiệt và giảm mất vị ngon.
Ngoài ra, bạn có thể cho thêm các gia vị khác vào món yakitori của bạn như ớt cayenne, shichimi, sansho (hạt tiêu Nhật Bản), mù tạt, hạt tiêu đen và các loại gia vị khác. Tuy nhiên, bạn không nên cho hương liệu vào món yakitori ngay khi chúng vừa mới được nướng xong. Đối với các đầu bếp, món yakitori khi vừa được bỏ ra khỏi vỉ nướng đã có hương vị trọn vẹn nhất. Để không làm mất lòng họ, hãy thử một phần yakitori mà không thêm gia vị rồi sau đó, bạn có thể gia giảm tùy thích.
Sau khi ăn xong, bạn có thể đặt xiên đã sử dụng vào một chiếc cốc hoặc hộp đặt sẵn trên bàn. Nếu bạn không chắc chắn đó là hộp đựng xiên, chỉ cần hỏi người bán hoặc nhân viên nhà hàng, họ sẽ chỉ cho bạn.
16. Sukiyaki
Sukiyaki là món lẩu nguyên bản của Nhật Bản gồm thịt bò thái mỏng được nấu trên một chiếc chảo khá nông. Món ăn này được biết đến với hương vị mặn ngọt cân bằng vừa phải của đường và nước tương. Bên cạnh thịt bò còn có hành lá, các loại nấm, đậu phụ, mì và các thành phần khác. Khi ăn cần chú ý đừng nấu thịt bò quá kĩ, nếu không thịt sẽ trở nên dai và mất đi hương vị vốn có nhé!
Cách ăn sukiyaki thay đổi từ vùng này sang vùng khác ở Nhật Bản. Tại Kansai, người ta vẫn nướng thịt trên chảo trước để lấy dầu mỡ ra khỏi thịt, sau đó cho rau vào và tận dụng nước để làm nước dùng, cuối cùng thêm đường, nước tương và các gia vị khác. Mặt khác, ở miền đông Nhật Bản (Kanto), thịt bò không được nướng trước. Thay vào đó, một loại nước sốt được làm từ sự kết hợp của nước tương và một loại nước sốt có tên warishita sẽ được đổ vào chảo, sau đó mới thêm thịt bò và rau. Sau khi nấu chín, bạn sẽ phải nhúng các nguyên liệu vào một bát nhỏ với trứng đánh, đưa vào miệng và thưởng thức hương vị tươi mới.
Mặc dù cách chuẩn bị món ăn khác nhau, nhưng cách để kết thúc bữa ăn đều giống hệt nhau. Một khi các nguyên liệu đã được ăn hết, mì udon được bỏ vào phần nước dùng còn lại, vị ngọt, cay và mặn của món súp rất hợp với mì. Hãy để sợi mì udon chìm đắm trong phần nước đậm đà, ngon ngọt còn lại của sukiyaki. Bạn cũng có thể thay mì bằng cơm bởi cơm trắng khi kết hợp cùng cũng đem lại cho bạn cảm giác ngon miệng.
Cách ăn sukiyaki
17. Kết thúc bữa ăn
Để lại thức ăn là điều đặc biệt tối kỵ trong văn hóa Nhật Bản. Việc không ăn hết phần ăn của mình không chỉ lãng phí mà còn bị xem là rất khiếm nhã đối với những người đã vất vả làm ra những món ăn ấy. Đó chính là lý do vì sao những phần ăn ở Nhật thường rất nhỏ nhắn và vừa phải phù hợp với khẩu phần tiêu chuẩn của mọi người. Vì vậy hãy cân nhắc trước khi gọi món và ăn hết những gì mình gọi nhé!
Sau khi hoàn thành bữa ăn của mình, hãy nhẹ nhàng xếp lại bát đũa như lúc ban đầu bằng cách úp lại nắp bát, đặt đũa lên thanh gác đũa hoặc vào giấy bao. Người Nhật thường kết thúc bữa ăn bằng cách chắp tay lại và nói “Gochisou sama deshita!” - “Cảm ơn về bữa ăn!” để thể hiện sự biết ơn và trân trọng đối với những người đã cất công chuẩn bị bữa ăn và cả những người nuôi trồng các loại nguyên liệu, thực phẩm giúp ta có cơ hội được thưởng thức những món ăn vô cùng hấp dẫn.
Bài viết liên quan
Bài viết gần đây
-
Du lịch Obihiro với những trò chơi hấp dẫn
-
Bunraku - Nghệ thuật múa rối độc đáo của Nhật Bản
-
Tận hưởng không khí bốn mùa tại Hasedera - một ngôi chùa đầy hoa ở Nara
-
7 địa điểm tận hưởng bốn mùa ở yoshino
-
Huis Ten Bosch - Vương quốc ánh sáng lớn nhất thế giới ở Nagasaki
-
Những bãi biển xinh đẹp nhất Nhật Bản không thể bỏ lỡ